| Hotline: 0983.970.780

Một ngày trên Mỏ Vàng

Thứ Ba 09/11/2010 , 10:23 (GMT+7)

Một ngày lang thang trên đất Mỏ Vàng, chẳng thấy vàng đâu, chỉ thấy sự nghèo khó của người dân nơi đây. Có một thứ vàng khác mà người dân bám vào đó để sống, đó là cây quế, họ gọi là cây vàng xanh…

Mỏ Vàng là cái tên mà các kỹ sư địa chất người Pháp đặt cho mảnh đất ở cuối dòng Thia. Một ngày lang thang trên đất Mỏ Vàng, chẳng thấy vàng đâu, chỉ thấy sự nghèo khó của người dân nơi đây. Có một thứ vàng khác mà người dân bám vào đó để sống, đó là cây quế, họ gọi là cây vàng xanh…

Xã Mỏ Vàng là một trong hai xã khó khăn nhất của huyện Văn Yên thuộc tỉnh Yên Bái, nhờ Chương trình 135 của Chính phủ nên con đường vào xã mới được mở, nhưng hễ trời mưa xuống là con đường trở nên lầy thụt. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa bão Mỏ Vàng trở thành ốc đảo giữa đại ngàn, nội khó xuất mà ngoại cũng khó nhập.

Nằm dọc theo hai bờ của dòng Thia, xã Mỏ Vàng nằm lọt giữa hai vách núi dựng đứng như thành luỹ, khó tìm nổi một mảnh đất bằng phẳng. Nếu như cánh đồng Mường Lò là sự hào phóng của dòng Thia qua hàng triệu triệu năm chở phù sa từ những cánh rừng đại ngàn để bồi đắp, tạo dựng lên cánh đồng phì nhiêu rộng thứ nhì vùng Tây Bắc, thì nơi đây dòng Thia như thắt lại, tạo nên những dòng thác dữ.

Đầu xã Mỏ Vàng

Chủ tịch xã Đặng Nho Hưng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Mỏ Vàng cho hay: Mỏ Vàng là cái tên do các kỹ sư địa chất người Pháp đặt. Chẳng ai biết tên ấy có tự bao giờ, khi tôi lớn lên đã nghe các cụ gọi như vậy rồi. Các cụ bảo rằng: Khe Loóng là nơi người Pháp phát hiện ra mỏ vàng, mỏ nằm trên triền núi cao, dốc dựng bây giờ là hai thôn người Mông đang ở, đó là Khe Loóng II và Khe Loóng III. Đường từ đây lên đó hơn mười cây số, không thể đi xe lên đó được, nếu đi bộ phải mấy tiếng đồng hồ, trời vừa mưa xong nên đi bộ leo dốc cũng khó khăn lắm…

Theo Chủ tịch Hưng, cách nay mấy năm nhiều tốp người đã mang dụng cụ đào đãi vàng săm soi khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm vàng, nhưng rốt cuộc chả thấy vàng đâu, dọc theo dòng Thia có vài chỗ có vàng sa khoáng, nhưng số lượng ít, nên họ đã vác máng bỏ đi, để lại hai bên bờ sông những bãi đất ngổn ngang, lở lói.

Xã Mỏ Vàng chỉ có 3.779 nhân khẩu với 11 thôn bản, chủ yếu là dân tộc Dao. Người Mông có ở 3 thôn, hai thôn Loóng II và Loóng III là dân di cư từ xã Suối Giàng huyện Văn Chấn sang, còn thôn Gốc Sấu là người Mông di cư từ Si Ma Cai sau chiến cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979. Người Tày cũng mới di cư tới mỏ Vàng khoảng vài chục năm nay, người Dao được coi là dân tộc sống lâu đời nhất ở Mỏ Vàng, chiếm gần 70 phần trăm dân số.

 Anh Hưng cũng không biết người Dao đến đất này lập nghiệp từ khi nào, nghe các cụ truyền lại một số di cư dọc theo dòng Thia từ An Lương xuống, một số khác lại từ Đại Sơn vào. Một vùng đất khi ngửa mặt lên chỉ thấy thăm thẳm núi dựng, cả xã chỉ có 58 ha ruộng nước, tính bình quân mỗi khẩu chưa được 16m2 ruộng. Vài chục năm trước người dân nơi đây chỉ biết làm nương rẫy, sau vài năm đất bạc màu cây lúa, cây ngô không mọc lên nổi, cảnh đói kém do mất mùa thường xuyên diễn ra.

Đặng Nho Hưng lắc đầu: Nếu không có cây quế thì người dân nơi đây không biết sống như thế nào trên mảnh đất dốc dựng đứng ngập tràn sỏi đá như thế này…Cũng nhờ cây quế mà người dân mới bám trụ được ở đây, toàn xã có 1.380 ha quế, trung bình mỗi năm bà con khai thác trên 1.000 tấn quế vỏ, chủ yếu bán tươi cho cánh xe ôm thu mua cho các đầu mối đặt dọc đường và thị trấn Mậu A, để họ sơ chế trước khi bán ra ngoài.

Mùa bóc quế, có hàng chục chiếc xe máy vào tận các thôn thu gom quế, vì ở xa đường sá đi lại khó khăn nên giá quế ở đây bao giờ cũng thấp hơn Đại Sơn, Viễn Sơn vài giá. Mặc dù vậy, cây quế đã mang lại cho họ một nguồn thu rất lớn mà không một cây gì ở đây sánh được. Đó là cây vàng xanh mọc trên đất Mỏ Vàng mà người dân mới tạo dựng được trong mấy chục năm nay. Đặt chân lên đất Mỏ Vàng đâu đâu cũng bắt gặp quế, quế mọc khắp đồi khắp núi, quế mọc ngay giáp nhà, bước ra khỏi cửa đã gặp quế, vào mùa bóc quế, hương quế thơm lừng khắp thôn bản.

 Năm nay quế bán được giá, vụ tháng 3 giá quế tươi bán được 5.000đ/kg, vụ tháng 8 bán được 7.000-8.000đ/kg, còn quế loại A bán được trên 20.000đ/kg. Bởi thế mà người dân đua nhau đi bóc quế, nhà nào không có lao động thì bán cả đồi, ví như ông Hoàng Văn Bảy bán một đồi quế khoảng 200 cây giá 90 triệu, tính ra mỗi cây được 450 ngàn đồng. Thân cây thì bán cho người ta làm cây chống, hoặc các nhà máy xẻ gỗ thanh, tuỳ loại to nhỏ mà mỗi khối có giá từ 500.000- 800.000đ/m3, còn lá quế cũng bán được 500đ/kg.

Cư A Mua thôn Gốc Sấu bán một đồi quế được 75 triệu, anh dự định xây nhà vào cuối năm nay. Hai vợ chồng Mua lúc này đang bóc vỏ quế, anh bảo: Cũng phải xây nhà cho con nó ở, mình đông con quá, 5 đứa mà...Tôi quá kinh hãi, được biết năm nay Mua mới 37 tuổi mà có tới 5 đứa con, nhà anh lại chả có nổi ba sào ruộng nếu không nhờ cây quế, thì không biết vợ chồng Mua xoay xở thế nào với 5 cái “tàu há mồm” ấy?

Niềm vui của vợ chồng Cư A Mua bán được đồi quế 75 triệu

Xã Mỏ Vàng có 771 hộ, nhưng chưa có nổi chục hộ nhà xây từ cấp 4 trở lên. Nhà chủ tịch Đặng Nho Hưng xây từ năm 2002, hết 5,8 vạn gạch. Đó là ngôi nhà xây hai tầng đầu tiên trên đất Mỏ Vàng, do không có đường ô tô, nên: gạch, cát, xi măng, sắt thép…đều vận chuyển bằng xe máy từ thị trấn Mậu A và xã An Thịnh vào, với chặng đường ngót hai chục cây số, một viên gạch mua tại chỗ giá chỉ có 190đ/viên, khi mang vào tới nhà anh giá đã đội lên 710đ/viên. Tính ra, với số tiền ấy ở thị trấn đủ xây được ba ngôi nhà như thế. Anh cười bảo: Người ta xây nhà 3-4 tháng, còn tôi xây hết gần một năm mới xong… Đến thời điểm này, xã Mỏ Vàng có thêm hai ngôi nhà tầng nữa đang xây dựng, đó là chủ nhân của những đồi quế vài chục ha.

Khi tôi đến nhà trưởng thôn Giàn Giầu của người Dao, Lý Đức Thêm đang ngồi tính toán số hộ nghèo mà anh vừa đi thống kê về. Với mức chuẩn hộ nghèo cũ thôn Giàn Giầu người Dao có 36 hộ nghèo trên tổng số 99 hộ, với mức chuẩn nghèo được nâng lên 400 ngàn đồng thu nhập đầu người một tháng, thì tỷ lệ hộ nghèo của thôn lên đến 88/99 hộ nghèo.

Lý Đức Thêm lắc đầu: Chả biết, hộ nghèo ở đâu bò ra mà lắm thế? Nói đến đây anh bật cười: Mà họ nghèo thật đấy, chứ chả phải họ nghèo chơi đâu. Mỗi hộ có chưa đầy hai sào ruộng thì giàu cái nỗi gì. Năm nay lại bị rầy nâu, chả mấy hộ thu được năm sáu tạ lúa trong nhà…Ngồi trong nhà Thêm cửa mở sáng choang, vậy mà chiếc bóng đèn điện và chiếc ti vi vẫn cứ mở, nói oang oang. Hỏi ra mới hay, đây là điện thuỷ điện nhỏ, nếu không bật ti vi và thắp sáng thì sẽ bị cháy máy, thành ra họ cứ thắp điện suốt ngày, ti vi mở suốt ngày. Kênh này hết chương trình thì mở kênh kia, đêm đi ngủ thì họ vặn ti vi nhỏ tiếng lại. Để nó nói chuyện một mình. Tài thật, họ nói mãi mà không biết mỏi mồm- Thêm cười bảo.

Đặng Nho Hưng thành thật: Cây quế được ví là cây vàng, nhưng không phải năm nào cũng bán được giá. Khao khát ngàn đời của người dân ở đây là có nước để làm ruộng. Nhất là khu vực Khe Loóng, người dân ở đây nghèo vì không có ruộng. Bảo sống trên mỏ vàng, nhưng cuộc sống của họ đang thiếu đói vàng mắt ra đấy…

Trên con đường chạy dọc dòng Thia, tôi nhìn thấy những đường ống dẫn nước bắc qua sông chẳng khác gì những đường dây điện cao thế. Theo Đặng Nho Hưng, từ năm 2009 ngành điện đã xây dựng đường điện lưới quốc gia vào xã Mỏ Vàng, thế nhưng đã hơn năm nay bà con chờ đợi có điện thắp sáng, còn ngành điện thì dựng cột rồi bỏ đấy, chả biết bao giờ mới đóng điện.

Trong trận mưa lũ vừa qua, nhiều cột điện bị đổ ngã gãy gục, dây điện buông lòng lòng ngay sát đầu người đi đường chả khác gì những cái bẫy, chưa có vụ tai nạn người đi xe máy vướng vào dây điện nên mặc dù xã đã báo cho ngành điện biết sự cố, nhưng đã mấy tháng rồi, đến nay chả thấy ai vào ngó ngàng gì cả. Tết năm nay người dân lại hy vọng có điện thắp sáng: Cũng chả biết thế nào, ngành điện vẫn bảo chờ- Anh Hưng chán nản.

Nhìn đường dẫn nước vượt dòng Thia trên lưng chừng trời, tôi mới thấy sự khát khao làm ruộng nước ở đây của bà con đến mức nào. Đường ống chỉ nhỏ bằng ngón chân, dài gần một cây số bắc từ sườn núi bên kia để cung cấp nước sinh hoạt và làm ruộng cho các hộ thôn Khe Ngoã. Đó là đường dẫn nước của gia đình ông Phùng Vinh Minh. Ông Minh nhờ bán quế mà có chút tiền, ông đã xây một bể nước trên sườn núi cao rồi dẫn nước từ trong khe núi chảy vào bể, sau đó căng một sợi dây thép băng qua dòng Thia, buộc đường ống dẫn nước vào đó.

Nguồn nước tự chảy ấy không chỉ cung cấp nước ăn cho mấy hộ quanh nhà ông Minh mà còn tưới cho 4 sào ruộng hai vụ. UBND xã Mỏ Vàng cũng làm theo cách của gia đình ông Minh, họ cũng bắc một đường ống dẫn nước qua suối, xin nguồn nước từ bể nhà ông Minh, nhờ đó mà UBND xã mấy năm nay không bị thiếu nước. Không chỉ gia đình ông Phùng Vinh Minh, gia đình các ông Lý Hữu Quyên, thôn Thác Cá, Đặng Kim Hiến, thôn Cánh Tiên I… cũng đã bắc đường ống nước vượt dòng Thia lấy nước vào ruộng.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm