| Hotline: 0983.970.780

Một kỹ sư tận tụy vì nông dân

Thứ Ba 08/02/2011 , 09:31 (GMT+7)

Trong tay không có thiết bị nghiên cứu gì đáng kể, vậy mà năm nào anh cũng tìm ra được những điều mới mẻ phục vụ nông dân. Đó là kỹ sư Hoàng Lê Minh.

Kỹ sư Hoàng Lê Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc

Trên 50 năm làm việc có liên quan đến nông nghiệp, tôi có dịp quen biết không ít các nhà khoa học, những người đã tận tụy nghiên cứu phục vụ nông dân. Họ thường công tác ở các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học, các Cục, Vụ hay các Sở NN- PTNT. Họ có học hàm, học vị nên dễ dàng nhận được kinh phí thông qua các dự án, các đề tài nghiên cứu và lại có nhiều thiết bị hỗ trợ khá hiện đại. Tôi rất vui mừng trước những thành tựu mà họ đã đóng góp cho sự phát triển của ngành nông lâm nghiệp nước nhà.

Tuy nhiên tôi từ lâu đã rất khâm phục một kỹ sư công tác tại một tỉnh xa xôi, trong tay không có thiết bị nghiên cứu gì đáng kể, vậy mà năm nào anh cũng tìm ra được những điều mới mẻ phục vụ rộng rãi cho nông dân nhiều vùng trong cả nước. Đó là kỹ sư Hoàng Lê Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc.

Trước đây vào ngày 13/9/1983 đơn vị này được thành lập với tên là Xí nghiệp Giống Đông Bắc, có nhiệm vụ nghiên cứu, chọn tạo các giống tốt để cung cấp cho việc trồng rừng ở các tỉnh vùng Đông Bắc. Đến ngày 28/11/2006 Xí nghiệp được cổ phần hóa và chuyển thành một đơn vị công ích phục vụ cho đông đảo nông đân vùng Đông Bắc nói riêng và cho cả nước nói chung. Lần nào tôi lên thăm cũng gặp khá nhiều bà con nông dân nhiều tỉnh đến đây tìm mua giống cây, giống con và học hỏi kỹ thuật chăm sóc. Với 32 cán bộ công nhân viên, KS Minh và nữ kỹ sư Mai Phương (phó giám đốc) đã ngày đêm tìm kiếm, học hỏi, trao đổi trong và ngoài nước (chủ yếu là các tỉnh Trung Quốc gần biên giới) để có một cơ ngơi thật phong phú về giống và với những kỹ thuật chăm sóc khá hoàn hảo đối với từng cây trồng, từng vật nuôi.

Ngay sân của trụ sở Công ty tôi thấy một cây mang 12 loại quả khác nhau thuộc chi Citrus như cam, chanh, quít, bưởi, bòng, phật thủ... thật đẹp mắt. Đây không phải là một cây dùng để trang trí mà là để giúp nông dân hiểu rõ tính di truyền quyết định bởi phần ngọn. Nếu đã có một gốc tốt nhưng ít quả hoặc quả không ngon thì đâu cần phá bỏ đi mà chỉ cần ghép lên đấy một giống khác cùng chi nhưng có năng suất và chất lượng cao là thành công ngay.

Khu ươm giống cây lâm nghiệp cho thấy không có lí‎ gì người trồng rừng với diện tích gấp bao nhiêu lần “vườn nhà” mà lại chịu nghèo đói. Tôi được xem biết bao nhiêu giống cây qu‎í mà có cây nhiều nơi đã trồng nhưng thất bại. Chẳng hạn như cây hông (Paulownia, nhân dân địa phương lấy gỗ làm chõ hông xôi nên gọi là cây hông). Đây là loại cây gỗ nhẹ nhưng rất bền, rất đẹp, không cháy, chống được mối mọt, lại sinh trưởng nhanh, sau 6-7 năm đã cao 10m và đường kính thân tới 35-40cm. Đường kính có thể đạt 90-100cm trong vòng 30 năm và 200 cm trong vòng 80 năm. Tại Hồ Bắc (Trung Quốc) người ta khai quật một quan tài bằng gỗ hông mà thấy sau 200 năm gỗ vẫn còn tốt (!). Những nơi trồng hông thất bại vì thiếu tầng đất dầy, thiếu nước và thiếu dinh dưỡng.

Rồi cây hoàng đàn (Cupressus funebris), gần như đã sắp tuyệt chủng, lại là một cây gỗ quí, mọc nhanh và cung cấp hương liệu phục vụ ngành sản xuất mỹ phẩm.‎ Cây địa phương thật phong phú. Tôi gặp cây Tông Mản, dân địa phương cho biết ngựa ăn lá cây này mới đủ sức leo dốc núi. Bao nhiêu thứ cây khác mà tôi ít am hiểu như dổi bắc, sồi đỏ, trám trẩu, cáng lò... toàn những cây mọc nhanh, gỗ tốt đang được nhân giống quy mô lớn để cung cấp cho nhân dân.

Công ty rất quan tâm đến các cây lấy dầu vì nghĩ đến nguồn nhiên liệu sinh học cho một tương lai không xa. Tôi gặp ở đây cây dầu mè (Jatropha curcas), một cây chống chịu hạn và dịch bệnh tốt, sản sinh ra các hạt chứa tới 40% là dầu. Khi hạt bị bóc vỏ và xử lý, dầu thu được có thể sử dụng trong các động cơ diesel tiêu chuẩn, trong khi các cặn bã thu được có thể chế biến thành sinh khối dùng cho các nhà máy sản xuất điện. Tuy nhiên cây cần đất luôn ẩm ướt và giàu chất dinh dưỡng. KS Minh cho rằng ta quảng cáo quá mức nên nhiều nơi trồng trên diện tích rộng nhưng không có hiệu quả.

Theo anh thì nên phát triển cây sở (Camellia sp.) và cây thầu dầu núi đá (Ricinus cummunis). Cây sở thích hợp với điều kiện độ dốc: dưới 20o, độ cao dưới 800m, vĩ độ: từ 170 Bắc trở ra, loại đất feralit, trên các vùng đồi núi thấp trung du và duyên hải, đất đỏ bazan, vùng đất cát cố định không đọng nước, song tốt nhất là trên đất rừng mới khai phá có tầng đất sâu, tương đối giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thoát nước hoặc trên sườn núi thoải hoặc trên đất cát pha, pH đất khoảng 4,5-5,0. Cây sở phù hợp với hầu hết các vùng khí hậu của miền Bắc Việt Nam, có thể chịu đựng được sương giá ở các tỉnh biên giới phía Bắc hoặc khí hậu nắng nóng ở các tỉnh miền Trung. Nếu biết trồng xen với từng hàng cây sở (cách 3-4m trồng một hàng sở) thì có thể vừa chống xói mòn đất, chống sâu bệnh lại vừa có thể chống cháy rừng. Dầu sở rất quí vì vừa để ăn, để sản xuất mỹ phẩm còn có thể dùng làm nhiên liệu trong tương lai.

Bã hạt thầu dầu còn được dùng để xử l‎í đáy các ao nuôi tôm, nuôi cá. Nhân dân Lạng Sơn đã trồng được hàng nghìn ha cây sở và bán hạt sang Trung Quốc với giá 20-30 nghìn/kg. Cây thầu dầu thích hợp phát triển trên các vùng núi đá nhưng ta chưa biết khai thác để phát triển. Hiện nay sản lượng hạt thầu dầu toàn thế giới mới có khoảng 1,2-1,3 triệu tấn mỗi năm. Các khu vực sản xuất hàng đầu là Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil. Cây dẻ Trùng Khánh đang là cây xóa đói, giảm nghèo rất có hiệu quả, lại không quá kén chọn địa phương như nhiều người thường nói. Năng suất sau 6 năm đạt 6-8 tấn hạt/ha (cao hơn Trung Quốc) và tương lai có thể thay một phần cho cây lương thực ở các tỉnh hay bị ngập nước.

Đặc biệt tại đây tôi gặp cây Mắc Ca (Macadamia tetraphylla và M. integrifolia) đang khai hoa kết quả với năng suất khá cao. Đây là cây có nguồn gốc từ Australia, được nhập vào Việt Nam từ năm 1993 nhưng chưa được phát triển rộng rãi mặc dầu có hiệu quả kinh tế khá cao. Cây 7 tuổi sẽ cho 20kg hạt, thu được 7kg nhân và bán được ra nước ngoài với giá thu mua là trên 250 nghìn đồng/kg. Công ty đang tích cực nhân giống theo đặt hàng của vùng Tây Nguyên. Cây này có thể trồng lớn ở các tỉnh Sơn La, Yên Bái, không nên trồng ở Lai Châu, Điện Biên và những nơi có ảnh hưởng của gió Lào. KS Minh phàn nàn về việc trồng ồ ạt cây cao su ở miền Bắc mà chưa có nghiên cứu thấu đáo. Đừng thấy Vân Nam trồng tốt là ta có thể trồng được ở miền Bắc, vì các tiểu vùng khí hậu là rất khác nhau.

Tôi rất thích thú khi thấy KS Minh đã sưu tầm, bảo vệ và nhân giống được rất nhiều loài rau rừng (như cây bò khai, cây mắc niễng, dền rừng, rau sam, rấp cá, rau má rừng, rau đắng cảy...) và các cây dược liệu quí hiếm (như các cây lôi công đằng, hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, ba kích, kim tuyến, hoài sơn, huyết đằng, huyết giác, pác cọp, dây đau xương, mã hồ, ngũ vị tử nam, giảo cổ lam...) cùng rất nhiều loài hoa lạ. Đây sẽ vừa là nơi lưu giữ nguồn gen vừa là nơi cung cấp rộng rãi giống cây cho nông dân các nơi.

Để phục vụ chăn nuôi Công ty có cả một bộ sưu tầm rất nhiều giống cỏ cho năng suất cao như cỏ voi, cỏ voi tím, cỏ VA06, cỏ CR1 (chịu rét), cỏ Ghi nê, cỏ sậy, cỏ lá lạc (phủ đất), cỏ khổng lồ, cỏ Flimegia...

Về bộ sưu tập giống động vật cũng thật là phong phú và kì‎ thú. Nào là phượng hoàng, khỉ, lợn rừng, nhím, gà Quí‎ Phi, gà sáu ngón, gà Tè (nhỏ mà thịt ngon), hắc thốn (chồn nhung đen), hàng chục loại rùa khác nhau... Việc chăn nuôi rất khoa học để vừa lưu giữ nguồn gen, vừa cung cấp giống gia súc, gia cầm đặc sản cho dân nuôi.

Các bạn nên dành thời gian lên thăm công ty của Kỹ sư Minh theo địa chỉ: số 246 đường Trần Quang Khải, phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn. ĐT: 0982810264. Nhiều gia đình đã làm giàu chỉ nhờ một chuyến viếng thăm Công ty này. Ví dụ như bà Chu Thúy Sung ở thôn Quang Trung, xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn nhờ trồng dẻ đã thu nhập được đến 150 triệu đồng/ha. Hoặc hàng trăm hộ ở thôn Lạng Giang, Gia Lộc, Chi Lăng, Lạng Sơn nhờ trồng rau Bò Khai đã thu được trên 100 triệu đồng/ha...Tại Công ty còn có sẵn một gian hàng cung cấp các vật tư phục vụ cho công việc trồng trọt và chăn nuôi của các hộ nông dân.

Chuyện kỳ lạ là không ít cán bộ cấp Trường, cấp Viện, cấp Vụ lên thăm và đã đưa USB vào máy tính lấy tài liệu, nhưng xong chả thấy giúp đỡ gì Công ty mà lại góp phần biến thành Luận văn hoặc Dự án cho... riêng mình (!). Tôi thiết nghĩ KS Minh và cộng sự đã làm hết sức mình nhằm phục vụ nông dân khắp mọi miền mà không nghĩ gì cho mình, nhưng các cấp có trách nhiệm quản l‎í nhẽ nào không có đề xuất hình thức khen thưởng thích đáng nào cho tấm gương của nhà khoa học rất đáng biểu dương này.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất