| Hotline: 0983.970.780

Một người bình thường đáng kính trọng

Thứ Tư 27/07/2011 , 14:18 (GMT+7)

Trong nền thơ Việt Nam hiện đại, Chế Lan Viên là một trường hợp đặc biệt. Không chỉ nổi danh cả đời thơ 69 năm, mà khi ông giã biệt dương gian vào năm 1989 thì công chúng vẫn tiếp tục ngạc nhiên về “Di cảo thơ” của ông.

Trong những trang viết để lại, Chế Lan Viên có một bản nháp đặt tên “Bề thêu trái” hầu hết đều phản ánh những sự thật giản dị mà chúng ta dễ dàng bỏ qua giữa cuộc sống bộn bề. Bài thơ “Một người bình thường” có thể xem như ví dụ điển hình:

“Người nông dân ấy đã bốc mộ cho hàng ba trăm thương binh

Xác anh em và xác con mình

Anh xếp trên giường nhà anh như họ còn nằm ngủ

Vợ, dâu anh thì sợ

Nhưng anh vẫn làm nhiệm vụ

Việc ấy không để lại hào quang trên tay

Ánh sáng gì trong mắt

Hay huân chương trên tường

Có khi bản thân anh cũng muốn quên giữa cuộc đời chật vật

Còn ta à! Thì bận vì dạ hội, liên hoan

Tình ca, hội thảo...

Bao nhiêu điều láo nháo chúng ta quên

Quên rằng giờ chiến thắng mười năm

Anh ta vẫn khổ

Con vào trường không có chỗ

Đến bệnh viện không tiền

Ra đường không ai nhớ

Về làng người ta quên”

18 câu liên kết với nhau theo một trình tự xa gần, từ hiện thực ngoại cảnh đến suy tư nội tâm, gợi lên nỗi xót xa âm thầm. Bài thơ “Một người bình thường” giống như một bộ phim ngắn về chân dung người tìm mộ liệt sĩ.

Căn cứ vào văn bản, thông tin “giờ chiến thắng mười năm” có thể xác định bài thơ ra đời khoảng năm 1985. Nghĩa là, bộ phim ngắn bằng ngôn ngữ của Chế Lan Viên đã khám phá một vẻ đẹp mà 20 năm sau chúng ta mới được chứng kiến ở bộ phim tài liệu “Chị Năm Khùng” có cùng đề tài. Phải chăng hình ảnh “người nông dân ấy đã bốc mộ cho hàng ba trăm thương binh” thảng thốt qua thi ca Chế Lan Viên cũng là một hiện thân của những người lặn lội tìm hài cốt đồng đội như nhân vật Vũ Thị Minh Nghĩa trong “Chị Năm Khùng”?

Tuy nhiên, người nông dân của Chế Lan Viên còn lặng lẽ hơn, cam chịu hơn, nhẫn nhịn hơn. Không hề có ý niệm duy lợi ở hành động cao cả “không để lại hào quang trên tay, ánh sáng gì trong mắt, hay huân chương trên tường”. Không ai ra bất cứ điều kiện nào để người nông dân kia kiên trì và cần mẫn cúi xuống những mộ phần vô danh. Chúng ta chỉ có thể dùng luân lý vị tha và giới luật nhân từ mới có thể hiểu tấm lòng của một con người bình thường đáng kính trọng!

Thế nhưng, quan trọng hơn sự ghi nhận, Chế Lan Viên muốn nhắc nhở “láo nháo chúng ta quên” rằng “anh ta vẫn khổ”. Bốn câu thơ cuối dồn dập và ngột ngạt. Bốn câu kể mà khắc khoải như bốn câu hỏi: “Con vào trường không có chỗ/ Đến bệnh viện không tiền/ Ra đường không ai nhớ/ Về làng người ta quên”. Ai sẽ phải trả lời? Chính chúng ta, những người đang ngỡ tích cực dự phần vào sự phát triển của xã hội qua các không gian nhộn nhịp “dạ hội, liên hoan, hội thảo”.

Chế Lan Viên viết về người nông dân nọ không phải là một đối tượng của triết học đạo đức, mà là một con người đích thực để chúng ta biết trân trọng và nâng niu!

Bài thơ “Một người bình thường” ám ảnh không phải chữ nghĩa hoa mỹ hay hình ảnh kỳ vĩ, mà khẳng định thêm về chân lý đền đáp ơn tình: khi chúng ta nhạy cảm với ánh sáng ân nghĩa, thì mệnh lệnh của tâm linh cũng là mệnh lệnh của đời sống!

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất