| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 04/05/2016 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 04/05/2016

Một tín hiệu vui

Đó là thông tin 12.113 thí sinh tại Nghệ An, tương đương với 40% số thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT chỉ để xét tốt nghiệp chứ không có nguyện vọng vào đại học.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Nghệ An cho thấy: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2016, toàn tỉnh có 31.698 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 12.113 thí sinh, tương đương với 40% số thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT chỉ để xét tốt nghiệp chứ không có nguyện vọng vào đại học. Con số này đã đưa Nghệ An trở thành tỉnh có số thí sinh không có nguyện vọng xét tuyển vào đại học cao nhất cả nước.

Nhiều người cho đó là một tín hiệu vui. Điều đó hoàn toàn có lý. Nghệ An được coi là “đất học”. Rất nhiều năm qua, quan niệm “phi đại học bất thành nhân” đã ăn sâu vào tâm thức của hầu hết các thế hệ phụ huynh và thí sinh. Tấm bằng đại học trở thành mục tiêu ưu tiên hàng đầu, thậm chí trở thành cái đích phải đạt kỳ được, đạt bằng bất cứ giá nào, của mỗi sỹ tử.

Bởi với họ, chỉ với tấm bằng đại học, thì chủ nhân của nó mới có cơ hội đặt chân vào con đường quan chức, mới có cơ thăng tiến trên con đường này, dù có phải bỏ ra hàng trăm triệu để “chạy” một suất công chức hay viên chức.

Dẫu vậy, đã có không ít người, khi cầm được tấm bằng Đại học trong tay, đi mòn gót chân cũng không tài nào có được một việc làm thích hợp với ngành nghề ghi trên tấm bằng đó. Xã hội ta đang lâm vào tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Và chính việc mở các trường đại học một cách ào ạt, việc đào tạo một cách vô tội vạ đã trở thành nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Đó cũng chính là nguyên nhân khiến chất lượng đại học ngày càng giảm sút. Những cử nhân của ta khi ra trường, chỉ có một mớ lý thuyết mà hoàn toàn thiếu vắng thực tế, chưa kể nhiều khi những lý thuyết đó đã trở nên lạc hậu. Không chỉ thế, những “ông cử, bà cử” của ta còn thiếu rất nhiều kỹ năng, hoàn toàn không đáp ứng được những đòi hỏi về công việc mà xã hội đặt ra.

Con số hơn hai trăm ngàn cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp do Bộ LĐ-TB&XH công bố năm 2015, và càng ngày càng tăng lên, nhiều người phải giấu bằng cử nhân, thạc sỹ để đi làm công nhân, trở thành một thứ “dở thày dở thợ”, chính là hệ quả của những nguyên nhân đó.

12.113 thí sinh không đăng ký nguyện vọng vào đại học của Nghệ An kia, chắc chắn sẽ chọn một trường nghề nào đó để vào học. Điều đó cho thấy quan niệm về lao động, về cống hiến của một bộ phận không nhỏ thanh niên đã thay đổi theo hướng tích cực hơn, thực tế hơn.

Tấm bằng đại học không còn trở thành hành trang, thành chiếc “chìa khóa thần” duy nhất để mở cánh cửa tương lai của cuộc đời nữa. Đây chính là một sự lựa chọn rất sáng suốt. Và theo ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, thì đây là kết quả của công tác hướng nghiệp cho học sinh trên toàn tỉnh. Nếu đúng như vậy, thì Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã thực sự có bước đột phá trong công tác hướng nghiệp.

Mong sao sẽ còn nhiều tỉnh trên cả nước được như Nghệ An.

Bình luận mới nhất