| Hotline: 0983.970.780

Muối mới chồng muối cũ

Thứ Ba 22/02/2011 , 09:33 (GMT+7)

Diêm dân ở ĐBSCL chưa biết phải xoay xở thế nào khi muối làm năm trước còn chất đầy kho, trong khi trên đồng, vụ muối mới đã cho thu hoạch.

Diêm dân ở ĐBSCL chưa biết phải xoay xở thế nào khi muối làm năm trước còn chất đầy kho, trong khi trên đồng, vụ muối mới đã cho thu hoạch.

Ông Lê Phước Trụ ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu cho biết: Khi trong nhà còn hơn 5 tấn muối ngà chưa bán được thì vụ muối mới đã lại bắt đầu. Hiện tại, rất nhiều diêm dân không biết sản xuất muối theo kiểu nào để có lãi. Sản xuất muối đen thì bỏ công làm nhưng không bán được thì cũng như không. Sản xuất muối trắng theo phương pháp trải bạt thì không có vốn đầu tư. Tuy nhiên, kể cả hộ có tiềm lực đầu tư  thì với giá muối trắng từ 800 đồng/kg như hiện nay cũng không có lãi. Hiện tại, diêm dân xã Vĩnh Thịnh trước mắt vẫn chọn giải pháp sản xuất muối truyền thống trên nền đất.

Ông Đỗ Văn Thiết, ấp Bờ Cảng, xã Điền Hải, huyện Đông Hải, Bạc Liêu xót xa: "Trong nhà vẫn còn tồn khoảng 500 giạ muối đen, còn ngoài đồng thì tiếp tục thu hoạch. Tui có 5.000 m2 đất sản xuất muối, nếu muốn làm muối trắng  cần số vốn đến trên 200 triệu đồng. Một vài triệu đồng thì còn lo nổi chứ đến bạc trăm thì xa tầm tay. Muối ế, giá thấp thì nhiều gia đình tiếp tục ôm nợ ngân hàng".

Ông Vương Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hải, huyện Đông Hải, Bạc Liêu cho biết: Vụ muối 2011 đã bước vào thu hoạch đợt 1 và giá muối trắng đang ở mức 800 – 900 đồng/kg, trong khi đó muối đen sản xuất năm 2009 vẫn còn tồn hơn 1.500 tấn và giá chỉ khoảng 300 đồng/kg nhưng hầu như chẳng có người mua. Kế hoạch vụ muối 2011, địa phương vận động diêm dân đầu tư sản xuất khoảng 60% trên tổng diện tích hơn 770 ha đất làm muốn của xã sang làm muối trắng bằng phương pháp trải bạt. Thế nhưng khi vào vụ sản xuất thì bài toán “vốn” vô cùng khó khăn.

Hiện tại, đến thời điểm này toàn xã Điền Hải chỉ có khoảng 10% hộ dân có vốn để đầu tư làm muối tiếp, với diện tích hơn 60 ha. Để đầu tư sản xuất muối trắng theo phương pháp trải bạt thì diêm dân phải bỏ ra 45 triệu đồng/1.000 m2. Trong khi đó đồng vốn ngân hàng cho diêm dân vay làm muối chỉ có 25 triệu đồng/ha.

Theo kế hoạch vụ muối 2011, Bạc Liêu sẽ có khoảng 3.200 ha đất làm muối nhưng chỉ khoảng 100 ha được sản xuất theo mô hình muối trải bạt, còn lại vẫn sản xuất theo phương pháp nền đất truyền thống. Điều đáng lo ngại là tỉnh này còn hơn 70 nghìn tấn muối tồn kho năm trước bán không có người mua, trong khi giá muối ngà hiện ở mức 300 đồng/kg. Chuyện vụ muối mới bước vào thu hoạch nhưng muối cũ vẫn còn tồn là chưa từng có ở ĐBSCL.

Ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng hiện vẫn còn khoảng 6.000 tấn muối tồn trong dân. Ông Nguyễn Văn Khởi, PGĐ Sở NN - PTNT Sóc Trăng đề nghị Trung ương cần chỉ đạo các Cty sớm triển khai kế hoạch thu mua tạm trữ sớm. Mặt khác, cần có chính sách cho diêm dân vay vốn đầu tư sản xuất muối trắng đạt chất lượng theo phương pháp trải bạt.

Diêm dân Bến Tre cũng đang lúng túng trước tình trạng vụ muối mới. Ông Nguyễn Văn Nghị, Trưởng phòng NN – PTNT huyện Ba Tri cho biết: Hiện tại, vùng muối 972 ha ở huyện Ba Tri cũng còn tồn đọng hơn 16.000 tấn, trong khi đó vụ mới đã bước vào thu hoạch. Nhiều bà con lo ngại lượng muối năm nay không được giá thì diêm dân tiếp tục khổ.

Còn ở tỉnh Trà Vinh, tình hình cũng không khá hơn. Ông Phan Thái Hùng, Bí thư xã Dân Thành, huyện Duyên Hải chán nản: Diện tích muối của Dân Thành là 216 ha. Giá muối thấp, diêm dân chưa hết lao đao thì vụ muối mới đã vào thu hoạch khiến lãnh đạo địa phương cũng lo sốt vó. Cứ đà này, dự án 500 ha muối sạch ở Dân Thành, bao gồm đầu tư kết cấu hạ tầng, quy hoạch khu tái định cư với vốn khái toán khoảng 100 tỷ đồng do tỉnh hỗ trợ có nguy cơ “nghẽn” lại.

ĐBSCL hiện có gần 8.000 ha sản xuất muối, sản lượng hằng năm hơn 400.000 tấn, trong đó hơn 70% là muối đen, chủ yếu là để ướp tôm, cá. Bạc Liêu là tỉnh có diện tích nhiều nhất với hơn 3.200 ha, sản lượng hơn 100.000 tấn nhưng thị trường tiêu thụ chỉ có Nhà máy muối Bạc Liêu thu mua, với khoảng trên 10.000 tấn, số còn lại phải chờ thương lái. Chính vì người sản xuất ra hạt muối không thể làm chủ, định đoạt giá trị sản phẩm nên luôn rơi vào cảnh được mùa mất giá.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.