| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao hiệu quả công trình cấp nước tập trung

Thứ Tư 25/11/2015 , 06:10 (GMT+7)

Bằng nhiều giải pháp, Trạm Dịch vụ xây dựng công trình nước và VSMTNT (thuộc Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMTNT tỉnh Thái Nguyên) đã không ngừng nâng cao hiệu quả của các công trình cấp nước sau đầu tư.

Rà soát kết quả phục vụ sau đầu tư của 4 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đã chỉ ra một nghịch lý là, các công trình được xây dựng tại những vị trí mà nhu cầu sử dụng của người dân rất cao nhưng số lượng đăng ký tham gia sử dụng lại không cao.

Với tổng công suất thiết kế phục vụ lên đến gần 3.000 hộ nhưng sau khi công trình hoàn thiện thì chỉ có chưa đến 500 hộ dân đăng ký tham gia.

Rõ ràng để nâng cao hiệu quả của Chương trình MTQG MS-VSMTNT thì phải nâng cao hiệu quả của các công trình đã xây dựng chứ không thể chạy theo việc đầu tư dàn trải với số lượng lớn.

Từ thực tế đó, Trạm Dịch vụ xây dựng công trình nước và VSMTNT tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng phương án vay vốn ưu đãi cho các hộ dân dùng để đối ứng mở mạng.

Ông Dương Văn Toản, Trạm trưởng Trạm Dịch vụ xây dựng công trình nước và VSMTNT tỉnh Thái Nguyên, cho biết, bằng nguồn vốn cho vay ưu đãi của Quỹ Nước sạch và Bảo vệ môi trường Việt Nam, đơn vị triển khai việc ký kết, mỗi hộ dân mở mạng sử dụng từ công trình sẽ được vay số vốn ưu đãi hơn 2 triệu đồng. Nguồn vốn trên sẽ được thỏa thuận trả trong nhiều năm với mức lãi suất thấp, để ghi nhớ là 2%/năm.

Chương trình được triển khai, ngay lập tức các công trình cấp nước đã được nâng cao về số lượng hộ dân đăng ký tham gia sử dụng.

Ông Nguyễn Viết Đài, Chủ tịch UBND xã Hà Châu, huyện Phú Bình, cho biết, mặc dù nằm kề bên sông Cầu nhưng Hà Châu lại là một trong những địa bàn “khát” nước sạch. Nguồn nước tự nhiên đã bị ô nhiễm nên hầu hết các giếng khơi tự đào của bà con đều không không có nguồn nước đảm bảo vệ sinh.

Với hàng tỷ đồng đầu tư, công trình cấp nước xã Hà Châu được hoàn thiện trong niềm vui hân hoan của bà con nhân dân địa phương. Tuy vậy, số lượng ban đầu chỉ có 100 hộ đăng ký tham gia. Nhờ sự năng động của cơ quan chuyên môn mà con số đó đến nay đã được nâng lên 400 hộ.

Liền kề với Hà Châu là xã Nga My, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nga My, cho biết, đặc trưng của Nga My là vùng khô kiệt, nguồn nước bị ô nhiễm nhiều năm song cái khó là Nga My có tỷ lệ hộ nghèo cao nên người dân rất băn khoăn trong việc quyết định loại bỏ nguồn nước giếng khơi đang sử dụng để chuyển sang dùng nước từ nhà máy. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, từ chỗ chỉ có gần 100 hộ dân sử dụng thì nay đã có 332 hộ tham gia dùng nước nhà máy.

Ông Dương Văn Luyến, Tổ trưởng vận hành công trình nước sinh hoạt Hà Châu - Nga My, cho biết, việc nâng cao số lượng người dân sử dụng nguồn nước từ công trình nước sinh hoạt tập trung theo chương trình ngoài việc nâng cao hiệu quả phục vụ còn góp phần đảm bảo việc duy tư, sửa chữa, kéo dài tuổi thọ của công trình.

Ông Dương Văn Toản cho biết, ngoài hiệu quả về an sinh xã hội, việc đông đảo người dân mở mạng cũng mang đến lợi ích thiết thực cho đơn vị triển khai, thực hiện. Vì vậy, trong thời gian tới, Trạm Dịch vụ và xây dựng công trình nước và VSMTNT tỉnh Thái Nguyên sẽ triển khai nhiều giải pháp để phát huy tối đa công năng sử dụng của các công trình nước sau đầu tư.

Song hành với việc triển khai cho vay người dân sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, Trạm Dịch vụ xây dựng công trình nước và VSMTNT tỉnh Thái Nguyên tiến hành việc vận động tuyên truyền nhân dân tại những địa bàn nóng về ô nhiễm môi trường nước.

Xã Xuân Phương (huyện Phú Bình) ngoài việc thiếu nước sinh hoạt của nhân dân đã nhiều năm qua, công thêm việc ô nhiễm nguồn nước do hoạt động SX của các làng nghề khiến cho nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch càng cấp thiết trong nhân dân. Công trình nước sinh hoạt xã Xuân Phương được bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 4/2015. Với công suất thiết kế, công trình phục vụ cho 700 hộ dân. Giai đoạn đầu, có gần 200 hộ sử dụng.

Ông Nguyễn Khắc Toàn (xóm Kiều Chính, xã Xuân Phương) cho biết, qua vận động, tuyên truyền, bây giờ mới thấy lo lắng cho những ngày tháng sử dụng nguồn nước giếng khơi bị ô nhiễm nặng. Từ ngày có nước nhà máy, mỗi tháng, gia đình ông sử dụng hàng chục mét khối nước. Cùng chung nhận thức với ông Toàn, đông đảo bà con nhân dân xã Xuân Phương đã và đang đăng ký tham gia sử dụng nguồn nước từ nhà máy.

Đánh giá về hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động, ông Dương Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Úc Kỳ (huyện Phú Bình) cho biết, những cán bộ thu ngân, công nhân vận hành của nhà máy nước chính là những người trực tiếp làm thay đổi nhận thức cho bà con nhân dân. Khi công trình cấp nước xã Nga My được hoàn thiện thì chỉ có vài chục hộ đăng ký mở mạng nhưng qua 3 năm nay, số lượng hộ dân dùng nước đã tăng lên 300 hộ.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.