| Hotline: 0983.970.780

Một năm buồn con gà lông trắng!

Thứ Ba 31/12/2013 , 10:52 (GMT+7)

“Anh ơi tiêu thụ hộ em gà với không thì em sắp tự tử đấy!”. “Dọa tự tử à? Cách đó xưa rồi. Có thằng còn bảo anh nhờ bán gà giúp vì bố ốm chết đang thiếu tiền lo việc tang kia kìa”. Đoạn hội thoại đó từ chiếc điện thoại của một giám đốc Cty gà giống…

+ Giá giảm sâu suốt một năm qua

+ Các chủ trại thua lỗ liểng xiểng, nợ chồng chất!

“Anh ơi tiêu thụ hộ em gà với không thì em sắp tự tử đấy!”. “Dọa tự tử à? Cách đó xưa rồi. Có thằng còn bảo anh nhờ bán gà giúp vì bố ốm chết đang thiếu tiền lo việc tang kia kìa”. Đoạn hội thoại đó từ chiếc điện thoại của một giám đốc Cty gà giống…

Cách đây hơn hai chục năm, mất mấy buổi chiều bố tôi hì hụi đóng một chiếc chuồng tre rồi lên trên huyện mua được chừng hai chục con gà giống mới. Loại gà này đến lạ, lông trắng muốt như bông, thân tròn trùng trục, ăn bất thùng chi thình, lục tục vục mặt vào máng cả đêm và lớn nhanh như thổi. Đó chính là con gà công nghiệp lông trắng.

Một thời hàng vạn nông dân Việt Nam từng mơ ước làm giàu bởi loại gia cầm này. Lúc đầu gà công nghiệp được nuôi trong các nông hộ với quy mô nhỏ dần dần phát triển lên quy mô trang trại với số đầu nuôi cả ngàn, cả vạn con. Huyện Chương Mỹ (Hà Nội) là thủ phủ của giống gia cầm ngoại này, có xã tới dăm bảy chục trại như Thanh Bình, Tốt Động… hình thành nên các tổ hợp chăn nuôi khổng lồ, ngày đêm quang quác tiếng gà, ầm ầm tiếng cánh quạt.

Hỏi chuyện gà qué, ông Đoàn Đình Thắng - Chủ tịch xã Tốt Động kể vanh vách, kể rành mạch, kể ngọn nguồn, hóa ra ông là người trong cuộc. Không chỉ ông chủ tịch mà cán bộ văn hóa, cán bộ xã đội, cán bộ địa chính của Tốt Động đều dính vào gà và héo hon trong lòng bởi cú đòn đau thị trường, người phá, kẻ bỏ trống chuồng mà nợ nần vẫn liểng xiểng.

Tốt Động được quy hoạch thành vùng chăn nuôi trọng điểm, an toàn dịch bệnh với 5 phân vùng thời cao điểm có tổng cộng 76 trại gà nay chỉ còn 54 trại trong đó trên 10 cái nằm im, những cái còn lại cũng trong trạng thái ngắc ngoải.

Tồn tại sao nổi khi tháng 10, tháng 11 vừa qua, giá gà xuất chuồng xuống đến 19.000đ/kg trong khi con giống xấp xỉ 5.000- 6.000đ, cám 12.800đ/kg (2,3-2,5kg cám được 1 kg thịt), chưa kể tiền thuốc, tiền điện, tiền than sưởi mỗi con cũng tốn cỡ 5.000đ nữa. Tính ra mỗi cân gà khi bán, chủ trại lỗ hàng chục ngàn. Hiện tại giá gà đã nhích lên 25.000-27.000đ/kg nhưng hạch toán vẫn lỗ nặng.


Người nuôi gà trắng đang lỗ nặng

Phạm Viết Yết - một chủ trại có thâm niên nuôi gà trắng tới 12 năm bảo: “Mấy năm nay anh nào dính vào gà công nghiệp là cầm chắc cái “chết”, là cùng chung số phận hết. Giá bán rẻ mạt thế thì dù có vốn cũng không tài nào sống được nữa là phải vay mượn lãi trong, lãi ngoài. Ở đây tất cả mọi người phải tháo chạy vào công ty, chăn nuôi gia công cho nước ngoài hết.

Như tôi đây đầu tư chuồng trại mất mấy trăm triệu, từ năm 2001 đến 2006 nuôi 4.000 gà gia công, mỗi lứa cầm 4 triệu tiền công không biết trả khoản gì, nào tiền ga, tiền than, tiền điện… chán quá mới bỏ ra nuôi tư. Nuôi tư mấy năm càng thua lỗ lại trở về nuôi gia công. Chưa nuôi chẳng nợ nần gì ai nhưng chục năm nuôi gà, tôi phải bán một mảnh đất đi trả nợ mà vẫn thiếu 800 triệu”.

