| Hotline: 0983.970.780

Một khu văn hóa kỳ lạ!

Thứ Tư 01/03/2017 , 13:15 (GMT+7)

“Khu văn hóa núi Bài Thơ” thuộc phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh là công trình chào mừng 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh rất quy mô và hoành tráng.

Số vốn đầu tư xây dựng hơn 90 tỷ đồng. Nơi đây có di tích lịch sử văn hóa bài thơ của vua Lê Thánh Tông cho khắc trên vách đá hơn 500 năm, đã trở thành di sản văn hóa của tỉnh. Nhưng thật kỳ lạ, công trình văn hóa này lại đầy rấy cái sai đến nực cười.
 

Lục quân là... 6 sư đoàn?

Ngay cổng vào khu văn hóa này là một tấm bình phong bằng đá. Mặt trước khắc ghi chữ Hán bài thơ của chúa Trịnh Cương hoạ bài thơ Lê Thánh Tông. Mặt sau đối diện với đền thờ có khắc bài chữ Hán gọi là thơ Lê Thánh Tông.

14-40-15_nh-1
Lục quân là 6 sư đoàn?
 

Bài thơ vua Lê Thánh Tông cho khắc trên vách núi có 2 phần: Phần lạc khoản có 49 chữ bằng văn xuôi; phần thơ theo luật có 56 chữ - thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Vậy mà, những người làm quản lý văn hóa ở Quảng Ninh đã tự tiện bỏ hẳn phần lạc khoản 49 chữ. Chưa hết, phần cuối lại tù tiện thêm chữ: “Ngự chế Thiên Nam động chủ”. Đọc nội dung phần thơ có tới 5 chữ sai lệch. Vì đây là phần nguyên tác chữ Hán nên trong bài chúng tôi xin không nêu cụ thể. Nguyên văn khắc trên núi không có đầu đề, trong sách “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn viết là “Đề Truyền Đăng sơn”, có nghĩa là Bài thơ đề trên núi Truyền Đăng.

Điều đáng nói là, phần phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa bài thơ ra chữ Quốc ngữ bên dưới khiến người đọc phải bật cười vì… quá lỗi. Nguyên tác bài thơ được ghi lại trong “Đại Nam nhất thống chí” như sau: “Quang Thuận cửu niên, xuân nhị nguyệt, dư thân xuất lục quân duyệt vũ ư Bạch Đằng giang thượng”. GS Nguyễn Huệ Chi (Viện Nghiên cứu Văn học) tạm dịch như sau: “Mùa xuân, tháng 2 năm Quang Thuận thứ 9 (1468), ta thân đem sáu quân duyệt võ trên sông Bạch Đằng”.

Còn “Khu văn hóa núi Bài Thơ” sử dụng bản dịch như sau: “Vào năm Quang Thuận thứ 9, nhân dịp mùa xuân tháng 2, trẫm dẫn 6 sư đoàn tập trận trên sông Bạch Đằng…”. Làm sao “lục quân” lại quy đổi thành “6 sư đoàn” được?

TS Phạm Văn Ánh (Viện Nghiên cứu Văn học) giải thích: Lục quân thời xưa thì quân là đơn vị quân đội, cổ xưa. Theo phiên chế nhà Chu thì một vạn hai nghìn năm trăm (12.500) người là 1 quân. Thiên tử có sáu quân, gọi là lục quân, còn như nước lớn thì có ba quân gọi là tam quân.

“Trong văn cảnh này, sáu quân là ý nói quân thiên tử, cho nó sang thôi. Chúng ta chỉ nên hiểu là vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi duyệt võ, chứ không thể quy đổi lục quân thành 6 sư đoàn được”, TS Ánh nói.
 

Thư pháp... Lệ rơi

Năm 2010, tỉnh Quảng Ninh đã khởi công công trình “Khu văn hóa núi Bài Thơ”, năm 2013 công trình hoàn thành tổng mức đầu tư trên 92 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, xã hội hoá và các nguồn huy động hợp pháp khác. Trong khuôn viên xây dựng một ngôi đền có tên gọi “Truyền Đăng sơn từ”, tạm hiểu theo nghĩa của chữ là đền thờ núi Truyền Đăng.

14-40-15_nh-2
Thư pháp… Lệ rơi

 

Nhưng khi du khách bước vào trong đền thờ thấy 3 bức hoành phi đều đặt… lạ lùng. Theo luật bố trí hoành phi thì vế bằng phải đặt bên phải, vế trắc phải đặt bên trái nhưng ở đây lại đặt ngược chiều. Các chữ viết trên hoành phi đều được lấy từ phông chữ vi tính hóa theo lối chữ Lệ (Lệ thư). Song, thợ làm cũng không thực chuẩn như mẫu. Nhà thư pháp Xuân Như (Vũ Thanh Tùng) bình luận: “Đó là thư pháp… Lệ rơi)!

Chưa hết, bài thơ Lê Thánh Tông khắc trên vách núi từ năm 1468, hiện nay rất khó xem. Du khách đến tham quan núi Bài Thơ vẫn chưa nhìn thấy bản nguyên tác chuẩn xác. Còn bên dưới có 3 bia đá. Một bia ghi lại bản chữ Hán bài thơ của vua Lê Thánh Tông nhưng lại sai lệch tới 14 chữ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ năm 1990 Hội VHNT Quảng Ninh đã phát động tìm nguyên tác thơ Lê Thánh Tông. Tới ngày 2/2/2012 tại Liên hoan thơ châu Á ở Hạ Long, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh khi đó là ông Phạm Minh Chính và ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã công bố văn bản nguyên tác chuẩn xác bài thơ sau khi tham vấn ý kiến nhiều nhà khoa học ở các cơ quan nghiên cứu. Vậy mà không hiểu vì sao, “Khu văn hóa núi Bài thơ” lại tùy tiện đưa vào sử dụng nhiều văn bản sai sót đến lạ lùng như hiện nay?

Vừa mới đây, ngày 29 tháng Giêng năm Đinh Dậu, tại “Khu văn hóa núi Bài thơ”, Hội đồng họ Lê Việt Nam và Hội đồng họ Lê tỉnh Quảng Ninh trang trọng tổ chức kỷ niệm 520 năm ngày giỗ vua Lê Thánh Tông. Về dự lễ giỗ có đoàn đại biểu Hội đồng họ Lê khắp ba miền đất nước. Là một thành viên dòng họ Lê, ông Lê Đồng Sơn, nguyên Trưởng phòng VH-TT thị xã Quảng Yên (người được địa phương đánh giá là “nhà Quảng Yên học”) đề xuất: Tỉnh Quảng Ninh nên đổi tên “Khu văn hóa núi Bài thơ” thành đền thờ vua Lê Thánh Tông thay cho đền núi Truyền Đăng.

Đừng để mang tiếng quê hương minh

“Khu văn hóa núi Bài Thơ hàng ngày có đông đảo khách quốc tế đến tham quan họ sẽ nói gì về nền văn hoá Việt Nam trên đất Quảng Ninh này? Thời thế đổi thay chữ Hán nay không được thông dụng như trước nữa mà chữ Quốc ngữ mới là chữ phổ thông của dân tộc ta. Cho nên tốt nhất là dùng chữ Quốc ngữ.

Nếu muốn lưu giữ chữ Hán cổ xưa thì phải cho phiên âm và dịch nghĩa ghi bằng chữ Quốc ngữ thì con cháu Việt Nam chúng ta mới đọc được và khỏi mang tiếng là ta mù chữ cha ông trên chính quê hương mình” - Ông Vũ Anh Tuấn, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long.

 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất