| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao hiệu quả ứng phó thiên tai, phòng chống lụt bão các tỉnh có đê

Thứ Ba 14/06/2016 , 07:01 (GMT+7)

Vừa qua, tại TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã diễn ra Hội nghị “Tập huấn hộ đê, phòng chống lụt bão các tỉnh, thành phố có đê năm 2016...

13-57-16_4
Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi phát biểu tại hội nghị

 

Vừa qua, tại TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã diễn ra Hội nghị “Tập huấn hộ đê, phòng chống lụt bão các tỉnh, thành phố có đê năm 2016, đánh giá việc thực hiện chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Nam”.

Thiên tai sẽ rất khó lường

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, xu thế thiên tai năm 2016 sẽ rất khó lường. Hiện tượng El Nino năm 2014 và 2016 được đánh giá là một kỳ El Nino mạnh kỷ lục, có cường độ tương đương các năm 1997, 1998.

Ngoài ra, kỳ El Nino lần này có khả năng kéo dài nhất từ trước đến nay (20 tháng). Hiện tại ENSO đã trở về trạng thái trung tính và nhiều khả năng sẽ chuyển sang trạng thái pha La Nina từ khoảng thời gian từ tháng 8 - 9/2016.

Các dự báo và phân tích mới nhất cho thấy nhiều khả năng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông sẽ xuất hiện muộn và ít hơn TBNN (TBNN khoảng 12 - 13 cơn/năm), dự kiến sẽ có khoảng 4 - 5 cơn bão, ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, nhất là trong những tháng cuối năm. Bão và ATNĐ sẽ tập trung nhiều hơn ở khu vực giữa, nam biển Đông và các tỉnh từ Trung bộ trở vào phía Nam.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo, mùa lũ chính vụ trên các sông Bắc bộ có khả năng xuất hiện đúng theo chu kỳ TBNN với 2 - 3 đợt lũ lớn. Trên một số sông suối nhỏ khu vực miền núi đỉnh lũ có thể vượt mức báo động 3; các sông chính ở thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long ở mức trên báo động 2 -3; vùng hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội BDD1, sông Thái Bình tại Phả Lại trên báo động 1.

Dự kiến thời tiết trên biển, vung ven bờ sẽ diễn biến phức tạp hơn năm 2015, bão và ATNĐ di chuyển hướng tây gây nguy cơ nước dâng ven bờ cao hơn các hướng khác. Ngoài ra, các đợt gió mùa Đông Bắc mạnh kết hợp với triều cường, sóng lớn nhiều khả năng dẫn đến nguy cơ ngập lụt tại khu vực trũng ven bờ và cửa sông, nhất là thời điểm cuối năm.

13-57-16_1
Toàn cảnh hội nghị

 

Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, khẳng định: “Ngay từ đầu năm 2016, hiện tượng rét đậm, rét hại kỷ lục ở khu vực miền núi phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long đã gây ra ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân.

Để chủ động ứng phó với thiên tai trong những tháng tiếp theo của năm 2016, các bộ ngành Trung ương và địa phương cần tập trung triển khai thi hành Luật phòng, chống thiên tai và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03, 04 và 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 - 2020”.

Bài học và công tác ứng phó của các địa phương

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với đợt mưa lũ lịch sử cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015 xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, ông Đoàn Mạnh Phương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Ninh cho biết: Đợt mưa lớn kéo dài 10 ngày ở Quảng Ninh đã khiến 17 người chết, 32 người bị thương, 4.863 ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại...Tổng thiệt hại ước tính khoảng 2.700 tỷ đồng. Để ứng phó với thiên tai, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nguyên tắc chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả với phương châm "phòng là chính".

Theo đó, Quảng Ninh đã huy động gần 9.000 lượt cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang, hơn 8.000 lượt dân quân tự vệ, 235 lượt phương tiện cơ giới... cùng tham gia khắc phục hậu quả. Tỉnh cũng rất chủ động, sát sao trong công tác hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại nên không để xảy ra tình trạng khiếu nại, đặc biệt có những hộ dân tự nguyện từ chối được hỗ trợ, đồng thời đề nghị chuyển giúp các gia đình khó khăn hơn.

Những năm qua, bên cạnh nguồn vốn đê biển, ứng phó biến đổi khí hậu (SP-RCC), tỉnh Thanh Hóa đã chủ động chỉ đạo các ngành ưu tiên, bố trí trồng cấy chắn sóng từ nhiều nguồn khác như: Trồng rừng theo dự án 661; chữ thập đỏ; tổ chức Care và Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung. Hiện toàn tỉnh đã trồng được khoảng 1.627ha sú vẹt và bần chua, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống và ứng phó thiên tai hàng năm.

Đến thời điểm này, tổng số vốn đã đầu tư triển khai theo Quyết định 58/QĐ-TTg của Thanh Hóa là 1.383 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn NSNN là 1.078 tỷ, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác là 305,085 tỷ đồng. Theo ông Đặng Tiến Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Thanh Hóa, để hoàn thành các dự án đê, kè biển trong vùng hưởng lợi của dự án, đồng thời đảm bảo đúng tiến độ chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đề nghị Tổng cục Thủy lợi xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan cấp tiếp số vốn hơn 1.165 tỷ đồng cho Thanh Hóa”.

Quy hoạch đê biển Quảng Ninh - Quảng Nam

Nươc ta có trên 3.200 km bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam, trong đó hệ thống đê biển, đê cửa sông thuộc các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Nam có tổng chiều dài khoảng 1.500 km nằm trên địa phận của 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam).

10-ltvb130609657
Kè tạo bãi bảo vệ mũi Cà Mau

 

Ông Trần Quang Hoài cho biết, do tác động của BĐKH nên thiên tai ngày càng chuyển biến khó lường, phức tạp nên các địa phương phải đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý, xây dựng đê điều, chủ động có phương án ứng phó trong mọi hoàn cảnh. Hiện nay rất nhiều chủ trương, cơ chế chính sách mới về PCTT đã được ban hành nhưng quá trình triển khai còn rất nhiều vướng mắc, các ban, ngành chức năng cần bàn bạc với nhau để tìm phương án tháo gỡ.

Do điều kiện kinh tế nên việc đầu tư chưa được tập trung, thiếu đồng bộ, còn mang nặng tính chắp vá, các hạng mục kết cấu bảo vệ đê và quá trình kết hợp đa mục tiêu chưa được đầu tư đúng mức, điều này dẫn đến nhiều hệ thống đê biển mới chỉ đảm bảo an toàn ở mức độ vừa phải. Tại các tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão (Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…), nhiều tuyến đê, kè biển đã xuống cấp nghiêm trọng, một số tuyến chưa được tu bổ, nâng cấp chỉ có thể đảm bảo an toàn với gió bão cấp 8.

Sau cuộc họp sơ kết 5 năm thực hiện chương trình nâng cấp đê biển, Chính phủ đã có thông báo số 181/TB-VPCP ngày 7/7/2010 chỉ đạo việc rà soát lại quy hoạch hệ thống đê biển, dải cây chắn sóng xét đến ảnh hưởng của BĐKH nước biển dâng và kết hợp giao thông, kết hợp đa mục tiêu, tạo điều kiện phát triển kinh tế bền vững theo Quyết định của Thủ tướng về “Nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam”.

Qua 6 năm triển khai, đến nay các địa phương mới chỉ thực hiện được 546/1.729km được phê duyệt, chiếm 32%, trong bối cảnh thời gian thực hiện chương trình cơ bản đã hết thì nhưng con số thống kê nói trên thực sự rất khiêm tốn.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, dự án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch đê biển Quảng Ninh - Quảng Nam có tính đến biến đổi khí hậu và kết hợp giao thông” được đánh giá là cần thiết và cấp bách. Dự án hứa hẹn sẽ tạo cơ sở vững chắc để lập và tiếp tục triển khai thực hiện các công trình đầu tư đảm bảo kết hợp đa mục tiêu, phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt.

Được biết, tổng hợp vốn đầu tư trong dự án quy hoạch lên đến 37.920,404 tỷ đồng, trong đó tổng vốn đầu tư xây dựng đê biển, đê cửa sông là 34.176,856 tỷ đồng, kinh phí xây dựng cây chắn sóng là 3.743,548 tỷ đồng.

Dựa trên những mặt đã làm được và những vấn đề tồn tại cần khắc phục trong chương trình nâng cấp, củng cố đê biển Quảng Ninh - Quảng Nam có xét đến yếu tố BĐKH và kết hợp giao thông, đơn vị tư vấn đề xuất phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Cụ thể giai đoạn 2016-2020 sẽ tiếp tục nâng cấp, củng cố những trọng điểm xung yếu, những tuyến đê, kè chưa được đầu tư nâng cấp, kết hợp trồng cây chắn sóng. Giai đoạn sau năm 2020 tiến hành nâng cấp những tuyến đã được đầu tư theo Quyết định 58.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm