| Hotline: 0983.970.780

Một số giải pháp đột phá cho nông nghiệp VN

Thứ Tư 12/03/2014 , 13:30 (GMT+7)

Trước tình hình bức xúc hiện nay, chúng ta cũng phải dám nhìn thẳng vào sự thật để đưa ra quyết sách táo bạo như dạng “khoán 10”, nhằm tạo xung lực mới để xoay chuyển hẳn cục diện nông nghiệp nông thôn.

* Vượt qua những thách thức gay gắt hiện nay

1. Nhìn thẳng vào thực trạng bức xúc trong nông nghiệp

Nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển vượt bậc trong 30 năm đổi mới vừa qua. Tuy vậy, sau một thời kỳ tăng trưởng dài, nông nghiệp nước ta đang chững lại, xuất hiện nhiều mâu thuẫn mới, đang đứng trước những thách thức lớn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và tự do hóa thương mại toàn cầu, trong đó có hai thách thức gay gắt nhất:

Một là, hiệu quả sản xuất nông nghiệp ngày càng sút kém, thu nhập nông dân suy giảm, thể hiện rõ nhất về doanh thu trên 1 ha đất trong 1 năm, cụ thể là:

- Ngành nông nghiệp sản xuất kinh doanh trên 9 triệu ha, doanh thu bình quân đạt 80 triệu đồng/ha/năm.

- Ngành lâm nghiệp sản xuất kinh doanh trên 8 triệu ha rừng kinh tế, doanh thu bình quân khoảng 3,4 triệu đồng/ha/năm.

- Ngành nuôi trồng thủy sản sản xuất kinh doanh trên 1 triệu ha, doanh thu khoảng 120 triệu đồng/ha/năm.

Như vậy, cả nước có gần 20 triệu ha đất sản xuất kinh doanh nông lâm nghiệp, doanh thu bình quân đạt khoảng 50 triệu đồng/ha/năm. Với doanh thu như vậy, lãi suất khoảng 20% thì lợi nhuận nông dân thu được chỉ được khoảng 10 triệu đồng/ha/năm, trong đó, nông dân ở nhiều vùng lúa, chiếm tỷ lệ đa số trong nông dân Việt Nam, sản xuất trong điều kiện đầu vào tăng, đầu ra suy giảm và bấp bênh, không có lời, nông dân không sống nổi trên mảnh đất của mình, do đó ở nhiều nơi, nông dân chán nghề làm ruộng, trả lại ruộng, cho mượn ruộng, có nơi phải bỏ làng ra đi để tìm kiếm sinh kế khác, đó là vấn đề rất đáng buồn, nhưng lại phù hợp với quy luật.

Hai là, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa Việt Nam rất thấp cả về chất lượng và giá cả, đặc biệt là chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước tình hình bức xúc về tự do thương mại hóa khi các hiệp định FTA với các nước có hiệu lực thì nhiều mặt hàng nông sản hàng hóa của Việt Nam nguy cơ đổ vỡ như gạo, cà phê, chè, đường mía, thịt bò, thịt gà, thức ăn chăn nuôi… tạo sức ép cực kỳ gay gắt đến nền nông nghiệp hướng ra xuất khẩu của nước nhà.

Rất tiếc rằng trước tình hình bức xúc nước sôi lửa bỏng như vậy, có nhiều nhà quản lý vẫn vô cảm, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp vẫn chưa bừng tỉnh, đông đảo nông dân không cập nhật được thông tin, có hiện tượng “bình chân như vại”.

Trong những năm đổi mới, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đã tạo ra động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn, nhưng đến nay động lực đó không còn hiệu ứng màu nhiệm để xử lý những vấn đề của nông nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bởi vậy, trước tình hình bức xúc hiện nay, chúng ta cũng phải dám nhìn thẳng vào sự thật để đưa ra quyết sách táo bạo như dạng “khoán 10”, nhằm tạo xung lực mới để xoay chuyển hẳn cục diện nông nghiệp nông thôn, đáp ứng đòi hỏi của nông dân, khai thác tối đa lợi thế của một nước nông nghiệp lớn có tiềm năng thiên nhiên dồi dào và đông đảo lực lượng nông dân rất cần cù và thông minh, góp phần làm giầu đất nước trong thời kỳ mới.

2. Tìm kiếm giải pháp tạo xung lực mới

2.1. Tái cơ cấu nền nông nghiệp

Nền nông nghiệp nước ta trong 30 năm qua vẫn dựa vào cơ cấu truyền thống, xoay quanh trục trọng tâm lấy mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tập trung mọi nguồn lực theo hướng làm càng nhiều diện tích lúa càng tốt, sản xuất lúa càng nhiều càng tốt, xuất khẩu gạo càng nhiều càng tốt, xem nhẹ hiệu quả và lợi ích nông dân.

Cơ cấu của ngành nông nghiệp mới phải tạo ra được những ngành sản xuất hàng hóa chủ lực với hai tiêu chí quan trọng nhất là:

Một, nâng cao nhanh thu nhập cho nông dân trên cơ sở nâng cao doanh thu và lợi tức trên 1 ha đất sản xuất kinh doanh. Phấn đấu doanh thu đạt 100 triệu đồng/ha/năm, tiến tới 200 triệu đồng/ha/năm, tỷ suất lợi nhuận khoảng 30%, đảm bảo mọi người làm nông nghiệp có thể làm giầu trên mảnh đất của mình tạo nền tảng phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Hai, đảm bảo mọi ngành hàng sản xuất chủ lực của Việt Nam đủ sức cạnh tranh quốc tế, đủ sức đề kháng mọi sự bất trắc trong quá trình hội nhập quốc tế, tự do hóa thương mại.

Cơ cấu mới của nền nông nghiệp gồm 3 loại:

- Loại 1: Nhất thiết vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, sản xuất lương thực đủ nuôi khoảng 130 triệu dân, có mức dự trữ cần thiết để đối phó với mọi tình huống khó tiên lượng của thời cuộc, không đặt trọng tâm vào sản xuất gạo hướng ra xuất khẩu.

- Loại 2: Phát triển những ngành hàng nông sản thay thế nhập khẩu nhưng đủ sức cạnh tranh để đứng vững được trong điều kiện tự do hóa thương mại.

- Loại 3: Tập trung phát triển những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh cao,  thị trường xuất khẩu lớn, có thu nhập cao cho nông dân và đem lại nguồn ngoại tệ lớn góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Phải tập trung trí tuệ và nguồn lực để hình thành những ngành sản xuất hàng hóa chủ lực có khả năng đem lại nguồn doanh thu trên 1 tỷ USD/năm, trong đó có những ngành đạt trên 10 tỷ USD/năm, xứng tầm với nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn của Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

2.2. Tích tụ ruộng đất hợp lý

Những giải pháp mang tính đột phá trong thời kỳ mới đòi hỏi những quyết sách chính trị của Đảng và Nhà nước ta, đảm bảo nền nông nghiệp nước nhà vượt qua mọi thử thách để phát triển bền vững, đáp ứng nguyện vọng và quyền lợi của nông dân, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tích tụ đất với quy mô hợp lý (tùy vào đối tượng và công nghệ sản xuất) là cơ sở hạ tầng quan trọng nhất để hiện đại hóa nông nghiệp (nhất là cơ giới hóa, thủy lợi hóa) và ứng dụng công nghệ cao và mới trong nông nghiệp, là chỗ dựa cơ bản để nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp hàng hóa Việt Nam hướng ra xuất khẩu. Một nền nông nghiệp sản xuất dựa vào hộ tiểu nông nhỏ và siêu nhỏ, với những thửa ruộng manh mún là lực cản lớn nhất đối với sự nghiệp phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn của nước ta.

Thực tế hiện nay đã hé mở hướng tích tụ ruộng đất từ hộ nông dân sản xuất nhỏ sang hộ nông dân sản xuất lớn và doanh nghiệp nông nghiệp kinh doanh quy mô lớn theo hướng như sau:

- Nông dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho chủ mới.

- Nông dân cho chủ mới thuê quyền sử dụng đất.

- Nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với chủ mới.

Làm được như vậy, ruộng đất sẽ được chuyển dần sang những chủ mới giầu tâm huyết với nông nghiệp, có đủ khả năng về vốn và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao với nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản.

Làm theo hướng này thì hàng triệu nông dân sẽ thôi nghề làm ruộng chuyển sang làm việc khác có thu nhập cao hơn, đó là vấn đề có tính quy luật trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà chúng ta phải chủ động để tìm kiếm những giải pháp phù hợp theo hướng phát triển nhanh công nghiệp và dịch vụ (trong đó có tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, dịch vụ du lịch nông thôn) và đưa nhiều lao động đi xuất khẩu, hợp tác sản xuất nông nghiệp với các nước.

2.3. Áp dụng khoa học công nghệ cao và công nghệ mới

Hiện nay, khoa học công nghệ chỉ đóng góp được khoảng 30% giá trị gia tăng nông nghiệp, phải nâng lên 70-80% trong những năm tới.

Biện pháp chủ yếu như sau:

- Phát huy mọi nguồn lực về trí tuệ của các tổ chức và đội ngũ các nhà khoa học. Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả của các tổ chức nghiên cứu khoa học công lập thì phải thu hút lực lượng khoa học kỹ thuật của các doanh nghiệp và viện nghiên cứu tư nhân để nghiên cứu những đề tài phục vụ nông nghiệp nông thôn.

- Vừa coi trọng việc nghiên cứu khoa học công nghệ ở trong nước, vừa coi trọng việc nhập khẩu công nghệ mới ở nước ngoài nhằm đảm bảo nền nông nghiệp Việt Nam được tiếp cận nhanh nhất thành quả khoa học công nghệ toàn thế giới.

- Vừa phát huy nguồn lực của đội ngũ khoa học trong nước kết hợp với việc thu hút các nhà khoa học nước ngoài vào hợp tác nghiên cứu những vấn đề khoa học kỹ thuật phục vụ nền nông nghiệp Việt Nam.

Với hướng đi đó khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thúc đẩy sự nghiệp phát triển nông nghiệp, giúp nền nông nghiệp Việt Nam vươn ngang tầm khu vực và thế giới.

2.4. Cải tổ cơ bản cơ chế quản lý các nông lâm trường quốc doanh

Hiện nay, cả nước có khoảng 100 nông trường quản lý 600 nghìn ha và 200 lâm trường quản lý 2 triệu ha đất, nói chung hiệu quả rất thấp và có nhiều tiêu cực.

Trong quản lý nông lâm trường quốc doanh đã tồn đọng rất nhiều vấn đề mà hàng chục năm nay không giải quyết dứt điểm, gây nên lãng phí đất đai, đời sống công nhân thấp. Phải đề ra giải pháp cải tổ thể chế quản lý nông lâm trường quốc doanh theo hướng ruộng đất phải có chủ, chấm dứt kiểu quản lý “phát canh thu tô” tồn tại từ nhiều năm nay. Cần áp dụng phương thức cho các hộ công nhân và các doanh nghiệp tư nhân đấu thầu công khai thuê quyền sử dụng đất nông lâm trường quốc doanh để nâng hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên đất “khổng lồ” trong các nông lâm trường và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất