| Hotline: 0983.970.780

'Mục sở thị' hồ chứa ở mực nước chết

Thứ Năm 19/03/2015 , 14:05 (GMT+7)

Huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận giáp với tỉnh Ninh Thuận cũng đang gánh chịu hạn hán khốc liệt, đã có hàng trăm ha lúa 3 vụ bỏ hoang, hàng trăm hộ dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Đặc biệt là đàn gia súc (trâu, bò, dê) đang đứng trước nguy cơ dịch bệnh do suy dinh dưỡng vì thiếu thức ăn và nước.

Hôm qua (18/3), cùng với ThS Nguyễn Văn Tấn (Giám đốc Chi nhánh Tuy Phong, Cty TNHH MTV KTCT Thủy lợi Bình Thuận) chúng tôi có mặt tại hồ Đá Bạc nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hảo với dung tích nước hữu ích bình thường đạt trên 8,4 triệu m3, nhưng hiện nay do tình hình hạn hán nghiêm trọng, mực nước trong lòng hồ chỉ còn 800 ngàn m3.

"Tưới lúa 1 phiên (7 ngày đêm) cần 200 ngàn m3, suốt vụ hơn 3 tháng cần có 15 phiên tưới tức cần có 3 triệu m3 nước, trong khi đó nước trong hồ chỉ còn lại 800 ngàn m3, chưa đủ cấp cho sinh hoạt huống gì cung cấp cho sản xuất. Vì vậy, địa phương đang có gần 400 ha lúa 3 vụ vùng hạ lưu ở 2 xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Tân đã và đang ngừng SX hoàn toàn" - ông Tấn nói.

Nở rộ dịch vụ 'mua bán' nước

Dưới cái nắng chói chang, chúng tôi "mục sở thị" một hồ chứa có chiều dài 15 m với 16 cửa xả lũ, chiều cao mỗi cửa xả là 2 m trông rất hoành tráng nhưng lại đang "trơ gan cùng tuế nguyệt" không thể hoạt động bởi phía dưới hồ không còn lấy một giọt nước.

- Vậy con số báo cáo 800 ngàn m3 nước còn lại trong hồ lấy ở đâu? Tôi hỏi.

Chỉ tay vào mặt hồ rộng mênh mông nằm phía xa trông giống như một vũng nước lầy, ông Tấn giải thích: "Đó là hồ chứa rộng 200 ha nhưng nước trong hồ còn lại rất ít, chỉ đủ bảo vệ công trình và mạch nước ngầm, bởi chung quanh là đất khô cằn hết, dê, bò còn thong thả vào ra trong lòng hồ để kiếm ăn nữa".

Tại xã Vĩnh Hảo, nơi đang "ăn" nước hồ Đá Bạc đang rất khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt và SX. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã trông cậy nước vào hồ Đá Bạc cùng 20 giếng bơm nhưng đến nay đều cạn kiệt, khiến 1.800 hộ dân lâm cảnh kêu trời "khát nước".

"Người dân đang mua nước sinh hoạt ở TT Liên Hương chở xuống bán giá 30 ngàn/m3 nhưng phải chờ 2-3 ngày, thậm chí 1 tuần mới có. Điều đáng lo ngại nhất là tình hình dịch bệnh của trên 1.000 con trâu, bò, dê cừu sẽ phát sinh, chúng tôi ghi nhận đã có hiện tượng bò, dê xù lông trong thời điểm sinh sản" - ông Tuấn nói.

Cách ngã tư Liên Hương chừng 2 km, mấy ngày qua xuất hiện hàng loạt xe bồn đến tập trung mua nước tại giếng bơm của hộ ông Út nằm trên xã Phú Lạc, sau đó mang về bán lại cho các trại tôm giống và hàng trăm hộ dân đang "khát nước". Theo quan sát, mỗi ngày tại đây có từ 100-150 chuyến xe đang kinh doanh dịch vụ mua bán nước.

Ông Út cho hay, gia đình ông có 3 giếng bơm nhờ lấy mạch nước ngầm từ hồ Lòng Sông, mỗi khối nước ông thu 3.000 đồng, một xe vận chuyển từ 10-15 m3 thu 30-45 ngàn đồng. "Một ngày có trên 100 chuyến xe, tôi cung cấp 1.000-2.000 m3 nước/ngày, tiền bán nước nhằm bù vào chi phí nhiên liệu xăng dầu, ống bơm, máy bơm..." - ông Út giải thích.

"Hiện cả 3 hồ chứa của huyện Tuy phong đều thiếu nước, ngoài hồ Đá Bạc, còn có hồ Lòng Sông, Phan Dũng. Trong đó, hồ Lòng Sông hiện vẫn còn 10 triệu m3 nước hữu ích đủ để tưới cho 2.700 ha lúa ĐX 2014-2015 cho xã Phú Lạc, Phong Phú, TT Liên Hương. Nhưng dự kiến trong 1 tháng nữa trời không mưa, nước trong các lòng hồ sẽ hết, lúc đó tình hình SX và cấp nước sinh hoạt sẽ cực kỳ khó khăn" (ThS Nguyễn Văn Tấn).

Anh Ân, một tài xế xe bồn nói thêm, mỗi ngày anh chở được 3 chuyến, mỗi chuyến chứa 15 m3 nước bán 400 ngàn, sau khi trừ chi phí, lãi 100 ngàn/chuyến. "Tui bán nước sinh hoạt cho các hộ dân, nếu giao chậm bán giá 30 ngàn/m3, còn muốn giao nhanh trong ngày là 40 ngàn/m3".

Đồng khô cỏ cháy

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng lúa 3 vụ của gia đình, ông Lê Hữu Kiểu, thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân nói chua xót: "Nhìn đây mà coi, nước không có, đồng trắng khô 2-3 vụ nay rồi.

Ai ngờ ngày càng hạn dữ dằn vậy. Lúc SX lúa, tui trồng giống Ma Lâm 48, năng suất đạt 7-8 tấn/ha, thu lãi 20 triệu đồng. Một năm thu nhập vài chục triệu đồng, nay không có thu nhập lại phải mua thêm nước sinh hoạt. Nhà cũng có giếng bơm sâu 10-20m nhưng không có lấy giọt nước".

- Không trồng được lúa, vậy gia đình bác sống bằng gì? Tôi hỏi.

- Gia đình tui còn 2 đứa con gái đang đi học nên cực lắm. Bây giờ tui là "thợ đụng", ai kêu gì làm nấy. Tại đây có nhiều trại tôm post, trước đây họ thường kêu công lao động làm các công việc lặt vặt trong trại trả 120 ngàn/ngày. Nay họ không có nước ngọt (dùng pha hạ độ mặn) nên một số trại tôm giống ngừng hoạt động, công việc thời vụ vì thế cũng rất khó kiếm.

Ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch UBND Vĩnh Tân cho hay, toàn xã có trên 200 ha ruộng 3 vụ bỏ hoang vì không có nước cùng với 100 ha cây mủ trôm, được xem là thế mạnh của địa phương hiện cũng đang "tịt" mủ vì không có nước.

"Nông dân địa phương đang chạy theo cây trôm, bởi chi phí trồng không lớn, 1 cây giống giá 5.000 đồng, 1 ha trồng mật độ 1.600-2.500 cây tức khoảng 10 triệu. Chỉ sau 1,5 năm thu hoạch bình quân 1 tấn mủ trôm/ha, bán giá 50 ngàn/kg, vị chi thu nhập 50 triệu/ha. Vừa rồi nhiều hộ phá đất lúa trồng cây trôm, nhưng không may gặp hạn, hàng loạt cây trôm chết vì thiếu nước hiện chưa có thống kê".

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Sáng 29/3, giông lốc cuốn bay nhiều mái nhà, 1 người phải đi cấp cứu

LÀO CAI Giông lốc, mưa đá vào rạng sáng nay đã gây thiệt hại tài sản của người dân trên địa bàn huyện Bát Xát.

Bình luận mới nhất