| Hotline: 0983.970.780

"Một mái hiên trong cơn mưa cũng rất quý"

Thứ Sáu 11/07/2014 , 15:08 (GMT+7)

Nhiều người còn phải đi phu hồ, đi khuân vác nữa kia. Dĩ nhiên đời như cháu cũng nhiều nước mắt, ước mơ có ba có mẹ bên cạnh cũng không ngoài quy luật tâm lý một đứa con.

Cháu chào cô Dạ Hương ạ!

Ba cháu và mẹ cháu đã li thân từ khi cháu sinh ra, trên danh nghĩa vợ chồng thì chưa li hôn.

Từ nhỏ cháu đã sống với mẹ, mẹ chèo chống ở mảnh đất Sài Gòn bằng nghề bán bánh mì dạo, tần tảo nuôi cháu và anh ba với chị hai cháu lớn lên.

Rồi lúc cháu lên 10, mẹ cháu quen với người đàn ông khác, được 2 năm thì mẹ chia tay ông ấy. Do nhà cháu quá nghèo nên mẹ dẫn cháu về Tây Nguyên sống với dì và dượng đang kinh doanh cửa hàng buôn bán lớn.

 Anh ba và chị hai của cháu cũng có nghề nghiệp tương đối ổn định. Mẹ cháu ở như là ôsin của dì dượng để nuôi cháu ăn học.

Ngót nghét cũng đã 6 năm. Cháu đã học xong cấp ba, vừa học vừa làm cho dì và dượng. Điều đáng buồn là dượng cháu rất kỹ tính và khó chịu, ông ấy không cho cháu đi đâu cả (ngoài giờ học ra). Ông luôn bắt cháu ở nhà phụ bán hàng, cháu rất buồn.

Không khỏi cảm thấy chán nản vì nhiều lúc bị dượng và dì mắng, có khi họ còn mắng luôn cả mẹ cháu.

Cháu như mất hết hi vọng cô ạ, nhiều khi cháu muốn kết thúc cuộc đời thê thảm của mình bằng cách tự tử nhưng lại không dám. Cháu thương mẹ lắm, cháu sợ khi cháu không còn thì không biết mẹ sẽ như thế nào.

Một phần vì hận ba đã bỏ ba mẹ con cháu để theo người đàn bà khác, một phần vì dì dượng gây áp lực cho cháu quá nhiều. Rất nhiều lần vì phải phụ buôn bán mà cháu không học bài được và bị tuột dốc so với mấy bạn. Hằng đêm cháu đã tự đắm chìm trong men cay (tự mua) để quên đi tất cả.

Cháu bị trầm cảm nặng nề. Giờ đây cháu bị mất tất cả niềm tin, hi vọng về cuộc sống. Cháu chán nản vì mỗi ngày thức dậy là phải nhìn mẹ khổ sở, bị chửi mắng. Một đứa trẻ không có niềm tin thì làm sao sống nổi được hả cô?

Cháu muốn ra đi nộp đơn xin vào học trường Sân khấu điện ảnh lắm nhưng cháu không còn chút niềm tin vào thế giới này nữa. Cháu nên làm sao đây cô?

Cháu thật sự rất thèm khát một lần được có ba có mẹ bên mình nhưng tất cả chỉ là ước mơ mà thôi.

Cô đừng đăng e-mail cháu lên báo.

----------------------------

Cháu thân mến!

Chao ơi, một phụ nữ đi bán bánh mì dạo ở Sài Gòn mà nuôi được ba đứa con ư? Mẹ cháu là một trong những người phụ nữ vĩ đại, cháu biết không? Rất nhiều người vợ đi làm, chồng đi làm và đôi ấy chỉ có hai con thôi mà cũng đã chí chóe nhau suốt ngày rồi.

Không ai đo được lòng người nên mẹ mới chịu cái số bạc tình. Người cha của ba đứa con bỏ đi không trách nhiệm, người thứ hai chắc cũng không chân chính gì nên mới hai năm thì rã gánh. Cháu nên nghĩ là mình may mắn đi. Để cô nói cho cháu biết cháu may mắn như thế nào nhá.

Thứ nhất, cháu có người mẹ tuyệt vời, con ba đứa mà không đứa nào bị cho đi, hoặc thất học, hoặc hư hốt. Mẹ cháu phải rất có đức các cháu mới lớn lên mạnh và giỏi như vậy chứ.

Thứ hai, anh ba và chị hai cháu không tiêu cực như cháu, cùng tuổi thơ bất hạnh nhưng họ cứng rắn vượt qua và giờ đã có công ăn việc làm. Nếu anh trai cháu cũng đắm chìm như cháu thì mẹ cháu chết dở sống dở ấy chứ.

Thứ ba, có dì và dượng để rút về đó, xa sự bấp bênh và đô hội của Sài Gòn. Dù gì khi đó cháu cũng đã 12 tuổi, thời niên thiếu của cháu trôi qua trong một mái nhà, có công việc cho hai mẹ con, có cơm ăn áo mặc.

Cô nghĩ cháu phải nhìn thấy mặt tốt của con người ta để lạc quan sống chứ. Cơ ngơi dì dượng lớn, nếu họ làm rẫy làm nông thì mẹ con cháu có tá túc được không, cháu có qua được 6 năm quan trọng ấy không?

Phải nhìn vào cái ơn lớn trước đã. Còn việc buôn bán là căng thẳng, thương trường, họ có thể cáu gắt do tính toán, đối phó, dốc sức, hao tiền…đủ cả.

Dù sao cháu cũng còn quá nhỏ để biết có một mái hiên trong cơn mưa cũng là quý, có công việc của ô-sin để khỏi phải ăn bám ăn hại là rất tốt rồi. Có lẽ mẹ thua trí dì, mẹ kém cỏi hơn dì nên đời mẹ bất hạnh chứ không như dì.

Nên nhớ việc gì rồi cũng qua, thời gian sẽ thu xếp, mẹ sẽ không trẻ khỏe để làm giúp việc mãi được. Vì vậy mà khi còn sức thì phải biết trả ơn và nếu được, chịu khó làm thêm nhiều năm nữa để nuôi cháu có cái nghề.

Cháu bập vào rượu, cháu nhạy cảm hơn anh và chị, có lẽ cháu có tố chất nghệ sĩ. Vừa mới tốt nghiệp PTTH, thì nên nghĩ đến chuyện đi học nghề. Buôn bán gắng sức với dì dượng nữa đi để còn gửi mẹ mình ở lại nơi đó, rồi khăn gói lên đường.

 Nhất định phải bàn với dì để gửi mẹ, lấy lương mẹ cho mình ăn học ở đô thị. Miếng cơm nhà người bao giờ chả đắng nhưng mình không sợ đắng thì đắng mãi sẽ có hậu ngọt, cháu hiểu không?

Hay hớm gì mới nứt mà đã đắm mình trong hơi men ngụy biện là giải sầu. Nhiều người còn phải đi phu hồ, đi khuân vác nữa kia. Dĩ nhiên đời như cháu cũng nhiều nước mắt, ước mơ có ba có mẹ bên cạnh cũng không ngoài quy luật tâm lý một đứa con.

Nhưng thương mẹ thì phải bản lĩnh lên, học hành, chí thú, nghị lực, tử tế để báo đáp. Coi như ba đã “khuất núi”, cứ nghĩ vậy cho nhẹ lòng, cháu nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất