| Hotline: 0983.970.780

Một Lạng Sơn huy hoàng và tráng lệ bên sông

Chủ Nhật 09/07/2017 , 07:15 (GMT+7)

Tôi lên chợ Kỳ Lừa đúng vào mùa mận cơm bán đầy đường phố. Những hình ảnh chợ Kỳ Lừa cổ xưa lại hiện về trong ký ức...

22-07-57_trng_18
 

Tôi nhớ được bố dẫn đi chơi chợ từ thuở còn để chỏm và luôn luôn được ông ngâm nga cho nghe câu: “Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa. Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh...”. Còn tôi lại chỉ chăm chú đến những chú ngựa thồ hàng hý vang bên bờ sông...
 

Chợ Kỳ Lừa bên sông Kỳ Cùng

Bố tôi kể, cách đây khoảng ba trăm năm, khi ngài Thân Công Tài, Tổng trấn Lạng Sơn (thời Hậu Lê) cho phá rừng, dựng phố chợ, thì con sông Kỳ Cùng còn mon men bên mép đồi cao. Nước sông mênh mang lắm chứ không lùi xa và xuống thấp như bây giờ.

Hàng hóa được vận chuyển từ các chi lưu (nhánh lạch nguồn nhỏ) chảy theo dòng nước Kỳ Cùng về chợ Kỳ Lừa. Hoặc vào mùa nước rút thì chở hàng bằng lừa hay ngựa, từ núi cao xuống. Ngay trên đồi được san phẳng làm chợ trước cũng là đồng cỏ chăn lừa nên dân gian đặt tên là Đồi Lừa. Người ta còn kể chính ngài Tổng trấn cũng nuôi hai con lừa rất tinh khôn.

Khi san đồi phá rừng dựng chợ thì chúng thường bơi qua sông Kỳ Cùng, tìm sang đồi Kỳ Cấp ở phía Bắc ăn cỏ non. Chiều tối lại bơi về với chủ ở Đèo Giang (khu vực phía Nam thành phố). Nhưng rồi một hôm hai con lừa biến mất. Ai ai cũng đi tìm lừa hộ ông Tổng trấn. Họ chèo thuyền đi khắp nơi nhưng hai chú lừa bặt vô âm tín. Không có lẽ chúng bị nước lũ cuốn đi hay chết chìm dưới sông Kỳ Cùng. Khi đặt tên cho chợ, mọi người tình cờ đều nghĩ đến hai con lừa kỳ lạ của ngài Tổng trấn, nên gọi luôn là Kỳ Lừa để thể hiện nỗi niềm chia sẻ cùng gia đình. Từ đấy chợ ngày càng sầm uất. Mỗi tháng 6 phiên, vào các ngày mùng 2 và 7 âm lịch, đều đặn, như trẩy hội.

Nay chợ Kỳ Lừa không còn giữ được nếp xưa và biến thành chợ đêm, với quy mô mở rộng hơn trước. Nhưng trong tôi ký ức của những phiên chợ xưa luôn luôn hiện về mỗi khi đến đây. Bố tôi cũng hay nhắc lại những chuyện cũ lòng thẫn thờ tiếc nuối. Đó là hình ảnh các chàng trai vây quanh chú lợn quay trên đống than hồng, uống những bát rượu lá Mẫu Sơn, rồi ngả nghiêng hát lượn.

22-07-57_trng_19
 

Những câu Sli về tình yêu gửi các cô gái đang ngồi ở góc đền Tả Phù. Hai bên hát đối và hẹn hò đón đưa. Dường như mỗi phiên chợ hàng là một phiên chợ tình kế bên. Ai bán ai mua thì cứ việc, các chàng trai cô gái chăm chú ngắm nhìn nhau và liếc mắt đưa tình, rồi cất lên tiếng hát. Tiếng đàn then đâu đó bên chiếc bàn đá trên bờ sông Kỳ Cùng rộn rã tươi vui.

Chả thế người Nùng, người Tày có câu: “Pây Lìn háng”, nghĩa là đi chơi chợ, hay đi mừng chợ. Ai cũng mang hàng đi trao đổi bán mua. Người thì con lợn cắp nách. Người thì gánh một bu gà. Hoặc người thì bế những chú chó con đến chợ. Vậy mà khi đến mọi thứ bỏ đấy cái đã. Từ tinh mơ chỉ lang thang ngắm nhìn và tìm bạn. Bố tôi vẫn còn nhớ xưa vào phiên chợ, ai cũng kêu: “Hôm nay chợ chẳng thấy có gì, chỉ thấy đông tây mây slao”, tức là chỉ thấy trai gái đông chật đường, chật chợ. Vào phiên chợ Tết thì ngát hương chàm quần áo mới. Người người cất tiếng Sli, ai nấy đều chào hỏi chúc mừng và trao đổi hàng hóa chứ không dùng đến tiền. Không ai tính đến lời lỗ.

Chả thế nhà thơ Ninh Tốn (thế kỷ XVII) có đã mô tả: “Bốn bề nước biếc non xanh. Kỳ Lừa đẹp nhất nơi danh thắng này. Văn thư xe ngựa đưa tay. Cửa nhà tiếp nối hàng bày lụa tơ”. Còn danh sĩ Phan Huy Chú cách đây gần 200 năm cũng cảm thán: “Nhà ngói người tụ hội. Sọt xanh hàng hóa đầy. Ngược xuôi đất qua lại. Phong vị mỡ màu thay”.

Tuy nay là chợ đêm, nhưng thật tình màu sắc của chợ Kỳ Lừa cũ lại tràn lên mặt phố, vẫn khởi đầu từ đền Tả Phù thờ ngài Thân Công Tài, kéo tới chợ Giếng Vuông. Vẫn vào phiên chợ, các chàng trai cô gái Tày Nùng cưỡi “ngựa sắt”, đưa hàng về. Mùa nào thức nấy. Họ bày bán cùng bà con người Kinh dọc đường phố, với nhiều sản vật như xưa...
 

Cung đường khói lửa bên sông Kỳ Cùng

Dừng chân bên sông, tôi lại sực nhớ đến hình ảnh Nguyễn Trãi theo tiễn bố là Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt đưa về Trung Quốc. Họ đều qua con đường vượt sông Kỳ Cùng này. Khi đến cửa ải biên giới Lạng Sơn (Mục nam quan), Nguyễn Phi Khanh đã dặn lại Nguyễn Trãi, hãy đi tiếp con đường của cha, chớ khóc lóc yếu đuối, ươn hèn.Nuôi chí chống quân xâm lược nhà Minh, đó mới là người con có hiếu và là tôi trung với nước, với dân.

Ông nhắn lại: “Con xem cha như đã khuất núi lâu rồi. Hãy về đi... và hãy thề - Tổ quốc là trên hết!”. Thuở học trò, cách đây hơn nửa thế kỷ, chúng tôi đã đóng màn kịch thơ nóng bỏng chí khí của hai cha con Nguyễn Trãi, khi dấn thân vào cuộc chiến đấu chống giặc Minh xâm lược nước ta (1407). “Tổ quốc là trên hết!”. Đó chính là hoài bão và cũng là khát vọng của những người con dân đất Việt bao đời nay. Mỗi lần lên Lạng Sơn, những ám ảnh dọc đường gió bụi nơi biên viễn đã làm sống động những hồi ức khó quên. Con sông Kỳ Cùng chính là dấu ấn chứng tích bao đời nay...

Còn đó chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang, vào cuối năm 1427, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo chống quân Minh xâm lược. Thực hiện theo lời cha, Nguyễn Trãi đã tìm đến minh chủ Lê Lợi, tham mưu nhiều chiến trận dẫn đến thắng lợi, giải phóng dân tộc. Tướng giặc là Liễu Thăng đã từ Quảng Tây sang Lạng Sơn và Xương Giang tiến về kinh thành. Chúng hùng hổ dẫn 10 vạn quân ngỡ muốn ăn sống nuốt tươi quân khởi nghĩa. Nhưng ai dè, tất cả đã rơi vào ổ phục kích, giăng sẵn nơi cửa ải Chi Lăng. Chủ tướng Liễu Thăng bị tên của ta bắn chết cùng với hàng ngàn binh sĩ của chúng tại đây.

Cánh quân tiến theo đường Lạng Sơn thất bại thảm hại dưới chân núi Mã Yên. Tiếp theo đó quân khởi nghĩa hạ nốt thành Xương Giang. Chỉ sau một ngày chiến đấu, quân ta đã bắt sống cả 6 vạn quân địch, tiêu diệt hoàn toàn cánh quân viện binh của nhà Minh. Cùng nhiều mũi tiến công khác, quân ta chiến thắng giòn giã, dẫn tới tướng Vương Thông bị vây hãm kẹt cứng tại thành Đông Quan. Nhà Minh buộc phải đầu hàng vô điều kiện, chấp nhận rút hết quân về nước. Lại một cuộc hành quân ủ rũ, thất bại của quân nhà Minh lội qua sông Kỳ Cùng, cút khỏi nước ta.

Lịch sử còn ghi, trước đó vào năm 981, vua Lê Đại Hành cũng dùng chiến địa Chi Lăng đánh bại quân nhà Tống. Rồi đến 1077, trận chiến trên sông Như Nguyệt (sông Cầu), khi Lý Thường Kiệt chỉ huy và tổ chức trận đánh thắng quân nhà Tống lần thứ hai xâm lược nước ta. Hàng trăm năm sau, quân Nguyên đến xâm lược nước ta cũng đi theo con đường Lạng Sơn, do Thoát Hoan chỉ huy, năm 1284.

Đến tháng 5/1285, Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn dẫn quân tiến đánh quân Nguyên giải phóng thành Thăng Long. Bại tướng Thoát Hoan phải bỏ chạy qua biên giới Lạng Sơn. Chưa hết, dù thất bại nhưng quân Nguyên vẫn nuôi âm mưu xâm lược nước ta lần thứ ba. Thêm một lần bại tướng Thoát Hoan lại bị đánh tơi bời, phải rút lui lên Lạng Sơn, trở về nước cùng với tàn quân...
 

Cây cầu mới vượt sông

Cầu Kỳ Cùng cũ được xây từ năm 1887 nối con đường vượt sông dẫn lên biên giới. Cầu do thực dân Pháp tiến hành trong ba năm mới hoàn thành. Cây cầu trở thành dấu ấn độc đáo, trên con sông chảy qua thành phố Lạng Sơn và là huyết mạch giao thông quan trọng cho giao thương phía Đông Bắc. Nhưng đến năm 1979, cuộc chiến tranh biên giới đã xảy ra và con cầu bị phá hủy hoàn toàn. Mãi đến 6 năm sau, cầu Kỳ Lừa mới được xây dựng lại lần thứ hai với quy mô lớn và hiện đại hơn và hoàn thành năm 1987.

22-07-57_trng_21
 

Nhưng rồi tính đến nay đã 30 năm trôi qua, thành phố cần một cây cầu mang tính biểu tượng cho một thành phố, đang phát triển mạnh, nơi miền biên viễn. Con cầu cũ có những yếu tố không phù hợp, với quy mô đang ngày càng lớn mạnh với tốc độ cao như hiện nay. Bởi từ lâu Lạng Sơn là đầu mối giao thương, xuất khẩu đem lại nhiều nguồn lợi to lớn cho đất nước. Con cầu mới được mở rộng 21 mét, với chiều dài 117,2 mét, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018.

Có cây cầu mới, bộ mặt thành phố Lạng Sơn cũng được mang vóc dáng mới, với những cung đường mở rộng. Nối tiếp bên cầu phía Nam, những dự án mới của thành phố đang được xây dựng hiện đại, văn minh. Kế bên sông là công viên Chi Lăng đã được hoàn thiện, với những hạng mục văn hóa xinh đẹp nối với Diên Khánh Tự (Chùa Thành). Con cầu mới nguy nga, bề thế sẽ là niềm yêu dấu của người dân thành phố, với những ký ức không bao giờ phai mờ của lịch sử. Nó sẽ bắt đầu là nhân chứng mới cho một thời kỳ đổi thay của thành phố Lạng Sơn. Rồi đây thành phố sẽ được phát triển lên thành phố loại 1; Và con cầu mới sẽ có nhiệm vụ làm rung lên bản tráng ca Lạng Sơn, ngân vang bất tử, bắt đầu từ một thành phố anh hùng chiến đấu và dựng nước bao đời nay. Đó là một Lạng Sơn huy hoàng và tráng lệ bên sông.

(Kiến thức gia đình số 26)

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.