| Hotline: 0983.970.780

Một thời quan hệ Việt - Mỹ: Mở đầu một nhiệm kỳ ngoại giao vất vả

Thứ Tư 08/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

Năm 2001, tôi được Nhà nước cử làm Đại sứ tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tôi không có ý định kể nhiều chuyện về nước Mỹ vì điều đó quá sức mình./ Sẽ mãi không quên

Có người nói “chưa đến Mỹ chưa hiểu thế giới này”. Điều đó vừa hơi quá, vừa có phần đúng. Giáo sư người Pháp nghiên cứu về Mỹ, Jean Pierre Fichou có viết: “Ta không thể xem xét nền văn minh Hoa Kỳ như xem xét văn minh các nước khác”.

Chỉ một câu khái quát vậy thôi nhưng đã kích thích nhiều cuộc tranh luận về nước Mỹ. Ai đó đồng tình, ai đó không đồng tình. Và nhất là trước những biến đổi của nước Mỹ và thế giới toàn cầu hóa sâu rộng trong thời hiện đại này, chắc sự nhìn nhận về nước Mỹ càng cần suy xét và tranh luận nhiều…

Mỗi lần gặp bạn bè từ Mỹ, tôi thường được nghe họ nói: “Nước chúng tôi, dân tộc chúng tôi còn non trẻ, lịch sử nước Mỹ mới hơn hai trăm năm so với hàng ngàn năm của Việt Nam…”.

Nghe thế, tôi thường nói lại rằng, ông cha các bạn chủ yếu từ châu Âu qua, mang theo trong người cả nền văn minh phương Tây đã tồn tại cũng hàng nghìn năm… Họ chỉ cười và tỏ nửa đồng tình.

Ở nhiều phương diện, nước Mỹ quá khác với các nước. Tôi nghĩ đó là sự thật. Ta thử lấy những biến đổi gần nhất để minh họa phần nào ý này. Mỹ là trung tâm phát triển nhất của thế giới về kinh tế - công nghệ nhưng chính khủng hoảng tài chính 2008 đã nổ ra trước tiên ở Mỹ, sau đó lan ra toàn cầu.

Suốt từ sau Thế chiến II đến nay Mỹ là siêu cường về quân sự và là thùng vũ khí, bom đạn lớn nhất thế giới, chi phí quân sự hàng chục năm qua và cho đến nay vẫn chiếm khoảng 50-40% chi phí quân sự toàn cầu.

Đối với người Việt Nam chúng ta đã từng trải qua “kinh nghiệm xương máu” của cuộc kháng chiến chống Mỹ thì rõ ràng trong lòng nước Mỹ ít nhất có hai nước Mỹ: Một nước Mỹ thù nghịch và một nước Mỹ hữu nghị.

Chúng ta không thể quên lịch sử, mặc dầu sẵn sàng “khép lại quá khứ nhìn về tương lai” để phát triển mối bang giao hữu nghị, hợp tác.

Bác Hồ và Nhà nước Việt Nam non trẻ ngay từ ngày đầu thành lập đã phân biệt rõ ràng giữa giới cầm quyền và nhân dân Mỹ, và đã có bao nỗ lực để thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước từ những năm 40 của Thế kỷ trước nhưng đã không thành. Lịch sử không làm lại được nhưng tương lai quan hệ đang ở phía trước…

Hình như tôi cao số hay sao ấy. Tên là “Chiến” (nhưng Chiến đấu vì cái Tâm), nên ngay sau Chiến thắng tháng 4 năm 1975, tôi mới lên đường “đi Sứ” lần đầu tiên qua Liên Xô và gần 5 năm về nước đúng vào lúc xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.

Lần đi qua Nhật cuối năm 1992, đang chân ướt chân ráo thì Thủ tướng Kiichi Miyazawa đổ và đó là lần đầu tiên sau mấy chục năm cầm quyền, đảng Dân chủ Tự do Nhật bắt đầu khủng hoảng và phân hóa.

Và trong nhiệm kỳ 3 năm của tôi ở Nhật, 4 đời Thủ tướng thay nhau lên cầm quyền thể hiện sự bất ổn chính trị chưa từng có trong lịch sử đất nước này từ sau Thế chiến II. Còn lần này, đi qua Mỹ chưa đầy 3 tuần, thậm chí chưa kịp trình Thư ủy nhiệm thì “cuộc chiến" ghê gớm nhất giữa các lực lượng khủng bố và nước Mỹ bắt đầu!

Và người Mỹ đã ra đòn "trả thù” trên quy mô toàn cầu với tiêu điểm là Afghanistan và Iraq. Cũng nhân dịp đó ông Bush dấy lên một cao trào mới định áp đặt mô hình dân chủ kiểu Mỹ và củng cố vị thế chiến lược của một siêu cường duy nhất trên thế giới!.

Vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ đã xảy ra chỉ ba tuần sau khi tôi tới nhiệm sở. Có thể nói không ngoa rằng, đó là một sự kiện “long trời chuyển đất” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tạo ra bước ngoặt trong lịch sử chính trị Mỹ, là lần thứ hai sau trận “Trân Châu cảng” từ hồi Thế chiến II, nước Mỹ bị tấn công, nhưng lần này là lần đầu tiên bị tấn công từ bên trong.

Hôm đó tôi bỗng nghe đồng chí Bí thư Sứ quán hốt hoảng gọi:

- Anh Chiến ơi, anh ra xem ngay đi, có tiếng nổ to và khói um lên ở phía trung tâm Thủ đô đó!

Tôi vừa định chạy ra ngoài nhà xem sao thì ngay lúc đó trên màn hình vô tuyến đã đưa hình ảnh và âm thanh náo loạn của dân New York, cùng với cảnh hai tòa Tháp đôi Trung tâm Thương mại Quốc tế bốc cháy dữ dội như một bó đuốc rồi đổ gục xuống! Vài giây lại hiện cảnh hai máy bay dân dụng lần lượt lao vào “cắt cổ” hai Tháp đôi và nổ tung… chẳng khác nào phim Hollywood…

Cả nước Mỹ đều bàng hoàng chưa kịp hiểu điều gì đã xảy ra. Tổng thống G.W. Bush lúc đó đang thăm một trường tiểu học, được trợ lý báo tin dữ trong khi ông đang vui vẻ trò chuyện với các cháu học sinh. Nhìn trên truyền hình thấy giây phút đó ông đã lặng đi và nét mặt biến sắc.

Một cuộc khủng bố lớn chưa từng có tấn công ngay từ trong lòng nước Mỹ, điểm huyệt các trung tâm biểu tượng cho sức mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự của siêu cường duy nhất! Còn tôi lúc đó thầm thốt lên “mình qua Mỹ nhầm ngày rồi!”.

Tôi cảm nhận thấy sắp tới nước Mỹ chắc sẽ trải qua thời kỳ khó khăn và tôi lo trong nhiệm kỳ của mình liệu có thể làm gì được đây để góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước sau chấn động to lớn vừa xảy ra.

Lần đi công tác qua Mỹ như vậy càng chứng tỏ tôi cao số thật! Đến nước người những mong tìm kiếm khả năng hợp tác, thúc đẩy giao lưu, làm cho quan hệ Việt-Mỹ “bước sang giai đoạn mới thực sự” như tinh thần nội dung ghi trong Thư ủy nhiệm… thế mà nhà họ lại đang gặp đại họa, rối như tơ vò”!

Chờ mãi đến ngày 10/10/2001 tôi mới trình được Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước ta lên Tổng thống Bush. Tôi nói vui với anh em cán bộ trong Đại Sứ quán rằng: “Cũng còn điềm may là chính thức ra mắt Đại sứ đúng ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội ta”. Điều đó đem lại cho tôi một tia lạc quan le lói về sự mở đầu một nhiệm kỳ ngoại giao vất vả!

(*): Ông Nguyễn Tâm Chiến, SN 1948 tại Nghệ An. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Nhật Bản (1992-1996); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (1997-2000); Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Hoa Kỳ (2001-2007); hiện nay là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Mỹ.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Bình luận mới nhất