| Hotline: 0983.970.780

Nấm xanh phòng trị rầy nâu

Thứ Ba 25/09/2012 , 10:12 (GMT+7)

Sóc Trăng là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL khởi điểm thử nghiệm áp dụng biện pháp dùng thuốc vi nấm từ nấm ký sinh phòng trừ rầy nâu.

Sóc Trăng là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL khởi điểm thử nghiệm áp dụng biện pháp sinh học, dùng thuốc vi nấm từ nấm ký sinh phòng trừ rầy nâu (RN) trên lúa. Việc ứng dụng thành công đã mang lại hiệu quả và đang tiếp tục phổ biến trên diện rộng, thông qua biện pháp chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.

>> Thanh long sạch
>> Lợi kinh tế, sạch môi trường
>> Tôm- lúa bền vững
>> Không thể ''tự bơi''
>> Cánh đồng hữu cơ Đất Mũi
>> Khỏe người, nặng túi
>> Lợi ích lớn
>> Ruộng lúa, bờ hoa

Ứng dụng hiệu quả

Hơn 6 năm qua, từ một số nông dân ở Sóc Trăng hăng hái áp dụng TBKT, được cán bộ BVTV hướng dẫn đã biết cách “tự chế” thuốc trừ được RN, đến nay con số nông dân tham gia sử dụng đã nhân lên gấp ngàn lần. Anh Nguyễn Hữu Công ở ấp Phụng Sơn, xã Song Phụng, huyện Long Phú là một trong hàng chục nông dân của “lớp đầu tiên” biết cách “chế” ra thuốc sinh học phòng trị RN. Chúng tôi đến tận nhà, anh lấy ra các loại vật dụng trong tủ kính như đèn, ống nghiệm. Anh diễn giải trình tự cách làm sau đó qua lò đun, nồi hấp và sản phẩm sau cùng là những bọc đựng nấm xanh.

Anh Công kể: “Ban đầu nghe bà con nông dân thử phun thuốc sinh học hiệu quả, tôi chú ý nhưng chưa tin lắm. Mãi đến khi tình cờ xem ti-vi thấy cán bộ kỹ thuật nông nghiệp Sóc Trăng chỉ dẫn bà con cách làm, tôi đến Chi cục BVTV tỉnh đăng ký học. Sau thời gian học 10 ngày, tôi về tự mua sắm vật dụng và làm tại nhà. Qua 10 ngày cấy, nấm chuyển màu xanh cũng là lúc lúa của nhà tôi gieo sạ được 10 ngày. Ra đồng phát hiện có RN mật số 5-10 con/m2, tôi lấy sản phẩm “nấm xanh” pha nước phun ngay.

Thú thật, lúc đầu phun thuốc 2 bình thấy hơi lo, vì trước kia phun thuốc hoá học thấy RN chết ngay. Tuy nhiên, khi lúa được 23 ngày tuổi và phun nấm xanh đến lần thứ 3 tôi thấy RN bị nhiễm nấm trắng chết. Thế là tôi tin, khoe với bà con trong xóm và tiếp tục đến Chi cục BVTV mua đĩa nấm gốc cấp I về tiếp tục nhân cấy ra mỗi khi vào mùa lúa”.


Sản phẩm nấm xanh sau khi nhân cấy

Từ mô hình nông dân tự cấy nấm xanh phòng trị RN, nông dân nhiều địa phương ở Sóc Trăng hình thành ra các nhóm, tổ nông dân có sự phân công và chia sẻ kỹ thuật trong cách nuôi cấy nấm để sử dụng trong cộng đồng. Cách mua bán có thỏa thuận ban đầu, nhờ giá rẻ nên dễ được nông dân chấp nhận. Theo nhiều nông dân qua sử dụng nấm xanh, ưu điểm lớn nhất là chi phí thấp hơn so dùng thuốc hóa học. Hơn nữa biện pháp này giảm bớt độc hại, giữ sức khỏe cho nông dân và có ích cho môi trường đồng ruộng.

Hướng SX an toàn

Thật ra từ năm 1996 đến nay Chi cục BVTV Sóc Trăng đã làm cuộc “mở đường” thực hiện nhiều đề tài, dự án thuộc lĩnh vực sinh học trên nhiều loại cây trồng khác nhau như lúa, rau màu, dừa, mía…góp phần bảo vệ năng suất hiệu quả cây trồng.

ThS Đặng Thị Thu Cúc, cán bộ Chi cục BVTV Sóc Trăng - người trực tiếp tham gia dự án cho rằng: “Để bảo tồn và gia tăng lực lượng thiên dịch trong hệ sinh thái đồng ruộng, song song với nghiên cứu sưu tầm tuyển chọn giống kháng và các biện pháp trong chương trình IPM, biện pháp sinh học được Sở NN-PTNT Sóc Trăng xác định là biện pháp quan trọng, cốt lõi trong hệ thống IPM.

Với định hướng này, thời gian qua các cơ quan chuyên ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã nghiên cứu và ứng dụng thành công các thành tựu công nghệ sinh học như sử dụng thiên địch, vi sinh vật đối kháng, vi sinh vật gây bệnh côn trùng, vi khuẩn vùng rễ kích thích tăng trưởng, các sản phẩm sinh học không độc hại, chất kích thích tính kháng bệnh trên cây trồng”.

Trong đó, thành tựu ứng dụng công nghệ sinh học thành công vang dội nhất là trên cây lúa. Trong giai đoạn 2003-2005, Chi cục BVTV phối hợp với Bộ môn phòng trừ sinh học-Viện Lúa ĐBSCL thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình phòng trừ sâu hại lúa bằng chế phẩm sinh học từ nấm Metarhizium anisopliae va Beauveria bassiana trong thâm canh lúa chất lượng cao.

 Liên tiếp trong 3 năm (2006-2008) các chế phẩm Ometar, Biovip, Amino 15SL và Bemetent đã được sử dụng trên diện rộng với diện tích sử dụng toàn tỉnh gần 13.000 ha và đã mang lại kết quả bằng việc bội thu vụ ĐX 2007-2008.

Tuy nhiên, từ tháng 8/2008 đến nay, chế phẩm sinh học diệt rầy mới để lại dấu ấn mạnh mẽ đối với nông dân trong tỉnh khi dự án “Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm nấm Metarhizium anisopliae để trừ RN hại lúa tại nông hộ vụ ĐX 2008-2009” được triển khai.

 Từ đây mô hình xã hội hóa công tác nuôi cấy nấm xanh được thực hiện và thành công ngay trong lần đầu tiên, tạo chuyển biến nhận thức của nông dân và hình thành cộng đồng hợp tác sử dụng chế phẩm vi sinh trong tỉnh. Đặc biệt, việc ứng dụng chế phẩm sinh học tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các mô hình lúa-cá, lúa-tôm, vì không phải dùng thuốc trừ sâu hóa học nên không còn lo ngại khi chuyển sau vụ lúa sang nuôi tôm.

+ Tháng 6/2009 tại Hội thảo “Định hướng phát triển ứng dụng biện pháp sinh học trong phòng chống dịch hại cây trồng” do tỉnh Sóc Trăng tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng nhận định: “Vấn đề sử dung các biện pháp sinh học trong phòng chống dịch hại đang được nhiều nông dân quan tâm bởi tính hiệu quả, bảo vệ môi trường và không gây hại đến sức khỏe con người”.

+ Theo Chi cục BVTV Sóc Trăng, hiện nay trên các cánh đồng mẫu (CĐM) trong tỉnh đã áp dụng biện pháp dùng nấm xanh diệt RN. Trong năm 2012, Chi cục BVTV Sóc Trăng triển khai mô hình trên 32 ha, phun 2 lần/vụ (cả 2 vụ ĐX và HT) để duy trì phun 4 lần/2 vụ cùng một nền đất lúa. Bên cạnh đó thực hiện 8 mô hình CĐM (quy mô 50-60 ha/CĐM) với 2 lần phun thuốc nấm xanh/vụ, ước tính sẽ có đến 1.280 ha lúa sử dụng nấm xanh.

Tính đến nay, diện tích có 21.460 ha lúa sử dụng thuốc vi nấm để trừ RN, trong đó 2.810 ha là các mô hình đang nhân rộng ở các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ và Hà Nội. Riêng nông dân tự SX và sử dụng nấm xanh trên 8.117 ha, với hơn 10.000 lượt hộ nông dân tham gia.

Hiện nay những nông dân ở Sóc Trăng có phòng nhân cấy nấm tại nhà đặt mua đĩa nấm cấp I tại Trung tâm Ưng dụng tiến bộ khoa học và sử dụng công nghệ tỉnh Sóc Trăng. Một đĩa nấm cấp I giá 50.000 đồng, nhân ra 5-6 bọc. Một bọc nấm xanh bán 30.000 đồng, phun xịt được 2 công ruộng, tính ra chi phí 15.000 đồng/công (150.000 đồng/ha), phun 2 lần/vụ/ha chi phí 300.000 đồng.

“Việc nghiên cứu, ứng dụng biện pháp sinh học trong quản lý dịch hại trên cây trồng và chuyển giao kỹ thuật đến từng hộ nông dân muốn thành công hơn nữa là một quá trình lâu dài. Trong những năm tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ hình thành mạng lưới cộng đồng tham gia nhân nuôi côn trùng và nấm có ích để phòng trừ dịch hại trên cây trồng và xã hội hóa trong phòng trừ dịch hại bằng chế phẩm sinh học.

Đây cũng chính là con đường để tạo sự chuyển biến trong nhận thức nông dân từ việc sử dụng thuốc hóa học sang hướng sinh học, nhằm tái tạo hệ sinh thái theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trong SX nông nghiệp”, ThS Cúc nói.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất