| Hotline: 0983.970.780

Một lão nông say mê công việc thiện nguyện

Thứ Bảy 23/12/2017 , 09:15 (GMT+7)

Trên quốc lộ 20, đoạn ngang qua ấp 4, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, Đồng Nai, khách đi đường vừa ngạc nhiên vừa thú vị chứng kiến một tấm biển khá lớn treo trước căn hộ đơn sơ: “Điểm hỗ trợ quan tài cho hộ nghèo & hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình Mổ mắt từ thiện. Tình nguyện hiến máu cứu người (nam nữ tuổi từ 19-60). Liên hệ: 01635604022)”. Chúng tôi thử gọi số điện thoại ấy và được gặp ông Phùng Văn Hinh, một lão nông có tấm lòng vì những người bất hạnh xung quanh.

08-01-43_trng_26b
Tấm biển khá lớn với nội dung thú vị

Năm nay đã 68 tuổi, nhưng ông Phùng Văn Hinh rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Bằng chất giọng đặc trưng xứ Quảng, câu đầu tiên mà ông nói với chúng tôi là: “Các chú còn trẻ, đã tham gia hiến máu nhân đạo chưa? Hiến máu không ảnh hưởng gì đến cơ thể mình, mà còn giúp ích được cho bao nhiêu người khác. Mấy thằng con của tui, đứa nào cũng hiến máu dăm bảy lần rồi!”. Thật sư, những ai hờ hững với cuộc sống này, nghe ông Phùng Văn Hinh trò chuyện, không thể nào che giấu sự nể trọng!

Ông Phùng Văn Hinh quê gốc ở Hòa Vang – Đà Nẵng. Nơi chôn nhau cắt rốn vất vả trăm bề mà vẫn bữa đói bữa no, nên ông quyết định đưa vợ con vào miền Đông Nam bộ tìm cơ hội mới. Năm 1983, ông Phùng Văn Hinh đặt chân đến Định Quán, một màu rừng xanh và đất đỏ đã níu ông lại định cư. Ông cùng vợ, vừa làm rẫy vừa buôn bán lặt vặt, nuôi bầy con khôn lớn. Cực khổ cũng lắm, cay đắng cũng nhiều, nhưng ông Phùng Văn Hinh luôn tuân thủ triết lý nhà Phật: dùng tâm dùng đức để ứng xử với cộng đồng.

Công việc thiện nguyện của ông Phùng Văn Hinh bắt đầu từ việc cấp cứu những người bị tai nạn giao thông. Quốc lộ 20 nối TP.HCM với Đà Lạt, thường xuyên xảy ra những vụ đụng xe. Giữa trưa nắng gắt hoặc nửa khuya lạnh lẽo, chỉ cần có va chạm trên đường thì ông lao đến giúp đỡ. Người bị thương nhẹ thì ông băng bó cho họ, còn người bị thương nặng thì ông đưa họ đến Trung tâm y tế huyện Định Quán. Rất nhiều lần ông Phùng Văn Hinh chặn xe đang lưu thông, kể cả xe bảng số xanh, để buộc tài xế phải chở nạn nhân đi cấp cứu ngay lập tức.

Hầu hết bác sĩ và nhân viên ở Trung tâm y tế huyện Định Quán đều biết lão nông Phùng Văn Hinh, vì ông đã chuyển hàng trăm trường hợp tai nạn giao thông đến đây cấp cứu. Đáng nhớ nhất là một hôm ông chở con đi học, thấy tai nạn giao thông, ông liền bảo con tự đi bộ đến trường. Ông đỡ nạn nhân lên xe máy, chở thẳng vào bệnh viện. Kết quả, khi ông về nhà thì vợ tá hỏa: “Ông chở con đi học mà sao máu me đầy người thế?”. Ông xua tay phân bua: “Không sao, tui không sao. Máu của người bị tai nạn dính qua quần áo của tui thôi!”. Có không ít nạn nhân được ông Phùng Văn Hinh nghĩa hiệp tương trợ, sau ngày bình phục đã tìm đến tận nhà ông để trả ơn, nhưng ông đều từ chối: “Tui làm vì bổn phận, chứ không mong đền đáp!”.

Chính vì nhiều lần đưa nạn nhân tai nạn giao thông đi cấp cứu, mà ông Phùng Văn Hinh ý thức được những giọt máu cứu người. Suốt 10 năm trước tuổi 60, ông Phùng Văn Hinh tình nguyện hiến máu 27 lần, được Hội chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai tặng giấy khen để tuyên dương người tốt việc tốt. Sau tuổi 60, quy định của ngành y tế không cho hiến máu nữa, ông Phùng Văn Hinh chuyển sang đi vận động những người trẻ tuổi hơn mình. Không chỉ thuyết phục thanh niên ở xã Phú Ngọc, ông Phùng Văn Hinh còn sang các xã lân cận để kêu gọi mọi người hiến máu nhân đạo. Đã có hàng trăm người, từ công nhân đến tiểu thương, cảm kích tấm lòng của ông Phùng Văn Hinh mà đăng ký hiến máu cứu người, tạo nên phong trào nhân văn ấm áp khắp làng quê!

08-01-43_trng_26
Ông Phùng Văn Hinh

Còn hành động tặng quan tài cho người nghèo và người có hoàn cảnh bất hạnh thì sao? Ông Phùng Văn Hinh kể: Chiều ấy, ông đi làm rẫy về, ngang qua khúc sông La Ngà thì nghe tiếng khóc vọng lên từ một con thuyền nhỏ neo bên bờ. Ông đến gần hỏi han.

Thì ra, một cô gái trẻ đang ôm xác một mẹ già vừa qua đời. Hai mẹ con sống phiêu dạt trên sóng nước, thiếu trước hụt sau, nên mẹ mất mà cô gái không có tiền mua hòm để chôn. Cảm thấy như trái tim mình bị bóp nghẹt, ông Phùng Văn Hinh chạy vội về nhà tìm vợ. Hoàn cảnh làm nông, chưa đến kỳ thu hoạch thì cũng không thể đào đâu ra tiền.

Ông cùng vợ nhẩm tính, trong nhà còn mấy chục ký tiêu, bán hết cũng chưa đủ tiền cái hòm. Không chút đắn đo, ông ôm luôn cái ti vi cũ – thứ tài sản quý báu duy nhất giúp gia đình ông quây quần vui vẻ bên nhau mỗi tối, và chạy ra phiên chợ cuối thôn đang sắp vãn người. Đó là chiếc quan tài đầu tiên mà ông Phùng Văn Hinh tặng cho người nghèo xấu số!

Sau này, con cái của ông Phùng Văn Hinh trưởng thành, mỗi tháng đều gửi tiền cho cha dưỡng già. Ông không tiêu xài gì, cứ để dành như một quỹ từ thiện gửi ở… trại hòm. Hộ nghèo nào có người mất mà không có tiền mua quan tài, thì cứ ghé trại hòm để lấy, chi phí đã có ông Phùng Văn Hinh chắt chiu chi trả!

Lão nông Phùng Văn Hinh cho biết, hiện nay ông đang dồn sức cho hai việc, đó là kêu gọi bà con có khiếm khuyết thị lực tham gia chương trình mổ mắt miễn phí và trồng vài loại cây thuốc để tặng cho những cơ sở chữa bệnh đông y ở các chùa. Không còn lên rẫy trồng tiêu trồng điều thì ông Phùng Văn Hinh biến khu vườn sau nhà thành nơi trồng cây lá lốt và cây lược vàng. Mỗi tuần, ông cắt lá và dùng xe máy cà tàng của mình chở đi tặng, như một niềm hạnh phúc riêng tư.

Từ năm 2006, ông Phùng Văn Hi đã ký giấy hiến thi hài cho y học sau khi mình qua đời. Ông ghi số điện thoại liên lạc của Trường Đại học Y Dược TP.HCM rất to ở trên vách, và dặn dò các con: “Cha có mệnh hệ nào thì gọi ngay cho họ, xác của cha được giúp ích cho sinh viên y khoa thực tập phẫu thuật, chính là cách cha nối dài thêm cuộc sống sau khi trút hơi thở cuối cùng trên dương gian!”.

08-01-43_trng_27
Ông Hinh say mê với công việc thiện nguyện

 

(Kiến thức gia đình số 50)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất