| Hotline: 0983.970.780

Mùa vàng xứ Thanh

Thứ Sáu 08/06/2012 , 13:49 (GMT+7)

Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, phục vụ công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp...

Trong điều kiện chịu sự tác động của tình hình kinh tế trong và ngoài nước, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa đã nỗ lực, từng bước khắc phục khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH. Nét nổi bật nhất là thành tựu đáng ghi nhận của ngành NN-PTNT. Các cấp các ngành, từ tỉnh xuống xã đều đồng tâm gồng mình "vượt vũ môn".

Ra Nghị quyết về cơ cấu giống, mùa vụ

Đó là huyện Nông Cống, một trong những địa phương dẫn đầu về diện tích, năng suất lúa của tỉnh. Bước vào SX vụ chiêm xuân năm nay, Huyện ủy Nông Cống đã thống nhất ban hành Nghị quyết (NQ) 03 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong chuyển đổi cơ cấu giống, chuyển dịch mùa vụ giai đoạn 2011-2015. Một bản NQ rất ngắn gọn, đọc lên không còn khẩu hiệu chung chung mà đã đưa ra được các giải pháp thiết thực để thực hiện. Và bước đầu vùng đất từng được ví "chiêm khê mùa thối" này đã đột phá vụ xuân 2012 từ 10.456 ha lúa với năng suất trên 70 tạ/ha.

Nói như ông Phạm Hữu Diện- Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn (Nông Cống) thì sau khi ban hành, NQ được thực thi luôn trên đồng ruộng. Mọi cách làm cứ thế len lỏi vào tận chân ruộng của mỗi gia đình. Ông Diện bảo: “Điều đầu tiên là NQ đã giúp chúng tôi và người dân thay đổi tư duy, tập quán SX. Chính vì thế, có được chủ trương trong tay, UBND xã chỉ đạo cho HTX chủ động đấu nối với các Cty giống cây trồng có uy tín trong nước để kiếm tìm, lựa chọn các bộ giống đảm bảo được điều kiện SX. Cho nên vụ chiêm xuân này, cùng với các địa phương trong huyện, xã Trường Sơn đã sử dụng các giống thực sự ngắn ngày, có năng suất vượt trội và chất lượng tốt nhất, chẳng hạn như N.ưu 69, ĐH 18, N.ưu 89, TX 111, BTE-1...”.

Mục tiêu mà Nông Cống đặt ra là phấn đấu đến năm 2012 trở đi cơ bản 100% diện tích lúa được gieo cấy bằng các giống lúa lai, lúa thuần năng suất, chất lượng nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng đất đai, lợi thế của huyện trong SX; tạo quỹ đất cho SX vụ đông đảm bảo năng suất lúa đạt 120 tạ/ha/năm, trong đó vụ chiêm xuân đạt 65 tạ/ha, vụ mùa 55 tạ/ha.

Với năng suất lúa xuân năm nay, qua đánh giá chung thì toàn huyện đạt xấp xỉ 70 tạ/ha, song có một số xã như Minh Khôi, Minh Nghĩa, Tế Lợi, Tân Phúc... năng suất vượt trội hơn hẳn, đạt trên 81 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay. Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Tuấn-Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nông Cống, đây là kết quả của việc chuyển dịch mạnh mẽ, thay đổi căn bản về cơ cấu giống; đặc biệt là cơ cấu lại các trà để phù hợp với điều kiện SX ở mỗi xứ đồng.

“Chẳng hạn như vụ chiêm xuân, chúng tôi gieo cấy 2 trà chính. Trong đó trà chính vụ gieo cấy trên diện tích đất sâu trũng bằng các loại giống có thời gian sinh trưởng khoảng 145 ngày, cơ cấu 15% diện tích. Trà xuân muộn gieo cấy trên chân đất vàn và vàn hơi sâu, bằng các giống có thời gian sinh trưởng khoảng 130 ngày, cơ cấu 85% diện tích; diện tích lúa chất lượng cao đạt trên 30%. Phấn đấu đến 2015 toàn bộ diện tích lúa sẽ thực hiện cấy trong trà xuân muộn”- ông Tuấn cho biết thêm.


Có được năng suất lúa cao nhờ lựa chọn giống mới chất lượng tốt

Có một điều trong NQ được cấp ủy, chính quyền các xã trong huyện hết sức chú ý, đó là: “Hiệu quả của việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu”. Do đó, ngay sau NQ được ban hành, từ mỗi đồng chí cấp ủy đến cán bộ ở các phòng, ban của huyện đã dành phần lớn thời gian đi xuống ruộng cùng nông dân bàn cách chuyển dịch cơ cấu giống, mùa vụ để đạt năng suất, giá trị cao.

Cách mà Nông Cống làm là bám sát ruộng cùng nông dân khắc phục các điều kiện khó khăn về SX. Nhờ đó, từ đợt rét kéo dài ngay từ đầu vụ đến đợt hạn hán trong thời điểm lúa làm đòng, trổ bông, 100% diện tích gieo cấy đã không xảy ra tình trạng lúa chết do rét, lúa khô héo do thiếu nước. Đơn giản là cán bộ đã cùng người dân xuống đồng lội ruộng.

Điều khá thú vị nữa là một số xã đã biết lồng ghép các chương trình đầu tư để thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Điều này khẳng định tính đúng đắn NQ 03 của Huyện ủy cũng như bước đi, cách làm là thiết thực, hiệu quả.

Chẳng hạn như xã Hoàng Giang đã chuyển nhà ra đồng để xây dựng nông thôn mới. Nhờ cách làm này mà nhiều con đường nối từ làng ra ruộng đã được bê tông hóa kiên cố. Trên đồng ruộng của xã Hoàng Giang đã được đầu tư rất khá về giao thông, thủy lợi và thực hiện rất tốt về đổi điền dồn thửa nên việc cơ giới hóa vào đây thuận lợi. Cho nên thu hoạch mùa ở đây diễn ra nhanh, chớp được nắng của thời điểm lúa chính, kịp thời làm đất cho SX vụ mùa. Cách làm đó đã không cho đất nghỉ, nhường lại cho nông dân những vụ lúa bội thu.

Theo chân bà con nông dân vào mùa gặt mới, chúng tôi có cảm giác mặt đất như được trải thảm. Lúa vàng rực, chín rộ trong nắng mới. Con đường mới từ TP Thanh Hóa vào Nông Cống ngày mùa đang nhộn nhịp, khẩn trương. Từng tốp bà con tất bật thu hoạch lúa chiêm xuân, đâu đó còn pha lẫn tiếng máy gặt đập, máy tuốt làm náo nức cả một vùng.

Bác Nguyễn Thị Dòng, thôn Thanh Liên, xã Trường Sơn cho biết: “Gia đình tôi làm 4 sào lúa, tất cả đều trúng lớn, ít nhất năng suất cũng phải đạt 3,5 tạ/sào. Qua những ngày vất vả, khó khăn làm mạ rồi cùng đến ngày mùa thắng lợi, gia đình tôi vui sướng lắm. Chúng tôi phải tranh thủ mọi thời gian nắng ráo thu hoạch nốt diện tích còn lại để còn chuẩn bị cho vụ mùa”.

Rõ ràng là cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu trà lúa trải qua biết bao gian nan, thử thách đã đưa nền nông nghiệp Nông Cống sang một bước ngoặt hết sức quan trọng. Đó không chỉ là việc năng suất, sản lượng lúa vụ xuân cao nhất trong nhiều năm qua mà quan trọng hơn là hình thành một hướng đi bền vững cho cây lúa trước thách thức của biến đối khí hậu. Xuân sớm không còn chỗ đứng và xuân muộn là xu thế rõ nét của những vụ tới.

“Cánh đồng ĐH18” là tên mà ông Nguyễn Trọng Thành- Chủ nhiệm HTXNN Trường Sơn ví von khi cả cánh đồng sử dụng giống lúa ĐH18, dự kiến năng suất đạt 75 tạ/ha. Cánh đồng ấy nay chỉ còn lại một ít lúa đang được bà con thu hoạch nốt để kịp thời vụ kế tiếp. Những ôm lúa trĩu hạt, xếp chồng lên nhau từng lớp, từng lớp. Ngay cạnh bên, góc mạ chuẩn bị cho vụ mùa cũng vừa chớm xanh, gợn nhẹ trong gió. Không khí vụ mùa cũng đã ngập tràn khắp những cánh đồng Nông Cống bởi màu xanh của mạ non đang chờ ngày vụ mới.

Cơ giới hóa đồng bộ để tạo sức bật

Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, phục vụ công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp, điển hình là QĐ 1304/2009/QĐ-UBND về vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Nhờ có chính sách này mà các khâu làm đất, thu hoạch, vận tải ở các xứ đồng trong tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực. Nét nổi bật là giải phóng được rất lớn sức lao động của nông dân, giảm được rất nhiều chi phí, nhất là chạy đua được với thời vụ, thời tiết.

Ông Nguyễn Đình Xứng- GĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho hay: “Cơ giới hóa trong làm đất đến nay đạt 90% diện tích đất trồng lúa, lạc, đậu, mía. Khâu tuốt lúa đạt trên 93%, vận chuyển đạt 65,6%. Số máy gặt đập liên hợp đã lên đến 300 chiếc, trong đó vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng cao là 296 chiếc”.

Tìm hiểu vấn đề cơ giới hóa tại hai huyện Thọ Xuân, Yên Định và Thiệu Hóa chúng tôi thấy, cơ giới hóa đồng bộ sẽ làm đất đai được nhuyễn, đảm bảo tầng canh tác, diện tích cấy lúa bằng máy đảm bảo mật độ, ruộng lúa thông thoáng, ít sâu bệnh, số bông trên khóm cao hơn hẳn phương pháp gieo cấy truyền thống.

Ông Lê Huy Hoàng- Phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: “Toàn huyện hiện có 800 máy làm đất các loại, 43 máy gặt đập liên hợp, 150 máy thu hoạch cầm tay, 450 máy vò lúa. Chính vì thế thu hoạch mùa được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, sức lao động và chi phí, đồng thời giải phóng nhanh, tạo quỹ đất đảm bảo kịp thời cho SX vụ kế tiếp. Đến nay, các địa phương trong huyện đã thu hoạch đạt 80% diện tích lúa xuân và tiến hành làm đất, gieo mạ chuẩn bị cho SX vụ mùa”.

Và khi những cánh đồng vừa được giải phóng, giống mới vụ mùa đã sẵn sàng với một bước đi hoàn toàn mới mẻ. Các huyện Yên Định, Thọ Xuân đang có những cú hích lớn cho ra hình hài cánh đồng mẫu lớn nhằm đáp ứng được đòi hỏi của SX nông nghiệp theo hướng hàng hóa cạnh tranh cao trên thị trường. Có lẽ thế mà tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do Sở NN-PTNT Thanh Hóa chủ trì cuối năm 2011, đại diện TCty Lương thực miền Bắc và bà Ngô Thị Hoa- Chủ tịch UBND huyện Yên Định đã ký một thỏa thuận về việc đầu tư xây dựng chương trình SX lúa gạo hàng hóa chất lượng cao trên địa bàn huyện với quy mô 1.500 ha.

Không ngẫu nhiên mà TCty Lương thực miền Bắc lại chọn Yên Định để đầu tư chương trình này. Thực tế cho thấy, SX lúa chất lượng cao tại Yên Định là hướng đi đúng đắn, phù hợp. Trong tương lai, nhà máy chế biến nông sản được xây dựng ngay tại vùng “tứ giác vàng” trọng điểm lúa của tỉnh là Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc thì chắc chắn phương thức SX của người nông dân vùng này sẽ đổi thay thật sự. Lúc đó giá trị nông sản do chính mồ hôi nông dân làm ra được đong đếm đúng với những gì mà họ bỏ ra.

Cuộc chạy đua với thời vụ đang bước vào giai đoạn nước rút. Giọt mồ hôi đang rơi trên những cánh đồng lúa vàng chín rực, trên những góc mạ non tươi mới sắc xanh. Khói bếp nhà ai đã thơm mùi rơm mới...

Rút điện thoại gọi đồng chí Mai Bá Luyến- PGĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa hỏi về tiến độ thu hoạch và chuẩn bị vụ mùa, được ông cho hay: “Toàn tỉnh đã thu hoạch được 77.000 ha, năng suất dự kiến đạt 64,7 tạ/ha. Còn vụ mùa thì các địa phương thu hoạch xong lúa xuân đến đâu thì tiến hành làm đất, gieo mạ đến đó”.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.