| Hotline: 0983.970.780

Nam Trung bộ nguy cơ hạn gay gắt

Thứ Sáu 26/12/2014 , 12:14 (GMT+7)

Vùng Trung bộ, đặc biệt là các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ sẽ đối mặt nguy cơ hạn gay gắt trong vụ ĐX 2014-2015.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Tỉnh (ảnh), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, đưa ra cảnh báo.

18-56-39_dscf1753

Thưa ông, tình hình hồ chứa trước thềm vụ ĐX 2014-2015 hiện ra sao, đặc biệt là vùng Nam Trung bộ, nơi được dự báo sẽ hạn nặng trong năm 2015?

Năm 2014, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp ít khiến các hồ thủy lợi, thủy điện tích nước khá thấp, đặc biệt là các tỉnh Trung bộ.

Trong 8 tháng đầu năm 2014, tổng lượng mưa khu vực Trung bộ phổ biến chỉ đạt 50% so với trung bình nhiều năm (TBNN), phần lớn dòng chảy các sông khu vực Trung bộ đều thấp hơn TBNN từ 30-80%.

Vì vậy đến thời điểm này, tổng lượng nước trữ tại các hồ chứa chỉ đạt mức rất thấp, từ 20-40% dung tích thiết kế, đặc biệt là các hồ tại Quảng Ngãi (25% dung tích thiết kế), Bình Định (35%), Ninh Thuận (15%). Nhiều hồ nước hiện đã cạn nước (Quảng Ngãi 51/117 hồ đã cạn, Bình Định 116/165 hồ, Ninh Thuận 11/20 hồ).

Tại các khu vực khác trên cả nước như Bắc bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, mặc dù tình hình tích nước các hồ chứa thấp hơn so với TBNN nhưng không quá thấp, đầu năm 2015 có mưa sẽ tương đối ổn, nếu lượng mưa vụ ĐX tới tụt mạnh cũng sẽ có nguy cơ hạn cục bộ.

Vậy dự báo, diễn biến thời tiết trong vụ ĐX tới sẽ thế nào? Vùng nào có nguy cơ hạn nặng nhất?

Lượng mưa toàn vụ ĐX 2014-2015 được dự báo là sẽ thấp hơn TBNN, cụ thể Bắc bộ thấp hơn khoảng 15-30%, Tây Nguyên và Nam bộ xấp xỉ TBNN, riêng khu vực Trung bộ sẽ tiếp tục có lượng mưa trong vụ ĐX tới thấp hơn TBNN từ 10 tới 40%, các dòng chảy sông khu vực này thiếu hụt từ 30-40%.

Khu vực ĐBSCL, đầu mùa khô 2015, mực nước sông Tiền tại Tân Châu, sông Hậu tại Châu Đốc dự báo sẽ thấp hơn TBNN từ 0,6 đến 0,8m. Như vậy, vùng Trung bộ, đặc biệt là các tỉnh từ Quảng Trị tới Bình Thuận do mùa khô kéo dài đến hết vụ hè thu nên sẽ đối mặt nguy cơ hạn nặng nhất, kéo dài nhất trong năm tới.

Dự kiến, diện tích cây trồng thiếu nước vụ ĐX ở Khánh Hòa sẽ vào khoảng 11 nghìn ha (chiếm 30% tổng diện tích gieo trồng), Quảng Trị khoảng 10 nghìn ha, Ninh Thuận khoảng 8 nghìn ha… Các vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ mặc dù tình hình hạn dự báo không quá căng thẳng nhưng cũng có thể xảy ra cục bộ.

Đối với vùng ĐBSCL, xâm nhập mặn sẽ tương đối sớm, trên phạm vi rộng. Các vùng cách biển 25-30km, vùng có độ mặn trên 4 g/l khả năng xuất hiện từ tháng 1 đến tháng 2/2015 trở đi. Các vùng này sẽ gần như không lấy được nước ngọt. Các vùng cách biển 40-50km sẽ có khả năng bị mặn 4 g/l vào khoảng tháng 3 đến tháng 5/2015 nếu không có mưa, nguy cơ xâm nhập mặn rất cao, sâu vào nội địa lúc triều cường.

Tổng cục Thủy lợi sẽ có giải pháp nào đối phó với nguy cơ hạn nặng, đặc biệt là vùng Nam Trung bộ?

Ngoài các giải pháp chung như tổ chức nạo vét kênh mương, hệ thống dẫn nước, quản lí thất thoát nước…, hiện Tổng cục Thủy lợi đã có kế hoạch cho từng vùng trên cơ sở nguy cơ hạn.

18-56-39_hn
Nhiều hồ chứa ở các tỉnh Nam Trung bộ hiện đã trơ đáy

Tổng cục cũng đã đề nghị Bộ NN-PTNT có công điện gửi các địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng chống hạn và xâm nhập mặn, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp chỉ đạo các địa phương.

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng cục Thủy lợi đề nghị phối hợp xây dựng kế hoạch điều tiết nước theo yêu cầu cấp nước cho nông nghiệp, các hồ thủy điện có dung tích trữ nước thấp sẽ đề nghị không phát điện theo thị trường cạnh tranh mà ưu tiên lịch phát điện cho yêu cầu bổ sung vùng hạ du.

Đối với vùng ĐBSCL, giải pháp ngăn chặn xâm nhập mặn bằng cống sẽ rất bất cập vì có thể đẩy mặn sâu hơn vào nội địa, vì vậy giải pháp chính sẽ vẫn là quản lí mặn hài hòa.

Đối với vùng Trung bộ, nguy cơ hạn nặng là hiện hữu, vì vậy các địa phương sẽ phải có giải pháp chuyển đổi các diện tích cây trồng cần tưới sang cây ít tưới. Hiện nay, nhiều địa phương cũng đã có kế hoạch chuyển đổi cây trồng như Quảng Trị trên 4.000 ha, Đăk Lăk 1.500 ha…

Đối với vận hành các hồ chứa tại vùng này, cần xác định ưu tiên giữ nước cho vụ hè thu, trên cơ sở tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên đang có và ở các hồ thủy điện cho vụ ĐX, cụ thể như hệ thống sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Cái Phan Rang (Ninh Thuận), sông La Ngà (Bình Thuận)…

Cục Trồng trọt và các địa phương hiện cũng đã điều chỉnh kế hoạch gieo trồng vụ ĐX tới, với tổng diện tích gieo trồng khoảng 3,1 triệu ha, giảm so với vụ ĐX 2013-2014 khoảng 30 nghìn ha.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất