| Hotline: 0983.970.780

Một năm dịch bệnh lắng dịu

Thứ Tư 24/12/2014 , 10:57 (GMT+7)

Theo nhận định của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), đến thời điểm này, những dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm cơ bản đã được khống chế./ Hỗ trợ tỉnh Cà Mau phòng, chống dịch bệnh thủy sản

Công tác thú y thủy sản cũng đạt được những kết quả đáng mừng.

Dịch bệnh nguy hiểm được kiểm soát

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai Kế hoạch công tác năm 2015 do Cục Thú y tổ chức hôm qua (23/12), ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Hiện nay toàn quốc tiếp tục khống chế thành công dịch cúm gia cầm (CGC), chỉ còn một số ổ dịch cúm A/H5N6 tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi chưa qua 21 ngày.

15-42-21_dsc_1764
Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại hội nghị

Số gia cầm mắc bệnh, chết là rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0,017% so với đàn gia cầm cả nước.

So với năm 2013, dịch lở mồm long móng (LMLM) xảy ra hẹp hơn. Số xã có dịch và số gia súc mắc bệnh giảm 2 lần, số gia súc phải tiêu hủy giảm gần 7 lần. Dịch chủ yếu trên trâu, bò. Hiện nay cả nước có 28 ổ dịch LMLM chưa qua 21 ngày ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Đắk Nông.

Dịch bệnh tai xanh tiếp tục nhận được những tín hiệu rất đáng mừng, khi cả nước không còn tỉnh nào có dịch. Trước đây, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 100 người tử vong do chó dại cắn, tuy nhiên đến năm 2014 chỉ có 63 người.

Đối với thủy sản, đến hết tháng 11/2014, cả nước có gần 45.000 ha diện tích nuôi tôm bị thiệt hại do các nguyên nhân khác nhau (chiếm 6,8% trong tổng số gần 680.000 ha nuôi tôm cả nước).

So với cùng kỳ năm 2013, dịch bệnh đốm trắng xảy ra với phạm vi hẹp hơn nhưng tổng diện tích bị bệnh lại lớn hơn với 22.600 ha (tăng gấp 1,85 lần). Trong đó, các vùng nuôi tôm trọng điểm tại vùng ĐBSCL bị thiệt hại nặng nhất. Tỷ lệ diện tích nhiễm bệnh hoại tử gan tụy cấp cũng giảm hơn những năm trước, từ 4,26% năm 2012 xuống 0,82% năm 2014.

Ông Đông cho biết, có được kết quả trên là nhờ ngành thú y đã xác định được tác nhân gây bệnh do vi khuẩn, từ đó có biện pháp phòng, chống kịp thời.

Công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được thực hiện thường xuyên, liên tục. Hiện nay, Cục Thú y đã hoàn thiện Dự thảo đề án chuỗi cung ứng thịt sạch cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; đôn đốc các địa phương triển khai đánh giá, phân loại các cơ sở giết mổ và thực hiện Đề án “Bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2014 – 2020”.

Thú y thúc đẩy chăn nuôi, thủy sản

Bộ trưởng Cao Đức Phát bày tỏ vui mừng trước những kết quả ngành thú y đạt được trong năm 2014 và chia sẻ: "Đàn lợn của nước ta đứng thứ 5 – 6 thế giới; nuôi tôm đứng thứ 3 thế giới. Một số vật nuôi tăng mạnh về số lượng như bò sữa (16%), sản lượng tôm tăng 20%.

Có đồng chí hỏi tôi 20% tương đương bao nhiêu tấn tôm? Thưa là 110.000 tấn, với giá trị tương đương 2 triệu tấn lúa. Có được thành tích đó phải kể đến đóng góp của ngành thú y trong công tác bảo đảm an toàn dịch, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi, thủy sản phát triển".

Sau 10 năm “chiến đấu”, chúng ta đã cơ bản khống chế được dịch CGC, nhờ đó, tổng đàn gia cầm liên tục tăng (năm 2014 đạt 30 triệu con). Không chỉ vậy, dịch tai xanh đã được khống chế. Dịch bệnh LMLM được kiểm soát.

Hơn 1 năm nay, chúng ta đã tìm ra tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm và khống chế ở phạm vi hẹp (diện tích bị bệnh giảm từ 20.000 ha năm 2012 xuống chỉ còn hơn 5.000 ha), tạo điều kiện thuận lợi để ngành thủy sản phát triển vượt bậc.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia có thế mạnh nuôi tôm vẫn chìm đắm trong dịch bệnh, giá cả tăng cao, thì đây chính là cơ hội thuận lợi để người nuôi tôm của nước ta có thu nhập lớn.

Theo Bộ trưởng, năm 2014 là dấu mốc ghi nhận một bước chuyển mới từ thế bị động sang chủ động trong công tác chỉ đạo của các địa phương. Điển hình là việc chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh. Và thực tiễn triển khai đã có kết quả rõ rệt.

tiem165525349
Tiêm phòng bệnh cho lợn con mới sinh. Ảnh: Vũ Sinh

Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo, năm tới, Cục Thú y cần tập trung vào 5 nhóm công việc chính. Thứ nhất, phải làm cho công tác thú y chủ động và hiệu quả hơn, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh. Thứ hai, phải tăng cường kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thứ ba, tăng cường năng lực của toàn hệ thống, nhất là thú y thủy sản. Thứ tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi và thú y và cuối cùng là đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Đại diện cơ quan thú y vùng 4 cho hay: Hai năm nay, các địa phương đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh hằng năm và được UBND phê duyệt. Các tỉnh, thành cũng đã chủ động xây dựng chương trình giám sát đối với các dịch bệnh nguy hiểm như CGC, LMLM, tai xanh.

Nơi nào phát hiện ra sự lưu hành của virus thì ngay lập tức được trích kinh phí để thực hiện các biện pháp khử trùng, tiêu độc, cách ly và khống chế…

Bên cạnh đó, công tác giám sát sau tiêm phòng vacxin cũng được đẩy mạnh. Quảng Ngãi mỗi năm thực hiện giám sát 500 mẫu để đánh giá hiệu quả sử dụng vacxin. Từ đó hình thành một quy trình là phát hiện nhanh, xử lý gọn. Mỗi tỉnh trong vùng đã xây dựng được kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm từ 4 đến 15 tỷ đồng là rất tốt.

Tăng cường giám sát dịch bệnh

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc cơ quan thú y vùng VI, nhận định: “2014 là năm ngành thú y đạt kết quả mĩ mãn về phòng chống dịch”.

Tuy nhiên về lâu dài vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản. Do đó, công tác giám sát dịch bệnh trên cạn và dưới nước cần được lưu tâm hơn. Hiện vùng VI đang quản lý công tác phòng, chống dịch tại 11 tỉnh, với tổng kinh phí hàng năm hơn 340 tỷ, chỉ để chi cho vacxin tiêm phòng và tiêu hủy khi xảy ra dịch.

Tuy nhiên, cách phân bổ kinh phí như vậy chưa hợp lý. Cần phải trích một phần kinh phí từ nguồn này để chủ động giám sát và phát hiện lưu hành của virus.

Trong năm nay, tỉnh Đắk Nông bị dịch LMLM là do chúng ta không xác định được chủng virus lưu hành, nên chỉ tiêm chủng typ O, trong khi đó, chủng typ A đã nằm sẵn ở đó rồi, nó lây lan sang cả những đàn trâu, bò dự án từ nơi khác chuyển đến.

Theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trước đây doanh nghiệp muốn nhập khẩu tôm thẻ chân trắng bố mẹ phải có giấy phép của Tổng cục Thủy sản. Nhưng từ khi Bộ NN-PTNT chuyển giao nhiệm vụ quản lý thú y thủy sản cho Cục Thú y, Tổng cục không kiểm soát được hết.

"Ở TP Hồ Chí Minh, 50% lượng tôm bố mẹ chúng tôi không có thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, Cục Thú y cần tăng cường trao đổi thông tin với chúng tôi để kiểm soát các cơ sở SX tôm giống", ông Điền nói.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất