| Hotline: 0983.970.780

Muôn nẻo đường đi

Thứ Sáu 11/10/2013 , 10:32 (GMT+7)

Là một ông trùm trong ngành thuốc BVTV, ông Trần Kim Quân sở hữu trong tay một vài kho thuốc với hàng chục đại lý lớn. Các đại lý của ông không chỉ bó hẹp trên đất Bằng Tường, trong tỉnh Quảng Tây mà vươn ra cả Việt Nam...

“Nếu thấy không cần thiết, anh cứ ở bên Việt Nam, tôi sẽ mail cho anh các loại mẫu, giá cả, cách dùng. Anh ưng loại nào, xem loại nào có thể kiếm lời, tôi cho người vận chuyển đến biên giới cho anh. Kiểm hàng xong, anh thanh toán tiền cho tôi” – lời dặn dò của ông Trần Kim Quân - Giám đốc Cty TNHH thuốc Hồ Bắc SANONDA, đóng tại Bằng Tường (Trung Quốc).

>> Đánh lừa người mua!
>> Thuốc độc xuyên biên giới

Ôm thuốc Tàu tung ra thị trường Việt

Là một ông trùm trong ngành thuốc BVTV, ông Trần sở hữu trong tay một vài kho thuốc với hàng chục đại lý lớn. Các đại lý của ông không chỉ bó hẹp trên đất Bằng Tường, trong tỉnh Quảng Tây mà vươn ra cả Việt Nam... Chẳng đợi đến lúc chúng tôi mở lời, ông Trần nói luôn: Tôi sẽ sang khảo sát đại lý nhà anh, xem nhu cầu dùng thuốc BVTV ở quê anh như thế nào rồi tư vấn miễn phí cho anh. Thuốc bên tôi thì không thiếu, song để kinh doanh kiếm lời chúng ta đều phải cân nhắc, miễn sao cả anh và tôi đều có lợi.

Theo kế hoạch, ông Trần sẽ về quê tôi một tuần để khảo sát. Vì ông cho rằng, ở Bắc miền Trung chưa có văn phòng nào. Theo đó, ông muốn tôi làm đại diện tiếp nhận thuốc cho ông, mỗi khi có hàng mới, hoặc hàng người ta đặt về, nhiệm vụ của tôi là cung ứng, cung cấp cho các đại lý nhỏ lẻ các vùng, tỉnh lân cận. Lời lãi sẽ được hưởng theo phần trăm thu về mà theo tính toán của ông, tôi có thể được tới hàng tỉ đồng mỗi năm.

Kinh nghiệm từ những cửa hàng bên Việt đã cho ông Trần kết quả như vậy. Với thị trường mở và có tiềm năng như quê tôi (tất nhiên là một kịch bản mà tôi là “đại lý bất đắc dĩ” vẽ ra) ông Trần tỏ ra thích thú khi quê tôi nông dân nhiều, tiềm năng lớn mà chưa có đại lý thuốc BVTV tầm cỡ.

Bởi vậy, ông nói: “Sau khi anh về và lên lịch, tôi sẽ bay sang Việt Nam luôn. Tôi sẽ đưa anh đến một số đại lý để anh rõ, từ đó biết cách xây dựng thương hiệu, tạo thị trường riêng. Còn tôi, tôi sẽ chịu trách nhiệm cung cấp thuốc BVTV cho anh theo đúng yêu cầu”.


Những gói thuốc BVTV có dòng chữ cảnh báo độ nguy hiểm dưới cùng mà PV mang từ Bằng Tường (TQ) về Hà Nội

Thế mới hay, nếu là một tiểu thương kinh doanh thuốc BVTV thực sự, chúng tôi sẽ trở thành đối tác rất đáng được coi trọng trong mắt ông trùm thuốc BVTV đất Bằng Tường. Mặt khác, con đường làm giàu của tôi được ông chủ này vẽ ra với nhiều viễn cảnh và minh chứng bằng sự thành công của một số đại gia ngành thuốc BVTV trong nước hiện nay. Hoặc như, tôi chỉ cần giữ vai trò nhận hàng từ công ty của ông Trần hoặc từ biên giới về cung cấp cho các đại lý cũng có nguồn thu chả kém cạnh.

Ông Trần cho biết, tại số 6 Đồng Đăng – Lạng Sơn ông có một đại lý thuốc BVTV hoạt động theo mô hình như trên. Theo đó, cửa hàng này sẽ chi phối, cung cấp thuốc cho các cá nhân, tổ chức lên đặt hàng mua về bán buôn, bán lẻ, và phân phối đi trong cả nước theo yêu cầu khách hàng.

Đưa thuốc BVTV xuyên biên

Lấy thuốc, mua thuốc BVTV dễ dàng như vậy, song vận chuyển loại thuốc cấm này sang Việt Nam bằng con đường nào? Cả ông chủ Trần và bà Tập (bà chủ của những lô hàng xuyên biên giới) đều xua tay cười: Chuyện nhỏ!

“Vấn đề chuyển thuốc cứ yên tâm. Anh có thể không cần qua đây nữa, giao dịch qua điện thoại, email, anh cứ cung cấp mẫu mã, số lượng. Tôi sẽ cho người vận chuyển qua biên giới, sau khi nhận hàng, kiểm hàng xong, lúc đó anh sẽ thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản tùy anh, có điều tôi chỉ lấy tiền Trung chứ không lấy tiền Việt” – ông Trần nói.

Trước khi xuất cảnh sang đất Trung Quốc, chúng tôi được một lái xe tuyến biên giới, người Hải Dương, đã từng chở thuốc BVTV từ Trung Quốc về Móng Cái - Việt Nam cho biết: Thường thì khi mình qua bên kia biên giới, đặt hàng, thanh toán xong là có thể về nước chờ đợi. Lúc nào thuốc về đến nơi sẽ có người gọi điện chỉ điểm. Xe ôm sẽ đến nhận thùng hàng và có nhiệm vụ đưa đến xe khách để chủ xe đưa về cho các đại lý. Tuy vậy, làm bao nhiêu năm, chúng tôi không hề biết mặt những ông chủ lô hàng đó là ai!


Trong những chiếc container chuẩn bị nhập cảnh thế này dù có bỏ cả chục tấn thuốc BVTV vào cũng không bị phát hiện

Từ người lái xe, cho đến những cửa hàng bán thuốc BVTV ở các chợ miền biên đều không biết (hoặc không tiết lộ) những ông trùm thuốc BVTV bên kia biên giới. Thật tình cờ cho chúng tôi, một trong những đại gia làng thuốc BVTV “vang danh lưỡng quốc” kia chính là ông chủ Trần và bà Tập.

Bà Tập Ngọc Hoa, người đang quản lý hàng trăm lao động trên đất Bằng Tường này cũng khẳng định như vậy. Trước tiên, có thể nói bà Tập là một bà chủ thực sự khi quản lý một đội cửu vạn xuyên biên giới với hơn hai trăm người. Mọi hàng hóa bà nhận và cho người vận chuyển đều bằng đường rừng, đường núi. Còn cửu vạn của bà Hoa đều là những người được “tôi luyện” hằng đêm bằng cách mò mẫm đi trên sườn đồi, vách đá khi trên vai có một vài thùng hàng.

Riêng thuốc BVTV, bà Tập cho biết, bà có các đầu mối vươn xa đến tận TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt và cả vùng ĐBSH. Con đường vận chuyển của bà thường là Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), còn trong miền Nam Việt Nam thì chủ yếu qua các cảng biển Quốc tế.

Bà Tập nói, “ô tô chạy đến biên giới, đóng chốt chờ trời tối. Sở dĩ phải chờ trời tối vì đây là hàng cấm, đi qua cửa khẩu thì khó coi lắm, mà đi ban ngày lại càng làm khó cho hải quan nên đi bằng con đường mòn cách cửa khẩu vài chục bước chân”. 19h, cánh cửa biên giới khép lại, sau một cuộc điện thoại, sẽ có vài ba chục người đến ghé vai, mỗi người một thùng, nhoáng cái là hết cả container.

“Nếu có thuốc BVTV, thì sẽ được vận chuyển đến các đại lý bên Việt Nam ngay trong đêm, còn các đại lý bên Việt Nam phân phối như thế nào chắc anh đã rõ” – bà Tập nói thêm.

Một lần nữa, tôi lại theo bà Tập đến khu vực biên giới, nơi có con đường mòn chỉ cách cửa khẩu Tân Thanh không quá 50 bước chân. Và đêm hôm sau, tôi đứng bên cửa khẩu, nơi có con đường mòn đi qua để quan sát, quả thực ánh đèn pin sáng rực cả một triền núi, thấp thoáng trên vai mỗi người có một thùng carton to. Hỏi hàng BVTV đi đường nào, bà Hoa đáp: Đi đường này, từ quần áo, vải vóc, đồ điện tử cho đến thuốc BVTV đều đi chung một con đường.

Chi phí đi – về từ chợ Pò Chài vào đến chợ Bằng Tường – thiên đường của thuốc BVTV chỉ mất có 4 đồng (tương đương với 14 nghìn tiền Việt, bằng hai bó rau hoặc nửa cân táo, nửa cân cam) cộng vốn liếng tiếng Trung, chúng tôi có thể giao dịch, đặt hàng với hàng chục container thuốc BVTV giả, kém chất lượng để mang về tung ra thị trường thuốc BVTV trong nước!

Trên tay chúng tôi là một túi thuốc BVTV, loại thuốc cực độc cấm lưu thông, cấm buôn bán trong nước, là loại thuốc mà ông chủ Trần đưa cho chúng tôi để về nước tiếp thị.

Tôi cầm trên tay ngang nhiên đi từ Bằng Tường sang Tân Thanh bằng cửa khẩu chính. Sau đó, quặc túi thuốc BVTV đó lên xe máy rồi chạy về Hà Nội một cách an toàn với những nỗi buồn đan xen.

Thật sự chúng tôi không hề bị các cơ quan hữu quan kiểm tra, không gặp rắc rối khi vận chuyển hàng cấm. Và, nếu tôi là một tiểu thương buôn bán thuốc BVTV thực sự chắc chắn thành công với không ít thuốc độc cấm được tuồn vào Việt Nam mỗi ngày…

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm