| Hotline: 0983.970.780

Muốn giữ rừng, dân phải đủ ăn!

Thứ Sáu 01/11/2013 , 10:43 (GMT+7)

“Điều cốt yếu để giữ rừng vẫn là nhận thức của người dân, phải kéo được người dân tham gia bảo vệ rừng. Mà muốn như thế thì dân phải đủ ăn”, ông Lê Tiến Thắng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang chia sẻ với NNVN.

“Tăng lực lượng kiểm lâm là rất cần thiết, nhưng không phải là con đường duy nhất để giữ rừng. Điều cốt yếu vẫn là nhận thức của người dân, phải kéo được người dân tham gia bảo vệ rừng. Mà muốn như thế thì dân phải đủ ăn”, ông Lê Tiến Thắng (ảnh), Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang chia sẻ với NNVN. 

>> Trả nợ Cham Chu
>> Cô đơn mãi mãi
>> Bữa cơm nòng nọc trên Khau Tép
>> Ký sự miền rừng

Càng nhiều rừng càng lo 

Thưa ông, Tuyên Quang được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về độ che phủ của rừng (64,3%), nhưng cũng đã có thời điểm diện tích che phủ của Tuyên Quang chỉ có 26,3%. Tuyên Quang đã làm những gì để có được thành tích trong lĩnh vực lâm nghiệp như ngày hôm nay? 

Tuyên Quang là tỉnh miền núi có 445.848 ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% diện tích tự nhiên. Từ lâu chúng tôi đã xác định, với một tỉnh miền núi thì tài sản vô giá nhất chính là rừng. Thời điểm độ che phủ rừng của Tuyên Quang xuống thấp là do quá trình khai thác gỗ phục vụ quân sự, kinh tế trong chiến tranh.

Có thời điểm, bình quân mỗi năm Tuyên Quang khai thác rừng tự nhiên từ 50.000 m3 đến 80.000 m3 gỗ tròn chuyển về xuôi. Nhiều lâm trường không chỉ có xe ô tô 3 cầu chuyên chở gỗ, còn có cả voi kéo gỗ như lâm trường Chiêm Hóa, Tuyên Bình... Theo số liệu thống kê, năm 1991, độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh giảm xuống còn 26,7%; rừng còn lại là rừng nghèo kiệt, cảnh quan môi trường suy giảm, thiên tai liên tục xảy ra, ảnh hưởng đời sống nhân dân trong tỉnh. 

Kể từ khi có Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (năm 1991) và Chỉ thị 90/CP năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ về “Những biện pháp cấp bách ngăn chặn nạn phá rừng”, Quyết định số 327/CT ngày 15-9-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Tuyên Quang đã đóng cửa rừng tự nhiên, quản lý chặt chẽ việc khai thác rừng trồng và vườn rừng hộ gia đình.

Bằng các giải pháp trồng rừng, nâng độ che phủ của rừng, tỉnh ta đã cải thiện đáng kể về môi trường sinh thái, nguồn sinh thủy. Chính là nhờ có nguồn sinh thủy, các công trình thủy lợi, ao, hồ, suối đáp ứng đủ nguồn nước cho làm đất và gieo cấy. 

Đối với rừng tự nhiên, việc bảo vệ được triển khai nghiêm ngặt. Chủ trương của tỉnh là cương quyết xử lý những người lơ là tinh thần trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng. Giữ rừng không phải để giải quyết những mục tiêu ngay trước mắt. Càng về sau thì rừng càng có giá trị. 

Nhưng có một thực tế như Báo NNVN đã phản ánh là hiện nay lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng rất mỏng, lại thiếu nhiều chế tài, chính sách, diện tích rừng lại quá lớn thành thử việc bảo vệ rừng hết sức khó khăn?

Đúng là lực lượng kiểm lâm hiện nay còn quá mỏng và thiếu chế tài, chính sách. Chính phủ quy định, cứ 500 ha rừng đặc dụng thì biên chế một kiểm lâm, nhưng có mấy nơi đáp ứng được điều đó? Riêng Tuyên Quang, diện tích rừng đặc dụng mà kiểm lâm phải bảo vệ ở nhiều nơi còn gấp hai, gấp ba lần con số qui định. Thành thử, nếu chỉ riêng lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng thì gần như là điều không thể.

Giữ rừng là trách nhiệm của toàn dân. Có một thực tế, những nơi nào càng có nhiều rừng, đặc biệt là rừng giàu, rừng tự nhiên thì việc giữ rừng càng khó khăn, vất vả. Nó giống như một cánh đồng lúa chín hay một kho báu mà xung quanh trơ trụi hết rồi thì tất cả đều tập trung vào đấy. Các đối tượng trục lợi từ rừng chỉ nhăm nhăm khai thác. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền để khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia vào công tác bảo vệ rừng. 

Người dân chưa sống được từ rừng 

Nhưng việc này dường như không dễ, bởi có một thực tế là đời sống của người dân xung quanh rừng còn khá thấp? Sống dựa vào rừng nhưng thực tế rừng lại chưa đủ sống? 

Xưa nay, đối với người dân miền núi, đặc biệt là những nơi có diện tích rừng tự nhiên thì phần lớn người dân vẫn phải sống dựa vào rừng. Để giải quyết vấn đề này thì không có con đường nào khác ngoài việc tìm cách nâng cao đời sống cho người dân. Kinh nghiệm thành công ban đầu trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở Tuyên Quang là “đóng cửa rừng thì mở cửa ruộng”.

Mở ruộng ở đây không hẳn là tăng diện tích đất mà cần phải thực hiện các cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp. Đi đôi với việc quản lý chặt rừng tự nhiên, quản lý chặt chẽ diện tích đất lâm nghiệp thì phải đưa khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào nhằm tăng năng suất, sản lượng. Tức là bằng mọi cách phải làm thế nào để người dân không phá rừng vẫn đủ ăn. Bình quân mỗi hộ dân Tuyên Quang có từ 1-3 ha đất lâm nghiệp, quản lý 3-5 ha.  

Yêu cầu bức thiết là cần tìm ra các loại cây giống chu kỳ ngắn hơn, năng suất cao hơn trên một diện tích. Ngoài những chính sách của Trung ương, tỉnh Tuyên Quang cũng ban hành nhiều chính sách riêng hỗ trợ cho người dân. Tập trung phát triển một số cây hàng hóa như cây keo, cây cam, cây mía, cây chè…và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi.

Nhưng thực tế là hiện nay nhiều người dân ở gần rừng vẫn chưa thực sự sống được hoàn toàn bằng nghề rừng. Chu kỳ một ha trồng keo kéo dài từ 6-7 năm. Thu hoạch bình quân 80 khối gỗ nguyên liệu. Nếu trừ đi chi phí cũng chỉ lãi ra có 25-30 triệu đồng. Quá thấp. Đa số người dân đều rất tốt, rất quyết tâm tham gia công tác bảo vệ rừng, chỉ có điều nếu đời sống của họ thấp thì rất khó để vận động họ tham gia giữ rừng. 

Cần nghiên cứu thêm chính sách 

Nói về chính sách. Có vẻ như như các chính sách đối với ngành lâm nghiệp hiện nay nói chung và chính sách dành cho người trồng rừng nói riêng còn thiếu rất nhiều? 

Cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm chính sách. Đối với việc trồng rừng và giữ rừng, về lâu dài nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thêm cho người dân. Ngành lâm nghiệp đã tính toán, trồng rừng chỉ chiếm 30-40% lợi ích về kinh tế, còn lại là lợi ích về môi trường.

Hiện nay hầu như mới chỉ có chính sách hỗ trợ dịch vụ chi trả môi trường rừng nhưng cũng chỉ thực hiện được ở những nơi xây dựng các công trình thủy điện mà thôi. Cần phải có một quỹ bảo vệ rừng. Người miền núi bảo vệ rừng thì người miền xuôi được hưởng lợi. Giảm thiên tai, giảm ô nhiễm môi trường. Nói cách khác cần phải có sự chung tay của toàn xã hội.  

Một chu kỳ trồng rừng khá dài, vốn đầu tư lớn nên Chính phủ cần có chính sách cho vay không lãi đối với người dân tham gia trồng rừng. Đặc biệt, với chính sách trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đặc dụng, Nhà nước phải thay đổi, nâng mức hỗ trợ lên. Nhận thức về vấn đề bảo vệ rừng hiện nay của người dân đã được nâng lên rõ rệt, nhưng không ai có thể bảo vệ không mãi được. Phải đủ gạo ăn cho người quản lý, bảo vệ, phải có chính sách, sức đầu tư cho trồng rừng.

Còn như hiện tại, không khuyến khích được người dân. Mức đầu tư quá thấp, chưa qui định được chế độ hưởng lợi,chế độ hưởng lợi với trồng rừng phòng hộ đặc dụng. Mỗi một ha hiện nay người dân tham gia trồng chỉ được có 30 triệu đồng. Sau 3 năm, khi rừng khép tán bàn giao cho nhà nước hết.

Trồng lấy công nhưng công còn thấp nên người dân không mặn mà. Chế độ hỗ trợ cho công tác bảo vệ cũng vậy. Ở những xã đặc biệt khó khăn cũng chỉ có 200 ngàn/ha, còn bình thường 100 ngàn đồng/ha thì thấp quá. Dân chưa yên tâm. 

Được biết, ngoài những chính sách Nhà nước ban hành, tỉnh Tuyên Quang cũng đã xây dựng nhiều chính sách riêng biệt nhằm hỗ trợ người dân tham gia công tác trồng, bảo vệ rừng. Cụ thể ra sao, thưa ông? 

Từ những năm 2007, tỉnh Tuyên Quang đã chi ngân sách để thành lập những đội tuần rừng, thành lập các chốt nằm sâu ở trong rừng, trực tiếp bảo vệ rừng tận gốc. Đa phần lực lượng trong đội tuần rừng đều là người dân bản địa. Họ gắn bó, am hiểu rừng hơn ai hết. Hoạt động này đối với rừng tự nhiên rất hiệu quả.

Hay chỉ mới đây thôi, để nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, ngành nông nghiệp tham mưu tỉnh ban hành quy định bảo vệ rừng đến tận thôn bản. Quy chế này quy định rõ trách nhiệm của chính quyền và người dân, đề cao vai trò của người đứng đầu. Thôn phát hiện vấn đề gì thì phải báo cáo với xã, xã phải báo cáo huyện, huyện báo cáo tỉnh. Khâu nào lơ là thì xử lý khâu đó.

Hằng tháng, hằng quý có sự phân cấp, đánh giá trách nhiệm. Không thể có chuyện ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong khi rừng bị xâm phạm được. Quy chế cũng xây dựng các bản cam kết, các quy trình để người dân tham gia bảo vệ rừng. 

Xin cám ơn ông! 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất