| Hotline: 0983.970.780

Một số chú ý sản xuất lúa xuân miền Bắc

Thứ Ba 21/02/2017 , 07:15 (GMT+7)

Thời tiết miền Bắc vụ lúa đông xuân 2016-2017 có thể coi là ấm nóng điển hình trong gần 30 năm lại đây. Suốt mùa đông hầu như không có rét đậm rét hại.

Tiết lập xuân cũng gần như không có mưa xuân.

Sau lập xuân thời tiết có ngày hanh khô, độ ẩm không khí thấp. Đây là những yếu tố khí hậu rất khác thường. Thể hiện rõ nét sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Đồng thời năm âm lịch này nhuận hai tháng 6, thời tiết có thể có sự xê dịch nhất định và sẽ biến động phức tạp khó lường.

bon-thuc-phn-ngy-khi-lu-mu-bo-l-mu080640635
Bón thúc cho lúa
 

Đầu vụ công tác cày ải, làm đất và gieo mạ khá thuận lợi. Đất được phơi ải kiệt. Cây mạ sinh trưởng phát triển tốt, không bị đanh giá hoặc chết rét.

Tuy nhiên, qua tổng kết sản xuất lúa đông xuân nhiều năm cho thấy, những năm thuận mạ thì khó lúa, ngược lại những năm đầu vụ gieo cấy gặp rét đậm, rét hại nhiều, lại thường được mùa - đúng với kinh nghiệm của nhà nông “Chiêm 3 giá, mùa chết cá 3 lần”.

Điển hình như các vụ đông xuân 2008 và 2011, có rét đậm rét hại nhiều ngày liên tục, ở đồng bằng sông Hồng có nơi nhiệt độ không khí thấp nhất xuống tới 5 độ C, trung bình 7 - 8 độ C, rét nhất kể từ năm 1968, nhưng 2 vụ nói trên lại được mùa kỷ lục. Trong khi đó, vụ đông xuân 1987 được coi là vụ ấm nóng điển hình so với nhiều chục năm trước và sau đó. Kết quả, năng suất lúa bị suy giảm nghiêm trọng (mất mùa).

Theo đó, trong vụ sản xuất lúa đông xuân này, sẽ gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Thời tiết đông xuân ấm nóng nhiều, cây lúa sẽ sớm hoàn thành tích ôn hữu hiệu, rút ngắn thời gian sinh trưởng, sự tích lũy chất khô vào cây sẽ thấp, sau trỗ bông lúa sẽ bé và ngắn, năng suất giảm.

Mặt khác, lúa rút ngắn thời gian sinh trưởng, sẽ trỗ bông phơi màu sớm (tập trung chủ yếu vào cuối tháng 4), rất dễ gặp gió mùa đông bắc muộn, gây nên hiện tượng trắng bông (do không thụ phấn thụ tinh được). Đồng thời, vụ đông xuân ấm sâu bệnh sẽ phát sinh gây hại nhiều, tập trung trên diện rộng, dễ phát sinh thành dịch.

Để đảm bảo giành thắng lợi vụ sản xuất lúa đông xuân năm nay, các nhà nông cần bám sát dự báo thời tiết ngắn và trung hạn tại khu vực, để điều chỉnh các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời:

- Nếu thời tiết tới cuối tháng 3 vẫn ít mưa, ít rét hơn so với trung bình nhiều năm, cần bón tăng 15 -20% lượng đạm và 10 - 15% lượng kali so với quy trình bón phân mỗi giống, sẽ giúp gia tăng sinh khối lúa, kéo dài thời gian sinh trưởng, tránh trỗ sớm, bông to, hạt mẩy.

- Nếu dự báo sẽ có gió mùa đông bắc (rét muộn) trùng thời gian lúa trỗ, thì trước lúa trỗ 2 - 3 ngày, bón bổ sung 1 - 1,5kg kali/1 sào, giúp cây lúa tăng cường khả năng chống chịu, lùi thời gian trỗ bông phơi màu, tăng năng suất, chất lượng lúa gạo.

- Nếu thời tiết nắng và có mưa đều, cần căn cứ thực tế sinh trưởng từng ruộng lúa và độ màu mỡ của ruộng đất, để quyết định lượng phân bón và loại phân bón lúa (lúa tốt, ruộng bùn hẩu bón bổ sung kali; lúa xấu, đất kém màu mỡ bón NPK tổng hợp…).

- Bón phân tập trung chủ yếu vào các giai đoạn bón lót, bón thúc đẻ nhánh (khi cây lúa bén rễ hồi xanh) và bón nuôi đòng (khi lúa đứng cái, bộ lá chuyển màu hanh vàng, gần chóp lá có tắt eo). Tránh bón phân lai rai vì sẽ làm tăng số nhánh vô hiệu, gây lãng phí năng lượng, cây lúa sẽ nhỏ, lá bé, năng suất giảm

- Nếu thời tiết âm u, ít nắng kèm mưa phùn kéo dài nhiều ngày, cần thăm đồng thường xuyên, phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh hại chính bằng thuốc BVTV đặc hiệu như:

+ Rầy nâu: Penalty Gold 50EC; Apta 300WP…

+ Sâu cuốn lá: Regent 800WP; Cheif 520WP...

+ Chuột hại: Biorat; Cat 0,2% WP; Rat K2%D.

+ Bệnh đạo ôn: Beam 75WP; Fujione 40EC, Bump Gold 40WP… chú ý các giống lúa mẫm cảm với bệnh đạo ôn (Bắc thơm 7, nếp các loại…).

- Không phun thuốc khi lúa đang phơi màu. Phun sớm khi bệnh chớm xuất hiện hoặc sâu non tuổi 1; 2. Phun vào lúc mát các ngày không mưa. Dừng bón phân khi đang phòng trừ sâu bệnh. Sử dụng thuốc theo khuyến cáo trên bao gói.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.