| Hotline: 0983.970.780

Một số vấn đề cần quan tâm khi thực hiện xây dựng nông thôn mới ở nước ta

Thứ Hai 24/05/2010 , 06:00 (GMT+7)

Nông thôn mới trước tiên nó phải là nông thôn, không phải là thị tứ, thị trấn, thị xã, thành phố và khác với nông thôn truyền thống hiện nay, có thể khái quát gọn theo năm nội dung cơ bản...

Hồ Xuân Hùng (*)

Ngày 5/8/2008, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành TW khóa X về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn được ban hành. Theo đó, Đảng ta đã nhìn nhận lại những thành tựu và tồn tại sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới trong lĩnh vực Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn. Trên cơ sở đó, đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, cách thức tổ chức thực hiện trong từng giai đoạn đến 2015 và 2020 để phát triển nông nghiệp, xây dựng giai cấp nông dân và nông thôn mới XHCN ở Việt Nam.

Sau 20 năm đổi mới, đây là lần đầu tiên Đảng ta có một nghị quyết toàn diện nhất về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập. Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW bên cạnh những mặt được và những tồn tại của quá trình tổ chức thực hiện đã được Chính phủ đánh giá nghiêm túc tại Hội nghị Chính phủ tháng 10/2009 (Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 11/11/2009).

Trong bài viết này, tôi không đề cập lại những kết luận đó, mà chỉ tập trung làm sáng tỏ một số vấn đề xung quanh quan niệm, nội dung và biện pháp tổ chức thực hiện và xây dựng nông thôn mới - Một Chương trình mục tiêu Quốc gia đến 2020, tầm nhìn 2030.

Ảnh minh họa

I. Thống nhất nhận thức về nội dung chức năng nông thôn mới XHCN Việt Nam.

1. Nội dung nông thôn và nông thôn mới XHCN Việt Nam.

Đến nay, không còn có ý kiến gì khác về quy định tại Thông tư số "54" ngày 21/8/2009 của Bộ NN-PTNT ghi rõ: "Nông thôn là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là UBND xã".

Nhưng nông thôn mới là gì? Trong Nghị quyết số 26-NQ/TW đưa ra mục tiêu: "Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường".

Như vậy, nông thôn mới trước tiên nó phải là nông thôn, không phải là thị tứ, thị trấn, thị xã, thành phố và khác với nông thôn truyền thống hiện nay, có thể khái quát gọn theo năm nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, đó là làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại;

Thứ hai, sản xuất phải phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa;

Thứ ba, đời sống về vật chất và tinh thần của dân nông thôn ngày càng được nâng cao;

Thứ tư, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển;

Thứ năm, xã hội nông thôn an ninh tốt, quản lý dân chủ.

Thực tế hiện nay trong quá trình chỉ đạo 11 xã điểm triển khai xây dựng nông thôn mới ở nước ta đang gặp phải 3 khó khăn lớn nhất sau đây:

- Tăng nhanh, bền vững thu nhập cho nông dân. Theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, đến 2020 thu nhập của dân nông thôn tăng gập 2,5 lần hiện nay, bình quân cư dân nông thôn hiện nay thu nhập 400USD/người (cả nước xấp xỉ 1.000 USD/người), trong khi cả nước hiện còn hơn 2.000 xã/9.800 xã nghèo nhất nước có tỷ lệ hộ nghèo ≥ 50%, khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và đô thị đang ngày càng rộng ra, đất đai nông nghiệp ngày càng thu hẹp, khí hậu thời tiết ngày càng khắc nghiệt, đó là thách thức rất lớn.

- Xây dựng hạ tầng nông thôn hiện đại, trong điều kiện thực tế hạ tầng nông thôn quá lạc hậu nhất là miền núi, vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong khi nguồn vốn đầu tư của Chính phủ rất hạn chế. Mặt khác, lại phải xây dựng được môi trường sinh thái nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Xây dựng nông thôn mới không phải biến nông thôn thành thành thị.

- Chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp, sao cho đến năm 2020 lao động nông nghiệp chiếm 30% lao động của xã hội (thay vì gần 60% như hiện nay).

2. Chức năng nông thôn mới

a) Chức năng vốn có của nông thôn là sản xuất nông nghiệp. Nông thôn mới phải là nơi sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao theo hướng sản xuất hàng hoá, không phải là tự cung, tự cấp, phát huy được đặc sắc của địa phương (đặc sản). Đồng thời với việc này là phát triển sản xuất ngành nghề, trước hết là ngành nghề truyền thống của địa phương. Sản phẩm ngành nghề vừa chứa đựng yếu tố văn hoá vật thể và phi vật thể của từng làng quê Việt Nam, tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn...

b) Chức năng giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc

Quốc gia nào cũng vậy, loài người được sinh ra bắt đầu từ nông thôn hoặc là đồng bằng và miền núi, ven sông suối, ven biển. Sự phát triển của nhân loại tạo ra đô thị. Bản sắc văn hóa làng quê cũng đồng nghĩa với bản sắc từng dân tộc, giữ gìn nó là giữ gìn văn hoá truyền thống đa dạng của các dân tộc, của từng quốc gia.

Là người Việt Nam, ai đó không có quê để về, không có quê để nhớ chắc là buồn lắm, thiếu một cái gì đó ghê gớm lắm trong cuộc sống tinh thần của họ... Làng quê nông thôn Việt Nam khác lắm so với các nước xung quanh, ngay cả ở Việt Nam, làng quê dân tộc Thái khác với H'Mông, khác với Êđê, Bana, người Kinh... Nếu quá trình xây dựng nông thôn mới làm phá vỡ chức năng này là đi ngược lại với lòng dân và làm xóa nhòa truyền thống văn hóa muôn đời của người Việt.

c) Chức năng sinh thái

Nếu như nền văn minh công nghiệp phá vỡ mối quan hệ hài hóa vốn có con người và thiên nhiên, thì thuộc tính (chức năng) sản xuất nông nghiệp lại mang chức năng phục vụ hệ thống sinh thái. Từ vườn cây, ao cá, cánh đồng lúa bát ngát mênh mông, trang trại cà phê, tiêu..., hệ thống tưới tiêu, hồ đập thuỷ lợi cho đến bờ dậu... làm cho con người gần gũi, gắn chặt với thiên nhiên.

Một thực tế hiện nay ở nước ta là nhiều làng quê cũng đã từng gạch hoá, bê tông hoá, đang phố hoá, từng ngày phá vỡ đi môi trường sinh thái.

Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc chúng ta phải lấy chức năng sinh thái làm thước đo cho sự hoàn thiện mô hình nông thôn mới ở Việt Nam.

II. Biện pháp để thực hiện các giải pháp của Chương trình mục tiêu Quốc gia về Nông thôn mới

Trong đề án Chương trình mục tiêu Quốc gia về Nông thôn mới, Chính phủ quyết định 6 giải pháp chủ yếu để thực hiện 11 nội dung mà Chương trình mục tiêu Quốc gia đề ra nhằm đạt mục tiêu cụ thể từ nay đến 2015: 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến 2020: 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới mà Chính phủ đã ban hành). Ở đây, tôi xin nêu một số điểm cần lưu ý khi thực hiện các giải pháp để xây dựng nông thôn mới.

1. Trong quá trình tổ chức cuộc vận động xã hội về xây dựng nông thôn mới phải nhận thức được vị thế chủ thể của người nông dân (bao gồm cả vị thế chính trị, kinh tế). Đây là nhóm dân số đông nhất hiện nay ở nước ta, là giai cấp đã cùng với giai cấp công nhân Việt Nam đi suốt chiều dài lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng hiện tại đang gặp nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế - văn hoá - tinh thần và nhìn chung là nhận thức thấp.

Theo đó, nông thôn là khu vực rộng lớn nhất, đa dạng cư dân, đa dạng văn hoá truyền thống (kể cả tập tục lạc hậu) hạ tầng lạc hậu..., môi trường sinh thái đang bị huỷ hoại nghiêm trọng. Vì vậy, cần có cách tổ chức vận động phù hợp.

2. Quyết định lựa chọn một cách khoa học, sát thực tế với từng địa phương những nội dung, việc cần ưu tiên làm trước. Trong đó, kiên trì quy hoạch, bổ sung quy hoạch lại nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới và phải đi trước một bước.

Từ quy hoạch tổng thể, phân khu chức năng đến quy hoạch chi tiết, tôn trọng quá trình tích luỹ nhiều đời quy hoạch làng quê Việt Nam. Hạn chế tối đa gây xáo trộn, tốn kém gây tâm lý không tốt, không thiết thực khi làm quy hoạch, hoặc gây ảo tưởng trong dân;

Việc đầu tư cần thiết về cơ sở hạ tầng trong quá trình xây dựng nông thôn mới chỉ thực hiện khi phê duyệt xong quy hoạch.

