| Hotline: 0983.970.780

Nam Định đã rút ra nhiều bài học xương máu

Thứ Hai 11/11/2013 , 09:31 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cũng dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT trực tiếp kiểm tra công tác chống bão tại Nam Định.

Để chủ động phòng chống bão Hải Yến, ngày 10/11/2013, tỉnh Nam Định đã thành lập 3 đoàn kiểm tra do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Tuấn và hai Phó Chủ tịch làm trưởng đoàn. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cũng dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT trực tiếp kiểm tra công tác chống bão tại địa phương này.

Trước đó, từ 3h ngày 9/11, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định đã phát lệnh cấm biển, đồng thời phối hợp với lực lượng kiểm ngư và các huyện ven biển liên tục thông báo tình hình diễn biến của bão số 14 và gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú.

Toàn bộ 2.080 tàu thuyền của tỉnh đã về nơi neo đậu an toàn. Trong đó khu vực biên giới biển có 1.788 tàu với 9.082 lao động. Các hạng mục công trình đê điều bị hư hỏng trước bão gấp rút được tu sửa kịp thời. Lực lượng chức năng đã tổ chức di dời hơn 20.700 người dân và khách du lịch tại các bãi tắm về nơi trú ẩn an toàn.

Trong đó, huyện Giao Thủy di dời 6.000 người (1.000 người nuôi ngao, 1.500 khách du lịch, 3.500 người dân tại các khu vực đê xung yếu). Huyện Hải Hậu tổ chức di dời 7.200 người (200 người nuôi trồng thủy sản, 1.000 khách du lịch và 6.000 người dân tại những khu vực đê xung yếu). Huyện Nghĩa Hưng di dời 7.500 người (1.500 người dân nuôi trồng thủy sản, 6.000 người dân khu vực đê xung yếu).


Người dân chằng chống nhà cửa phòng bão

Lo ngại nhất ở Nam Định là hệ thống đê kè và những khu vực nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh có 663 km đê điều, trong đó có 91 km đê biển. Do ảnh hưởng của bão, đoạn kè bãi biển ở thị trấn Quất Lâm (huyện Giao Thủy) bị sạt dài khoảng 30 - 40 m. Mặc dù đã được gia cố bằng rọ thép nhưng tình hình vẫn đáng lo ngại. Ban chỉ huy PCLB tỉnh Nam Định cũng đã xuất 100.000 bao tải để chuyển tới 3 huyện ven biển để phòng sự cố trong bão.

Cả ba địa phương trên của tỉnh Nam Định có khoảng 800 chòi nuôi ngao, mỗi chòi có khoảng 2 lao động. Một số người ở các chòi ngao không chịu di dời, lực lượng Biên phòng Nam Định đã buộc phải dùng biện pháp cưỡng chế.

Ông Lê Xuân Thủy, Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho biết: Rút kinh nghiệm xương máu từ những cơn bão trước gây thiệt hại vô cùng nặng nề, lần này, tỉnh Nam Định khẩn trương, nghiêm túc thực hiện công tác phòng chống bão Hải Yến đổ bộ. Ưu tiên số một vẫn là công tác bảo vệ người dân. Tỉnh đã ra chỉ thị di dời toàn bộ người dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trước 17h ngày 10/11.

Huyện nào để xảy ra người chết, không di dời người dân đến nơi trú ẩn an toàn đúng thời hạn thì Bí thư, Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra còn 91 km đê biển, 274 km đê sóng, 20.000 km kênh mương cũng cần phải được bảo vệ. Chỗ nào xung yếu tập trung gia cố cật lực để chủ động phòng chống bão. 49.163 m3 đá hộc, 1.354 m3 đá dăm, 231.331 m2 vải chống tràn đã được chuẩn bị kỹ càng để kịp thời gia cố đê điều.

Tối 10/11, nhóm PV NNVN đã có mặt tại các huyện ven biển tỉnh Nam Định để theo sát công tác phòng chống bão Hải Yến của địa phương này. Tại bãi biển Quất Lâm, đến 19h30, nhiều người dân vẫn đang tất bật chạy bão, chằng chống nhà cửa. Một vài hộ gia đình thậm chí còn chủ động tháo tấm lợp, ngói trên mái nhà để tránh sức công phá của bão. Những gia đình ở các khu vực nguy hiểm chủ động tìm nhà người thân, họ hàng ở nơi an toàn để trú ngụ.

Vừa đóng gói chăn màn vào túi ni lông để chuẩn bị sơ tán, ông Nguyễn Văn Quyết (62 tuổi) ở thị trấn Cồn Đầu Tây sát đê Giao Thủy vừa nhăn nhó: Từ 5h chiều nay, gió giật mạnh khiến cây cối nghiêng ngả, cửa nẻo đập thoành thoành nên phải nẹp gỗ. Gió to hắt mưa xuyên qua kẽ hở của mái ngói dột xuống nền đồm độp, gia đình phải huy động hết nồi niêu xoong chảo để chống dột nhưng vẫn không ăn thua.

“Khổ lắm anh ạ, cả chiều nay gia đình phải lôi lưới, mua tre để căng bờ đầm tôm 1 mẫu ở trong đê. Tôm thẻ chân trắng chuẩn bị cho thu hoạch rồi, gió to đánh sóng cuộn lên thì tôm chết như ngả rạ vì sốc mang. Tháng 9 năm ngoái cả gia đình cũng mất  trắng 500 trăm triệu đồng vì bão rồi. Nếu năm nay trời không thương thì chúng tôi chỉ còn nước chết. Bão chưa vào mà đã mưa gió xối xả thế này thì không biết khi vào đất liền sẽ thế nào.

Chúng tôi sốt ruột lắm. Tôi lo căn nhà này sẽ không thể chống đỡ nổi cơn bão, cả gia đình 6 người (2 ông bà già, 2 con, 3 cháu) đang phải gấp rút di chuyển chăn màn vào nhà anh em ở tổ dân phố Lâm Chính, Quất Lâm, cách đó khoảng 2 km để lánh nạn”, ông Quyết than thở.

Cũng tầm này năm ngoái, vùng biển Nam Định phải hứng chịu cơn bão số 8 gây thiệt hại hết sức nặng nề. Lần đó, gian quán của gia đình ông Vũ Anh Tuấn (47 tuổi) ở số 2 thị trấn Quất Lâm bị cơn bão đánh sập hoàn toàn, phải dựng lại mất hàng chục triệu đồng. Lần này, ngay sau khi nhận được tin báo bão sẽ vào các tỉnh ven biển, ông đã mua 40 cây tre, giá 35.000 đồng/cây để chằng chống khắp gian nhà.

“Không có gì tàn phá ghê gớm bằng bão cả. Đặc biệt cơn bão lần này lại càng ghê gớm. Nhà nông chúng tôi, sống chung với bão mà không chuẩn bị phòng tránh thì có khi mất sạch gia tài, không gượng dậy nổi”.

Lo lắng nhưng chủ động, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định gần như thức trắng đêm để đối phó với cơn bão siêu mạnh Hải Yến.

Do diện tích cây trồng vụ đông mới chỉ bắt đầu sản xuất nên lo ngại lớn nhất của ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định tập trung vào hàng ngàn ha nuôi trồng thủy sản ở các huyện ven biển như Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu. Mưa lớn kéo dài kèm theo gió quật nên nguy cơ nhiễm ngọt rất cao. Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định cũng đã có công văn cho học sinh nghỉ học.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm