| Hotline: 0983.970.780

Mùa xuân đầu tiên

Thứ Sáu 13/01/2012 , 10:44 (GMT+7)

Với gần 100 cặp vợ chồng trẻ ở Làng Thanh niên ấp Bến Cừ (xã Ninh Điền, Châu Thành, Tây Ninh), đây là lần đầu tiên họ được đón tết trên quê hương mới.

Xuân đã về mang niềm vui, hạnh phúc cho tất cả mọi người. Đặc biệt hơn, với gần 100 cặp vợ chồng trẻ ở Làng Thanh niên ấp Bến Cừ (xã Ninh Điền, Châu Thành, Tây Ninh), đây là lần đầu tiên họ được đón tết trên quê hương mới.

Màu xanh biên giới

Bắt đầu từ ngã ba trên tỉnh lộ 796, chúng tôi men theo con đường đất đỏ để tìm vào Làng Thanh niên. Gần mười cây số chỉ thấy một màu xanh ngút ngàn trải dài hai bên đường. Từ những đồng mía, ruộng khoai mì, những luống rau màu tươi tốt đang chuẩn bị thu hoạch… Tất cả, cùng với ánh nắng ấm áp của mùa xuân phương Nam làm nên một hình ảnh làng quê trù phú, yên bình.

Trong ánh nắng nhè nhẹ của buổi sáng xuân, vừa ngắt lá mai, vừa bồng đứa con trai gần 4 tuổi, chị Võ Thị Hậu cười bảo: “Mình quê ở bên Hòa Hội (Châu Thành) nhưng bắt đầu chuyển về đây sống hồi tháng tư. Lúc đầu, chỉ có hai vợ chồng lên lập nghiệp còn thằng cu Bin này gửi cho ông bà ngoại vì sợ trên này xa xôi cách trở, khổ thân nó. Ai ngờ, lên đây sống mới thấy, mọi cái cơ sở vật chất đều khá đầy đủ. Ban đầu địa phương cho tiền xây nhà, cấp vốn và cả đất nương rẫy để trồng cây, làm ăn. Nói chung, sau thời gian đầu còn bỡ ngỡ, gia đình mình đã bước đầu ổn định. Tháng trước, hai vợ chồng về quê đưa cháu Bin lên đây ở và cũng đón tết luôn”.

Một góc Làng Thanh niên

Chỉ tay lên bình nước Sơn Hà màu xanh trắng to tướng, anh Hồng, chồng chị Hậu, cười: “Ở đây, bây giờ nhà nào cũng có nước sạch, có điện, ti vi và cả tủ lạnh nữa. Cuộc sống tuy vẫn còn khó khăn nhưng có thể nói, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, các hộ dân đều có điều kiện để phát triển kinh tế lâu dài hơn ở quê cũ rất nhiều. Ngay như gia đình nhà tôi, hiện cũng có một ruộng khoai mì xanh tốt, ra Giêng chẳng mấy mà thu hoạch về gần hai chục triệu đồng chứ không ít”.

Nói về không khí chuẩn bị tết của gia đình, đôi vợ chồng trẻ nhìn nhau mỉm cười: “Chính quyền xã cũng có hỗ trợ tiền và quà tết nhưng chúng tôi cũng dự định sẽ mua thêm quần áo mới cho cháu Bin, mua thịt heo, giò chả, gạo nếp và một số thứ để gói bánh tét với mấy chai rượu vang dưới chợ tiếp đãi bạn bè, hàng xóm. Hình như, anh Thành ở dãy bên kia dự tính sẽ mổ con bò mua bên Campuchia nên có lẽ chúng tôi cũng xin góp tiền mua một chút ăn tết”.

Nhìn những ruộng rau xà lách và cải ngọt xanh mơn mởn, xa xa là những cánh đồng khoai mì mênh mông cao quá đầu người, chúng tôi thầm mừng cho bà con nông dân ở Làng Thanh niên. Có lẽ, cũng như những thân cây nhỏ bé này, cuộc sống của hàng trăm con người ấy đã bắt đầu bén rễ được trên vùng đất mới.

Theo bà Võ Thị Quỳnh Dao, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Điền, làng Thanh niên ấp Bến Cừ bắt đầu khởi công vào tháng 12/2009, đến tháng 4/2010 thì đón gần 50 hộ dân đầu tiên ở nhiều địa phương khác nhau trong tỉnh.

Theo đó, chính quyền ưu tiên những cặp vợ chồng trẻ, có lý lịch tốt, lý tưởng sống lành mạnh, trình độ văn hóa từ phổ thông sẽ được nhận hồ sơ vào Làng. Ngoài ra, chính quyền cũng hỗ trợ mỗi hộ số tiền xây nhà là 30 triệu đồng (trong đó có 20 triệu đồng theo chế độ hỗ trợ di dân tái định cư theo quyết định của Chính phủ, 10 triệu đồng còn là hình thức vay vốn trả chậm không tính lãi); 1.000 m2 đất thổ cư, 1 giếng khoan, máy bơm, bể lọc; 1 ha đất canh tác sản xuất. Và trong ngày nhập Làng, mỗi hộ thanh niên còn được tặng 1 tivi màu, 1 sổ tiết kiệm trị giá 1.000.000đ do các doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân trên địa bàn tỉnh tài trợ.

Mùa xuân nay đã về

Mọi người vẫn nói, an cư thì mới lạc nghiệp quả rất đúng trong trường hợp các hộ gia đình trẻ nơi đây. Mặc dù Làng Thanh niên ấp Bến Cừ giáp ranh với Campuchia nhưng một con đường đất đỏ đã chạy tới làng. Nhìn những chuyến xe tải chất đầy mía chạy dọc ngang vùng biên giới này chúng tôi cũng phần nào hiểu được cuộc sống ấm no của bà con nông dân. Thêm nữa, không khí tết cũng tràn ngập khắp mọi nẻo đường khiến mọi cái đều hối hả, khẩn trương hơn. Ai cũng cố gắng hoàn thành nốt công việc của mình trong những ngày cuối năm này để có thể an tâm cùng gia đình đón một cái tết Nhâm Thìn thật đầm ấm và vui vẻ.

Chị Ngà đang dệt chiếu

Dừng chân ở một ngôi nhà kiêm quán cà phê nho nhỏ của làng, uống ngụm nước mát lành, nhìn cây trứng cá cao chạm nóc nhà nở hoa li ti màu trắng sữa tỏa bóng xanh mát, tôi hỏi chị chủ nhà tên Hạnh (xã Long Thuận, Bến Cầu) về công việc buôn bán.

Được lời như cởi tấm lòng, chẳng đắn đo gì, chị bảo: “Mình ở đây chỉ bán nước ngọt, cà phê và mấy thứ lặt vặt cho bà con trong Làng cùng một số công nhân, nông dân đi làm mía, khoai mì ở men theo đường cái ngoài kia thôi. Gần tết, để cải thiện thu nhập, mình đã bàn với chồng mượn tiền của ông anh ở dưới quê mua thêm bánh kẹo, mứt tết, rượu vang và cả bia nữa để bán cho mọi người. Nhìn chung, bà con trong làng còn khá khó khăn nhưng ai cũng cố gắng sắm sửa cho cái tết đầu tiên được đầy đủ, tươm tất”.

Anh Lý Trung Đông, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Tây Ninh - người chịu trách nhiệm về dự án Làng Thanh niên cho biết: “Trong năm 2012 này, Tỉnh đoàn sẽ triển khai làm đường giao thông trong làng bằng cách kiên cố hóa. Còn về lâu dài Tỉnh đoàn sẽ tiến hành trồng 100 ha cao su cho làng. Số đất còn lại là 90 ha sẽ kêu gọi các doanh nghiệp trong tỉnh cùng tham gia đầu tư vốn vào để canh tác sản xuất nông nghiệp một số loại cây trồng khác như mía, khoai mì- những cây đặc biệt thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây".

 Vì vậy, có thể nói, trong tương lai không xa, cuộc sống của các hộ dân trong làng sẽ mau chóng thay da đổi thịt, không còn hộ nghèo đói nữa. Dự kiến, sau 4-5 năm, các hộ dân trong làng hoàn toàn tự lập về kinh tế và tiến tới làm giàu trên chính mảnh đất này.

Chia tay ngôi làng biên giới dọc chiều dài đất nước vào buổi chiều mùa xuân, con đường đất đỏ dài hun hút dẫn tôi về, phía sau màu xanh đang bén rễ trên vùng đất mới. Hình ảnh cuối cùng mà tôi nhìn thấy chính là những đứa trẻ con nắm tay nhau dưới tán cây trứng cá xanh rờn. Tất cả mới bắt đầu nhưng cũng như cánh cửa mùa xuân, chúng hứa hẹn một tương lai đầy quả chín mở ra phía trước.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống của bà con trong làng đều đã được xây dựng đầy đủ. Từ nhà mẫu giáo, trường tiểu học, trạm y tế… Nhìn những cô bé, cậu bé đang mải mê nô đùa bên những cành mai vàng chúm chím khoe sắc thắm, chúng tôi hi vọng trong tương lai, những công dân bé nhỏ của ngôi làng mới non trẻ này sẽ được thừa hưởng thêm nhiều niềm hạnh phúc nữa. Tiếng cười, niềm vui ngây thơ trong sáng của các em chính là mầm non, là tương lai và sức mạnh cho những cặp đôi vợ chồng nơi đây phấn đấu.

Chị Nguyễn Thị Nga (Trường Đông, Hòa Thành) không giấu được niềm vui: “Lúc tôi mới lập gia đình, cuộc sống khó khăn lắm vì hai vợ chồng đều nghèo, không có vốn làm ăn nên phải đi làm thuê làm mướn kiếm sống nuôi hai con nhỏ. Thế nên, khi được nhận vào Làng Thanh niên, vừa có vốn liếng để dành, lại có nhà cửa cho hai đứa nhỏ không phải ở nhờ nhà ông bà khiến chúng tôi vui lắm”.

 Bây giờ, gia đình chị Nga đã có một tổ ấm thực sự. Anh Lâm, chồng chị làm công nhân gạch ở nhà máy gạch Bến Cừ dưới ngã ba, còn chị ở nhà trông hai đứa con vừa nhận dệt chiếu cho mấy cơ sở xã dưới. Mỗi tháng cũng kiếm thêm được khoảng gần 2 triệu đồng nữa. Tết năm nay, thay vì cảnh phải đưa con về quê ăn tết nhờ nhà ông bà nội như trước, anh chị còn dự tính đưa hai ông bà lên ở cùng gia đình, vừa là chơi cùng các cháu, vừa để ông bà an tâm về cuộc sống mới của gia đình chị.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất