| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao chất lượng và giá trị cây có múi

Thứ Sáu 20/12/2013 , 08:31 (GMT+7)

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Hòa Bình tổ chức hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trên cây có múi”.

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Hòa Bình tổ chức hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trên cây có múi”. Qua hội nghị, nông dân có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm, phương pháp mới từ các chuyên gia, nhà khoa học… áp dụng vào thực tiễn SX.

Lãi tiền tỷ

TS Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm KNQG cho biết, những năm gần đây, cây ăn quả nước ta tăng nhanh cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Hiện nay, cả nước có khoảng 832 nghìn ha cây ăn trái, sản lượng ước đạt 7 triệu tấn. Năm 2011, cây có múi chiếm 18% diện tích cây ăn quả cả nước, sản lượng hàng năm là 1,5 triệu tấn.

Nghề trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi ngày càng phát triển mạnh mẽ. Những vùng thâm canh, SX hàng hóa đã được hình thành. Điển hình như vùng cam Cao Phong (Hòa Bình), vùng cam Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp (Nghệ An) và vùng cam sành Hà Giang, Tuyên Quang.

Những loại cây có múi góp phần không nhỏ vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân. “Tuy nhiên, loại cây này đang phát triển kém bền vững, SX còn manh mún, chất lượng chưa thực sự tốt, hơn nữa giá bán cao nên khó cạnh tranh”, TS Phan Huy Thông chia sẻ.

Các tỉnh miền Bắc nói chung, khí hậu, đất đai thích hợp với nhiều loại cây ăn quả. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, chuyển đổi cơ cấu theo hướng SX hàng hóa là hướng đi của ngành NN-PTNT tỉnh này. Tính đến năm 2012, diện tích cây có múi của Hòa Bình đạt trên 1.500 ha, sản lượng trên 25,5 nghìn tấn. Trung bình, mỗi ha cây có múi cho thu hoạch từ 40 - 100 tấn. Trừ mọi chi phí, người trồng thu về khoảng 1 tỷ đồng/ha.


Ban chủ tọa hội nghị

GĐ Sở NN-PTNT Hòa Bình, ông Hoàng Văn Tứ cho biết, trong ba năm qua, diện tích cây có múi của tỉnh tăng 502 ha. Về cả sản lượng và năng suất, Hòa Bình đang là tỉnh đứng đầu trong SX cây có múi khu vực Tây Bắc.

 Tại Hòa Bình, cây có múi phân bố chủ yếu tại 4 huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy và Yên Thủy. Các giống cam chín sớm được người dân ưa trồng là cam CS1, cam Marrs, quýt Ôn Châu. Giống chính vụ có cam xã Đoài, cam Vân Du và một số giống quýt bản địa. Vụ chín muộn có cam đường canh và cam V2.

Mùa này, về Cao Phong, chúng tôi như lạc vào một biển cam, quýt. Con đường bê tông chạy vào xã Tây Phong rợp màu vàng. Bà Nguyễn Thị Đài, thôn Tây Phong, xã Tây Phong hồ hởi dẫn chúng tôi đi thăm vườn. “Năm nay, sản lượng cam quýt nhà tôi thu được gấp khoảng 3 lần năm ngoái chú ạ. Trừ mọi chi phí từ thuốc BVTV, công cán, chắc cũng lại được 1 tỉ đồng”, bà Đài cho biết.

2 ha cam, quýt của hộ bà Đài đang vào vụ thu hoạch, chín vàng ươm. “Chăm sóc cây cam, quýt không này không có gì là khó. Chỉ cần chú ý xem cây có bị sâu bệnh, nhện, nấm mốc tấn công hay không để diệt trừ”, bà Đài nói thêm. Năm 2012, do thời tiết bất thuận, 2 ha cam, quýt nhà bà Đài chỉ cho thu khoảng 50 tấn, bán lãi 600 - 700 triệu đồng.

Ngoài cam, quýt, bưởi và chanh cũng là loại cây có múi được người dân Hòa Bình trồng khá nhiều. Ông Tứ cho biết, riêng cây bưởi chiếm khoảng 24% diện tích cây có múi toàn tỉnh, tập trung ở các huyện Tân Lạc, Lương Sơn và Yên Thủy. Tại đây, một số giống bưởi chất lượng cao được trồng chủ yếu như là bưởi Diễn, bưởi đỏ và bưởi da xanh.

