| Hotline: 0983.970.780

Mùa xuân về Cửa Đạt - Sông Khao

Thứ Ba 09/02/2010 , 09:06 (GMT+7)

Trước Tết Canh Dần, chúng tôi có dịp trở lại Cửa Đạt, đại công trình thuỷ lợi của xứ Thanh. Đã vắng tiếng máy gầm máy ủi trên công trình, phố thợ bên sông đã thưa người, chỉ còn vách núi cao vời vợi...

Trước Tết Canh Dần, chúng tôi có dịp trở lại Cửa Đạt, đại công trình thuỷ lợi của xứ Thanh. Đã vắng tiếng máy gầm máy ủi trên công trình, phố thợ bên sông đã thưa người, chỉ còn vách núi cao vời vợi, đó là núi của tường thành - con đập ngăn sông Chu.

Đứng trên mặt đập nhìn về phía hạ lưu, kỹ sư Nguyễn Đăng Hà, PGĐ Ban quản lý đầu tư và Xây dựng thuỷ lợi 3, nói với chúng tôi: “Toàn bộ công tác đắp đập, đổ bê tông bản mặt đã xong, đập dài dài 930m, bản mặt rộng 10 m, điểm đỉnh cao 121,3m, chiều cao đập 118,5m, các đơn vị đang thi công phần tường chắn sóng. Các đập phụ Dốc Cáy, Hón Can, cũng đã đạt cao trình đỉnh đập. Nhờ hoàn thành đồng bộ giữa đập chính và 2 đập phụ nên tháng 11/2009, hồ Cửa Đạt đã tích nước, đến nay mực mức trong hồ đã lên cao trình + 67m tương ứng với dung tích trên 200 triệu m3 nước. Công việc còn lại trên công trình chủ yếu là hoàn thiện để quý 3/2010 khánh thành...

Bây giờ đang mùa cạn, dòng sông Chu hiền lành, đôi chỗ đã cạn trơ dòng, phơi những bãi đá dấu tích của trận lũ khủng khiếp năm 2007, cuốn trôi cả nền móng.

Chỉ tay về phía bãi đá, kỹ sư Nguyễn Đăng Hà nói với chúng tôi:

- Sau trận lũ khủng khiếp năm 2007, công trình phải làm lại hầu như tất cả. Đến năm 2008 và 2009 đập đã vượt qua và được thử thách qua 2 mùa lũ trong đó có con lũ ngày 27/9/2009, mực nước phía thượng nguồn lên tới cao trình +65,49m, ứng với dung tích hồ chưa gần 183 triệu m3 nước. Như vậy qua hai năm 2008 và 2009 mặc dù chưa thi công xong nhưng công trình Cửa Đạt đã phát huy tác dụng cắt lũ cho sông Chu. Mùa khô năm nay, hiện mực nước trong hồ ở cao trình trên + 67m tương ứng với dung tích hồ trên 200 triệu m3 nước.

Nghe kỹ sư Hà nói vậy, tôi nhận xét:

- Vậy là mùa khô năm nay trong lúc sông Hồng cạn kiệt nhất, việc lấy nước cho sản xuất vụ đông xuân của Đồng bằng sông Hồng lại khó khăn thì ở tỉnh Thanh với hồ thuỷ lợi Cửa Đạt việc lấy nước cho sản xuất sẽ không khó khăn như các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Giờ đến lượt GĐ Ban Quản lý dự án Phan Đình Phùng cho hay: Với mực nước trên 200 triệu m2 đã tích trong mùa khô năm nay của hồ Cửa Đạt đủ điều kiện tưới cho diện tích 55.000ha của vùng Nam sông Chu, hoàn toàn chủ động phụ vụ chống hạn vụ đông Xuân.

Từ đập tràn chúng tôi xuôi về phía hạ lưu, qua cầu Cửa Đạt vượt sông Chu. Theo ông Phan Đình Phùng, khi công trình Cửa Đạt thi công, cũng là lúc Ban quản lý dự án phải xây lắp 4 cây cầu dân sinh qua sông Chu, sông Đặt, cầu Cửa Đạt là cầu thứ nhất. Chúng tôi đứng trên cầu nhìn về thượng lưu, phía chân đập, sừng sững bức tường thành ngăn sông Chu. Lèn băng đá, áo bê - tông nối liền hai vòng cung núi xây nên hồ Cửa Ðạt. Nhà thơ Lê Đình Cánh trong đoàn chúng tôi là người xứ Thanh thông thạo chuyện cổ kim của vùng đất này, ví thành đá ngăn sông Chu ở đập Cửa Đạt là bức tường thành thứ hai của xứ Thanh. Thành đá thứ nhất là thành nhà Hồ, kinh kỳ của vương triều thời nội chiến thành xây bằng xương máu dân lành. Thành đá thứ hai là thành đá dân sinh, trong công cuộc đổi mới của thế kỷ XXI, góp phần làm giàu đẹp xứ Thanh .

Đối diện với phố thợ bên này sông Chu, bên kia là miền cổ tích với đền thờ bà Chúa Thượng Ngàn và đền Cầm Bá Thước. Khu đền bây giờ vẫn khuôn viên cũ, được di dời lên cao và xây dựng lại bằng sự hảo tâm đóng góp của các nhà thầu trên công trình và nhân dân địa phương. Chúng tôi vào thắp hương ở đền bà Chúa Thượng Ngàn và đền Cầm Bá Thước, được nghe câu chuyện về sự di chuyển vị trí đập Cửa Đạt bây giờ. Thực ra trong đồ án thiết kế vị trí đập lui về phía hạ lưu dưới ngã ba Cửa Đặt. Ở vị trí này toàn bộ khu tâm linh đền bá Chúa Thượng Ngàn và đền Cầm Bá Thước sẽ chìm trong lòng hồ.

Theo đề nghị của địa phương, Bộ NN-PTNT lại đưa ra đề án mới di chuyển vị trí đập lên phía thượng nguồn ở vị trí hiện nay. Lại còn chuyện tại sao hồ thuỷ lợi lại mang tên Cửa Đạt mà không phải là Cửa Đặt. Theo nhà thơ Lê Đình Cánh, trước đây những người làm nghề sơn lâm, sau khi chặt gỗ ở rừng thượng nguồn, bằng nhiều phương tiện người ta vận chuyển gỗ ra cửa sông Đặt thì đặt gỗ xuống rồi cuồn bè xuôi sông Chu. Vị trí đập ở đây phải là đập Cửa Đặt nhưng ngay từ đầu khi xây dựng dự án người ta đã gọi chệch là Cửa Đạt. Từ Cửa Đạt trở thành tên riêng của công trình từ đấy.

Nhiều lần đến với công trình Cửa Đạt, nhưng lần này vừa bố trí được thời gian, vừa thời tiết đẹp, chúng tôi mới lên với Dốc Cáy và Hón Can. Giờ thì đập Dốc Cáy đã xong. Núi nhân tạo đã nối liền hai dãy núi thiên tạo, làm nên hồ trên núi. Xuyên sâu trong lòng núi, kênh bê - tông chìm dẫn nước đã hoàn thành. Kỹ sư Nguyễn Đăng Hà cho hay, từ Dốc Cáy, sông Chu thêm dòng nông giang thứ hai đó là kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã, sẽ được khởi công năm 2010 đưa nước về phục vụ sản xuất trên 32.830ha, còn nông giang thứ nhất bắt đầu từ Bái Thượng đã tưới cho trên 55.000ha phía nam sông Chu. Ðối diện xa với Dốc Cáy, phía hữu ngạn thượng nguồn sông Chu là đập Hón Can.

Từ khi có công trình Cửa Đạt, huyện Thường Xuân không chỉ được 4 cầu dân sinh lớn đi lại thuận lợi, mà con đường từ huyện lỵ lên công trình Hón Can 14 km, cũng đã được rải nhựa chạy qua các xã miền tây của huyện. Có điện có đường, cả vùng rừng núi phía tây huyện Thường Xuân, bừng sáng, trẻ trung như con gái dậy thì. Bây giờ thì vùng đất Hón Can đã có giá, người từ trong bản di ra ở gần đường nhựa, người từ các nơi khác về đây mua đất xây nhà mới, đón trước một vùng du lịch sinh thái đang hình thành với hồ Cửa Đạt mênh mang trên núi.

Nhờ có con đường mới, chúng tôi đến Hón Can nhanh hơn. Đứng trên đập Hón Can nhìn về phía thượng nguồn xa xa, nhà thơ Lê Đình Cánh bảo chúng tôi - rằng phía đó trong lòng hồ có dòng sông Khao, dấu tích ngày xưa Lê Lợi đã đổ xuống dòng sông cả vò rượu lớn, để khao quân mừng chiến thắng, nên mới có tích trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi câu thơ “Hoà nước sông chén rượu ngọt ngào”.

Thì ra, về với công trình Cửa Đạt chúng tôi đã về với miền cổ tích của xứ Thanh. Giờ đây thì dòng nước sông Khao đã hoà giữa lòng hồ Cửa Đạt, để mai ngày tưới mát cho trên 8 vạn ha đất canh tác của xứ Thanh và từ Cửa Đạt, ánh điện của công trình sẽ hoà nhập vào lưới điện quốc gia tỏa sáng tới muôn nhà.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Bình luận mới nhất