Cứ mỗi đợt xuất gà, điện thoại của anh Yết lại tắt máy cả tuần, cả tháng, tắt 24/24 bởi hễ khởi động, lô gô nhà mạng vừa hiện lên đã cả tít tít chục tin nhắn báo các cuộc gọi nhỡ. Những cuộc gọi từ các chủ nợ có đôi tai cực thính. Hiện anh Yết đang rao bán các trang thiết bị, chuồng trại của mình với một khuyến mãi cực hời là biếu không cả lô đất đang có trại với thời hạn thuê còn tới năm 2026.

Sẵn chuồng trại trong khu quy hoạch chăn nuôi tập trung, sẵn hợp đồng chăn nuôi gia công trong tay để chuyển nhượng nhưng rao mãi cũng chẳng ai thèm đoái hoài, ỏ ê mua bán gì. Người chăn gà trắng ở Tốt Động như bệnh nhân thập tử nhất sinh, véo vào bụng, véo vào ngực cũng không thấy đau nữa, chẳng phản ứng.

Chủ trại Nguyễn Trọng Dũng thua lỗ đến độ phải bán đi gần nửa mảnh đất đang ở để trả nợ, người ta mang dây đến xén sát nhà. Tình hình giá cả chìm đắm như hiện nay không khéo căn nhà đang ở cũng chẳng thể giữ nổi. Chăn nuôi gia công trước đây cứ 5 năm mới phải tái ký hợp đồng một lần, giờ chỉ năm một mà, hao hụt tí là công ty hủy ngay.

Một lứa gia công 4.000-5.000 con gà được 17-18 triệu tiền công, tiếng ăn chắc thật đấy nhưng tính toán ra than đã 8 triệu, trấu 3,5 triệu, điện 3,5 triệu, thuốc (bổ sung thêm ngoài khoản thuốc của cty cấp) một vài triệu nữa nên chẳng được bao nhiêu. Chi ly ra kể cả công lao động, kể cả khấu hao tài sản thì người nuôi gà đang “ăn” dần vào mồ hôi, công sức, hy vọng của chính mình.

Thời điểm anh Nguyễn Như Phương ở xã Trường Yên vào lứa gà trắng cuối cùng trong năm, các ông chủ khác đều mắt tròn mắt dẹt mà khâm phục: “Ái chà, tầm này vẫn vào gà. Ông này chiến đấu dẻo dai thật!”. Họ nói thế bởi chưa bao giờ người nuôi gà trắng lại chứng kiến giá chìm đắm liên tục trong suốt cả một năm như 2013. Các năm trước, giá có xuống vài tháng rồi lại ngóc đầu lên giúp cho chủ trại gỡ gạc chút đỉnh.

Năm nay giá cứ như chiếc bình thủng đáy, càng ngày càng vơi, người nuôi càng vào càng lỗ thảm hại nên nhiều trại bỏ trống chuồng, nhiều ông chủ quyết định đập bỏ cả cơ nghiệp mồ hôi, nước mắt. Thế mà anh Phương dám vào, lại vào một lúc hai trại gà trắng và gà màu.

Ông trời như muốn trêu ngươi con người, khi gà đến tuổi xuất chuồng, giá bán cũng xuống đến đáy ở mức không tưởng: một cân gà đổi ngang một cân đậu phụ. Tiếng “tùng tục” của mỏ gà mổ vào máng cám như mổ vào tim, vào óc của anh, không khác gì tiếng đất rơi lộp bộp trên huyệt mộ.

Không còn chịu đựng được nữa, anh Phương quyết định bán đổ, bán tháo đàn gà, chấp nhận trại lỗ 220 triệu, trại lỗ 120 triệu nâng tổng số lỗ của cả năm lên trên 600 triệu. Thấy chồng bán rẻ quá, chị vợ tiếc của bớt lại mấy trăm con để… thả ra ngoài đồng gọi là ăn thay rau mỗi lúc nhạt mồm, đắng miệng.

Đám gà vốn đã quen với mổ cám trong máng, ngửa cổ uống nước tự động, sưởi ấm bằng than giờ phải cặm cụi bới từng hạt thóc rơi, vặt từng cọng cỏ dại trong làn gió đông cứ liên tục thốc tháo cả lông, cả cánh.

"Chúng tôi đang phận ông chủ giờ thành người làm thuê cho nước ngoài hết. Lứa kiếm ăn được cán bộ kỹ thuật Cty moi tiền bồi dưỡng đã đành đến lứa thua lỗ họ cũng gợi ý.

Tôi cáu tiết bảo thẳng: Bồi dưỡng cái con… cờ. Tao đang chết rũ xương đây này mà đòi cái gì? Nhưng không bồi dưỡng lại sợ lứa sau gà trong chuồng mắc bệnh họ chậm cấp thuốc hay cấp trái thuốc, hen thì lại đưa thuốc đi ỉa cũng gay go”. Lời một người nuôi gà.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất