| Hotline: 0983.970.780

Mỹ Xuyên vấp nhiều khó khăn

Thứ Năm 02/02/2012 , 12:29 (GMT+7)

So với nhiều địa phương trong tỉnh, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XD NTM trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) gặp nhiều khó khăn hơn...

Những chiếc cầu bê tông thay thế cầu khỉ
So với nhiều địa phương trong tỉnh, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XD NTM trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) gặp nhiều khó khăn hơn do xuất phát điểm còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém…

So với bộ 19 tiêu chí XD NTM, Mỹ Xuyên đạt khá thấp. Đến năm 2015, huyện phấn đấu có 7 – 8 xã đạt tiêu. Đây là mục tiêu không dễ, đòi hỏi phải có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình.

Sau một năm triển khai XD NTM, Mỹ Xuyên bước đầu đạt được một số kết quả khả quan, đến nay, đã có 3 xã là Ngọc Tố, Đại Tâm, Thạnh Quới hoàn thành đề án XD NTM, 6 xã còn lại đang triển khai. Với nguồn vốn hơn 41.000 triệu đồng, huyện đã hoàn thành 27 công trình, bao gồm cầu, đường giao thông, trong đó giao thông có 9 công trình, nhà văn hóa xã 2 công trình, trường học 9 công trình, sửa trạm y tế đạt chuẩn 1 công trình, nạo vét kênh thủy lợi 3 công trình, xây dựng cổng chào NTM xã Hòa Tú 2 và bãi rác liên xã Ngọc Tố - Hòa Tú 2. Ngoài ra, huyện còn đầu tư xây dựng 10 pano tuyên truyền về Bộ tiêu chí quốc gia XD NTM đặt tại vị trí thuận lợi của 10 xã.

Bên cạnh đó, Mỹ Xuyên lồng ghép Chương trình XD NTM với các chương trình, dự án khác như Quyết định 167, hỗ trợ nhà ở Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho người dân vùng khó khăn; Quyết định 112 về chính sách hỗ trợ cho học sinh là con hộ nghèo, cải thiện vệ sinh môi trường, văn hóa - thông tin và trợ giúp pháp lý cho hộ nghèo… Năm 2012, dự kiến tổng mức đầu tư ở tất cả các xã trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên khoảng 317.262 triệu đồng.

Ngoài ra, Mỹ Xuyên còn tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao thu nhập; tăng cường công tác khuyến nông; đẩy nhanh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông - ngư nghiệp; tích cực triển khai tổ chức lại sản xuất theo hướng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, hình thành các hợp tác xã, mô hình hợp tác kiểu mới nhằm hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh lớn, xây dựng thương hiệu lúa đặc sản, đảm bảo lợi ích lớn nhất cho nông dân; thực hiện giảm nghèo và an sinh xã hội; cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn.

Điển hình ba năm gần đây, Mỹ Xuyên triển khai mô hình luân canh lúa – tôm sú theo hướng GAP, bước đầu đã đạt được hiệu quả tích cực mang tính bền vững, nông dân sử dụng giống lúa mới (ST3, ST5) có chất lượng, năng suất cao, nâng cao trình độ nhận thức của nông dân theo qui trình kỹ thuật sản xuất hướng GAP, để tạo hàng hoá có chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Toàn huyện có hơn 1.300 ha thực hiện qui trình kỹ thuật nuôi tôm sú sạch theo mô hình quảng canh cải tiến hướng GAP, với mật độ thưa, vừa đảm bảo môi trường, cho năng suất bình quân từ 500 – 600 kg/ha, tạo ra sản phẩm sạch chất lượng cao, bán được giá.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, mô hình luân canh tôm sú lúa theo hướng GAP phù hợp với vùng đất nơi này, có 80% diện tích nuôi tôm sú có lãi, còn năng suất lúa đạt khá cao, bình quân 5,7 – 5,8 tấn/ha cao hơn các năm trước từ 0,8 – 1 tấn/ha, chi phí giảm 4,5 – 4,8 triệu đồng/ha, lúa bán được giá từ 6.200 - 6.200 đ/kg (cao hơn lúa thường từ 500 – 600 đ/kg) và điều quan trọng là vụ lúa cách ly được mầm bệnh từ vụ nuôi tôm. Với mô hình trên, nông dân lãi ròng trên 60 triệu/ha và cho thu nhập ổn định.

“Trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy tinh thần lao động sáng tạo, vai trò làm chủ của mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng dân cư. Tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đồng thời, huyện sẽ biểu dương, khen tặng kịp thời đối với những cá nhân, tập thể, gia đình có thành tích tốt trong công cuộc XDNTM cũng như chi tiêu ngân sách hợp lý, hiệu quả"ông Lương Minh Quyết, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên.

Ông Triệu Xuân Hó ở ấp Hoà Phước, xã Hoà Tú I cho biết: “Từ khi chuyển đổi mô hình tôm – lúa – màu gia đình đã có thu nhập ổn định. Mô hình này vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao do giảm được chi phí trong sản xuất vừa có tính ổn định và bền vững. Cây lúa sau khi thu hoạch, phần gốc rạ còn lại chính là môi trường thuận lợi để các sinh vật phù du (nguồn thức ăn của tôm) và con tôm sinh sống. Ngược lại, con tôm lại tạo ra môi trường dinh dưỡng cho cây lúa sinh trưởng, phát triển”.

Trong quá trình triển khai XD NTM, Mỹ Xuyên còn gặp khá nhiều khó khăn. Do là lần đầu tiên triển khai nên ở một số địa phương, việc xây dựng quy hoạch, thẩm định, xây dựng đề án còn chậm và mất nhiều thời gian; nhiều cán bộ lãnh đạo còn tỏ ra lúng túng trong xây dựng quy hoạch. Việc phối hợp giữa các ngành, địa phương chưa chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, vận động chưa đi vào chiều sâu, việc huy động nguồn lực trong nhân dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, năng lực quản lý của một số xã chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn tới việc tổng hợp báo cáo chưa kịp thời, từ đó việc tham mưu cho UBND huyện còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.