| Hotline: 0983.970.780

Một kiểu làm sách ẩu

Thứ Năm 14/12/2017 , 08:22 (GMT+7)

Thượng tướng Bùi Văn Huấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị còn sống mà trong sách viết ông mất từ năm 2009.

Đó là cuốn sách “Năm Dậu: Sự kiện - Nhân vật & Người tuổi Dậu” của Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp do NXB Thông tin & Truyền thông ấn hành, in xong và nộp lưu chiểu quý IV/2016.

09-01-15_nm_du_-_bi
Cuốn sách “Năm Dậu: Sự kiện - Nhân vật & Người tuổi Dậu”

Theo như lời giới thiệu của tác giả thì công trình hoàn thành với sự hợp tác của 2 đơn vị là Trung tâm dịch thuật dịch vụ Văn hóa và Khoa học công nghệ (CTCS) - thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Viện Nghiên cứu truyền thông Văn hóa dân tộc. Trong bài viết, chúng tôi chỉ nêu ra những lỗi sai về nhân vật lịch sử của cuốn sách này.
 

Người còn sống, sách viết... chết từ 2009

Trang 83 viết về Thượng tướng Bùi Văn Huấn như sau: “Bùi Văn Huấn (1945 - 2009): Quê ở xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ông là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, được Nhà nước phong quân hàm Thượng tướng và nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng (2001 - 2011), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (2006 - 2011). Đồng thời, trong ảnh chân dung in kèm cũng đề: Bùi Văn Huấn (1945 - 2009).

Nếu viết như những người soạn sách này thì có nghĩa là Thượng tướng Bùi Văn Huấn… đã mất. Mà mất từ năm 2009. Tuy nhiên, nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) năm 2015, Thượng tướng Bùi Văn Huấn còn về thăm và giao lưu với trường Tiểu học Hội An (xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) nơi ông từng học tập. Trước đó, tháng 9 năm 2014, Thượng tướng Bùi Văn Huấn còn tham gia đoàn hơn 160 thành viên ra thăm quần đảo Trường Sa. Đó là lần thứ 6 ông ra với Trường Sa.

Tôi đã gọi điện liên hệ với Thượng tướng Bùi Văn Huấn (hiện sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh) thì ông vẫn trò chuyện với tôi bình thường, chứ không phải liên hệ qua… nhà ngoại cảm nào.

09-01-15_nm_du_-_bui_vn_hun
Trang 83 viết về Thượng tướng Bùi Văn Huấn

Trang 158, viết về ông Khuất Duy Tiến không đầy đủ. Tiểu sử của ông mới chỉ đến “trong kháng chiến chống Pháp”. Vậy sau năm 1954 ông không có lý lịch ư? Mà ông sống đến năm 1984 mới mất. Các tác giả còn lấy mốc năm sinh của ông Khuất Duy Tiến là 1909. Chúng tôi không rõ căn cứ vào tài liệu nào, còn chúng tôi có CMND của ông do Công an Hà Nội cấp (năm 1980), ghi rõ: ông Khuất Duy Tiến sinh ngày 1 tháng 3 năm 1910.

Trang 57 viết về Nguyễn Bính (1525 - 1605) như sau: “Danh sỹ triều Lê Trung hưng. Ông quê xã Sơn Đồng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Ông làm quan dưới triều đình Lê - Trịnh đến chức Hàn Lâm viện Đại học sĩ, làm việc ở Bộ Lễ, phụ trách chỉnh lý và biên soạn các thần tích trong cuộc kê khai, xét duyệt và phong thần tích, thần phả của các làng vào năm 1572”.

Huyện Đan Phượng có 16 đơn vị hành chính (1 thị trấn, 15 xã) nhưng không có xã Sơn Đồng. Còn xã Sơn Đồng là thuộc huyện Hoài Đức. Viết về nhân vật Nguyễn Bính, có đầy đủ cả tiểu sử năm sinh năm mất lẫn quê quán, theo TS Hán Nôm Nguyễn Hữu Mùi, chuyên gia về thần tích ở Việt Nam, cho biết là… không có cơ sở.

Trang 78, viết về nữ sĩ Sầm Phố (1885 - 1975) cho biết bà là mẹ của “Tạ Quang Thế (Nhà báo Quang Đạm)". Nhà báo Quang Đạm, tên khai sinh là Tạ Quang Đệ. Không rõ các tác giả lấy tên Tạ Quang Thế ở đâu? Tôi điện thoại hỏi ông Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản, con trai cụ Quang Đạm thì ông Ngọc cho biết cụ Quang Đạm không có tên Tạ Quang Thế. “Đây có lẽ là một sự nhầm lẫn. Không biết những người làm sách họ lấy đâu ra cái tên ấy nhỉ?”, nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc đặt câu hỏi. Có lẽ, câu trả lời xin được chuyển đến cho tác giả - TS Nguyễn Hoàng Điệp và NXB Thông tin và Truyền thông.

Còn nhiều những thông tin sai sót khác về danh nhân trong cuốn sách này nhưng chúng tôi thiết nghĩ trích dẫn các lỗi tiêu biểu nêu trên là đủ để thấy chất lượng cuốn sách ra sao.

 

Đơn vị từng bị thu hồi sách danh tướng

Trao đổi với PV qua điện thoại, TS Nguyễn Hoàng Điệp thừa nhận, cuốn sách “Năm Dậu: Sự kiện - Nhân vật & Người tuổi Dậu” không thể tránh khỏi những sai sót vì lượng kiến thức phong phú, trải rộng. “Hội đồng biên soạn đọc cả nhưng có những tài liệu họ lấy có thể sai mà mình không kiểm tra hết được”, ông Điệp phân trần.

Song ông Điệp cũng đá bóng trách nhiệm sang một số cá nhân và cơ quan mà chúng tôi không rõ họ có biết điều này hay không. Ví dụ, sai sót trong tiểu sử đồng chí Khuất Duy Tiến, theo ông Điệp thì Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phải chịu trách nhiệm (?).

Về sai sót trong tiểu sử Thượng tướng Bùi Văn Huấn, ông Nguyễn Hoàng Điệp thanh minh “số liệu có một cái gì đấy hơi hơi một chút, chúng tôi sẽ sửa chỗ phần đó”. Còn những lỗi khác, ông Nguyễn Hoàng Điệp mong muốn độc giả xa gần chỉ cho để khi tái bản sẽ sửa chữa.

Trước đó, cuối năm 2014, khi Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp biên soạn cuốn “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc" (NXB Văn hóa Thông tin) cũng đã bị Cục Xuất bản ra quyết định thu hồi. Bạn đọc cũng phản ứng vì sách có những hình ảnh minh họa tùy tiện và những đánh giá có tính chất nhạo báng danh tướng (NNVN đã phản ánh trong bài Đình chỉ phát hành sách "Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc").

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.