| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao hiệu quả khai thác công trình thuỷ lợi

Thứ Tư 13/08/2014 , 10:14 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT đã xây dựng và ban hành Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thuỷ lợi hiện có kèm theo Quyết định số 784/QĐ-BNN-TCTL ngày 21/4/2014.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM, Bộ NN-PTNT đã xây dựng và ban hành Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thuỷ lợi hiện có kèm theo Quyết định số 784/QĐ-BNN-TCTL ngày 21/4/2014.

Đề án đang được phổ biển, triển khai trên toàn quốc. Bài viết dưới đây giới thiệu sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu của Đề án.

Sự cần thiết ban hành Đề án

Nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò và vị thế quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các thành tựu đạt được sau hơn 25 năm đổi mới trong nông nghiệp đã được nhiều nước trên thế giới thừa nhận. Từ một nước luôn thiếu lương thực, nước ta đã trở thành một trong những nước dư thừa gạo để xuất khẩu.

Với nhiều chủ trương, chính sách về phát triển thủy lợi, đặc biệt sau ngày đất nước thống nhất và những năm đổi mới, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia ở vùng Đông Nam Á có hệ thống thủy lợi phát triển tương đối hoàn chỉnh, với hàng ngàn hệ thống công trình thuỷ lợi lớn, vừa và nhỏ để cấp nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, phòng chống lũ lụt, úng ngập, hạn hán, góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy vậy, công tác thủy lợi đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Nguồn nước ngày càng khan hiếm do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng; thiên tai lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ngày càng khốc liệt;

Nhiều công trình thủy lợi chưa phát huy hết tiềm năng và hiệu quả theo thiết kế; cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thuỷ lợi còn nhiều tồn tại, bất cập, mang nặng tính bao cấp, chủ yếu trông chờ từ ngân sách Nhà nước; thiếu cơ chế chính sách phù hợp để tạo động lực và phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia đầu tư và quản lý khai thác công trình thủy lợi.

Trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đòi hỏi công tác thuỷ lợi phải có những thay đổi căn bản để đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp đa dạng và hiện đại, đặc biệt trong giai đoạn cả nước đang triển khai xây dựng nông thôn mới.

Quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư và Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư, Bộ NN-PTNT xác định nhiệm vụ nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình thuỷ lợi hiện có phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng nhất hiện nay.

 Vì vậy, ngày 21/4/2014 Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ban hành Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi hiện có kèm theo Quyết định số 784/QĐ-BNN-TCTL.

2. Đối tượng, phạm vi của Đề án

a) Đối tượng

- Các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, hợp tác xã, tổ hợp tác, tư nhân (sau đây gọi chung là các tổ chức, cá nhân) quản lý khai thác công trình thuỷ lợi.

- Tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; đầu tư, sản xuất các vật liệu, sản phẩm, thiết bị phục vụ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; đầu tư công trình thuỷ lợi theo hình thức hợp đồng hợp tác công - tư.

b) Phạm vi

Đề án tập trung nghiên cứu, đánh giá đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi hiện có và các hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tưới cho cây trồng cạn chủ lực, nuôi trồng thủy sản, dân sinh, kinh tế - xã hội, môi trường và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, phù hợp với tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

3. Quan điểm

a) Đổi mới, hoàn thiện thể chế trong quản lý khai thác công trình thủy lợi phù hợp với cơ chế thị trường, tạo động lực để nâng cao hiệu quả quản lý khai thác, bảo đảm bền vững về tài chính, kỹ thuật và môi trường. Thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác vào công tác thuỷ lợi.

b) Đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi, trọng tâm là thủy lợi nội đồng đáp ứng yêu cầu canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Củng cố tổ chức thuỷ nông cơ sở đảm bảo hoạt động hiệu quả, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao nhận thức, phát huy nội lực và vai trò chủ thể của người dân trong công tác thủy lợi cơ sở.

c) Nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi bảo đảm đáp ứng yêu cầu nền nông nghiệp tiên tiến đồng thời đẩy mạnh khai thác tổng hợp, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và năng lực của các công trình thủy lợi.

d) Chuyển dịch mạnh mẽ đối tượng phục vụ của thuỷ lợi sang khu vực nông nghiệp khác như tưới cho cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, cấp nước cho thuỷ sản… Đảm bảo một nền nông nghiệp có tưới theo hướng hiện đại trên phạm vi rộng.

