| Hotline: 0983.970.780

Một ngày đêm kinh hoàng

Thứ Bảy 16/11/2013 , 17:31 (GMT+7)

Suốt đêm 15/11, hầu như tất cả người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định đều có 1 đêm không ngủ. Nỗi kinh hoàng này còn kéo dài đến suốt ngày hôm sau.

Suốt đêm 15/11, hầu như tất cả người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định đều có 1 đêm không ngủ, để đối mặt với nỗi kinh hoàng khi cơn lũ ầm ào đổ nước về lăm le cuốn trôi mọi thứ.

Nỗi kinh hoàng này còn kéo dài đến suốt ngày hôm sau.


Cầu Liêm Trực 2 tại KV Liêm Trực (An Nhơn) bị lũ cuốn trôi.

5 giờ sáng ngày 16/11, cả 2 huyện Vĩnh Thạnh và Tây Sơn đều bị mất điện do sự cố 1 cây to trốc gốc ngã, phá hỏng hệ thống điện tại xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn.

Trước tiền sảnh trụ sở UBND huyện Tây Sơn vẫn còn nguyên không khí khẩn trương khi vẫn còn 2 thôn của xã Tây An nằm giáp ranh với xã Nhơn Mỹ (TX An Nhơn) bị lũ chia cắt, người dân ở 2 thôn này vẫn bị lũ uy hiếp dù lúc này mực nước đã có giảm xuống.

Tại Nhà hàng Thanh Thanh nằm trên địa bàn thị trấn Phú Phong (Tây Sơn), 60 người dân ở khối Phú Xuân thuộc thị trấn Phú Phong sau 1 đêm “tị nạn” tại đây, giờ lục tục về nhà để coi ngó tài sản trong nhà của mình mất còn thế nào.

Ông Dương Đông Phong (SN 1974), người cuối cùng mang gói mang xách rời khỏi nơi di dời, kể lại: “Vào đêm 15/11, lúc 20 giờ tối nước bắt đầu dâng cao, dâng rất nhanh lên đến 3 mét nước. Khi ấy trong nhà có 2 vợ chồng tôi và bà mẹ đã gần 60 tuổi cùng đứa con mới 5 tuổi. Căn nhà của gia đình tôi rất đơn sơ, trong khi nước lũ ngày càng dâng cao, phần lo nước lũ cuốn đi, phần lo căn nhà rệu rã sập trên đầu.

Lúc đó cái chết gần như đã cận kề. Không chỉ riêng gia đình tôi, hầu hết các hộ dân trong địa phương đều lâm cảnh tương tự. May nhờ tôi có thằng em cũng làm Nhà nước nên biết số máy điện thoại của BCH PCLB-TKCN huyện, nó gọi xin cấp cứu.

Vào khoảng 22 giờ đêm, lực lượng bộ đội có đến mấy trăm người đưa xuồng và ca nô về đây để cứu bà con, lúc đó nước đã gần chạm mái nhà của tôi. Tất cả những hộ dân trong khối phố này phải dùng búa đập gãy rui, mè rồi dỡ ngói, sau đó được bộ đội trợ giúp, đưa tất cả người dân đang ở trong những căn nhà bị ngập sâu lên mái nhà.

Sau đó bộ đội đưa xuồng vào tận các ngõ ngách những căn nhà, chở dân ra ca nô để chở về Nhà hàng Thanh Thanh tránh lũ. Ở đây chúng tôi được chủ nhà hàng cho ăn uống, ngủ nghỉ tươm tất”.

Chúng tôi xuôi xe máy dần đi xuống, đến địa bàn thôn Phú Hòa (xã Tây Xuân), hình ảnh 1 cụ già với đôi mắt thất thần nhìn biển nước mênh mông đã níu chân chúng tôi dừng lại.

Cụ Hồ Hóa (60 tuổi) ở xóm Hòa Tây kể chuyện đêm qua mà giọng nói còn run run: “Lúc 8 giờ đêm nước tràn về lút đồng. Nước lên rất nhanh, tui thấy không xong, may lúc ấy bộ đội về giúp đưa gia đình tui chạy vào xóm gò tránh lũ. Nhờ xóm gò rất cao nên nước không tới. Bây giờ nhớ lại cảnh nước lũ đêm qua tui còn run, vì nếu không được di dời kịp thời, chưa biết bây giờ gia đình tui sẽ ra sao. Con gái tui học lớp 11 bên thị trấn hôm qua bị kẹt lũ không về nhà được, mong nước rút nhanh tui sang đưa nó về”.

Dọc QL 19 về hướng ngã tư cầu Bà Gi thuộc phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn), chúng tôi nhận thấy nhiều vùng dân cư còn ngập chìm trong nước.

Tại khu vực Trung Aí, phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn), chúng tôi được ông Hồ Văn Thìn (62 tuổi), có nhà nằm sát QL 19, cho biết: “Mới 16 giờ chiều qua nước đã bắt đầu lớn, lớn nhanh kinh hoàng. Trong nhà còn 1,5 tấn bắp và 2 tấn mì và 3 chiếc xe máy nhưng không thể di dời kịp, tui chỉ kịp đưa 6 người trong gia đình chạy lên quốc lộ tránh lũ”.

Tại đường rẽ dẫn vào trụ sở UBND phường Nhơn Hòa, chúng tôi thấy rất nhiều người dân, bộ đội đang tập trung tại ngã 3 trong không khí căng thẳng. Hỏi ra thì biết lực lượng cứu hộ đang chuẩn bị tiếp tục đưa phương tiện vào cứu dân ở các khu vực thuộc vùng sâu của xã. “Đêm qua nước dâng cao tràn cả qua quốc lộ. Nếu không có lực lượng cứu hộ đông đến 200 - 300 người thì sẽ có rất nhiều người bị lũ nhấn chìm. Bây giờ họ tiếp tục vào cứu hộ 2 cháu bé và 1 cụ già ở KV Hòa Nghi”, ông Trần Đình Chung (58 tuổi), 1 người dân địa phương cho biết.

Trường hợp sắp được lực lượng cứu hộ tiếp cận nghe rất thương tâm, anh Trần Văn Hồng có vợ 2 con ở KV Hòa Nghi. Do khó khăn, cả 2 vợ chồng kéo nhau lên Tây Nguyên làm mướn, gửi 2 đứa con 1 đứa 5 tuổi 1 đứa 7 tuổi cho bà ngoại là Hà Thị Cảnh đã 63 tuổi ở nhà trông coi. Lũ ập đến bất ngờ, 3 bà cháu suốt trong đêm qua phải dở ngói đu trên mái nhà vì nước đã tràn qua cửa sổ.

“Nghe tin ở quê có lũ lớn, cả 2 vợ chồng tui nóng rột quá, lên xe về quê vào lúc 1 giờ sáng nhưng bây giờ mới đến nơi vì bị tắt đường tại đèo An Khê. Vợ chồng tui đang chờ theo mấy anh bộ đội vào cứu hộ mẹ và 2 đứa con”, chị Hồ Thị Bé, vợ anh Hồng tâm sự.

Thượng tá Nguyễn Khuyến, Phó Lữ đoàn trưởng quân sự Lữ đoàn Phòng không 573 thuộc QK 5, cho biết riêng tại điểm nóng phường Nhơn Hòa với 50 cán bộ chiến sĩ với 1 ca nô và 1 máy đẩy, riêng tại Nhơn Hòa đêm qua lực lượng đã cứu hộ thành công 1.000 người dân.

Trưa 16/11, tại KV Tân Hòa thuộc phường Nhơn Hòa vẫn còn bị tắc đường, giao thông giữa QL 19 và QL 1A vẫn chưa thể thông bởi nước lũ còn ngập sâu đoạn truông Bà Đờn. Qua liên lạc, chúng tôi được biết vào lúc 1 giờ sáng ngày 16/11, lũ lên bất ngờ nhấn chìm phường Bình Định (TX An Nhơn). Hàng trăm nhà dân bị ngập sâu trong nước từ 1m đến 2m. Riêng tại thôn Liêm Trực có hơn 100 nhà dân bị cô lập. Người dân phải trèo lên nóc nhà hoặc phải “đu” trên cây cổ thụ chờ cứu hộ.

6 giờ sáng ngày 16/11, cầu Liêm Trực 2 nằm trên QL 1A, đoạn qua phường Bình Định (TX An Nhơn) bị sập từ chân cầu đến nhịp cầu đầu tiên một đoạn hơn 15m. Cầu Tân An cũng bị sập. Hai người bị lũ cuốn trôi, một người được người dân địa phương kịp thời cứu sống, một người khác đã bị lũ cuốn đi mất tích. Lực lượng cơ quan chức năng hiện vẫn tại những cầu sập không cho xe cộ và người dân qua lại để đảm bảo an toàn.

Tại thời điểm này, tất cả các phương tiện cứu hộ cứu nạn, lãnh đạo địa phương và hơn 100 chiến sỹ, cán bộ các cơ quan quân sự, công an tập trung tại phường Bịnh Định để thực hiện công tác ứng cứu.

Anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Liêm Trực, phường Bình Định, nói: “Nước lũ lên nhanh quá, bà con đang ngủ say, nước ùa về không kịp trở tay. Nước tràn vào nhà, chúng tôi bỏ của chạy lấy người, mặc của cải trong nhà bị lũ cuốn đi”.

Ông Ngô Đông Hải, Bí thư thị ủy An Nhơn, cho biết: “Toàn bộ các phương tiện cứu hộ cứu nạn của tỉnh đang tập triển khai phương án cứu dân. Chưa có con số thống kê thiệt hại về người, song rất nhiều tài sản của người dân bị mất trắng”.

Theo ông Nguyễn Văn Vui, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, đỉnh lũ lần này tại thượng nguồn sông Kôn cũng như ở Bình Nghi và ngã 3 Vĩnh Thạnh đều vượt đỉnh lũ lịch sử. Đến 4 giờ sáng ngày 16.11, mực nước tại Thạnh Hòa đạt 9.66, trong khi đó đỉnh lũ lịch sử xảy ra vào năm 1987 chỉ 9.44, như vậy đã vượt 22 phân, và nước vẫn đang tiếp tục dâng cao.

“Đêm qua mặc dù thời tiết không cho phép máy bay trực thăng triển khai công tác cứu hộ tại địa bàn huyện Tây Sơn, nhưng nhờ dồn mọi lực lượng và phương tiện của các địa phương khác trong tỉnh tập trung tại điểm nóng, nên có thể nói công tác cứu hộ tại đây đã thành công. Sau Tây Sơn, lũ đang dồn xuống 2 huyện An Nhơn và Tuy Phước. Hiện chúng tôi đã rút toàn bộ lực lượng cứu hộ ở Tây Sơn về ứng cứu cho những vùng lũ trọng điểm ở An Nhơn và Tuy Phước”, bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Một số hình ảnh PV NNVN ghi được trong ngày 16.11 tại huyện Tây Sơn và TX An Nhơn:


Công tác cứu hộ tại phường Bình Định (TX An Nhơn).

Phường Bình Định (An Nhơn) chìm trong lũ.


Nhiều đoạn sạt lở trên QL 19.

Nhiều vùng dân cư tại Tây Sơn và TX An Nhơn còn chìm trong lũ.


Phương tiện cứu hộ liên tục được di chuyển đến những điểm nóng.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm