| Hotline: 0983.970.780

Mức nguy hiểm của bọ xít hút máu người: Chưa ai dám chắc!

Thứ Sáu 02/07/2010 , 09:28 (GMT+7)

Bọ xít hút máu người đang thực sự khiến người dân hoang mang. NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Đình Trung, Trưởng khoa côn trùng, Viện phó Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương.

* Chỉ 2/3.000 loài có khả năng truyền bệnh 

Ông Hồ Đình Trung, Trưởng khoa côn trùng, Viện phó Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương

Bọ xít hút máu người đang thực sự khiến người dân hoang mang. Sau Hà Nội và Đà Nẵng, có rất nhiều người dân từ các địa phương mới phát hiện có loại bọ xít này là Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Phòng... thông báo bị tấn công. Trước những hiểm nguy loài côn trung này có thể mang đến, NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Đình Trung, Trưởng khoa côn trùng, Viện phó Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương. 

“Bọ xít hút máu người” đang lan rộng, mức độ nguy hiểm ra sao, thưa ông? 

Như tôi được biết thì người dân đang rất hoang mang sau khi các nhà  khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Hà Nội phát hiện ra loại bọ xít hút máu người đang có mặt ở cả miền Bắc và miền Trung. Tuy nhiên vẫn chưa thể khẳng định điều gì cả.

Theo tìm hiểu của tôi, bọ xít hút máu thuộc họ Reduviidae. Trong khoảng 3.000 loài thuộc họ này chỉ có hai loài là Triatoma megista và Rhodinus pralixus có khả năng truyền bệnh Chagas ở người mà tác nhân gây bệnh là Trypanosoma cruzi. Mầm bệnh được truyền sang người khi bọ xít hút máu, hoặc do nhiễm mầm bệnh từ phân bọ xít vì khi hút máu bọ xít thường bài tiết ngay ở nơi chúng hút máu, do đó mầm bệnh từ phân bọ xít nhiễm vào người qua vết thương trên da. Triệu chứng thường gặp ở người mắc bệnh Chagas là mệt mỏi, sốt cao, chóng mặt, đau đầu, tiêu chảy, buồn ngủ và một số triệu chứng thần kinh. Sau giai đoạn cấp tính bệnh có thể diễn biến dưới hình thức mãn tính dẫn tới các bệnh liên quan đến tim mạch.

Bệnh Chagas ở người do bọ xít hút máu truyền phổ biến ở Trung và Nam Mỹ. Cho đến nay chưa thấy thông báo nào nói đến sự có mặt của căn bệnh này ở Việt Nam.  

Nói thế có nghĩa là ở Việt Nam không có “bọ xít hút máu” có khả năng truyền bệnh? 

Như tôi đã nói, cho đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu về các loại bọ xít mới được phát hiện nên chưa có sự khẳng định nào chắc chắn rằng những loài này có khả năng truyền bệnh hay không. Dù xác suất thấp nhưng ai dám chắc bọ xít hút máu phát hiện thời gian qua không nằm trong 2 loài nguy hiểm nhất? Cần phải có thời gian để các nhà khoa học nghiên cứu. Tất cả những kiến thức chúng tôi có được đều là nhờ các công trình nghiên cứu của nước ngoài. Còn trực tiếp để có thể kết luận thì chưa ai làm. 

Như vậy người dân cần đề phòng gì? 

Mấy hôm trước, Viện có nhận được mẫu côn trùng do một người dân ở Văn Chương (Hà Nội) bị đốt mang đến. Qua xác định đây là loại bọ xít hút máu có tên khoa học là Triatoma rubrofassiata De Geer, 1771, được TS Trương Xuân Lam ở Viện Sinh thái- Tài nguyên sinh vật thuộc Viện KHCN VN định tên) thuộc giống Triatoma, họ Reduviidae (bộ cánh nửa Hemiptera hay Heteroptera). Kiểm tra thêm từ người dân bị đốt này, thấy vết đốt chỉ hơi sưng tấy, hiện tại vết sưng đã hết và sức khỏe toàn bình thường. Loại bọ xít này là nguyên nhân truyền ký sinh trùng Trypanosoma cruzi gây bệnh Chaga's qua đường máu. Nhưng thực tế còn tùy thuộc vào khí hậu và vùng địa lý của từng quốc gia. Nếu truyền bệnh Chaga's thì chỉ đúng với khu vực Nam Mỹ chứ đối với khí hậu ở Việt Nam thì chưa có cơ quan y tế nào khẳng định có.

Đối với thời tiết, khí hậu nóng, độ ẩm cao như Việt Nam, hiện tại loại bọ xít này không có gì là nguy hiểm, nếu chẳng may bị đốt sẽ chỉ bị sưng tấy và ngứa ngoài da. Không có cơ sở khẳng định rằng loại côn trùng này truyền bệnh gây nguy hại đến sức khỏe con người. Ngay trong Viện cũng có người bị loài bọ xít hút máu này chích, nhưng chưa thấy dấu hiệu nào nguy hiểm. Tóm lại, vẫn phải chờ. 

Vậy trước mắt cứ "yên tâm", thưa ông? 

Cũng theo ông Trung, do mật độ loài bọ xít này rất thấp nên hiện tại chưa thấy gây tổn hại gì cho cây trồng nông nghiệp. Bọ xít này cũng chưa có tên trong danh mục các loài côn trùng gây hại cây trồng nông nghiệp, nên không thể có khả năng ảnh hưởng đến thực vật. Bọ xít thuộc nhóm bắt mồi thì hoàn toàn không có khả năng gây hại gì cho cây trồng, vì khác về cấu trúc, tập tính...

Không phải. Dù xác suất loại bọ xít truyền bệnh là rất thấp, nhưng người dân vẫn phải đề phòng. Trước hết, cần vệ sinh nhà ở sạch sẽ. Dùng lưới sắt, mành để hạn chế loại bọ xít này vào nhà gây phiền toái đến cuộc sống. Nếu chẳng may bị đốt, người dân nên dùng ngay các loại thuốc bôi chống dị ứng do vết đốt côn trùng. Không nên gãi vì gãi sẽ làm da trầy xước và gây bội nhiễm, nhiễm trùng. Đồng thời cần nắm bắt thông tin để nhận dạng loại bọ xít hút máu người. 

Cụ thể nhận dạng chúng thế nào? 

Cách nhận dạng các loại bọ xít nguy hiểm này cũng khá đơn giản. Bọ xít trưởng thành có đầu dài, râu dài, vòi được gập trong ổ miệng chỉ thò ra khi hút máu. Có 2 đôi cánh: đôi cánh cứng phía ngoài có chức năng bảo vệ, đôi cánh bên trong là cánh màng để bay. Phần ngực có 3 đốt, nhưng chỉ thấy rõ đốt ngực thứ nhất, còn đốt thứ hai và thứ ba bị cánh che lấp. Mỗi đốt ngực mang một đôi chân.

Riêng đối với các cơ quan ban ngành hữu quan cần lên kế hoạch tập trung nghiên cứu, gửi các mẫu ra nước ngoài xét nghiệm. Và nhất là không được chủ quan. Tôi cho rằng loài bọ xít này xuất hiện từ hàng chục năm trước, tuy nhiên những hiểu biết của chúng ta về chúng quá ít ỏi. Điều đó dẫn đến tình trạng, khi phát hiện không biết bấu víu vào đâu. 

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất