| Hotline: 0983.970.780

Một năm Showbiz nhiều hệ lụy

Thứ Tư 04/01/2012 , 09:53 (GMT+7)

Thật khó cho bất kỳ nhà quan sát nào muốn tìm ra những mỹ từ sang trọng để tổng kết đời sống nghệ thuật suốt 12 tháng vừa qua.

Dù ít hay nhiều, hoạt động văn hóa luôn bị ảnh hưởng bởi tình trạng kinh tế. Với nhiều giải pháp đồng bộ được thực hiện để kiềm chế lạm phát, thì người lạc quan nhất cũng không thể nói đời sống văn hóa có thể phô diễn mọi sự đa dạng và phong phú trong năm 2011.

Tuy nhiên, chính cái túi tiền eo hẹp lại có sức phản ánh tương đối rõ nét diện mạo manh mún và nghèo nàn của một thế giới rực rỡ phấn son nhưng thưa thớt tài năng. Thật khó cho bất kỳ nhà quan sát nào muốn tìm ra những mỹ từ sang trọng để tổng kết đời sống nghệ thuật suốt 12 tháng vừa qua.

Xôn xao nhất có lẽ là cuộc vận động bình chọn cho Vịnh Hạ Long được lọt vào danh sách “7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới” trên trang web do một nhà leo núi Thụy Sỹ tổ chức. Xin lưu ý rằng, Vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới về giá trị thẩm mỹ (năm 1994) và về giá trị ngoại hạng địa chất, địa mạo (năm 2000) thì lẽ ra danh thắng lừng lẫy của chúng ta phải ứng thí ở những cuộc bình chọn qui mô và uy tín hơn!

Nếu không có Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 diễn ra tại TP Tuy Hòa – Phú Yên từ 15 đến 18/12, thì người quan tâm đến màn bạc chỉ có mỗi nỗi ngao ngán về số tiền 42 tỷ ở Cục Điện ảnh bị mất một cách vô duyên và ngớ ngẩn. Số tiền ấy có thể không lớn đối với lĩnh vực tài chính nhưng lại rất không hề nhỏ đối với một đất nước mỗi năm chỉ có kinh phí để bấm máy vài ba bộ phim nhựa.

Và với vụ lùm xùm ở Cục Điện ảnh đã khiến các tác phẩm được mang ra chiếu rạp như “Bi, đừng sợ”, “Hotboy nổi loạn”, “Cảm hứng hoàn hảo” hay “Long ruồi” tuy không có gì vượt trội về chất lượng nghệ thuật, nhưng cũng đáng được khán giả cảm thông khích lệ như những que diêm phập phù giữa bối cảnh không mấy sáng sủa.

Tất nhiên, một ngành nghệ thuật thứ bảy mà phim nhựa ốm o thì khó đòi hỏi phim truyền hình phải đạt được chuẩn mực nào. Gần như đối lập với sự nở rộ của hàng chục kênh phát sóng, phim truyền hình Việt Nam càng ngày càng chứng tỏ đội ngũ làm nghề vừa thiếu vừa yếu. Khi số lượng vẫn còn nan giải, không thể khắt khe về chất lượng. Chỉ có một điều phải sòng phẳng nói với nhau, muốn tạo đột phá cho phim truyền hình thì giải pháp đi mua kịch bản nước ngoài để “Việt hóa” hình như là việc làm thiếu cân nhắc! Bởi lẽ, quá trình ấy sẽ đẩy nhanh quá trình nghiệp dư hóa đội ngũ biên kịch nước ta!

Năm 2011, Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đã đến hẹn 5 năm với giới chuyên môn và giới mộ điệu. Đáng tiếc, hai giải thưởng cao quý đều phải dời lại vì xuất hiện quá nhiều tranh cãi gay gắt. Chưa bao giờ chuyện đề cử giải thưởng lại trở nên nghiêm trọng như vậy. Không ít nghệ sĩ nổi tiếng đã gửi đơn khiếu nại lên hội đồng xét duyệt, thậm chí gửi thư xin can thiệp lên tận Văn phòng Chủ tịch nước. Lý giải sự lộn xộn này có nhiều nguyên nhân khác nhau, không hẳn vì hiện vật tặng kèm bằng khen là số tiền 200 triệu hay 120 triệu, mà còn vì nhiều nhiêu khê và bất cập trong cơ chế bình chọn.

Giải thưởng không phải cái bánh hay cái kẹo để xin cho hoặc ban phát tùy hứng. Thế nhưng, thật đáng băn khoăn, khi tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi vẫn diễn ra một cách trớ trêu. Nhìn vào danh sách đề cử, công chúng không khỏi thắc mắc vì nhìn thấy tên của hầu hết những vị chức sắc văn nghệ như Chủ tịch Hội Nhà văn VN, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN, Chủ tịch Hội Sân khấu VN… Chả trách dân gian cứ truyền tụng câu vè “ông Trần, ông Nguyễn, ông Tô/ ba ông vừa chấm vừa… vồ giải luôn”.

Gam màu chói mắt hiện hữu trong bức tranh văn hóa Việt Nam năm 2011 có lẽ là… ảnh nóng. Từ ảnh khỏa thân công khai nhân danh bảo vệ môi trường đến ảnh khỏa thân bất ngờ bị… lộ. Người mẫu chụp ảnh khỏa thân, ca sĩ chụp ảnh khỏa thân, diễn viên chụp ảnh khỏa thân, và hoa hậu cũng chụp ảnh khỏa thân. Nỗi cuồng si trút bỏ trang phục của các cô gái chân dài như một cơn sốt chạy dọc sống lưng khiến nhiều nam nhân cũng khoe cả những phần không nên khoe!

Không ai phủ nhận ảnh khỏa thân ở những trường hợp cụ thể cũng có giá trị nghệ thuật nhất định. Thế nhưng, cái đẹp ấy không phải mục đích hướng tới của các nghệ sĩ hôm nay. Họ hở hang như một lời than thở bất tận giữa khoảng cách mong manh của sự nổi tiếng và sự tai tiếng. Hội chứng khỏa thân chưa có dấu hiệu chấm dứt và còn có nguy cơ bùng phát dữ dội, vì không có một biện pháp chế tài nào từ các cơ quan quản lý văn hóa. Hơn nữa, những nhà làm phim ít ỏi khả năng sáng tạo và những nhà tổ chức sự kiện hạn chế thẩm mỹ, lại còn tổ chức… ăn theo những hiện tượng khỏa thân.

Thù lao người mẫu bỗng dưng tăng gấp đôi sau sự cố ảnh nóng, thì trách gì họ không khỏa thân? Một thiếu nữ vô danh bữa trước phô bày số đo vòng một ngoại cỡ trên mạng, thì bữa sau được mời đóng phim, không phải chuyện tiếu lâm đáng xấu hổ sao? Cứ nhìn vào đội ngũ hotgirl và hotboy nháo nhào trong đời sống biểu diễn mà cứ ngỡ khỏa thân cũng sắp sửa trở thành một thứ nghề diêm dúa và hợm hĩnh!

Màn ảnh nhường chỗ cho phim ngoại, sân khấu co cụm lại, vậy sao tên tuổi nghệ sĩ vẫn xôn xao đối với công chúng. Đơn giản thôi, họ chen chúc nhau lên ti vi. Cái ống kính truyền hình trực tiếp có sức quyến rũ vô bờ bến, nghệ sĩ đổ xô đến trường quay, không trình diễn được sở trường thì trình diễn sở đoản. Các chương trình thực tế không còn thuyết phục được ai bên trời Tây, không ngờ lại đắc địa trên sóng VTV3 của Đài Truyền hình VN. Lần lượt “Bước nhảy hoàn vũ”, “Người mẫu Việt Nam”, “Cặp đôi hoàn hảo”, “Tìm kiếm tài năng”… đều mua bản quyền của thiên hạ để làm trò vui cho khán giả trong nước, hay nói đúng hơn là để nghệ sĩ trong nước chứng minh trên biển cả nghệ thuật mênh mông không có mấy kẻ biết bơi nhưng vẫn có rất nhiều cánh tay hãnh tiến.

Ban giám khảo vừa nói vừa… run!

 Ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng diễn trò, diễn viên kịch nói như Lê Khánh cũng diễn trò, người mẫu như Hà Anh cũng diễn trò… Trò càng nhố nhăng càng hấp dẫn, càng giành được phiếu bầu từ khán giả luôn theo đuổi trào lưu kệch cỡm. Mà thí sinh diễn trò thì giám khảo cũng phải diễn trò. Nhạc sĩ như Lê Minh Sơn, đạo diễn như Lê Hoàng, ca sĩ như Siu Black không còn khả năng làm chủ bản thân nữa, mà cứ cuốn theo cơn lốc nhà nhà bông phèng, người người đùa dai. Thật xót xa khi chứng kiến những người tạm coi là tinh hoa của xã hội lại buông điệu cười cợt nhả, buông lời nói ngây ngô trên sóng truyền hình quốc gia.

Sòng phẳng nhìn thẳng vào thực trạng hoạt động nghệ thuật, sẽ thấm thía rằng những ngoa ngôn bóng bẩy và những giải pháp tạm bợ không thể xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Bởi lẽ, những gì xảy ra trong năm 2011 không phải là kết quả chủ quan của năm 2011, băng tuyết đóng dày ba tấc không phải do cái lạnh một vài tiếng đồng hồ.

Nếu xem chương trình gốc trên đài Mỹ hoặc đài Anh mới ngỡ ngàng và khâm phục vì giám khảo có cách nhận xét từng tiết mục rất dí dỏm, rất thẳng thắn, rất tinh tế và rất văn minh. Lỗi tại ai? Không biết. Chắc tại câu thành ngữ “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” của tổ tiên đã vận vào con cháu đến tận bây giờ! Nhân tiện, cũng nên ưu tư thêm một chút.

Vì sao chúng ta chỉ mua bản quyền và thực hiện những chương trình thực tế dễ dãi không mấy được ưa chuộng ở chính các nước phương Tây, mà không phải vài chương trình nhiều yếu tố thử thách đang được yêu thích như “Kitchen Chef” (vua bếp)? Kinh phí ít ỏi hay trình độ ít ỏi? Thay vì cứ nhún nhảy điệu đàng nửa tấu hài nửa ca hát, tại sao không thử làm chương trình “Kitchen Chef” để khai phóng năng khiếu nấu ăn tiềm ẩn trong người Việt thế kỷ 21?

Một năm 2011 quá nhiều hệ lụy từ giới showbiz là một thực trạng không thể không băn khoăn. Nếu trách móc nghệ sĩ thì cũng nhẹ nhàng thôi, vì trách nhiệm vẫn phải san sớt cho những người làm truyền thông. Hình như báo chí, nhất là báo mạng, chỉ nhăm nhăm khai thác scandal. Cứ nhìn những bài “đinh” trên mạng thì rõ, hầu hết đều là các tít giật gân như “Hoa hậu T hờ hững ngực khủng”, “Ca sĩ A tình tứ bên trai lạ” hoặc “Diễn viên X lộ nội y”. Trí tò mò của công chúng được đánh thức bằng mọi thủ thuật nhảm nhí bất chấp hậu quả. Mặt khác, khi cái dở ngự trị thì cái hay sẽ bị đè bẹp. Những nghệ sĩ chân chính cảm thấy ngả lòng vì không thể đối mặt với thị phi.

Thử hỏi, một bộ phim ra mắt mà phóng viên chỉ nhăm nhăm dò xét có tình huống sexy nào không, thì người làm phim tử tế sẽ tổn thương. Thử hỏi, một album ra mắt mà phóng viên chỉ ca tụng váy ngắn của ca sĩ, thì khán giả tìm đến với âm nhạc để làm gì?

Sài Gòn, cuối năm 2011

Xem thêm
'Lái Thiêu mùa trái chín' xuất hiện nhiều tác phẩm độc đáo

Việc tổ chức và duy trì Lễ hội 'Lái Thiêu mùa trái chín' được xem là giải pháp giữ vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Nhận định Borussia Dortmund vs Atletico Madrid: Khách lấn chủ

Trận tứ kết Champions League 2023/2024 giữa Borussia Dortmund vs Atletico Madrid sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 17/4/2024 trên sân vận động Signal Iduna Park.

ĐT U23 Việt Nam chính thức chốt danh sách tham dự VCK U23 Châu Á

HLV Hoàng Anh Tuấn đã chính thức đưa ra quyết định cuối cùng về danh sách 23 cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam tham dự VCK U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.