| Hotline: 0983.970.780

Một gia đình quá cực khổ vì bệnh tật

Thứ Bảy 03/03/2018 , 07:01 (GMT+7)

Sinh được 5 người con thì 4 người bị tàn tật. Người cha chỉ có một chân suốt mấy chục năm qua vẫn phải lao động quần quật để nuôi sống gia đình.

Rồi khi người cha ngã bệnh nằm liệt giường khiến cả gia đình càng lâm vào hoàn cảnh khốn đốn. Đó là gia đình ông Nguyễn Văn Thịnh (SN 1947) ở đội 3, thôn Phù Trì, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội.
 

5 người con, 4 người bị bệnh tật

Dù đã được biết trước về hoàn cảnh của họ qua những lời kể của người dân nơi đây, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngậm ngùi khi tới thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thịnh. Bên trong căn nhà mái ngói xập xệ với nhiều mảng tường đang bị bong tróc là hình ảnh những con người với khuôn mặt khắc khổ, dị dạng...

10-27-28_ong-nguyen-vn-thinh-bi-cut-mot-chn-tu-nho-ben-cnh-3-nguoi-con-benh-tt-ngo-nghech-cu-minh
Gia đình ông Nguyễn Văn Thịnh

Bà Nguyễn Thị Tường (vợ ông Thịnh) thở dài: “Khổ lắm các chú ạ. Nhà tôi toàn người ốm đau, bệnh tật và mất sức lao động. Nhà nghèo, không có tiền đi bệnh viện chữa trị nên bệnh tình mỗi ngày càng nặng hơn”.

Hướng ánh mắt về phía người chồng liệt nửa người do tai biến, bà Tường tiếp tục kể: “Chồng tôi bị mất một bên chân từ năm 4 tuổi. Khi đó, ông ấy theo mẹ đi làm đồng, bị mảnh bom văng trúng. Bà mất ngay lúc đó, còn chồng tôi được đưa đi cấp cứu và sống với một bên chân từ đó đến giờ".

Bà Tường tâm sự, ngay từ khi còn trẻ, bà cũng không được khỏe mạnh như những cô gái khác. Hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của nhau, năm 1972, hai ông bà nên duyên vợ chồng. Năm 1973, cô con gái đầu khỏe mạnh chào đời là niềm vui vô bờ của hai vợ chồng. Thế nhưng, hạnh phúc quá ngắn ngủi với ông bà khi 4 người con tiếp theo đều không được bình thường như những đứa trẻ khác. Các con của ông bà, người bị thiểu năng trí tuệ, người bị dị tật bẩm sinh, bệnh tật khắp người khiến cuộc sống của gia đình rơi vào bế tắc.

Bà Tường cho biết, trong 4 người con bị khuyết tật của vợ chồng bà, có 2 người được nhận trợ cấp 350.000 đồng/tháng/người. Còn lại, để duy trì cuộc sống, vợ chồng bà, người cụt chân, kẻ ốm yếu phải gồng mình đi làm thuê, làm mướn để xoay xở từng bữa cơm ăn hàng ngày cho các con. Năm 2015, chồng bà không may bị tai biến mạch máu não dẫn đến liệt nửa người. Từ đó đến giờ, ông Thịnh không tự vận động được mà phải có người giúp đỡ, mọi sinh hoạt vệ sinh cá nhân.

10-27-28_hng-ngy-b-tuong-chm-soc-nguoi-chong-bi-cut-mt-mot-chn-tu-nho
Bà Tường chăm sóc ông Thịnh

Đang trò chuyện, thấy các con kêu đói, bà Tường liền dọn cơm ăn. Từ dưới căn bếp tuềnh toàng, dột nát, người đàn bà khắc khổ ấy bưng lên một mâm cơm, bên trong chỉ vỏn vẹn một bát canh rau dền và một bát nước mắm. Nhìn cảnh cả gia đình ngồi xổm trên nền nhà ăn vội bữa cơm cho qua cơn đói khiến chúng tôi không khỏi xót xa.
 

Bệnh tật hành hạ vì không có tiền chạy chữa

Trong lúc các con đang ăn cơm, bà Tường tiếp tục giãi bày tâm sự. Bà bảo, cô con gái lành lặn duy nhất trong nhà đã đi lấy chồng. Hoàn cảnh gia đình bên chồng cũng khó khăn nên dù muốn cũng không thường xuyên giúp đỡ bố mẹ và các em được.

Khi chúng tôi thắc mắc thiếu một thành viên trong mâm cơm, bà Tường giải thích, người con út tinh thần luôn trong tình trạng không ổn định nên dù đã ngoài 30 tuổi nhưng vẫn như một đứa trẻ lên 3. “Nó cứ đi lang thang suốt ngày, khi nào đói thì về nhà ăn cơm hoặc có khi không về. Nhiều lúc tôi phải đi tìm về vì sợ con chạy ngoài đường nhiều xe cộ đi lại, chẳng may bị xe đâm phải thì khổ”, bà Tường tâm sự.

Sống chung với một bên mắt bị dị tật từ khi mới sinh ra, chị Nguyễn Thị Văn - con gái thứ hai của bà Tường luôn phải chịu những cơn đau nhức hành hạ, nhất là khi trái gió trở trời. Ngồi xoa bên mắt dị tật, chị Văn nghẹn ngào: “Từ ngày khối u to lên vướng víu khó chịu lắm. Giờ càng ngày nó càng sưng to, gần "ăn" hết con mắt rồi. Lúc nào cũng ong hết nửa đầu bên trên. Tôi cũng muốn được chữa bệnh lắm nhưng nhà nghèo, không có tiền nên đành chịu chứ biết làm thế nào”.

10-27-28_chi-con-mot-mt-nhin-mo-chi-vn-vn-phi-co-gng-lo-sinh-hot-cho-c-nh
Chị Văn bị khối u che hết cả mắt phải

Anh Nguyễn Văn Nghệ, con trai thứ 3 của bà Tường hiện đã mù cả 2 mắt, cũng phải sống chung với các mụn cơm chi chít trên cơ thể. Các nốt mụn cơm khiến anh luôn ngứa ngáy, khó chịu. Cách đây không lâu, anh Nghệ phải nhập viện cấp cứu vì căn bệnh hậu sởi. Tuy nhiên, cũng chỉ được vài hôm, gia đình đã phải “xin” anh về vì không đủ tiền đóng viện phí.

"Nhà tôi nghèo lắm, hàng ngày tôi vẫn dắt Văn đi mò cua, bắt ốc. Có lần vì say nắng, ngất xỉu tưởng chết rồi. Thế mà vừa khỏe lại thì hết cấy gặt lại lội ao, mò cua cá để cải thiện bữa ăn gia đình. Nhiều lúc trong nhà không có nổi đến 10.000 đồng, phải nấu cháo canh rau bí cho cả gia đình ăn qua ngày", bà Tường sụt sùi.

Ông Nguyễn Xuân Thể - Trưởng thôn Phù Trì cho biết: “Gia đình ông Thịnh nhiều năm nay đều nằm trong danh sách hộ nghèo. Hoàn cảnh rất đặc biệt khi cả nhà đều ốm yếu, mắc bệnh khó chữa. Tôi rất mong các nhà hảo tâm giúp đỡ, ít nhất là để họ vượt qua nỗi đau bệnh tật”.

10-27-28_bu-com-so-si-dm-bc-cu-gi-dinh-chi-co-bt-cnh-ru-den
Bữa cơm của gia đình ông Thịnh

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về ông Nguyễn Văn Thịnh ở đội 3, thôn Phù Trì, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội; hoặc Tuần san Kiến thức gia đình (số 14 Ngô Quyền, Hà Nội, ĐT: 024.38256492 - 0983.970780), chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

(Kiến thức gia đình số 9)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm