| Hotline: 0983.970.780

Mua bán trong chớp mắt

Thứ Hai 11/06/2012 , 10:12 (GMT+7)

Chuyện tư thương Trung Quốc vào tận vườn thu mua nông sản của Việt Nam đã không còn mới mẻ. Có một điểm chung là sau khi tư thương Trung Quốc thu mua tận vườn ồ ạt, thì nông dân cũng lao vào trồng ồ ạt rồi "chết thảm". Bây giờ đến lượt tư thương Trung Quốc săn lùng "đầu cơ nghiệp" của nông dân Việt.

Chuyện tư thương Trung Quốc vào tận vườn thu mua nông sản của Việt Nam đã không còn mới mẻ. Có một điểm chung là sau khi tư thương Trung Quốc thu mua tận vườn ồ ạt, thì nông dân cũng lao vào trồng ồ ạt, như phá rừng trồng sắn, phá lúa trồng khoai lang… và nay, sau hơn 1 năm đều “chết” thảm. Bây giờ đến lượt tư thương Trung Quốc săn lùng "đầu cơ nghiệp" của nông dân Việt.

MUA BÁN TRONG CHỚP MẮT

Từ hơn một tháng nay, tại chợ trâu bò Đại Sơn (Đô Lương, Nghệ An) xuất hiện 2 "đầu bằng" (tóc trên đầu được cắt bằng, một đặc trưng của người Trung Quốc) mua trâu mộng nhanh như chảo chớp với giá chưa từng có, khiến cho chợ trâu bò Đại Sơn sôi lên sùng sục.

10 giây là xong

Theo một tư thương có tiếng tên Hòa tại Đô Lương, từ nhiều năm trở lại đây, có một số chủ trâu bò lớn tại Đô Lương thu mua trâu bò bán lại cho một số chủ trâu miền Bắc như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… sau đó các ông chủ miền Bắc mang đi Móng Cái (Quảng Ninh) bán cho người Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4/2012 đến nay, do Trung Quốc hút trâu mộng quá mạnh, các ông chủ miền Bắc không kham hết đã "bán cầu" Đô Lương cho những “đầu bằng”, bù lại các lái trâu Trung Quốc trả cho các ông chủ miền Bắc một khoản tiền. Từ đó, những “đầu bằng” bắt đầu “làm mưa làm gió” ở chợ trâu bò Đại Sơn.

6 giờ sáng, mọi con đường dẫn đến chợ Đại Sơn đều chật cứng bởi trâu bò. Đang chen lấn từng mét để tiến sâu vào trong chợ, chúng tôi giật bắn mình khi một đàn trâu mộng 6-7 con, mỗi con chừng bốn tạ, rầm rầm lao lên như những chiếc xe tăng từ phía sau về trung tâm chợ.

Chúng tôi tiến lại gần hai “đầu bằng” cao hẳn lên trong một rừng mũ cối (hầu hết lái trâu bò ở chợ này đều đội mũ cối) và hàng trăm con trâu mộng tại khu vực lối ra vào chính của chợ. Tại đây, những người bán trâu tranh nhau kéo hai “đầu bằng” đến xem trâu của mình và mời mua. Một “đầu bằng” là người Việt được cho là ở Móng Cái đi cùng “đầu bằng” kia để ghi chép và phiên dịch.

“Đầu bằng” còn lại là người Trung Quốc đích thực. Tên thật của ông này không ai biết, ông chỉ xưng tên là Trung, còn lái trâu Đô Lương gọi ông là ông Xịt. Người Đô Lương giải thích, gọi ông Trung là ông Xịt vì khi mua trâu, ông ấy chỉ cần cầm bình sơn xịt, xịt một cái vào mông con trâu, hiện ra chữ Trung Quốc là việc mua trâu được hoàn tất.


Xịt mua trâu cực nhanh, trong vòng có 10 giây

Chen lấn một hồi lâu chúng tôi mới tiếp cận được ông Xịt. Lúc này, trên tay ông Xịt cầm một quyển sổ nhỏ, 1 cái bút và 1 bình sơn. Cái đầu bằng của ông nghiêng phải, nghiêng trái, nhìn trước quay sau mua trâu nhanh đến chóng mặt. Mỗi lần quay về phía con trâu mộng nào đó, ông Xịt chỉ lướt nhìn trong vòng 3- 5 giây. Thấy được, ông Xịt phát giá (hoặc kêu lái trâu Đô Lương phát giá), lái trâu Đô Lương đồng ý, ông Xịt sẽ viết chữ Trung Quốc bằng bình sơn xịt lên mông con trâu để đánh dấu, viết xong ông vỗ vào mông con trâu một cái cho những đứa trẻ dắt thuê dắt về nơi tập kết, ghi sổ, là xong. Cả quá trình mua một con trâu mộng diễn ra một cách chóng vánh như thế.

“Đội này mua trâu mộng ở đây không quá 10 giây. Cực nhanh và cực thoáng. Ví dụ mình nói 30 triệu đồng 1 con, nó nhìn qua thấy được, là xịt sơn luôn. Nếu mình không phát giá trước, để nó trả giá, nó không bao giờ trả đến câu thứ hai. Mình mà dền dứ, làm giá, là nó ngoảnh đầu thôi luôn, có xuống giá thấp mấy nó cũng không thèm ngoảnh đầu lại mua nữa, dù chỉ mới ra khỏi chỗ đó một hai bước chân. Thế mới khiếp! Vì thế chúng tôi đưa ra giá có lời cho mình là kêu nó “xịt xịt”. Nó đã xịt là xong. Chỉ còn chờ sau phiên chợ ra chỗ nó tập kết trâu lấy tiền", lái trâu tên Tú cho biết.


Trâu mộng tập kết chuẩn bị sang Trung Quốc

Tôi có mời Xịt mua trâu từ Lào, giá cực kỳ hợp lý, Xịt từ chối: Trâu từ Lào ở chợ Đô Lương cũng có nhưng tao không mua. Tao chỉ mua của Việt Nam, mà phải to tao mới mua, bao nhiêu cũng mua.

Mỗi một phiên chợ Đại Sơn chỉ diễn ra từ 6 giờ đến 10 giờ sáng, nhưng một mình “đầu bằng” Xịt cũng mua được vài trăm con. Một phiên chợ, Xịt chỉ đi một vòng là mua hết trâu mộng. Người phiên dịch của Xịt khẳng định: “Nếu có nhiều trâu to hơn, bao nhiêu ông ấy cũng mua hết được. Giá ông ấy mua thường cao hơn nhiều so với giá người Đô Lương bán tại chợ này. Và số lượng trâu mộng về chợ này bán cho ông ấy cũng ngày một nhiều hơn. Hiện nay mỗi ngày, riêng ông ấy có vài xe ô tô chở trâu đi Móng Cái".

Các lái trâu ở Đô Lương khẳng định, từ hơn một tháng nay, không có chuyến trâu nào họ trắng tay hay bị lỗ. Cứ trâu to với lượng thịt từ 170 kg trở lên (170kg là tổng lượng thịt ước lượng đạt được sau khi mổ. Toàn bộ nội tạng, xương, chân, đầu, da không tính. Một con trâu đạt được lượng thịt đó phải nặng từ 400 kg trở lên khi cân hơi) là ăn ra vài ba triệu đồng.

"Nhìn chung là nó cầm cân chuẩn (cầm cân là ước lượng thịt sau khi mổ của một con trâu hơi), lại bán được giá 15, 16 (150-160.000 đ/kg), giá quá cao so với mặt bằng ở đây từ trước tới nay nên anh em chúng tôi kiếm được. Cũng có anh nhanh chân nhanh tay mua trâu mộng ngay tại chợ này, sau đó bán lại cho người Trung Quốc vẫn có lãi đến triệu đồng/con", lái trâu Viện cho biết.

Kiểm dịch dễ ợt

Hơn 10 giờ sáng, phiên chợ Đại Sơn kết thúc cũng là lúc Xịt cùng người giúp việc về nơi tập kết trâu mộng đằng sau nhà ông Hải - một chủ trâu bò lớn tại Đô Lương để sửa sang cho những con trâu của mình chuẩn bị… lên đường sang Trung Quốc. Cái chuồng rộng chừng 200 mét vuông phía sau nhà ông Hải chật cứng những con trâu mộng. Đi qua cái chuồng này là một bãi đất ruộng gần cánh đồng lúa, nơi tập kết cả trăm con trâu mộng mà “đầu bằng” Xịt mua được ở chợ Đại Sơn.


"Đầu bằng" Xịt xịt sơn đánh dấu, phân loại trâu mộng

"Từ ngày ông Xịt về chợ Đại Sơn mua trâu với giá trên trời, cái chợ này lúc nào cũng sôi lên sùng sục. Ngày trước bán trâu cho các ông chủ ngoài Hà Nội thì mông má vừa vừa (bơm nước, mỗi một con trâu bơm tối đa được 40 lít nước, khi đó trâu sẽ mộng, đầy đặn, có thể đánh lừa được người cầm cân – PV), nay bán cho “đầu bằng” cứ mông má hết cỡ thì thôi. Thế mới sướng", một lái trâu tên Tú ở chợ Đại Sơn, cho biết.

Tại đây ông Xịt tiếp tục đánh dấu những con trâu mộng ông mua được bằng việc dùng cái cưa nhỏ khắc dấu vào sừng. Người giúp việc cho hay ông Xịt làm vậy là để phân loại trâu mộng cho phù hợp với yêu cầu của từng ông chủ phía bên kia biên giới Việt – Trung.

Tôi lại hỏi chuyện nhưng Xịt không nói được tiếng Việt. Ông chỉ bảo: “Một ngày mấy xe về Trung Quốc”. Khi hỏi ông có mua trâu mộng ở khu vực Hòa Bình, Điện Biên không, chúng tôi sẽ cung cấp, ông nói: “Nhiều người Trung mua ở đó rồi”.

Theo người giúp việc của ông Xịt, sau khi trâu được tập kết nhà ông Hải, ông Hải sẽ giúp làm thủ tục kiểm dịch cho trâu ra khỏi tỉnh Nghệ An. “Việc kiểm dịch này không có khó khăn gì. Mỗi xe vài trăm ngàn đồng là xong. Vì thú y làm kiểm dịch đóng ngay tại nhà ông Hải mà”. Tương tự, khi được hỏi, ông Hải cũng trả lời: Không phải lo lắng gì về giấy kiểm dịch từ đây đi ra ngoài tỉnh hay đi Trung Quốc. Thú y toàn anh em cả.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất