| Hotline: 0983.970.780

Một thời quan hệ Việt - Mỹ: Bài diễn văn ứng khẩu ở Washington

Thứ Sáu 10/07/2015 , 09:43 (GMT+7)

Đó là bài diễn văn tôi đã nói tại bữa tiệc ở Washington chào mừng việc hai nước Việt - Mỹ trao đổi thư phê chuẩn BTA./ Chuyện về con cá 'râu dài'

Kết thúc bài phát biểu trong tiệc chiêu đãi tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Phó Tổng thống Joe Biden hứng khởi lẩy Kiều tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bày tỏ hy vọng vào tương lai tươi sáng của quan hệ song phương sau một giai đoạn lịch sử khó khăn: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.

Tròn 15 năm trước, vào tháng 11/2000, khi thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam, Tổng thống Bill Clinton đã để lại ấn tượng tốt đẹp, gần gũi khi đọc hai câu Kiều mong muốn chiều hướng phát triển ngoại giao hai nước: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”.

Người Mỹ lẩy Kiều tại các nghi thức ngoại giao, đó là họ đã thể hiện sự am hiểu văn hóa Việt Nam.

Bài diễn văn ứng khẩu

Để “thấm” vào người cái văn hóa của xứ người, trước khi đi đâu, bao giờ tôi cũng lôi ra đọc những bài nói hay của lãnh đạo nước mình tới thăm.

Theo hướng đó, trong bữa tiệc ở Washington chào mừng việc hai nước Việt - Mỹ trao đổi thư phê chuẩn BTA tôi đã ứng khẩu một bài đáp ứng yêu cầu của mình đồng thời hợp khẩu vị với thính giả Mỹ.

Đó là bữa tiệc ngồi rất thịnh soạn, trong gian phòng lớn lát đá cẩm thạch trắng toát với sự tham gia của nhiều quan chức Chính phủ, “đồi Capitol”, tức Thượng viện, Hạ viện, các doanh nghiệp lớn của hai nước, đại diện báo giới.

Tôi vào đầu bằng cách nói “Đêm qua tôi có giấc mơ”, dịch ra tiếng Anh là “Last night I had a dream”. Điều đó làm mọi người chú ý ngay vì đó là câu nói nổi tiếng của chiến sĩ da đen đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc Luther King đã bị ám sát năm 1967 làm rúng động cả nước Mỹ.

Tiếp đó tôi miêu tả giấc mơ: Tôi được mời tới dự một bữa tiệc, bước vào trong phòng tiệc thấy đá lát đều là cẩm thạch, hỏi ra mới biết chúng được nhập từ tỉnh Thanh Hóa ở Việt Nam và tôi mời các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh vật liệu xây dựng đứng lên để mọi người đều thấy.

Lập tức tiếng vỗ tay vang lên, cả phòng tiệc ồn ào trước cách phát biểu khác lạ. Tiếp theo, tôi lần lượt nhắc đến bàn ghế trong phòng, quần áo sang trọng của các vị khách tới dự tiệc, món chính của bữa tiệc là cá ba sa (cả phòng cười rộ vì đang có vụ kiện bán phá giá cá ba sa), điểm tâm là thanh long và cà phê Tây Nguyên... Sau mỗi lần nêu tên một sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, tôi đều mời các doanh nghiệp tương ứng của Việt Nam đứng dậy.

Cuối cùng tôi nhắc tới giấc mơ đi Boeing 777 (lúc đó ta vừa mua mấy chiếc của Mỹ) cùng nhiều bạn Mỹ sang du lịch Việt Nam; khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài được nhiều cô gái Việt Nam áo dài thướt tha đón tiếp, tặng hoa, trong số những người ra đón có một bà tóc bạc phơ, tôi nhận ra là vợ mình nên lập tức bừng tỉnh giấc.

Sau vụ đó, những người dự tiệc từ cả hai phía Việt Nam và Mỹ khi gặp tôi đều nhắc tới bài diễn văn ấy, một bài nói không khuôn sáo và có phần hài hước, sát với văn hóa Mỹ, đồng thời quảng bá được hàng hóa và đề cao mối lợi trong sự hợp tác giữa hai nước.

Đó là nói với người Mỹ, còn nói với người Trung Quốc thì chớ có đùa như vậy! Nhập gia phải tùy tục - đó cũng là một nguyên tắc đối với các bài nói ngoại giao.

Quà tặng

Quà tặng, trong ngoại giao cũng phải mang sắc thái dân tộc, không cần quá đắt tiền nhưng phải bảo đảm chất lượng cao, mẫu mã, hình thức đóng gói đẹp, đồng thời tính đến truyền thống và luật lệ của mỗi nước.

Một thời ta hay tặng đồ sơn mài, nhiều khi là hàng chợ; chất lượng nghệ thuật rất thấp đã đành, chất lượng về kỹ thuật vô cùng tồi.

Một lần tôi gặp Thượng nghị sỹ John McCain, khi chia tay, ông đề nghị tôi nán lại một chút rồi đi vào phòng bên lấy ra một bức tranh sơn mài Việt Nam đã cong vênh cho tôi xem và nói: Các bạn nên chú ý chất lượng quà tặng, tôi hiểu Việt Nam thì không sao, nếu là người khác thì không hay!

Tôi ngượng chín cả mặt, chỉ còn biết hứa sẽ để ý việc này.

Luật lệ ở một số nước rất ngặt nghèo trong việc nhận quà biếu của nước ngoài. Khi đi tiền trạm cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Singapore để bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, lễ tân của bạn dặn tôi rằng, các ông đừng mang theo tặng phẩm vì sau khi nhận chúng tôi phải làm thủ tục nộp hết cho Bộ Tài chính, muốn giữ lại thì phải bỏ tiền ra mua nên rất phiền toái! Đối với những nước như vậy thì cùng lắm chỉ nên tặng quyển sách tranh phong cảnh hay tranh nghệ thuật nước ta là đủ.

Còn đối với các nước phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc thì lại nên có quà, chủ yếu là những đồ thủ công mỹ nghệ bền đẹp. Còn đối với các nước theo đạo Hồi thì chớ tặng tranh vẽ người, động vật. Có khi quà tặng chẳng đáng là bao song hình thức bao bì, giấy bọc, dây buộc lại rất quan trọng.

Các “thủ trưởng” nhất thiết phải trực tiếp kiểm tra quà tặng, ngoài việc đánh giá ý nghĩa, chất lượng, mẫu mã... còn cần cảnh giác đối với hiện tượng nhân viên móc ngoặc với nhà hàng mua đồ rởm để ăn tiền. Cá nhân tôi đã vấp phải những chuyện đáng buồn này khi nhận quà tặng.

Nói chung, trong lễ tân ngoại giao, để đảm bảo cho mọi việc trôi chảy có lẽ cần tuân thủ hai phương châm cơ bản: Một là, phải có kế hoạch rất tỉ mỉ và phải kiểm tra kỹ lưỡng từng tí một, xểnh ra là “sai một ly đi một dặm”, có thể để lại những hệ quả khôn lường; hai là, cố dự liệu nhiều phương án khác nhau, kể cả tình huống xấu nhất, bất ngờ nhất để có sẵn phương án xử lý. (Hết)

(*) Tác giả nguyên là Phó Thủ tướng Chính phủ

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Bình luận mới nhất