| Hotline: 0983.970.780

Một tay chơi bóng bàn và bà mẹ thể thao

Thứ Ba 07/08/2012 , 11:44 (GMT+7)

Natalia Partyka và Nur Suryani Mohamed Taibi là 2 trường hợp đặc biệt tiếp theo được đề cập đến ở kỳ Olympic London 2012.

Sau Oscar Pistorius, rất nhiều vận động viên khuyết tật và có những “rắc rối” về cơ thể trở thành đề tài nóng hổi của truyền thông. Uỷ ban Olympic ngày càng nới lỏng các quy định về tiêu chuẩn xét duyệt khuyết tật, điều này được cho là động thái mang tính nhân văn và mở rộng hơn khả năng hoà nhập với thế giới của các vận động viên bình thường.  

>> ''Người không chân'' và gã mù thiện xạ

Natalia Partyka và Nur Suryani Mohamed Taibi là 2 trường hợp đặc biệt tiếp theo được đề cập đến ở kỳ Olympic London 2012.

“TÔI KHÔNG THÍCH BỊ HỎI VỀ KHUYẾT TẬT”

Từ khi Uỷ ban Olympic có những cuộc họp bàn gay gắt để nới rộng khả năng tham dự Olympic của một số vận động viên, rất nhiều kỳ tích đã được lập ra và trở thành câu chuyện gây xúc động tới nhiều thế hệ khán giả. Sau nỗ lực đạt chuẩn Olympic và thi đấu của Oscar Pistorius ở bộ môn điền kinh, màn thi đấu ở bộ môn bóng bàn của Natalia Partyka đã làm nhiều người rơi nước mắt khi chứng kiến cô thi đấu kiên cường khi chỉ có tay trái.


Natalia Partyka thi đấu tại Olympic

Cũng giống như Oscar, Natalia Partyka đã gặt hái được vô số thành công tại đấu trường Paralympic, sau khi xét đến những thuận lợi và khó khăn ở các yếu tố thi đấu, Uỷ ban Olympic đã đồng ý cho cô được thi đấu công bằng như các vận động viên lành lặn khác. Nếu chỉ nghe yếu tố thi đấu của Natalia, đa số sẽ không thấy ngạc nhiên vì cô thi đấu bằng tay trái trong khi cánh tay không còn là tay phải, nhưng khả năng giữ cân bằng cơ thể trong bộ môn bóng bàn là vô cùng quan trọng, cô đã phải tập luyện vô cùng tập trung trong một thời gian dài để có thể giữ được cân bằng trong quá trình di chuyển như một vận động viên bình thường.

Natalia cho rằng: “Việc được quan tâm nhiều quá ban đầu làm tôi không thích, nhưng sau này tôi đã tự chủ động biến nó thành động lực trên chiến trường Olympic khắc nghiệt này. Việc tham gia lần đầu tiên sẽ khiến tôi có cơ sở và kinh nghiệm để tham gia ở các lần tiếp theo. Hình ảnh đi trước của tôi hay các vận động viên khuyết tật khác sẽ trở thành cơ hội và cánh cửa mở ra với các VĐV có ý chí và muốn vươn lên từ Paralympic, cứ hy vọng, rồi các bạn sẽ thành công”.

Khi thi đấu, cô cũng phải đặt bóng lên phần cổ tay bị mất ở cánh tay phải trước khi đưa ra cú giao bóng bằng tay trái. Đó cũng chính là khoảnh khắc lấy nhiều nước mắt của khán giả, vì khi đó Natalia phải tập trung hoàn toàn vào cánh tay bị mất của mình. Rất tiếc, Natalia đã không tiến sâu được vào nội dung đơn nữ ở Olympic, môi trường thi đấu đỉnh cao không cho cô nhiều cơ hội khi phải thi đấu và cạnh tranh tốc độ với các vận động viên bình thường.

Sau khi dừng bước ở nội dung đơn nữ Olympic, Partyka phát biểu: “Đối với tôi khuyết tật không phải là vấn đề gì nghiêm trọng cả. Tôi vẫn có thể đọ tài sòng phẳng với mọi đối thủ và tập luyện bình thường như các vận động viên Olympic khác. Chúng tôi có cùng mục tiêu và giấc mơ giành chiến thắng. Tôi không thích mọi người cứ mãi hỏi về khuyết tật, vì tôi cảm thấy bình thường. Tôi sẽ tiếp tục thi đấu hết sức mình ở nội dung đồng đội tại Olympic London”.

NGẠC NHIÊN BÀ MẸ THỂ THAO

Không gặp nhiều khó khăn như Natalia, tuyển thủ bắn súng người Malaysia Nur Suryani Mohamed Taibi không phải vận động viên khuyết tật nhưng cô gây sốc khi “vác” bụng bầu 8 tháng tới London để dự Olympic. Nur Suryani Mohamed Taibi có thai trong đúng giai đoạn chuẩn bị Olympic, đây là điều bình thường và phụ nữ Malaysia rất coi trọng gia đình, Suryani cũng không có ý định bỏ đứa con này để tham dự đấu trường đỉnh cao nếu như Liên đoàn Bắn súng Malaysia không cho cô tham gia kỳ Olympic này.


Nur Suryani Mohamed Taibi tự tin vác bụng bầu tới London

Khi có bầu, cả Suryani và chồng cô đều hết sức vui mừng, nhưng khi Suryani bày tỏ ý định vẫn muốn tập luyện để đến London, rất bất ngờ là chồng cô hoàn toàn đồng ý và cổ vũ cho ý định này của vợ

Chính sự động viên, thông cảm của chồng là động lực để Nur Suryani quyết tâm “vác” bụng bầu tới London. Chồng cô, anh Marhazli Mhotar, cũng đồng hành cùng vợ trong chuyến đi tới nước Anh lần này. Xạ thủ người Malaysia đang mang thai một bé gái và vợ chồng cô đã chọn được tên đặt cho con là Dayana Widyan.

“Rất nhiều phóng viên nước ngoài hỏi tôi về cái thai trong bụng và khả năng tôi có thể thi đấu tại Olympic. Họ rất ngạc nhiên và nói rằng tôi là VĐV đầu tiên đi thi đấu mà mang thai lớn như vậy. Thành thật mà nói, không dễ dàng với tôi khi thi đấu trong tình trạng này. Rất háo hức tranh tài tại Thế vận hội nhưng tôi cũng thấy mệt mỏi vì bị quan tâm quá”, bà bầu tâm sự.

Suryani không phải là một cái tên quá xa lạ tại Malaysia, cô từng đạt nhiều giải thưởng và tham gia nhiều chương trình thể thao tại quốc gia đa sắc tộc này. Khi có quyết định về việc cô sẽ tham gia Olympic với bụng bầu 8 tháng, một làn sóng ủng hộ đã nổi lên, rất nhiều fan hâm mộ và khán giả trung lập đã phát biểu quan điểm và xem Suryani như một biểu tượng của lòng quyết tâm và hình ảnh một bà mẹ thể thao năng động. Năm 2010, Nur Suryani từng giành Huy chương Vàng ở Đại hội thể thao khối Thịnh Vượng Chung và Huy chương Đồng ở Á vận hội.

Khi nói về cơ hội chiến thắng ở Thế vận hội năm nay, Nur Suryani chia sẻ: "Tôi chỉ muốn thi đấu một cách tốt nhất có thể. Còn nếu giành được Huy chương Vàng, thì đó là nhờ ơn trên che chở và sự may mắn mà đứa bé đem đến. Mà sao lại không nhỉ? Phép màu hoàn toàn có thể xảy ra".

Việc được thi đấu tại Olympic trở thành đề tài được quan tâm từ các VĐV khuyết tật và là điều kỳ diệu với khán giả và cả người trong cuộc. Nhưng đồng thời họ cũng chịu đựng không ít lời dèm pha và quan tâm từ các ý kiến trái chiều. Đa số đều mệt mỏi vì sự quan tâm thái quá của nhiều bên.

Xem thêm
Phút giây để cha và con gái được thành thật với nhau

Hà Nội Sau thành công ngoài mong đợi lần thứ nhất, Cuộc thi viết 'Cha và con gái' lần thứ 2 vừa được Tạp chí Gia đình Việt Nam phát động vào sáng 27/3.

Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất