| Hotline: 0983.970.780

Mười năm toàn lỗ

Thứ Tư 19/06/2013 , 10:13 (GMT+7)

Trong suốt 10 năm qua, không năm nào người nuôi tôm ở ven đầm Thị Nại, xã Phước Hòa (Tuy Phước, Bình Định) không bị thất bại.

Xã Phước Hòa (Tuy Phước, Bình Định) có nhiều diện tích nằm ven đầm Thị Nại, là một trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Bình Định. Trong suốt 10 năm qua, không năm nào người nuôi tôm ở đây không bị thất bại.

>> Trắng tay vì tôm thẻ chân trắng
>> Bi đát mang tên tôm hùm

Tôm "ăn" tiền, "ăn" luôn nhà cửa

Cách đây chưa lâu, đang loay hoay với nghề khai thác nguồn lợi thủy sản manh mún trên vùng đầm Thị Nại thì nghề nuôi tôm sú đã mang đến cho người dân xã Phước Hòa cái mác “tỷ phú”. Với 327 ha mặt nước, Phước Hòa chẳng mấy chốc trở thành “thủ phủ” của vùng tôm khu đông thuộc huyện Tuy Phước.

Khi ấy, môi trường nước chưa bị ô nhiễm nên chẳng mấy chốc 450 hộ dân ở những vùng đầm thuộc xã này được “lột xác” nhờ con tôm mang tiền “ùn ùn” vào nhà. Liên tiếp nhiều năm được mùa, dân Phước Hòa có thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm là chuyện bình thường. Nhưng từ năm 2002 đến nay, tôm liên tiếp bị dịch bệnh, người nuôi tôm ngày càng lâm vào cảnh khốn khó. Vốn liếng tích lũy lần lượt “đội nón” ra đi. Tiền vay ngân hàng hết đợt này đến lượt khác cũng lần lượt “tử vong” theo tôm chết.

Bây giờ, nói đến chuyện nuôi tôm, ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, ngán ngẩm: “Phong trào nuôi tôm có mặt tại xã Phước Hòa khá sớm, từ những năm đầu của thập niên 90 (TK 20), sau đó nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương với 450 hộ tham gia trên diện tích 327 ha tập trung tại 3 thôn Kim Đông, Huỳnh Giản Nam và Huỳnh Giản Bắc.


Ông Sáng cùng con trai bên rổ cá vụn

Những năm đầu nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến, nhờ môi trường nước khi ấy chưa bị ô nhiễm nên bà con nuôi đâu trúng đó. Đến năm 2002, lúc này nguồn nước đã bị ô nhiễm nghiêm trọng nên dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, kéo dài mãi đến tận bây giờ. Trong suốt 10 năm qua chưa năm nào người nuôi tôm ở đây có được một vụ nuôi ngon lành, toàn lỗ. Tôm “ăn” hết tiền mặt, “ăn” luôn nhà cửa, có thời điểm sổ đỏ nhà của các chủ hồ tôm đều nằm cả ở các ngân hàng. Có hộ phải bán nhà trả nợ, đi nơi khác làm ăn".

Câu chuyện con tôm gây nợ cho người dân Phước Hòa, đẩy hàng trăm hộ dân ở đây lâm cảnh đói khổ khi ấy là vấn đề “thời sự nóng” của Bình Định. Để tạo điều kiện cho người dân ở đây khôi phục sản xuất, năm 1999, Nhà nước cho họ vay ưu đãi từ nguồn vốn khắc phục bão lụt, sang năm 2000 tiếp tục cho vay đợt 2.

Ông Nguyễn Đình Dũng, cán bộ phục trách thủy sản xã Phước Hòa, cho biết: “Qua 2 đợt cho vay ưu đãi, có khoảng 350 hộ nuôi tôm ở đây được vay. Hộ vay nhiều nhất có đến 500 triệu đồng, hộ vay ít nhất cũng 50 - 70 triệu đồng. Tổng số tiền vay trong 2 đợt này là hơn 30 tỷ đồng, chủ yếu do Ngân hàng NN-PTNT giải ngân”.

Sức tàn phá của lũ tôm quả khốc liệt, tiền 2 đợt vay ưu đãi chẳng mấy chốc bị lũ tôm “nuốt” mất, một số chủ hồ liền “bấu” vào Quỹ Tín dụng nhân dân với tổng tiền vay 5,5 tỷ đồng. “Sau đó, do thua lỗ liên hoàn, toàn bộ số vốn vay từ các ngân hàng và quỹ tín dụng đều bị mất khả năng chi trả. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có quyết định xóa toàn bộ số nợ trên”, ông Dũng cho biết thêm.

Nợ mới chồng nợ cũ

Đã bị thua lỗ vì con tôm thì chỉ có con tôm mới gỡ được nợ, do đó, dù thua lỗ liên tục nhưng người nuôi tôm ở Phước Hòa vẫn không ngừng bám hồ cầu may có vụ nuôi thắng lợi. Thế nhưng từ khi được xóa nợ đến nay, không năm nào dịch bệnh buông tha lũ tôm, nên thua lỗ vẫn bám riết người nuôi. Không nói đâu xa, vụ nuôi đầu năm 2013, mới thả giống xuống chừng 1 tháng, tôm đã lăn đùng ra chết trắng hồ, người nuôi tôm ở Phước Hòa tiếp tục choáng váng.

Những ngày tháng 6, về thực tế tại thôn Huỳnh Giản Bắc, chúng tôi hiểu được phần nào nỗi đau của người dân ở đây. Thôn Huỳnh Giản Bắc có 442 hộ dân thì chiếm hơn phân nửa làm nghề nuôi tôm. Cả cánh đồng tôm rộng 298 ha trắng nước, bèo, lục bình và rác lềnh bềnh trôi. Hỏi ra thì biết, sợ thất bại lắm rồi nên vụ này bà con ở đây tuân thủ lịch thời vụ, đầu tháng 3 mới thả giống. Thời gian đầu, độ mặn của nguồn nước còn bảo đảm. Sau đó một tháng, do cống Ông Dân bị vỡ nên nước ngọt từ đập Văn Mối (Cát Chánh, Phù Cát) và đập Nha Phu (Phước Hòa, Tuy Phước) chảy xuống thông qua cống Ông Dân làm ngọt hóa nguồn nước, lũ tôm bị sốc nước nên lăn ra chết hàng loạt.


Cánh đồng tôm mênh mông giờ chỉ có bèo và lục bình trôi

Ông Phan Trần Phú, Thôn trưởng thôn Huỳnh Giản Bắc, cho biết: “Nước ngọt tràn xuống làm độ mặn nguồn nước nuôi xuống còn 0/1.000, không đảm bảo cho tôm sinh trưởng. Có hơn 50% diện tích thả nuôi (298 ha) bị thiệt hại do nước bị ngọt hóa. Bà con trở tay không kịp, phải vớt bán tôm non để vớt vát tiền giống, chấp nhận lỗ tiền thức ăn, còn đỡ hơn mất trắng như những vụ trước đây”.

Ở thôn Huỳnh Giản Bắc, đi đâu cũng gặp những người đang gánh nặng nợ nần do con tôm. Trưa, tại quán cà phê rất vắng mà tôi cùng ông Phú cũng gặp được một “chúa chổm” ở vùng đầm này, anh Phan Văn Thành. Mở đầu câu chuyện, anh Thành than thở: “Từ năm 2000 đến nay tui chỉ biết “thu hoạch” tôm chết chứ chưa vụ nào biết thu hoạch tôm sống. Từ năm 2009, hết vốn liếng nên tui phải ra đấu thầu quản lý con lạch Gò Su để ngày ngày vớt ít tôm cá tự nhiên kiếm sống cho gia đình”.

Hỏi về tổn thất do con tôm gây ra, anh Thành lắc đầu: “Nhớ sao hết. Trước khi được Nhà nước xóa khoản nợ 150 triệu đồng, tui đã mất đứt 20 cây vàng vào những vụ tôm thất bại. Giờ cũng còn nợ của bà con gần 4 cây vàng do những vụ nuôi tiếp đó”. Thôn trưởng thôn Phú tiếp lời: “Những năm gần đây, do các ngân hàng và quỹ tín dụng đều  không cho người nuôi tôm vay nữa nên để duy trì sản xuất, người nuôi tôm ở Huỳnh Giản Bắc phải vay bên ngoài, chịu lãi suất cao. Vay đợt này, không trả được vì thua lỗ nên không thể vay tiếp, có hộ đành phải bốc nóng bên ngoài với lãi suất từ 50.000 - 100.000 đ/1 triệu/tháng”.

“Người nuôi tôm ở thôn Huỳnh Giản Bắc mong được Nhà nước quan tâm cho xây dựng cống Ông Dân để nguồn nước nuôi không còn bị ngọt hóa. Được như vậy tôm nuôi ở đây mới giảm được thiệt hại, người nuôi mới giảm được gánh nợ nần”, ông Phan Trần Trung.

Rời quán cà phê, chúng tôi tìm về nhà anh Đặng Văn Sáng, một hoàn cảnh éo le khác do con tôm gây ra ở Huỳnh Giản Bắc. Gọi là nhà, nhưng thực chất nơi 5 cha con anh Sáng đang ở chỉ là những mảnh ván ghép tạm bợ đứng bên con lạch Gò Su. Bước vào nhà, nhìn cảnh anh Sáng và đứa con trai út đang cắm cúi bên rổ cá vụn vừa lưới được dưới lạch để làm bữa trưa, chúng tôi không thể không chạnh lòng.

Bên tách trà, anh Sáng nhìn lên bàn thờ vợ buồn buồn nói: “Bà ấy bỏ tui đi năm ngoái, để lại gánh nợ nần và 4 đứa con, 2 đứa đang là sinh viên, 2 đứa đang học phổ thông. Tui cùng anh trai là Đặng Văn Mẫn nuôi tôm đã 20 năm qua, đến giờ như anh thấy đấy, không có cái nhà đàng hoàng để ở. Sau khi được Nhà nước xóa nợ cũ, không biết làm gì khác nên năm nào tui cũng vay của bà con họ hàng, rồi đến bạn bè thân hữu vài ba chục triệu để nuôi cầu may. Trời không thương, nuôi vụ nào thua vụ đó, vụ nuôi mới năm nay cũng vừa bị phủi tay, mất đến 30 triệu đồng. Bây giờ nói về nợ phải lấy giấy bút ra tính chứ không thể nhớ được. Có nhiều lúc đến cả gạo cũng phải mua nợ để có ăn”.

Trên đường về, ông Thôn trưởng thôn Huỳnh Giản Bắc, bộc bạch: “Thôn Huỳnh Giản Bắc có ít ruộng lắm. 15 ha tại cánh đồng Cồn Vắt - Gò Dê thì từ tháng 11/2010 UBND tỉnh đã chỉ đạo ngưng sản xuất để nhường đất cho Khu tái định cư Nhơn Phước (Khu kinh tế Nhơn Hội). Còn 13,5 ha tại xứ đồng Tứ Niên thì vụ này phải bỏ trắng vì hạn hán. Dân ở đây mà không nuôi tôm thì không biết làm gì”.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tán thành chủ trương thành lập thành phố Đông Triều

QUẢNG NINH Tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua 14 nghị quyết quan trọng, trong đó tán thành chủ trương thành lập thành phố Đông Triều.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm