| Hotline: 0983.970.780

Một số nghi lễ dân gian tiến hành vào đầu Xuân

Thứ Năm 03/02/2011 , 10:08 (GMT+7)

Những ngày đầu Năm mới, người dân Việt Nam vẫn giữ được tập tục tiến hành một số nghi lễ truyền thống vào đầu Xuân.

Những ngày đầu Năm mới, người dân Việt Nam vẫn giữ được tập tục tiến hành một số nghi lễ truyền thống vào đầu Xuân.

Lễ động thổ

Lễ động thổ hàng năm được tiến hành sau ngày mùng 3 tết. Động thổ phải có lễ cúng Thổ thần để trình xin bắt đầu động đến đất cho một Năm mới.

Xưa kia, tại Việt Nam lễ này cũng được tổ chức từ triều đình tới nhân dân, nhưng về sau lễ này chỉ còn tồn tại trong dân chúng.

Thực ra, ngày làm lễ động thổ không nhất định là phải vào ngày nào, nhưng để giúp dân chúng tiện việc làm ăn, nhiều làng thường cử hành lễ này sau ba ngày tết. Các bậc kỳ lão và quan viên được cử làm chủ tế và bồi tế để cúng thần Đất. Lễ vật cúng gồm hương đăng, trầu rượu, y phục và kim ngân đồ mã.

Trong buổi lễ, ông chủ tế với áo thụng xanh cuốc mấy nhát xuống đất để lấy một cục đất đặt lên bàn thờ, tường trình với Thổ thần xin cho dân làng được động thổ.

Sau buổi lễ động thổ này, dân làng mới được động tới đất. Ai cuốc xới trước lễ động thổ bị dân làng bắt vạ. Trong ba ngày tết, nếu không may có ai mệnh chung, tang gia phải quàn lại trong nhà, đợi lễ động thổ xong mới được đào huyệt an táng.

Lễ khai hạ

Theo tục lệ Việt Nam, ngày mùng 7 tháng Giêng là ngày hạ cây nêu. Cây nêu trồng trong năm, khi sửa soạn đón tết cùng với cung tên bằng vôi trắng vẽ trước cửa nhà để “trừ ma quỷ,” nay được hạ xuống.

Lễ hạ nêu còn được gọi là lễ khai hạ. Nhân dịp này, ngoài lễ cúng trời đất, người ta còn sửa lễ cúng gia tiên, cúng Thổ công và thần tài. Thường sau ngày lễ này, mọi công việc thường xuyên mới được bắt đầu trở lại.

Ngày nay, nhiều nơi không còn lễ khai hạ nữa, tuy nhiên tại các gia đình Việt Nam nhất là những gia đình buôn bán, ngày mồng 7 tháng Giêng vẫn có cúng lễ, cầu buôn may bán đắt, phát đạt, thịnh vượng quanh năm.

Lễ Thần Nông

Thần Nông là vị “vua” đầu tiên đã dạy dân nghề làm ruộng, chế ra cày bừa và là người đầu tiên đã làm lễ tịch điền hoặc hạ điền. Lễ Thần Nông tức là lễ tế vua Thần Nông để cầu mong cho mùa màng và nghề nông phát đạt.

Trên các quyển lịch hàng năm, người ta thường vẽ một mục đồng dắt một con trâu. Mục đồng tức là vua Thần Nông, còn con trâu tượng trưng cho nghề nông. Hình mục đồng cũng như con trâu thay đổi hàng năm tùy theo sự ước đoán của Khâm thiên giám về mùa màng năm đó tốt hay xấu.

Năm nào được mùa, Thần Nông giày dép chỉnh tề, còn năm nào mùa kém, Thần Nông có vẻ như vội vàng hấp tấp nên chỉ đi giày một chân.

Con trâu đổi màu tùy theo hành của mỗi năm, vàng, đen, trắng, xanh, đỏ ứng với Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Hàng năm xưa có tục tế và rước Thần Nông tại triều đình.

Lễ tịch điền

Lễ tịch điền còn gọi là lễ hạ điền do chính vua Thần Nông đặt ra. Cũng như một số nghi lễ khác, lễ tịch điền của người Trung Quốc đã du nhập sang Việt Nam. Hàng năm vào đầu xuân, nhà vua lại tự thân cày mấy luống đất để làm gương cho dân chúng và cử hành lễ tịch điền. Tiếp sau vua, các hoàng thân, các quan văn võ, các chức sắc, bộ lão sở tại cũng ra cày.

Tại các tỉnh, các xã cũng có lễ tịch điền. Ở tỉnh, quan tỉnh bắt đầu lễ tịch điền bằng việc cày và ở xã là vị chức sắc cao nhất trong xã. Tùy từng triều đại, việc cử hành lễ tịch điền có lúc long trọng, lúc đơn giản và ở mỗi địa phương cũng có những tục lệ riêng.

Lễ khai ấn


Tục truyền, lễ khai ấn thường được tiến hành sau ngày rằm tháng Giêng. Các ấn đã được lau chùi trong năm. Ngày xuân, Bộ Lễ chọn ngày lành, giờ tốt để làm lễ khai ấn, nghĩa là dùng ấn đóng lên một công văn chỉ dụ. Thường bản văn đầu tiên được đóng ấn là bản văn tốt lành.

Tại các tỉnh, huyện, xã, mỗi viên chức có ấn đều chọn ngày khai ấn. Ngày xưa, người ta còn có sửa lễ cúng vị thần giữ ấn tín trong dịp lễ khai ấn.

Lễ khai bút

Tuy không có quy định bắt buộc về lễ khai bút đầu xuân, song ý tưởng tôn trọng việc học đã nâng thành một hành động mang ý niệm tâm linh và trở thành truyền thống văn hóa không thể thiếu đối với dân tộc Việt Nam mỗi dịp Năm mới.

Ngày xưa, dịp đầu Năm mới, sau lễ cúng đón giao thừa, các viên quan, các nhà giáo, nhà sư, các môn đồ chuẩn bị án thư, nghiên mực, bút lông và giấy hoặc lụa để làm lễ khai bút đầu năm.

Mực thường dùng là mực Tàu thơm được mài kỹ và sau đó người khai bút sẽ thảo lên giấy trắng hoặc lụa trắng. Bên án thư, có người đặt một đỉnh trầm ngát hương bay tỏa lẫn với hương xuân giao mùa ngoài cửa.

Nội dung bài khai bút thường là một câu đối, một bài thơ đường luật ứng tác hoặc một câu danh ngôn, một lời chúc mọi người, có khi là một lời tự chúc với bản thân như một tâm nguyện trước Năm mới.

Bài khai bút sau đó được đặt ở một nơi trang trọng, có khi là đầu một cuốn sổ nhật ký, một án thư, có khi được treo trang trọng trong thư phòng hoặc phòng khách trong suốt Năm mới ấy.

Lễ khai bút là một phong tục trang nghiêm và thiêng liêng với mong muốn hướng tới một thế giới tinh thần rộng lớn, bày tỏ nguyện vọng kẻ sĩ lập ngôn cao đẹp của người trí thức trước cuộc đời.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất