| Hotline: 0983.970.780

Mùa vá lưới

Thứ Sáu 13/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Đến mùa vá lưới, các làng chài như bừng lên bởi đa dạng sắc màu của những tấm lưới: đỏ rực, tím, lam, xanh, trắng…

Sắc màu vào mùa

Vá lưới là nghề làm quanh năm, nhưng với phụ nữ các làng biển, từ tháng 10 đến tháng Chạp âm lịch hằng năm mới là thời điểm chính vụ.

Bởi lẽ, những tháng này biển động, tàu cá không ra khơi được; rồi cận kề Tết, nhiều tàu neo bờ cho thuyền viên ăn Tết cổ truyền, các chủ tàu tranh thủ những ngày này đại tu ngư lưới cụ. Thế là những thợ vá lưới có việc làm.

Đôi tay vừa thoăn thoắt lia chiếc ghim nhựa móc vào những mắc lưới, bà Trần Thị Xuân (60 tuổi) ở làng chài Xuân Thạnh, xã Mỹ An (Phù Mỹ, Bình Định) xởi lởi: “Phụ nữ ở các làng biển không ai là không biết vá lưới. Đến con trăng, tàu thuyền hầu hết đều cập bờ.

Sau hàng tháng lênh đênh trên biển, khi tàu buông neo là cánh đàn ông túm tụm chén tạc chén thù kể chuyện đánh bắt cá, cánh phụ nữ bọn tui lo ghim lo cước vá lành những lỗ thủng trên tấm lưới để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt mới.

Một tấm lưới dùng rất nhiều mùa biển, nên phải vá đi vá lại nhiều lần vì trong quá trình đánh bắt vướng cây trôi, san hô trên biển rách miết thôi, nghề lưới theo đó mà thành”.

Trước kia, khi tàu cá còn hiếm, lưới nhà ai nhà nấy vá, kẹt lắm thì làm đổi công. Khi nghề đánh bắt thủy sản xa bờ tại Bình Định phát triển, số lượng tàu bè tăng cao, theo đó, số lượng lưới cũng tăng theo nên đã hình thành nên nghề vá lưới chuyên nghiệp.

Chị Trần Thị Phượng (49 tuổi) ở thôn Nhuận An, xã Hoài Hương (Hoài Nhơn, Bình Định), tổ trưởng tổ lưới Tam Sanh, cho biết: “Bây giờ bạn thuyền nhiều, tàu được nâng cấp ngày càng to hơn nên lưới cũng được trang bị lớn hơn, công làm lưới cũng cần nhiều hơn.

14-48-05_v_luoi-2
Thợ vá lưới cần nhất tính tỉ mỉ, chăm chỉ

Do đó, nghề vá lưới bây giờ không còn làm nhỏ lẻ như xưa, mà được tập hợp thành những tổ. Tổ lưới chia thành hai nhóm, nhóm chuyên làm lưới mới và nhóm chuyên vá lưới. Người vá lưới được trả công 100.000 đ/ngày, làm lưới mới được trả 150.000đ/ngày”.

“Nghề không khó, người nhanh trí chỉ cần học 1 tuần là thạo việc, người chậm lắm cũng mất chừng 1 tháng là có thể đi làm kiếm tiền. Đặc điểm của nghề là đòi hỏi cao sự chăm chỉ, chịu khó và tính tỉ mỉ”, chị Đặng Thị Năm (47 tuổi) ở phường Hải Cảng, người có thâm niên 15 năm vá lưới thuê ở Cảng cá Quy Nhơn, cho hay.

Những gam màu buồn vui

Sống ở vùng quê biển, nếu gia đình không đủ điều kiện sắm tàu cá vươn khơi thì hầu hết các chàng trai đều làm nghề đi bạn, phụ nữ thì theo nghề vá lưới để tạo kế mưu sinh. Khi những cặp đôi lập gia đình, chồng đi bạn, thu nhập từ những chuyến biển để dành lo cho con cái ăn học, vợ ở nhà làm nghề vá lưới chạy bữa hằng ngày cũng có được cuộc sống ổn định.

“Hai vợ chồng tui lấy nhau đến nay đã 4 năm, giờ đã có 2 mặt con. Chồng đi bạn cho tàu cá trong vùng, tui ở nhà theo chị em đi vá lưới. Thu nhập không cao, nhưng mỗi ngày hơn 100.000 đ cũng đủ chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Tiền nhận được từ mỗi chuyến biển của chồng được dành dụm xây nhà, lo cho con ăn học, cuộc sống cứ thế trôi qua bình yên”, chị Lê Thị Anh Sự (27 tuổi) ở làng biển Hoài Hương, bày tỏ.

Đối với nhiều gia đình, nghề vá lưới chính là chiếc cầu nối đưa lớp trẻ làng chài đến với giảng đường đại học. Ví như chị Trần Thị Thanh (48 tuổi) ở thôn Thạnh Xuân Bắc, chồng mất sớm, nhờ nghề vá lưới mà chị đảm đương cuộc sống cho người cha già và 3 con ăn học, trong đó có 2 cháu đang học đại học và 1 cháu học lớp 7.

14-48-05_v_luoi-1
Cung cấp nguyên liệu cho thợ vá lưới

“Thu nhập từ nghề vá lưới không cao, nhưng giải quyết được việc làm cho khoảng 500 phụ nữ trong xã với mức thu nhập ổn định 3 triệu đồng/người/tháng”, ông Võ Hồng Kha, chủ cơ sở chuyên vá lưới ở xã Hoài Hương, cho biết.

Chị Thanh tâm sự: “Một nách nuôi con khó khăn tứ bề, nhưng dù khó khổ đến mấy tui cũng cố gắng cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Đời mình đã khổ, chỉ mong các con có cuộc sống tốt hơn. Thiệt ra, tụi nhỏ đi học được cũng nhờ cái nghề vá lưới của tui. Nửa tháng tui vá lưới ở quê, nửa tháng theo tàu vào miền Nam vá lưới, đi xa thì tiền công được gấp đôi”.

Những thợ vá lưới không chỉ hành nghề ở địa phương, mà ở đâu có nghề biển là các chị đều có mặt. Riêng tại xã Hoài Hương hiện nay đã có đến 5 đội vá lưới chuyên nghiệp, mỗi đội có từ 15 đến 30 chị tham gia. Sau khi vá hết lưới cho các tàu thuyền ở quê, các chị liền tay nải tay xách khăn gói vào đến các cảng cá Khánh Hòa, Vũng Tàu, Cà Ná, Tiền Giang… nơi các tàu cá của ngư dân Bình Định cập bờ bán sản phẩm có nhu cầu vá lưới để hành nghề mưu sinh.

Hầu hết những góa phụ ở xã Hoài Hương có chồng bị chết khi đang hành nghề trên biển đều đang theo nghề vá lưới để kiếm tiền nuôi con. Những chuyến hành nghề xa nhà của các chị xen lẫn nhiều niềm vui và nỗi buồn. Các chị vui vì đi vá lưới xa công được nhận cao hơn, có tiền thong thả lo tết tư cho con cái. Nhưng bên cạnh niềm vui ấy, sâu lắng trong lòng các chị là nỗi buồn day dứt.

Tàu cá thường cập bờ vào mùa trăng. Do vậy, từ mùng 10 âm lịch hằng tháng là vợ các ngư dân sắm sửa hành lý, chuẩn bị thuê xe lên đường đi thăm chồng. Mỗi mùa trăng, tại Hoài Hương ít nhất có đến 10 chiếc xe khách, mỗi chiếc chở 50 chị đi thăm chồng. Chiếc thì ra Quảng Bình, Đà Nẵng; chiếc vào Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang… Những chị không có chồng để thăm vì chồng đã chết ngoài biển, nhưng cũng theo những chuyến xe này đi vá lưới cho những chiếc tàu cập bờ.

“Đi cùng chuyến xe nhưng tâm trạng mỗi người mỗi khác. Người đi thăm chồng thì vui vẻ rộn rã, vì vừa được gặp chồng, vừa được nhận tiền đi bạn của chồng. Người đã mất chồng, đi vá lưới thuê kiếm từng đồng thì đi với nỗi lòng não nề”, góa phụ Nguyễn Thị Kha, kể.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm