| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 31/10/2017 , 07:10 (GMT+7)

07:10 - 31/10/2017

Một kết luận làm 'ấm lòng' ông Hoàng Khải (Khaisilk)

Đã bán 4 chiếc, còn tồn 56 chiếc. Giá niêm yết sản phẩm là 644.000 đồng/chiếc, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng.

Sử dụng hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, gắn mác Việt Nam bán với giá cắt cổ không chỉ cho người tiêu dùng của Khaisilk là vụ việc nghiêm trọng bởi mấy lẽ.

Thứ nhất, đây là hành vi làm hàng giả, lừa dối người tiêu dùng để vụ lợi.

Thứ hai, gián tiếp tiếp tay cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp của một nước láng giềng vốn có nhiều thế mạnh.

Thứ ba, đặc biệt nghiêm trọng bởi nó làm ảnh hướng rất lớn đến cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, một công cuộc mà Đảng, Nhà nước và doanh nhân Việt Nam đã mất nhiều năm gầy góp, xây dựng.

Vụ việc này còn rất nghiêm trọng bởi nó là hành vi có tổ chức, kéo dài nhiều năm (30 năm) như chính lời ông chủ Khaisilk Hoàng Khải từng thú nhận.

Trước sự việc này, ngay lập tức, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu xác minh, làm rõ và xử lý theo thẩm quyền. Đây là việc làm đáng ghi nhận của lãnh đạo Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, theo Báo cáo số 3009/BC-QLTT gửi Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, kết quả kiểm tra cửa hàng KhaiSilk số 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) cho thấy, do sơ suất trong quản lý, trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20/10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc Made in China sau đó khâu nhãn KhaiSilk Made in Việt Nam để bán cho khách hàng.

Tổng số hàng hóa cơ sở đã mua về và thay nhãn là 60 chiếc, đã bán 4 chiếc, còn tồn 56 chiếc. Giá niêm yết sản phẩm là 644.000 đồng/chiếc, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng.

Như vậy là theo nội dung bản kết luận của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, việc gắn mác sản xuất tại Việt Nam vào hàng Trung Quốc không phải là từ 30 năm theo lời “thú nhận” của ông Hoàng Khải mà chỉ bởi “nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20/10” và đây không phải là có ý đồ, tổ chức mà bột phát, “nhân viên cửa hàng đã tự ý”.

Về số lượng chỉ có 60 chiếc, đã bán 4 chiếc.

Chao ôi! Với kết luận này, có lẽ nó đã làm “ấm lòng” những người vi phạm, đặc biệt là với ông chủ Khaisilk Hoàng Khải.

Song, ĐB Dương Trung Quốc đã chua chat thốt lên… lỗi cậu đánh máy. Nguyên văn ông Quốc nói: "Tôi biết câu chuyện đó rồi. Chẳng khác gì câu chuyện cái gì cũng đổ cho thằng đánh máy”.

Người xưa có câu: “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng”. Xác định việc này chả dám “dạy đĩ vén váy” bởi với trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của các nhà quản lý thị trường, sự thật sẽ được làm rõ “trong giây lát”.

Vấn đề là tại sao lại có một báo cáo làm “ấm lòng người vi phạm” như vậy?

Để làm rõ vụ việc, đề nghị Bộ Công Thương vào cuộc, thậm chí mời cả lực lượng Công an làm rõ.

Nếu tìm thấy có sự khuất tất của bản báo cáo, cần phải nghiêm trị “tác giả” theo pháp luật vì Nhân dân trao quyền và bỏ tiền nuôi họ là để bảo vệ quyền lợi người dân chứ không phải “nuôi ong tay áo”, tiếp tay cho gian thương, làm hại đất nước.

Thông tin mới nhất trong vụ Khaisilk, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường chỉ đạo đơn vị chức năng chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Công an Thành phố Hà Nội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Bình luận mới nhất