Coi trọng khâu thu hoạch, bảo quản

Tuy nhiên, trong khâu thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ cây có múi tại Hòa Bình nói riêng, các tỉnh nói chung bộc lộ nhiều hạn chế. Theo ông Tứ, 100% diện tích cây có múi của tỉnh Hòa Bình đang được thu hoạch bằng phương pháp thủ công. Sau khi hái xuống, người dân loại bỏ quả hỏng, phân loại theo kích cỡ rồi đóng vào sọt đem bán.

Phương pháp bảo quản, chế biến gần như chưa được người dân áp dụng. Chính vì lí do này, mẫu mã, chất lượng của sản phẩm từ cây có múi chưa thực sự tốt.


Người dân Cao Phong, Hòa Bình thu lãi tiền tỷ từ cam, quýt

Tại thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong), 80% sản lượng cây có múi được bán đi dưới hình thức bán buôn, 20% còn lại bán lẻ cho hàng quán, khách du lịch… Thị trường đầu ra chủ yếu của cây có múi Hòa Bình là Hà Nội và các tỉnh ĐBSH. “Hiện nay, đáng chú ý là việc các thương lái thường xuyên sử dụng nhiều tên gọi như cam Vinh, cam Văn Giang khi đi cam Hòa Bình ra thị trường”, ông Tứ chia sẻ.

TS Phan Huy Thông cho biết, nâng cao giá trị cho cây có múi là hướng đi để phát triển hơn nữa loại cây này. “Chúng ta phải rà soát lại những diện tích đã có, hướng dẫn người dân trồng những nơi có lợi thế đất đai khí hậu, phù hợp từng nhóm cây có múi. Đặc biệt là những giống cây đặc sản, phải phát triển ở những nơi thích hợp, không để phát triển tràn lan”, ông Thông nói.

Bên cạnh đó, ở những vùng cây đã bị bệnh, khuyến cáo người dân không tái canh trở lại, dễ lây nhiễm bệnh. Người dân cần nắm rõ biểu hiện của bệnh để phát hiện, phòng trừ sớm.

Về cơ cấu giống, TS Phan Huy Thông cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục bổ sung, chọn tạo những giống mới thích hợp với khí hậu Việt Nam, đặc biệt là với các tỉnh miền núi phía Bắc. Đồng thời phục tráng, nhân những giống sạch bệnh, giống đặc sản địa phương… nhằm đảm bảo nguồn giống sạch bệnh cung cấp cho người dân. Bên cạnh đó là siết chặt quản lý chất lượng cây giống, ngăn chặn những giống tiêu thụ trôi nổi trên thị trường.

“Hiện có nhiều loại phân chuyên dùng, bà con cần tìm hiểu thêm để chăm sóc hiệu quả. Có thể bón thêm các loại phân bón lá và rễ giúp cây sinh trưởng tốt hơn, tăng chất lượng, mẫu mã cho quả. Nơi nào có điều kiện, bà con nên áp dụng tưới tiết kiệm kết hợp tạo tán, tỉa cành cho cây”, ông Thông nói thêm.

Chia sẻ tại hội nghị, GS.TS Đỗ Năng Vịnh (Viện Di truyền nông nghiệp) cho rằng áp dụng kỹ thuật bao trái, bảo quản sau khi thu hoạch sẽ góp phần nâng cao giá trị của cây có múi. “Người dân có thể dùng thang, kéo hái quả. Sau đó thì đóng hộp vận chuyển, tránh dập nát, gây hỏng. Đồng thời có thể sử dụng các chất bảo quản an toàn Ozon, màng bảo quản không độc hại, kéo dài thời gian tiêu thụ cho cây có múi. Các DN, HTX nào có điều kiện thì xây dựng khu bảo quản mát”, ông Vịnh chia sẻ.

“Về giống, chúng ta phải quản lý các vườn ươm chặt chẽ hơn. Những vườn ươm nào đủ tiêu chuẩn mới cho nhân và bán giống. Chúng tôi cũng thường xuyên khuyến cáo bà con mua giống ở những nơi tin cậy, tránh rủi ro khi SX”, TS Phan Huy Thông.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất