| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao giá trị thương hiệu vùng chè Trại Cài

Thứ Hai 11/11/2013 , 09:23 (GMT+7)

"Chè Cài, gái Hích". Đó là câu thành ngữ của người Thái Nguyên nói về đặc sản chè Trại Cài và vùng gái đẹp phố Hích thuộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

"Chè Cài, gái Hích". Đó là câu thành ngữ của người Thái Nguyên nói về đặc sản chè Trại Cài và vùng gái đẹp phố Hích thuộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Nằm trong vùng chè Trại Cài nổi tiếng, những năm gần đây, nhờ không ngừng đổi mới phương thức sản xuất chế biến chè, người làm chè ở xóm Cà Phê 2 (xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ) đã góp phần nâng cao hơn nữa giá trị của vùng chè đặc sản quê hương mình.

Tự thành lập HTX

Bà Trần Thị Phương, Chủ nhiệm HTX Chè Hà Phương, xóm Cà Phê 2, tự hào nói, xã Minh Lập được dòng sông Cầu hiền hòa, thơ mộng ôm trọn vào lòng. Chính bởi đặc trưng đó, thổ nhưỡng của xóm Cà Phê 2 phân thành 2 loại rõ rệt. Đất đồi đặc biệt phù hợp với các loại chè trung du lá nhỏ. Trong khi các loại chè giống mới lại ưa chân đất bãi pha cát.

Trước đây, người dân Minh Lập nói chung và xóm Cà Phê 2 nói riêng chủ yếu trồng chè trên đất đồi. Đất bãi để trồng mía, trồng lúa nước. Sau nhiều phen lận đận, kể từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, cây chè được xác định là cây mũi nhọn, xóa đói, giảm nghèo nên diện tích được mở rộng, diện tích các loại cây trồng khác được thu hẹp thay dần bằng diện tích chè. Thực tế, chè Cà Phê 2 - Trại Cài vốn đã nổi tiếng lâu đời song những năm trước giá bán bấp bênh, chủ yếu vẫn tiêu thụ tại các chợ xã nên giá trị sản lượng không cao.

Bà Trần Thị Hà (xóm Cà Phê 2) cho biết, chè của xóm Cà Phê 2 cho sắc nước sóng sánh, hương vị thơm cốm, nước đậm đà. Chè ngon nổi tiếng nhưng giá bán lại không cao. Năm 2008, ba người phụ nữ của xóm gồm Trần Thị Phương, Trần Thị Hà và Vũ Thị Hảo đã tâm đầu ý hợp quyết định lập nhóm để xây dựng thương hiệu cho chè Cà Phê 2 trong vùng Trại Cài.


Chè Hà Phương được thương lái vào tận nơi đặt mua khi chè vẫn đang xanh lá trên nương

HTX Chè Hà Phương được thành lập dưới sự giúp đỡ của Phòng NN-PTNT huyện Đồng Hỷ với 19 xã viên là chủ những hộ dân làm chè trong xóm. Nhóm sáng lập viên đồng thời là Ban Chủ nhiệm HTX đã liên hệ với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn cho xã viên thực hành sản trồng và chế biến chè theo quy trình sản xuất an toàn. Khi đó, nhiều người chưa vào HTX còn nghi ngờ về tính thực tế, hiệu quả hoạt động của HTX.

Nhớ hồi đầu năm 2008, giá chè của HTX chỉ bán được 50.000 - 60.000 đ/kg. Chè an toàn ra đời, giá bán ngày một tăng cao. Cuối năm 2008, giá bán đã được đội lên trên dưới 100.000 đ/kg. Cho đến nay, giá chè của HTX Chè Hà Phương đạt từ 270.000 - 300.000 đ/kg. Hữu xạ tự nhiên hương, chè Hà Phương bây giờ được thương lái vào tận nơi đặt mua khi chè vẫn đang xanh lá trên nương. Không như trước đó, chè ngon nhưng vẫn trôi nổi, bấp bênh.

Tự theo VietGAP

Cách sản xuất chè an toàn của HTX Chè Hà Phương mang lại giá trị lợi nhuận cao đã tạo được sức lan tỏa đối với người làm chè trong khu vực. Nhiều hộ dân trong xã đã làm đơn xin đăng ký gia nhập xã viên HTX.

Ông Vũ Văn Tiếp, Kiểm soát viên HTX Chè Hà Phương, cho biết, nhận thấy quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) còn mang lại nhiều hơn nữa những lợi ích cho người nông dân, Ban Chủ nhiệm HTX đã đề xuất và được sự đồng ý của cơ quan chuyên môn cho HTX thực hiện sản xuất chè theo quy trình VietGAP.

Tháng 11/2012, sản phẩm chè của HTX Chè Hà Phương chính thức được quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Giấy chứng nhận có thời hiệu một năm. Ban Chủ nhiệm HTX đã quyết định tiếp tục đề nghị cơ quan cấp chứng nhận giám sát và chỉ đạo để bà con xã viên làm chè VietGAP trong 2 năm tới.

Nói về thực tế trên, bà Vũ Thị Hảo, Phó Chủ nhiệm HTX Chè Hà Phương, cho biết, về lợi ích của sản xuất chè VietGAP thì không một xã viên nào còn nghi ngờ, còn mơ hồ phàn nàn nữa. Việc HTX duy trì sản xuất theo VietGAP chính là cách để bà con xã viên tự bảo vệ mình, bảo vệ chỗ đứng và sản phầm chè của mình.

Tự tin thi tài

Trong Festval trà Quốc tế lần thứ I, chè Trại Cài đã vinh dự nhận được 2 giải vàng ("Bàn tay vàng" và “Văn hóa trà”); 1 giải Bạc cho sản phẩm chè tham dự cuộc thi “Búp chè vàng”. Tại Festival chè lần thứ 2, HTX Chè Hà Phương là đơn vị duy nhất vinh dự được chọn thay mặt cho 7 đơn vị của huyện Đồng Hỷ tham dự cuộc thi “Bàn tay vàng”.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đồng Hỷ, cho biết, việc chọn nhân sự và sản phẩm từ HTX Chè Hà Phương để tham gia các cuộc thi Festival chè lần thứ 2 ngoài việc khẳng định vị thế, trình độ của chè và xã viên HTX Chè Hà Phương còn là sự khuyến khích đối với những người nông dân mạnh dạn, dám thay đổi thực tế. Với thực lực và sự chuẩn bị kỹ càng của HTX Chè Hà Phương, đơn vị Đồng Hỷ tin tưởng vào một kết quả tốt khi tham gia Festival trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ II (năm 2013).

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất