| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 28/07/2014 , 08:26 (GMT+7)

08:26 - 28/07/2014

Một nền bóng đá… cờ bạc

Lại bán độ bóng đá! Lại một cái tát nữa vào mặt người hâm mộ!

Tham gia bán độ lần này là 6 cầu thủ của đội bóng Đồng Nai, cầm đầu là cầu thủ mang băng đội trưởng Phạm Hữu Phát, người đã đại diện cho giới cầu thủ Việt Nam đọc lời tuyên thệ: “Thi đấu trung thực, cao thượng, tôn trọng điều lệ giải” trong ngày khai mạc V-League 2014 diễn ra tại sân Đồng Nai.

Thông qua một số kẻ tổ chức, Phát đã nhận 400 triệu đồng với yêu cầu Đồng Nai phải thua Than Quảng Ninh 2 bàn trong trận đấu ngày 20/7. Và Phát cùng đồng bọn đã thực hiện đúng yêu cầu của chúng. Than Quảng Ninh đã thắng Đồng Nai với tỷ số 5-3. Ngay sau trận đấu, cả nhóm đã bị C45 của Bộ Công an triệu tập. Đến sáng 21/7 thì mọi việc đã được làm sáng tỏ. Tất cả đều bị bắt khẩn cấp.

Vụ bán độ này xảy ra chỉ sau vụ bán độ của 9 cầu thủ đội V.Ninh Bình trong trận V.Ninh Bình gặp đội Kelantan (Malaysia) 3 tháng (4/2014). Trong vụ bán độ này, V.Ninh Bình thắng Kelantan với tỷ số 3-2. 9 cầu thủ V.Ninh Bình đã nhận tiền thắng độ lên tới 1,02 tỷ đồng. Cả 9 cầu thủ hiện đã bị PC45 Ninh Bình khởi tố điều tra, đang chờ ngày ra trước vành móng ngựa.

Nhân 2 vụ bán độ đầy tai tiếng chỉ trong nửa năm này, nhiều người hâm mộ đã nhìn lại nền bóng đá Việt Nam. Và người ta giật mình. Chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, từ 1997 đến nay, đã thấy có cả chục vụ bán độ hoặc liên quan đến bán độ.

Bán độ xảy ra ở khắp nơi, không chỉ trong các giải Quốc gia mà còn ở cả giải khu vực. Thậm chí bán độ xảy ra ở ngay trong các trận giao hữu. Như trận CAHN thắng An Giang 4-3 trong mùa giải 1997-1998; năm 1998, vì bán độ mà “người hùng” Nguyễn Phúc Nguyên Chương của đội CLB Hải Quan phải đứng trước vành móng ngựa với án phạt 2 năm tù treo.

Năm 2003, trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho SEA Games 22, vì bị nghi ngờ tham gia bán độ trong trận “khai sân” Mỹ Đình khi đội U23 VN gặp đội Thân Hoa Thượng Hải mà đội trưởng U23 Việt Nam Vũ Như Thành đã bị phạt treo giò 5 năm (trong trận này, U23 Việt Nam đã thua Thân Hoa Thượng Hải 1-2, khiến một trong những “trùm cá độ bóng đá” là Thắng “tài dậu” đã thua độ tới trên 1 tỷ).

Năm 2005, tại SEA Games 23, vụ bán độ trong trận ĐTQG Việt Nam gặp ĐTQG Myanmar do nhóm cầu thủ Văn Quyến, Quốc Vượng… tham gia, đã trở thành nỗi nhục của bóng đá Việt Nam. Kết quả là hàng loạt cầu thủ phải hầu tòa và sau đó phải bóc lịch trong tù, người lâu nhất đến 4 năm…

Cũng trong khoảng thời gian gần 2 thập kỷ đó, không có bất cứ vụ bán độ hay liên quan đến bán độ nào xảy ra đối với các nền bóng đá khác trong khu vực. Bán độ đã trở thành “đặc sản” của làng túc cầu Việt Nam.

Vì sao những vụ bán độ lại thường xuyên xảy ra trong giới cầu thủ Việt Nam. Họ nghèo ư?

Hoàn toàn không phải. Hãy thử nhìn mức thu nhập của một cầu thủ đội Đồng Nai, mới chỉ kha khá chứ chưa đến mức “sao”, vừa bị bắt là Nguyễn Thành Long Giang, thì sẽ thấy mức thu nhập của cầu thủ ta như thế nào: Lương 25 triệu đồng/tháng. Tiền “lót tay” mỗi mùa giải 400 triệu, chưa kể tiền thưởng sau mỗi trận thắng. Trước khi về đội Đồng Nai, Long Giang đã đá cho đội Navibanhk Sài Gòn với hợp đồng 5 tỷ. Ngôi biệt thự mà anh ta đang sống chỉ có trong giấc mơ của hàng triệu người. Vậy vì sao họ vẫn tham gia bán độ?

Nhiều chuyên gia cho rằng chính việc VFF cũng như các đội chỉ chăm chăm tạo những mức lương cao ngất ngưởng cho cầu thủ, cộng với những mức thưởng rất lớn trong mỗi mùa giải hay trước mỗi trận đấu. Nhưng lại xem rất nhẹ việc giáo dục, bồi dưỡng cho cầu thủ về phẩm chất trung thực, cao thượng, lòng tự trọng, tự hào dân tộc đã khiến cho các cầu thủ có một đời sống lệch pha: giàu tiền bạc nhưng nghèo đạo đức. Khi đã nghèo đạo đức thì tiền lương, tiền thưởng được chia không là gì so với số tiền thu được từ những cuộc bán độ. Và nếu cứ đà này thì sẽ chẳng biết gọi nền bóng đá Việt Nam là gì, ngoài cái tên là một nền bóng đá cờ bạc.

Nhận định đó, xem ra, là rất hữu lý.