| Hotline: 0983.970.780

Mùa cà phê "3 mất"

Thứ Tư 02/11/2011 , 10:07 (GMT+7)

Giá cà phê giảm, trong khi đó chi phí đầu tư, công lao động tăng, cộng với trộm cắp luôn rình rập là những nỗi lo mà người trồng cà phê ở Tây Nguyên đang phải đối mặt...

Giá cà phê giảm, trong khi đó chi phí đầu tư, công lao động tăng, cộng với trộm cắp luôn rình rập là những nỗi lo mà người trồng cà phê ở Tây Nguyên đang phải đối mặt khi bước vào vụ thu hoạch đại trà.

Ngay từ đầu tháng 10, các tỉnh Tây Nguyên đã bắt đầu thu hoạch cà phê. Tuy nhiên thời gian qua, giá cà phê nhân tại thị trường Tây Nguyên liên tục giảm, giá cà phê được các đơn vị thu mua tại các tỉnh từ 40.000đ đến 40.600đ/kg. Như vậy, giá cà phê nhân tiếp tục giảm tới 2.800 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 10 và giảm đến 10.000 đồng/kg so với thời điểm giá cà phê đạt mức kỷ lục hơn 51.000 đồng/kg vào tháng 5 vừa qua.

Nguyên nhân khiến giá cà phê trong nước thời gian gần đây giảm mạnh được một số chuyên gia cà phê nhận định là: Do cà phê Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch đại trà, sản lượng cà phê nhân tăng mạnh. Sự dồi dào về nguồn cung là nguyên nhân chính khiến giá cà phê giảm. Nhiều đại lý thu mua cà phê ở Tây Nguyên cho biết: Khi giá cà phê còn cao, nông dân thu hoạch sớm vẫn thường mang đến bán cho các đại lý để lấy tiền trang trải trong gia đình và thuê nhân công lao động. Song mấy ngày gần đây, giá cà phê giảm mạnh khiến nhiều nông dân không bán cà phê tươi nữa mà chở về phơi khô, bấm bụng “găm” hàng chờ giá cao trở lại.

Đăk Lăk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất cả nước với 190.765ha, trong đó diện tích kinh doanh 177.890 ha, năng suất ổn định khoảng 22- 23 tạ/ha, sản lượng đạt 399.098 tấn cà phê nhân. Huyện Cư M’Gar là vùng trọng điểm cà phê của tỉnh (khoảng trên 30.000ha cà phê kinh doanh cho thu hoạch niên vụ này), theo đánh giá niên vụ cà phê 2011- 2012, huyện Cư M’Gar có khả năng đạt năng suất bình quân 3 tấn cà phê nhân/ha, tăng 2 tạ/ha so với niên vụ cà phê năm ngoái. Nhiều hộ gia đình thâm canh tốt của các xã như Cư Điê M’nông, Ea H’Đing, Quảng Phú, Quảng Tiến, Ea Pốk, Ea Kiết có khả năng đạt năng suất từ 3,4-  4 tấn cà phê nhân/ha.

Ông Lê Văn Hải, xã Ea Pốk, huyện Cư M’gar có 5 ha cà phê chín sớm, nếu thu hoạch xong cũng được hơn 10 tấn nhân. Đầu năm cà phê nhân được giá nên ông đã mạnh dạn đầu tư vốn mua vật tư phân bón, xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật thâm canh cây cà phê. Khi cây cà phê bung hoa, đậu quả, ông chủ động đầu tư bổ sung thêm các chất vi lượng, thuốc trị nấm nhằm hạn chế rụng quả cho cây cà phê. Tuy nhiên, “mới đầu vụ mà giá cà phê lại giảm, nếu giảm nữa thì nông dân chúng tôi lại vất vả rồi”- ông Hải than vãn.

Không chỉ vậy, hiện nay ở Đăk Lăk một số hộ dân có diện tích cà phê chín sớm đã có hiện tượng bị mất cắp khiến nhiều nông dân lo ngại trong vụ mùa tới. Bà Nguyễn Thị Hoãn, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn cho biết: Gia đình bà có 5 sào cà phê mới chín lẻ tẻ, nhưng đã bị hái trộm mất cả trăm cây rồi, bọn trộm  thường lợi dụng đêm tối hoặc những lúc vắng người và dựa vào vườn cây rậm rạp để đột nhập, hái trộm cà phê… Hiện gia đình bà phải phân công lao động ngày đêm túc trực canh phòng bảo vệ tại vườn cà phê, đồng thời  chuẩn bị các phương tiện như bạt nilông, nhà kho, sân phơi, máy chế biến, lao động… nhằm phục vụ tốt việc thu hoạch cà phê.

Gia Lai là tỉnh có diện tích cà phê ít hơn Đăk Lăk. Nhưng người trồng cà phê ở đây cũng có những nỗi lo chung với người trồng cà phê ở Đăk Lăk, đó là nỗi lo mất giá, mất trộm và mất mùa (do sâu bệnh). Tại vùng chuyên canh cà phê Ia Sao (huyện Ia Grai), anh Nguyễn Văn Hùng có hơn 1 ha cà phê đang cho thu hoạch. Anh tính: Năm nay năng suất cà phê có thể giảm, trong khi giá thuê nhân công lao động lại tăng cao (từ 120.000 đồng/ngày công/lao động lên đến 140.000 đồng). Các loại vật tư như xăng dầu, phân bón, nước tưới cũng tăng theo. Vì vậy đây sẽ là một mùa thu hoạch không ít khó khăn cho người trồng cà phê.

"Để đối phó với nạn trộm cắp cà phê, bảo vệ mùa màng, tài sản, bà con nông dân cần phải đồng lòng với nhau trong việc phòng, chống. Đồng thời, chính quyền, lực lượng công an và người dân địa phương nên có sự phối hợp tốt trong việc tổ chức tuần tra, kiểm soát, hình thành các tổ an ninh nhân dân tự quản lý, bảo vệ vườn cây trong mùa thu hoạch", ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT  tỉnh Đăk Lăk.

Nhiều chủ vườn cà phê ở Đăk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum cũng cho rằng: Năm nay thời tiết mưa nhiều khiến hàng chục ngàn héc- ta cà phê bị rụng trái hàng loạt trên diện rộng, do vậy sản lượng sẽ giảm so với niên vụ trước. Do vậy, đây sẽ là một mùa thu hoạch cà phê với nhiều nỗi lo của bà con Tây Nguyên.  

Được biết, hiện các tỉnh Tây Nguyên đã và đang triển khai thực hiện đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, nhằm cải thiện những điểm yếu của sản xuất cà phê. Đồng thời, nhiều Cty cà phê trên địa bàn Tây Nguyên như Phước An, Thắng Lợi, Ea Pốk, 2/9, Đrao, Trung Nguyên, Đắk Man, Nedcoffee Việt Nam… cũng đã triển khai thực hiện chương trình cà phê bền vững, cà phê được chứng nhận tiêu chuẩn như UTZ Certified, 4C, RFA... và ký kết xây dựng vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất cà phê bền vững với bà con nông dân, bước đầu mang lại hiệu quả cho người sản xuất cà phê.  

Tuy nhiên trước mắt, nỗi lo của những người trồng cà phê ở Tây Nguyên trong đầu vụ thu hoạch này đang hiện hữu trên từng mảnh vườn nơi đây.

Xem thêm
Thái Lan dự kiến xuất khẩu 1 triệu tấn sầu riêng trong năm 2024

Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn sầu riêng, trị giá khoảng 130 tỷ baht, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.