3. Kiên trì, lâu dài hỗ trợ nông dân về khoa học - kỹ thuật, đưa tiến bộ khoa học vào nông nghiệp, nông thôn.

Nông dân và con cái họ chịu quá nhiều thiệt thòi về điều kiện tiếp nhận khoa học - kỹ thuật mới. Không đủ lực (kể cả tiền và trình độ học vấn) để ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Phải đi từ thấp lên cao, đưa ứng dụng kỹ thuật mới phải thực tế.

Một sự thực là, sản phẩm nông nghiệp đang nâng vị thế quốc gia trên trường quốc tế về mặt kinh tế. Thử đặt câu hỏi: có những sản phẩm nào của Việt Nam xuất khẩu đứng ở tốp 5 trở lên trên thị trường quốc tế?

Hạt tiêu, hạt điều đứng thứ nhất; gạo, cà phê đứng thứ hai; cao su đứng thứ ba.

Chỉ mới có sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đứng trong tốp 5 trên thị trường quốc tế, các sản phẩm công nghiệp, thậm chí có giá trị xuất khẩu lớn như dệt may nhưng cũng đang ở vị trí sau tốp 5, và hàm lượng quốc gia trong sản phẩm dệt may chưa quá 10%.

Khuyến nông là một giải pháp rất hữu hiệu ở nước ta và kinh nghiệm quốc tế. Trung Quốc có riêng một đài truyền hình cho nông nghiệp, nông thôn, đặt tại trung tâm đào tạo của Bộ Nông nghiệp. Malaysia họ có Bộ Phát triển nông thôn, nhiệm vụ quan trong nhất của họ cũng là làm sao đưa nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nông nghiệp - nông dân - nông thôn.v.v.. Cùng với việc này là tập trung triển khai nhanh chương trình đào tạo cho cư dân nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009.

4. Đầu tư từ nhiều nguồn cho nông thôn

Hạ tầng và công trình phúc lợi công cộng (hiện nay Chính phủ quyết định 7 hạng mục công trình "cứng") Nhà nước đầu tư 100%, tạo sự thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhưng về lâu dài là chính sách thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp về với nông thôn.

Hiện nay, doanh nghiệp đứng chân ở nông thôn quá ít, chính sách giảm phần rủi ro cho người nông dân trong trong sản xuất nông, lâm, thuỷ sản quá thiếu, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này hiệu quả cũng thấp và thiếu ổn định, thường đẩy rủi ro về người sản xuất.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới chúng ta đang gặp phải 2 mâu thuẫn lớn:

Một là, mâu thuẫn giữa sản xuất nhỏ với thị trường lớn;

Hai là, mâu thuẫn giữa hiệu quả thấp với rủi ro cao.

Cần được xử lý nhằm thu hút doanh nghiệp về nông thôn, đó là cách tốt nhất để huy động nguồn lực và là cầu nối Nông dân - Doanh nghiệp - Thị trường.

Nếu sự phát triển sản xuất của cư dân nông thôn gắn kết với doanh nghiệp tại nông thôn, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đó là cách tốt nhất không chỉ là huy động nguồn lực, mà còn là cách "dẫn dắt nông dân ra thị trường" khắc phục được kiểu đưa thị trường về nông thôn - "thả nổi nông dân trong cơ chế thị trường".

Mặt khác, tạo cơ hội cho cư dân nông thôn tham gia đầu tư không chỉ cho sản xuất của chính mình, mà cả phúc lợi công cộng do chính mình được hưởng.

5. Hình thành "giá đỡ" để nông dân yên tâm sản xuất sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp.

5.1. Chính phủ đã có quyết định về an ninh lương thực Quốc gia, cũng có nghĩa là phải ổn định lâu dài 3,7 triệu ha đất trồng lúa. Ngoài quy định về việc giá mua lúa phải đảm bảo 30 - 40% lợi nhuận cho nông dân trên giá thành, cần có chính sách bảo hiểm khác để nông dân trồng lúa yên tâm trồng lúa. Nhất là rủi ro do thời tiết, dịch bệnh.

Hạt gạo Việt Nam không chỉ đảm bảo lương thực cho 80 - 120 triệu dân Việt Nam, mà còn góp phần an ninh lương thực quốc tế, nâng vị thế quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế. Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo lợi nhuận khá lớn, nhưng đời sống người trồng lúa bấp bênh, thu nhập đang ở mức dưới 20 triệu đồng/ha. Những tỉnh chủ yếu trồng lúa (Đồng bằng Bắc Bộ, Sông Cửu Long) băn khoăn khi phải giữ ổn định đất lúa, không được chuyển sang mục đích khác dù hiệu quả trên một ha cao hơn nhiều, như: khu đô thị, khu công nghiệp,... Chính sách bảo hiểm và cơ chế tài chính quốc gia cần xử lý.

5.2. Bảo hiểm cho người nông dân khi bị thu hồi đất.

Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ đã giải quyết tương đối tốt vấn đề đền bù (bằng tiền) cho dân khi bị thu hồi đất và các chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề khác. Song, trong thực tế chuyển đổi việc làm cho người nông dân rất phức tạp, nhất là khi các doanh nghiệp mà họ vào làm việc gặp khó khăn, phải tự lo lấy nghề là nghề mới đối với người nông dân quả là không dễ. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu để có chính sách riêng cho đối tượng này, nhất là bảo hiểm cho người lập nghiệp mới.

5.3. Bảo hiểm cây trồng, vật nuôi.

Lựa chọn ngay một số cây trồng, vật nuôi đã là sản phẩm hàng hoá ở quy mô lớn, theo vùng để đưa chính sách bảo hiểm, vừa đảm bảo ổn định bền vững thu nhập cho cư dân nông thôn, doanh nghiệp, vừa tạo thế cho những sản phẩm hàng hoá của Việt Nam đã có vị thế quốc gia (như đã nêu trên).

5.4. Xây dựng hệ thống bảo hiểm cho người nông dân khi quá tuổi lao động theo nguyên nguyên tắc: người dân hưởng thụ bảo hiểm; tập thể, doanh nghiệp sử dụng hoặc là Hợp tác xã sản xuất sản phẩm nông nghiệp; ngân sách Nhà nước cùng tham gia để khi người dân quá tuổi lao động có "tiền hưu", có thể gọi là "Hưu nông dân".

6. Tạo môi trường tốt nhất cho các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với trình độ cư dân từng xã, làng, từng loại hình sản phẩm cây trồng, vật nuôi, làng nghề..., tính chất sản phẩm của từng dân tộc. Với mục tiêu tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị cao, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn.

Kinh tế hộ, trang trại, hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đều nằm trong khuôn khổ của chính sách đó và Chính phủ khuyến khích, hãy hướng cho dân tự lựa chon, không áp đặt.

Một số hình thức tổ chức tổ chức sản xuất mới đã hình thành ở nước ta:

a) Nông dân góp vốn bằng đất vào doanh nghiệp, có thể họ trở thành công nhân làm việc trong doanh nghiệp (ăn lương) trên chính mảnh đất của mình, Công ty Cao su Sơn La, Lai Châu là những ví dụ điển hình, có thể họ chỉ là cổ đông hưởng cổ tức và chuyển làm việc khác. Chính phủ có chính sách để đất trở thành nguồn lực làm giàu lâu dài cho người nông dân.

b) Nông dân tham gia mua cổ phần vào các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, các công trình kinh tế lớn quốc gia, nhất là thuỷ điện. Sự hy sinh của cư dân nông thôn khi phải bỏ quê quán đến nơi mới lập quê, lập nghiệp cần có chính sách cho họ được hưởng thụ lợi ích trực tiếp từ hiệu quả các công trình kinh tế mà họ đã trực tiếp hy sinh đóng góp xây dựng nên. Hoặc là dành một khoản cổ phiếu thưởng (không chuyển nhượng) để họ được hưởng cổ tức lâu dài tại các doanh nghiệp đó.

c) Công ty cổ phần mà cổ đông là các hợp tác xã, các chủ trang trại, các tổ hợp tác (theo cách là nhóm cổ đông), hộ nông dân; không chỉ dịch vụ đầu vào, đầu ra mà ngay cả trong sản xuất hàng hoá, nhất là sản phẩm từ làng nghề, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, vùng sản xuất hàng hoá chất lượng cao, không giới hạn địa lý hành chính xã, huyện,...

Chính phủ có chính sách hỗ trợ và bảo hiểm cho các loại hình mới hoạt động có hiệu quả, phát triển.

7. Củng cố, xây dựng các tổ chức xã hội vì lợi ích trực tiếp của chính cư dân nông thôn.

Cùng với việc ra sức kiện toàn các cấp uỷ Đảng, chính quyền xã là việc tổ chức lại các hội, đoàn thể của dân thực sự là tổ chức của họ, đại diện cho họ giám sát các hoạt động của các cấp chính quyền, tổ chức Đảng, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai trong thôn xã, giúp họ các định hướng phát triển sản xuất, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, tình làng nghĩa xóm. Cùng nhau lo việc hiếu, hỷ, khắc phục khó khăn trong đời sống thường ngày, cùng nhau chống các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trong làng xã; giúp nhau và thi đua làm giàu chính đáng.

- Tổ chức thôn, xóm không phải là cấp hành chính, nhưng lại rất sát thực với dân, là một phần quan trọng trong cách thức tổ chức hành chính xã. Việc quan tâm đào tạo cán bộ thôn (bản), xóm và các chính sách cho họ là việc làm rất cần thiết, giúp cho hệ thống chính trị của xã sát cơ sở, và cũng là nguồn lực tại chỗ đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở xã.

Công khai và phổ thông việc dân bầu trực tiếp cán bộ lãnh đạo cơ sở từ thôn (bản) đến xã, đảng viên bầu trực tiếp bí thư chi bộ, đại hội bầu trực tiếp Bí thư, Thường vụ đảng uỷ nhất định sẽ giúp chúng ta có được bộ máy quản lý nông thôn ngày càng tốt hơn, trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện nông thôn mới XHCN ở nước ta.

***

Xây dựng thành công chương trình nông thôn mới trên phạm vi cả nước là mục tiêu chiến lược, lâu dài của Đảng ta. Đến năm 2020, mục tiêu đặt ra là 50% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Vậy sau bao nhiêu năm nữa Việt Nam có 70 - 80 - 90 và 100% xã đạt chuẩn Quốc gia nông thôn mới? Đó là câu hỏi phải có lời đáp, là nhiệm vụ còn lâu dài không chỉ tầm nhìn đến 2030. Những xã càng về sau càng khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện xã hội khác. Nhưng ngay cả việc đến 2015 có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới cũng là thách thức lớn. Đảng, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách để huy động cả hệ thống chính trị tham gia, để người dân hiểu được và tự giác làm cho chính mình.

Kinh nghiệm các nước xung quanh ta cho thấy con đường phát triển nông nghiệp - nông thôn không nằm trong nông nghiệp, nông thôn, muốn phát triển phải thực hiện phương châm:

1. Dùng đô thị tác động, dẫn dắt nông thôn, không chỉ quy hoạch bố trí khu dân cư, hạ tầng mà cái lớn hơn là tư duy của cuộc sống mới, vươn lên trong kinh tế hội nhập.

2. Dùng công nghiệp tác động vào nông nghiệp cả trong ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, cả tác phong sống và làm việc, và cả trong điều tiết lợi nhuận từ công nghiệp trả về cho nông nghiệp. Nông dân, nông nghiệp Việt Nam đã trải qua thời kỳ dài thắt lưng, buộc bụng để xây dựng nền công nghiệp cho đất nước, và ngay cả ngày nay họ cũng đang hy sinh rất nhiều cho sự phát triển công nghiệp của đất nước. Hàng triệu người dân nông thôn đã phải di dời quê quán, mồ mả tổ tiên đi nơi khác lập làng, lập nghiệp vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, vì những hồ chứa nước thuỷ lợi mà dân nơi khác, tỉnh khác hưởng lợi nhiều hơn chính họ, rồi khu công nghiệp, khu đô thị.v.v... Một yêu cầu là "lấy công nghiệp trả nợ cho nông nghiệp".

3. Dùng trí thức, công nhân, thương nhân tác động vào nông dân cả trong thay đổi phong tục, tập quán lạc hậu, trong ý thức vươn lên làm giàu cho chính mình. Nông dân Việt Nam không chỉ yêu cầu hết nghèo mà phải làm giàu, hết cực nhọc, nhàn hạ; không chỉ hưởng thụ vật chất mà cả đời sống văn hoá mới để phát triển toàn diện, hài hoà.

Ý Đảng đã hợp lòng dân, nhất định sự nghiệp xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước sẽ thành công.

(*) Ông Hồ Xuân Hùng hiện là Thứ trưởng Bộ NN-PTNT

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.