4. Mục tiêu

4.1. Mục tiêu tổng quát

Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi hiện có, phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế và ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nhằm:

(i) Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các hệ thống công trình thủy lợi, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, phục vụ nền sản xuất nông nghiệp đa dạng và hiện đại, bảo đảm an toàn công trình, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu;

(ii) Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển nền sản xuất nông nghiệp có tưới theo hướng hiện đại, ưu tiên cho các cây trồng cạn chủ lực, phát triển thủy sản bền vững;

(iii) Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ có thu từ công trình thuỷ lợi, phát huy tối đa tiềm năng và năng lực của công trình thủy lợi hiện có, đảm bảo tài chính bền vững cho các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi, giảm bao cấp từ ngân sách nhà nước.

4.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

a) Với hệ thống thuỷ lợi nội đồng tưới lúa

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi, gắn với xây dựng đường giao thông nội đồng, dồn điền, đổi thửa, san phẳng đồng ruộng, phục vụ sản xuất theo quy mô lớn đảm bảo đến năm 2020 có 30% diện tích canh tác lúa được thực hiện các phương thức canh tác tiến tiến (SRI, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, Nông - Lộ - Phơi) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đến năm 2017 có trên 50%, năm 2020 có trên 85% tổ chức thuỷ nông cơ sở hoạt động hiệu quả, bền vững trên cơ sở tự nguyện, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi.

b) Tưới cho cây trồng cạn

Áp dụng các hệ thống giải pháp đồng bộ để triển khai trên diện rộng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn chủ lực có thị trường (cà phê, hồ tiêu, điều, mía, chè, cây ăn quả, rau, hoa) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Phát triển công nghệ sản xuất thiết bị phục vụ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Đến năm 2017 có 200.000 ha, năm 2020 có 500.000 ha diện tích cây trồng cạn chủ lực (cà phê, hồ tiêu, điều, mía, chè, cây ăn quả, rau, hoa) được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

c) Với hệ thống thuỷ lợi vừa và lớn do các doanh nghiệp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi

Nâng cấp bảo đảm an toàn, hoàn thiện hệ thống và các trang thiết bị quan trắc, công nghệ để nâng cao năng lực dự báo úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn…, tăng cường năng lực điều hành hệ thống thủy lợi.

Củng cố các doanh nghiệp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi: Nâng cao hiệu quả quản lý, đổi mới cơ chế vận hành, mở rộng các hoạt động cung cấp dịch vụ có thu, ưu tiên cung cấp nước sạch cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao nhằm tăng nguồn thu và giảm bao cấp từ ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống, từng bước hiện đại hoá, chống xuống cấp công trình.

Đến năm 2016 có 50%, đến năm 2020 có 100% các tổ chức quản lý khai thác công trình thuỷ lợi hoạt động theo phương thức đặt hàng hoặc đấu thầu quản lý khai thác.

d) Thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản

Áp dụng các giải pháp nuôi tiết kiệm nước và có xử lý nước đảm bảo môi trường nước cho các khu vực nuôi thuỷ sản tập trung, nuôi công nghiệp (trọng tâm là tôm nước lợ và cá da trơn).

Xây dựng hệ thống thuỷ lợi chủ động cấp nước (mặn, ngọt) ở khu vực ven biển gắn với tổ chức lại sản xuất, bảo đảm nguồn nước sạch để nuôi theo quy trình công nghệ tiên tiến, ưu tiên ở khu vực Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất