| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 16/10/2014 , 08:55 (GMT+7)

08:55 - 16/10/2014

Một kiểu làm nhục học trò

Ông hiệu trưởng trường THCS Phong Hiền (huyện Phong Điền, TT-Huế) cứ đến lễ chào cờ thứ hai hằng tuần lại cho "bêu" tên những học sinh chưa nộp các loại “phí”.

Ngày 14/10/2014, nhiều cơ quan thông tin đại chúng đồng loạt lên tiếng phản ánh nỗi bức xúc của phụ huynh và học sinh trường Trung học cơ sở (THCS) Phong Hiền (thuộc huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế) về một kiểu hành xử “có một không hai” của ông hiệu trưởng.

Đó là vào giờ chào cờ buổi sáng thứ hai hằng tuần. Những học sinh chưa nộp các loại “phí”, bị nhà trường cho bêu tên dưới cờ. Bêu rõ rằng học sinh đó tên gì, bao nhiêu tuổi, địa chỉ ở đâu, đang học lớp nào…

Điều đáng lưu ý là mặc dù UBND tỉnh và ngành giáo dục tỉnh TT-Huế đã có văn bản cấm các trường lạm thu vào đầu năm học, nhưng trường THCS Phong Hiền, một trường trọng điểm quốc gia, vẫn đặt ra đến 18 khoản thu, trong đó có những khoản hết sức vô lý như quỹ vi tính (72.000 đồng/em); quỹ điện, nước cho nhà trường (45.000 đồng/em); tiền làm bồn hoa, cây cảnh (50.000 đồng/em); quỹ bồi dưỡng học sinh giỏi (40.000 đồng/em); học trái tuyến (200.000 đồng/em)…

Riêng với những học sinh trái tuyến này, mức thu 200.000 đồng/em, được nhà trường cho biết rằng dùng để xây… nhà vòm. Học sinh nào không nộp sẽ bị đuổi học, trả học bạ về địa phương. Chưa kể một số khoản thu khác ông hiệu trưởng chỉ thông báo miệng mà không lập thành văn bản cụ thể hay không có bảng kê chi tiết nào.

Tất cả các khoản thu, tổng cộng lên đến hàng triệu đồng, được nhà trường gọi bằng cái tên rất đẹp là “huy động tự nguyện”. Rất nhiều học sinh nghèo, không đào đâu ra những khoản phí “trên trời” ấy, nên đến nay vẫn chưa nộp được. Và thế là ông hiệu trưởng đã nảy ra “sáng kiến” như trên.

Với mỗi học sinh, buổi chào cờ sáng thứ hai hằng tuần có ý nghĩa rất thiêng liêng. Đứng dưới cờ Tổ quốc, các em hứa làm theo 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng, hứa sẽ rèn luyện để trở thành một công dân có ích cho xã hội, không phụ công sinh thành, nuôi dưỡng của bố mẹ.

Không phụ công dạy dỗ của thầy, cô. Vào học đến cấp THCS, là các em đã bắt đầu có ý thức về nhân phẩm, danh dự của mình. Thế nên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, thì sau khi bị bêu tên dưới cờ, cảm thấy bị xúc phạm, nhiều em đã về nhà khóc lóc, đòi bỏ học hoặc chán học do tủi hổ. Chất lượng học tập giảm sút hẳn đi.

“Huy động tự nguyện”, nghĩa là với những khoản “phí” đó, học sinh nào có tiền thì đóng góp, không có tiền thì thôi. Kể cả có tiền mà học sinh không “tự nguyện” đóng góp, cũng chẳng sao cả. Người tự nguyện và người không tự nguyện đều được đối xử bình đẳng như nhau, đều được nhận lòng thương yêu của thầy cô dưới cùng một mái trường.

Nhưng miệng nói là “tự nguyện” mà lại bêu tên những học sinh chưa đóng góp dưới cờ, là một cách cưỡng đoạt tài sản. Cưỡng đoạt bằng hình thức hạ nhục những đứa trẻ mà tâm hồn của chúng còn đang như những tờ giấy trắng.

Bằng cách làm ấy, là nhà trường đã dạy ngay cho các học trò của mình một bài học rất sinh động về dùng sự gian manh, dối trá, lá mặt lá trái, nói một đằng làm một nẻo, để đạt kỳ được mục đích cuối cùng, là bắt bố mẹ chúng phải lòi những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi nước mắt ra cho những khoản thu giời ơi đất hỡi.

Không chỉ thế, ông hiệu trưởng còn biến trường học, nơi lẽ ra chỉ có kiến thức, tình yêu thương và tính nhân văn, thành một nơi thấm đẫm mùi tiền và sự lạnh lùng, thô bạo.