| Hotline: 0983.970.780

Một làng cây, một đời người

Thứ Tư 06/06/2012 , 10:53 (GMT+7)

Ở cái tuổi đáng chỉ ngồi đánh cờ tướng, uống trà đàm đạo với bạn, ông Hộp vẫn suốt ngày lẩn mẩn với cây.

Trưa hè nắng như đổ lửa, qua cái cổng làng Đồng Quan (Đồng Sơn, Yên Dũng, Bắc Giang) có hai con chó đá rêu phong đứng chầu, thong thả nện bước trên con đường làng lát gạch nghiêng bó vỉa, khách như lạc vào giữa một khu sinh thái xanh mướt mát.

>> Người chăn dê dưới chân Tam Điệp
>> Ngàn đôi mắt sáng dâng đời

1. Đây hàng bằng lăng, hàng liễu, kia dãy keo, dãy cọ, nọ đám phượng, đám bàng… Những rặng cây đều tăm tắp hai bên đường như những hàng kiêu binh bùng súng. Những rặng cây ôm ấp quanh làng như tấm lá chắn xanh gọi gió mát hòa ca. Nhiều cây cao vút cả chục mét, thân một người ôm, tỏa bóng mát rợp cả góc làng. Tôi thấy một ông lão phơ phơ đầu bạc, lui cui với cái gáo con con. Lúc thì ông nhổ cỏ, khi thì ông tưới cây, chỗ ông dặm lại vài viên gạch xếp quanh gốc cây bị xô lệch. Ông chăm cây như thể chăm con, nựng cháu. Ông là Hộp, Khổng Đức Hộp, năm nay đã bước vào tuổi 84.


Ông Hộp đang chăm cây trên mảnh vườn nhà

Ở cái tuổi đáng chỉ ngồi đánh cờ tướng, uống trà đàm đạo với bạn, ông Hộp vẫn suốt ngày lẩn mẩn với cây. Nguyên là cán bộ ở Ban Nông vận Trung ương, năm 1980 ông hồi hưu. Gia tài về quê của của ông là một chiếc xe đạp Diamond cũ kỹ và hàng trăm cây cọ, cây chà là giống chính tay ông ươm trồng. Hồi đó chà là còn rất hiếm nên chuyện ông có giống cây quý là cả một cơ duyên. Số là cơ quan được tiêu chuẩn phân cho một hộp chà là, mỗi người được chia có 3 quả. Ăn thứ quả lạ xong, ông thấy ngon và ngọt quá liền đem ươm thử. Không ngờ sống được 2 cây.

Nói về chuyện trồng cây, ông nhỏ nhẻ: “Tôi đã công tác xa quê 30 năm ròng, lúc về hưu chẳng biết có gì kỷ niệm cho làng xóm. Tôi nghĩ, tiền bạc tiêu rồi cũng hết chỉ trồng cây là có giá trị vì để lại bóng mát cho dân làng không chỉ đời này mà còn cho đời con, đời cháu vì nhiều loài cây có tuổi thọ cả trăm năm, ngàn năm. Nghĩ lại những ngày còn ở chiến khu Tân Trào (Tuyên Quang), thỉnh thoảng thấy Bác Hồ dù bận trăm công ngàn việc vẫn tăng gia, trồng cây ở ven lán Nà Nừa, tôi lại càng quyết tâm hơn”.

Hồi đầu, dân làng thấy một người suốt ngày xách xô, vác cuốc đi trồng cây liền bảo ông là dạng…cám hấp trên vung. Làm gì không làm lại đi trồng cây? Giữa lúc cả nước có hàng triệu triệu cái bụng lép kẹp đang sôi sùng sục ước mơ bo bo, mì hột thì trồng cây là một điều gì đó rất xa xỉ. Mặc cho người bàn tán, ông đi sưu tầm giống cây. Ra cây đa dâm cành lấy giống, ra cây bàng, bằng lăng nhặt hột đem về, ra tận khu Ủy ban tỉnh mót hạt chà là ươm ở một góc vườn nho nhỏ. Việc nhà bỏ hết, ba mươi năm ròng, ngày nào ông cũng lúi húi đi ngắm vị trí đất thừa ven đường.

Ông đến từng gia đình thuyết phục mảnh đất thừa ở trước nhà nếu trồng cây này, cây kia sẽ mang lại bóng mát, sẽ có dáng đẹp đến nhường nào. Lắm khi dù chưa thấy thông nhưng do ông Hộp “đeo bám” tuyên truyền mãi, người ta cũng gật đầu cho qua chuyện. Có địa điểm rồi, ông đào hố trồng cây, ngày ngày nhổ cỏ, tưới tắm. Đến bữa về ăn rồi lại quầy quả đi. Nhiều hôm mải mê quên cả ăn, bà Nắm, vợ ông, phải sai cháu mang cơm ra tận chỗ trồng để còn có sức.


Rặng cây cao vút đầu làng

2. Cây mọc ngoài đường rất khó bảo vệ, phần bị trâu bò phá, phần bị trẻ con nhổ, ông chặt tre quây kín gốc, mua dây thép gai rào thẳng hai bên đường. Những học sinh nào nghịch phá nhiều đều có trong cuốn sổ theo dõi của ông Hộp để rồi thông báo cho cô giáo xử lý. Bận ông trồng cây đa đầu làng, gần một cái quán, chủ thấy tức mắt nên phao tin cây đa có ma. Một lần ra thăm, thấy không có gió mà cây đa bị nghiêng ngả. Sinh nghi ông bới đám đất mới tấp dưới gốc cây thì thấy cái rễ cái đã bị chặt đứt tự lúc nào. Cấp báo chuyện cho trưởng thôn kiểm tra, trong khi chưa tìm ra kẻ phá hoại thì cây đa lại bị phạt hết cành. Đến lần thứ ba, khi cái cây bị chất củi khô vào mà đốt ông mới rình bắt được thủ phạm đem ra kiểm điểm toàn dân. Ba lần ngỡ chạm vào ngưỡng tử mà lạ kỳ thay cây đa đầu làng vẫn xanh tươi. Nhựa sống trào ra lấp dần những vết nham nhở dao chém, che phủ dần những vết cháy đến trơ cả gỗ, vân.

Ông Trịnh Văn Thông, trưởng thôn Đồng Quan, nhớ lại thời còn nhỏ, hễ thấy bóng ông Hộp sáng lui cui xách thuổng, xô cùng một cái gáo cán dài đi trồng cây, chiều lại đi rào cây bảo vệ, lũ trẻ trong làng vừa lẽo đẽo theo vừa hát rằng: “Hoan hô ông Hộp trồng cây/ Mười cây chết chín một cây gật gù”.

Lắm đứa hễ thấy ông sểnh mắt là lén bẻ cành, vin lá. Giờ đây, mỗi khi trẻ nhỏ nghịch cây, bố mẹ chúng đều quát rằng: “Không được động vào cây ông Hộp”. Chục năm về trước, chính anh cùng ông Hộp ba tháng liền căng dây thép gai, đào hố trồng hàng trăm cây keo đầu làng. Cây lớn, rợp bóng đường làng, lúc đốt rơm có người sơ ý để bén sang hàng cây. Biết tin, không quản lửa đang phừng phừng cháy, ông lao vào dùng gậy gẩy rơm, dập lửa. Đã quá muộn, 14 cây cháy rụi, không thể cứu được, ông xót như chính mình phải bỏng.

Bận thôn làm nhà văn hóa, hai cây đa và sanh gốc to cả người ôm bị đem bán. Xe cẩu chở cây đến cổng làng, dân mới ùa ra ngăn không cho đi. Họp chi bộ thôn, mọi người quyết định đem trồng ở gần đình, một nơi khuất nẻo lại không cử ai trông nom, tưới tắm nên một thời gian cả hai cây chết rũ. Ông hộp rầu rĩ: “Cái cây chính tay mình trồng, có chục cái rễ to rủ xuống ai trông cũng mê thế mà chết nên cứ tiếc ngẩn ngơ mãi, mấy đêm không ngủ được, nhai cơm mà như nhai rơm…” 

Cảm cái tình sâu nặng của ông Hộp với cây, bà Thân Thị Hoan người làng đã làm thơ rằng: “Năm xưa trên mảnh đất này/ Nắng chang, chẳng có một cây xanh nào/ Bây giờ cây cả bóng cao/ Dễ đâu hiểu được công lao người trồng”

3. Trên ba mươi năm hình ảnh ăn vào tiềm thức dân làng là một ông lão với cái thuổng, cái xô trên tay. Từ đứa trẻ hai ba tuổi cũng biết tri trô “ông Hộp trồng cây”, “ông Hộp tưới cây”. Cả ngàn cây to được ông trồng trong đó có ba cây sanh được trả tới 120 triệu mà ông Hộp cùng dân làng kiên quyết không cho bán: “Dù có đói ăn tôi cũng không bao giờ chặt một cây mang bán cả. Mỗi cái cây do mình trồng, mình chăm cũng tựa như có hồn vậy".


Hàng cây chở che cho làng

Tuổi cao, sức yếu năm ngoái ông Hộp đành bàn giao nhiệm vụ trồng cây cho một người khác trong thôn nhưng như một thói quen cố hữu, ông vẫn ra chăm cây, ngắm cây hàng ngày…Dân đi gặt về ngả nón, phe phẩy quạt nghỉ ngơi dưới hàng cây keo mát lịm người. Cảnh làng thật thanh bình.

Có hàng cọ trơn, cọ gai, cọ nón thúng quai thao (loại cọ có lá phẳng, mềm ngày xưa hay dùng làm nón thúng quai thao, nghiêng ngả những ánh nhìn theo các chị hai quan họ một thủa) xòe ô che ven đường. Có nhà tưởng niệm Hồ Chủ tịch liễu xanh thướt tha rủ. Có hồ tỏa ngát hương sen. Có sáng chiều phụ lão múa gậy dưỡng sinh, thanh niên hò nhau đá bóng, sắp nhỏ nhảy lò cò, đánh đáo, chơi bi...

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.