| Hotline: 0983.970.780

Nan giải chất lượng giống tôm thẻ

Thứ Hai 20/09/2010 , 11:10 (GMT+7)

Do con giống bố mẹ không sản xuất được trong nước nên toàn bộ phải nhập ở nước ngoài về, trong đó nguồn giống kém chất lượng rất nhiều.

Mấy năm gần đây, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt tại miền Trung đã nổi lên là đối tượng nuôi phổ biến. Tuy nhiên, do con giống bố mẹ không sản xuất được trong nước nên toàn bộ phải nhập ở nước ngoài về, trong đó nguồn giống kém chất lượng rất nhiều.

Tôm chân trắng được di nhập vào Việt Nam từ năm 2001 từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau như Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan... Từ đó đến nay, nghề nuôi tôm chân trắng tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Theo Vụ Nuôi trồng thuỷ sản, trước năm 2005, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của Việt Nam không đáng kể thì đến năm 2009, chỉ trong 8 tháng đầu năm, diện tích nuôi tôm chân trắng cả nước đạt 15.300ha, sản lượng đạt 33.500 tấn chiếm gần 20% tổng sản lượng tôm của cả nước.

Ông Lê Trí Viễn, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thuỷ sản cho biết: Trong 8 tháng đầu năm 2010, diện tích tôm chân trắng đã tăng lên 21.000ha, tăng 30% so với năm trước và nó đã trở thành đối tượng nuôi phổ biến tại các tỉnh miền Trung.

Để phục vụ sản xuất giống và phát triển nuôi tôm chân trắng, trong những năm qua các đơn vị khoa học của Bộ NN- PTNT đã triển khai nghiên cứu một số công trình khoa học như: Quy trình nuôi vỗ tôm bố mẹ và cho sinh sản nhân tạo; Nghiên cứu sản xuất tôm chân trắng bố mẹ chất lượng và sạch bệnh có nguồn gốc nhập từ Hawaii phục vụ sản xuất giống nhân tạo; Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất giống tôm chân trắng sạch bệnh. Tuy nhiên, trong lĩnh vực di truyền chọn tạo đàn tôm chân trắng bố mẹ có chất lượng cao và khả năng kháng bệnh trong điều kiện nuôi ở Việt Nam đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào được thực hiện. Tôm bố mẹ không chủ động, khó kiểm soát do nhập từ nhiều nguồn khác nhau đã trở thành thách thức chính cho công nghệ nuôi tôm chân trắng ở Việt Nam.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III, năm 2009 cả nước có 490 trại sản xuất giống tôm chân trắng, mỗi năm sản xuất được khoảng 10 tỷ con giống. Tuy nhiên với diện tích nuôi thả như hiện nay thì mỗi năm Việt Nam cần khoảng 20-25 tỷ con giống, đến năm 2012, dự báo nhu cầu con giống lên tới khoảng 50 tỷ con, như vậy nguồn tôm giống chân trắng sản xuất tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được rất ít so với nhu cầu thực tế. Trong khi đó, Bộ NN- PTNT đã có quy định với con tôm chân trắng là “chỉ cho nhập khẩu, xuất bán tôm chân trắng bố mẹ, tôm giống sạch từ các cơ sở sản xuất được Bộ công nhận. Để đảm bảo an ninh sinh học, các trại sản xuất tôm giống không được sản xuất giống tôm chân trắng tại các trại sản xuất giống tôm sú và các loại khác. Tôm bố mẹ, tôm giống nhập khẩu phải được kiểm dịch, cách ly kiểm dịch theo đúng quy định”.

Quy định của Bộ là vậy, nhưng trên thực tế, tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh được sản xuất theo đúng quy trình và quy định hiện nay còn quá ít, chỉ chiếm khoảng 10 – 15% so với lượng tôm giống sản xuất trên thị trường. Tôm giống Trung Quốc có nguồn gốc không rõ ràng, không qua kiểm dịch theo đường tiểu ngạch tràn vào Việt Nam với giá rất rẻ, chỉ bằng 60 – 70% so với giá tôm giống có nguồn gốc từ Hawaii. Thực tế các trại sản xuất tôm sú giống tại các tỉnh miền Trung do không còn hiệu quả vì dịch bệnh đã chuyển sang sản xuất giống tôm chân trắng, tôm bố mẹ chủ yếu được tuyển lựa từ nuôi thương phẩm. Chất lượng tôm trôi nổi trên thị trường khó kiểm soát, tôm giống không rõ nguồn gốc đang chiếm thị phần lớn gây rất nhiều khó khăn cho các cơ sở sản xuất giống tôm sạch bệnh.

Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu:

Tôm giống chân trắng chất lượng cao nguồn gốc từ Hawaii, DN bán giá khá cao khoảng 30 – 35 đồng/con, trong khi con giống trên thị trường chỉ khoảng 15 – 20 đồng/con thậm chí rẻ hơn, đặc biệt người nông dân “ngại” tìm đến nguồn giống chất lượng cao còn do các DN có điều khoản ràng buộc khi mua con giống của họ phải mua thức ăn cho tôm do họ cung cấp.

Ông Đào Văn Trí, Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III cho biết: Để sản xuất ra khoảng 20 – 25 tỷ con giống hiện nay, Việt Nam cần khoảng 200.000 cặp tôm bố mẹ. Nguồn tôm bố mẹ sử dụng cho sản xuất giống tôm chân trắng hiện nay ở Việt Nam nhập từ Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia chiếm khoảng 80% lượng tôm giống, còn lượng nhập từ Hawaii chỉ chiếm khoảng 20%. Theo ông Trí, tôm nhập qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc hiện nay không thể kiểm soát. Nguyên nhân chính là do giá tôm bố mẹ từ các nguồn chênh lệch rất cao. Giá nhập tôm chân trắng bố mẹ từ Hawaii khoảng 32 – 36USD/cặp, còn tôm Thái Lan, Trung Quốc từ 22 – 26USD/cặp, tôm nhập lậu và nuôi tại chỗ chỉ khoảng 10 – 12USD/cặp. Để cạnh tranh về giá tôm giống, các cơ sở sản xuất đã tìm cách mua tôm bố mẹ giá rẻ mà không quan tâm đến chất lượng.

Tôm giống bố mẹ quyết định rất lớn đến chất lượng con giống. Hiện nay nguồn tôm giống bố mẹ đảm bảo chất lượng được xác định nhập từ Hawaii, tuy nhiên theo ông Đào Văn Trí thì bên cạnh giá cao việc xin phép nhập khẩu và hải quan khá phức tạp do vậy các cơ sở sản xuất nhỏ không thể liên hệ trực tiếp để nhập về nuôi, từ đó đa số các cơ sở sản xuất tôm giống chân trắng đã tìm mua tôm bố mẹ trôi nổi ngoài thị trường với giá rẻ. Ngoài ra, nhiều cơ sở nhỏ không được phép sản xuất tôm chân trắng nhưng lợi dụng việc được phép ương giống trong trại đã dùng tôm F1, F2 hoặc mua ấu trùng về ương thành tôm giống để bán. Chất lượng tôm bố mẹ tại các trại không có nguồn gốc xuất xứ lại bị khai thác triệt để, số lần đẻ không giới hạn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng con giống.

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Cô gái sở hữu 6 trại nấm, thu nhập ổn định 20 - 25 triệu đồng/tháng

BẾN TRE Qua 7 năm khởi nghiệp từ nghề trồng và kinh doanh nấm các loại, gia đình chị Mai Thị Ánh Xuân đã có cuộc sống ổn định với mức thu nhập khá.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.