| Hotline: 0983.970.780

Mùa hái chè thuê

Thứ Ba 24/08/2010 , 11:09 (GMT+7)

Lại đến mùa hái chè, những người dân Khơ Mú bản Nà Lại (Phúc Khoa, Tân Uyên, Lai Châu) được dịp kiếm tiền. Họ đi từ sớm tinh mơ cho đến tối mịt, không kể nắng mưa cứ chăm chỉ miệt mài...

Lại đến mùa hái chè, những người dân Khơ Mú bản Nà Lại (Phúc Khoa, Tân Uyên, Lai Châu) được dịp kiếm tiền. Họ đi từ sớm tinh mơ cho đến tối mịt, không kể nắng mưa cứ chăm chỉ miệt mài như làm cho gia đình họ. Nhưng có ai biết rằng chính họ từng bán những nương chè ấy để rồi tự nguyện đi làm thuê?

Ông Sừn Văn Phái đi liêu xiêu trước căn nhà đất mới dựng, giọng ông méo đi vì rượu: Vào nhà chơi đi…Tôi hỏi ông: Nhà mình trước kia là nhà sàn cơ mà? Hỏng rồi! Nhà nước hỗ trợ cho mình mười lăm triệu để làm ngôi nhà này đấy - ông Phái đáp, rồi kéo tay tôi vào mâm rượu, trên mâm chẳng thấy thứ gì ngoài mấy cái chén, hình như ông uống rượu từ sáng, mọi người đã ra về, còn ông đang đợi người đến uống tiếp. Trước cửa nhà ông là nhà thằng con trai Sừn Văn Pháng. Ngôi nhà lụp xụp chẳng khác gì cái lều vịt, vách hở huếch hở hoác, đứng ngoài nhìn thấy hết mọi vật trong nhà, lúc này vợ Pháng là Lường Thị Lự vừa đi hái chè thuê về ngồi thổi cơm trong cái chái re ra ngay cạnh cửa ra vào. Hỏi thăm Pháng đi đâu, thì được biết Pháng đi làm thuê.

Hôm nay Lự về sớm vì đông người hái nên chỉ được khoảng hai chục cân, công hái đầu vụ được trả 1.200đ/kg, nay vào chính vụ công hái được nâng lên 1.500đ/kg. Nghe tiếng người lạ Lò Văn Chang- trưởng bản Nà Lại nhà ngay cạnh đó xuống ngó xem ai, tôi theo chân Chang lên nhà. Lúc này nhà Chang có ba người đàn bà đang ngồi uống rượu, trong đó có vợ Sừn Văn Phái, hôm nay họ nghỉ hái chè ở nhà uống rượu. Mẹ Chang cầm chai rượu đựng trong vỏ Coca- cola loại hơn một lít còn chút dưới đáy bảo tôi: Từ sáng đến giờ ba bà uống một chai này chưa hết đâu nhá…Chang chỉ cười không nói gì. Đang mùa hái chè thuê, một buổi đi hái đủ rượu uống mấy ngày, rượu bây giờ chỉ có mười ngàn đồng một lít, rượu gạo chứ không phải rượu sắn. Phụ nữ Khơ Mú uống rượu chả kèm gì đàn ông.

Trưởng bản Lò Văn Chang cho biết: Bản Nà Lại có 92 hộ, trước đây vay vốn ngân hàng nhận hạt giống chè Shan của Cty Chè Than Uyên về trồng được 19,9 ha. Nhà trồng nhiều được 2 ha, nhà trồng ít 3.000m2. Những năm đầu chưa có sản phẩm, bà con phải bán gà, bán thóc…hàng tháng mang tiền trả lãi ngân hàng. Khó khăn, túng bấn ăn còn chẳng đủ lấy đâu vốn để đầu tư chăm sóc, nương chè để cỏ mọc như rừng. Mấy năm đó chè mất giá, tiền bán chè không bù đắp nổi chi phí, nhiều nhà gọi người đến bán trả nợ ngân hàng. Chang lắc đầu: Bản Nà Lại bây giờ chỉ còn mấy nhà giữ được đồi chè, nhiều nhất là Lò Thị Mai còn 2,2 ha, còn đa số chè đến tuổi thu hái người dân đã bán lâu rồi…

Tôi hỏi Chang: Vì sao bà con bán đồi chè để đi làm thuê? Chang lắc đầu: Không có tiền trả nợ ngân hàng thì phải bán đồi chè, nhưng cũng có nhà cần tiền làm nhà hay cần tiền đi chữa bệnh...họ không bán trâu bò thì bán đồi chè chú ạ. Có nhà bán đồi chè được lãi 1- 2 triệu họ mua mấy thứ linh tinh còn lại thì mua rượu thịt về uống. Có nhà không thiếu đến nỗi phải bán đồi chè, nhưng họ bảo: Mình chỉ biết làm ruộng, không biết làm chè thì bán đi. Cầm hơn chục triệu tưởng to, con cái đứa đòi mua cái này cái nọ, rồi thấy người ta mổ lợn vào mua, kéo cá dưới ao vào mua…chỉ mấy hôm tiêu hết số tiền bán đồi chè. Bây giờ thì bảo vợ con đi xới cỏ, hái chè thuê cho người ta. Đi làm thuê thì được, còn làm cho mình thì không biết làm là sao?

Mùa hái chè thuê ở Phúc Khoa nhộn nhịp từ giữa tháng 7 khi vào chính vụ thu hái chè, lúc đó bà con cũng đã cấy xong vụ mùa, mọi nhà tranh thủ đi hái chè kiếm thêm tiền. Tháng 7 bắt đầu vào kỳ giáp hạt, nhờ đi hái chè thuê nên nhiều hộ không phải bán lúa non như những năm trước. Năm nay chè bán được giá 5.000-5.500đ/kg, nên công hái thuê cũng cao. Nương chè nào tốt, mỗi ngày một người hái được 60-70 kg, nhà ít thì một người đi hái thuê, nhà nhiều ba bốn người, già trẻ đi tuốt tuột.

Chang cho hay: Gia đình ông Hoàng Văn Mia không có một thước đất ruộng, đồi nương cũng chẳng có, ông Mia mắt đã mờ, thành ra chỉ có mình vợ ông là bà Lò Thị Nhọt đi làm, bà đi làm thuê quanh năm, hái chè nhanh và khéo chả kém bất cứ ai ở bản Nà Lại. Vợ Chang là Hoàng Thị Long cùng con gái là Lò Thị Hợp 12 tuổi trung bình mỗi ngày đi hái chè thuê được 60-70 ngàn đồng, có hôm được trên 100 ngàn. Chang cười bảo: Bản Nà Lại có tới chín lăm phần trăm số hộ đi hái chè thuê, tính ra có ngày hơn một trăm người, vợ cháu hái xong chè của nhà rồi thì đi hái thuê cho người ta. Buổi sáng đi từ tờ mờ đất, khoảng tám chín giờ thì về, có hôm hái được ba bốn chục cân, họ trả tiền ngay nên cũng có tiền tiêu…

Chủ tịch xã Phúc Khoa là Nguyễn Văn Hiển cho hay: Thống kê mới nhất, hiện Phúc khoa có 205 ha chè, tập trung ở hai thôn: Phúc Khoa 70 ha, Ngọc Lại 50 ha, bà con người Khơ Mú ở bản Nà Lại trước đây có gần 20 ha, do thiếu ăn nên họ bán gần hết. Họ bán không qua xã, chỉ viết cho nhau tờ giấy, thành ra chính quyền chả cấm được. Trên giấy tờ là chè của họ, nhưng thực tế thì người khác canh tác.
Tôi qua nhà Hoàng Văn Thu, tháng trước Thu đi làm đường thuê bị thương nên giờ quanh quẩn ở nhà, vợ Thu là Lò Thị Xe lúc này không có mặt ở nhà, hỏi thì Thu trả lời: Chắc nó đi hái chè cho người ta quá, đi từ lúc sáu giờ sáng. Có buổi được năm chục, có buổi được sáu chục. Bắt đầu vào năm học mới, lũ trẻ đòi may quần áo, mua sách vở…chả đi hái chè thuê thì lấy tiền đâu mua? Cỏ lúa nhà mình thì chưa làm vội, chè hết vụ thì ai thuê nữa? Thu cho biết: Nhà bố Hoàng Văn Mặc trồng hơn 2.000m2 chè, không có tiền trả nợ ngân hàng đã bán từ lâu rồi, chị Hoàng Thị Bin có khoảng 6.000m2 chè, bán được gần chục triệu thì trả nợ hết, bây giờ đi làm thuê cho người ta trên chính nương chè nhà mình. Chịu, chả hiểu thế nào chú ạ…

Ông Hiển cho biết thêm: Mùa hái chè thuê nhộn nhịp lắm, buổi chiều họ đến từng hộ có chè nhận hái, nhà nào nhiều chè thì ba bốn người đến nhận, buổi sáng chủ nhà chưa dậy họ đã lên đồi hái rồi. Họ biết nương chè này của nhà ai, chủ nhà không cần có mặt trên đồi họ vẫn không hái nhầm nhà nọ sang nhà kia. Gia đình tôi có 3 ha chè, mùa thu hái phải thuê 10 lao động, người ta đến tận nhà xin hái, họ biết từng lứa hái, tôi chưa tin thì họ mang về mấy búp chè ra cho xem để chứng minh chè đã đến lứa hái. Có hôm lên đến nơi thì họ đã hái xong, trả tiền ngay có khác. Không chỉ xã Phúc Khoa, bà con các xã lân cận mùa này cũng đi hái chè thuê cho công ty chè đông lắm.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất