| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao thu nhập cho nông dân ngoại thành

Thứ Sáu 31/05/2013 , 10:49 (GMT+7)

Theo định hướng phát triển nông nghiệp, TP Cần Thơ sẽ mở rộng “vành đai rau xanh” quanh thành phố.

Theo định hướng phát triển nông nghiệp, TP Cần Thơ sẽ mở rộng “vành đai rau xanh” quanh thành phố. Theo đó, sẽ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân ngoại thành.

Mở rộng vành đai xanh

Theo Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ, trong 5 năm (2006-2010), ngành nông nghiệp thành phố đã thực hiện đề án “Triển khai ứng dụng kỹ thuật sản xuất và nghiên cứu khả năng tiêu thụ rau an toàn”.

Theo đó, xây dựng được các vùng sản xuất rau an toàn tại các quận vùng ven thành phố như: Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Phong Điền. Đến nay, đã hoàn thiện xong quy trình sản xuất rau quả an toàn phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu gồm: Đậu cove, dưa leo, khổ qua, cà chua, cải tùa xại, cải bẹ xanh, cải xà lách. Ngành nông nghiệp thành phố cũng đã thực hiện dự án xây dựng "quy trình đóng gói, bảo quản sản phẩm rau an toàn theo quy mô nông hộ” tại 3 quận Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Cần Thơ còn xây dựng được 35 mô hình sản xuất rau quả an toàn tập trung trên các cây khổ qua, dưa leo, dưa hấu, rau ăn lá các loại. Các mô hình này được quản lý từ nơi sản xuất đến phục vụ cộng đồng tiêu dùng. Sở NN-PTNT Cần Thơ đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng rau, hình thành các vùng chuyên canh. Thực tế cho thấy nông dân ở vùng ngoại thành cũng từng bước tự nguyện hình thành các nhóm nông dân sản xuất rau an toàn để cung ứng sản phẩm theo nhu cầu cho thành phố và các tỉnh lân cận trong vùng để có nguồn thu nhập ổn định.


Vành đai rau xanh Cần Thơ

Trước đó, từ năm 2010 TP Cần Thơ đã xây dựng được các HTX rau an toàn ở phường Long Tuyền, Long Hòa (quận Bình Thủy); nhóm nông dân liên kết sản hẹ ở phường Thạnh Hòa (quận Thốt Nốt); vùng sản xuất rau muống ở phường Thới An (quận Ô Môn); vùng sản xuất rau ăn trái ở xã Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền).

Tính đến cuối năm 2012, TP Cần Thơ đã xây dựng và mở rộng vùng rau an toàn với diện tích canh tác 128 ha, có 343 hộ sản xuất tập trung tại các quận, huyện ngoại thành, nâng tổng diện tích trồng rau của toàn thành phố lên 539 ha, sản lượng đạt 9.499 tấn. Đây là bước khởi đầu tốt, định hình vùng sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân. Bước tiến rõ nét chính là việc nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất rau an toàn giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Sản phẩm rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thuyết phục người tiêu dùng lựa chọn. Từ đó góp phần tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

Hiệu quả cao từ mô hình

Theo phân tích của nhóm cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm Khuyến nông Cần Thơ sơ kết qua 7 mô hình nông dân liên kết trồng rau an toàn đã đạt hiệu quả kinh tế cụ thể như sau:

Tại quận Thốt Nốt, HTX Phúc Thạnh có 34 hộ nông dân với 17,5 ha chuyên trồng hẹ. Hẹ có chu kỳ sản xuất khoảng 24-36 tháng (tính từ lúc trồng mới đến khi thu hoạch và trồng lại), năng suất đạt 20 tấn/ha/đợt thu hoạch. Một năm thu hoạch 4 đợt đạt 1.402 tấn. Giá thành sản xuất khoảng 3.400 đồng/kg, tính với giá bán 7.500 đồng/kg, tỉ suất lợi nhuận đạt trên 1,8.

Ở hai quận Bình Thủy và Ô Môn có các HTX liên kết trồng rau muống với 27 hộ tham gia trên diện tích 5,3 ha, hệ số vòng quay đất lên đến 8,85 lần. Tổng diện tích gieo trồng 46,9 ha, năng suất đạt 10,6 tấn/ha, sản lượng 497 tấn, giá thành sản xuất 2.000 đồng/kg, giá bán 4.000 đồng/kg.

Mô hình liên kết trồng dưa leo của 12 hộ nông dân trồng 6 ha dưa leo, đạt hệ số quay vòng đất 2,53 lần. Tổng diện tích sản xuất 15,5 ha, năng suất đạt 27,1 tấn/ha, sản lượng đạt 420 tấn. Giá thành sản xuất 2.000-3.000 đồng/kg, bán ra bình quân 5.000-9.000 đồng/kg tùy theo thời điểm, lợi nhuận thu được 3.000-6.000 đồng/kg.

Mô hình liên kết trồng khổ qua có 5 hộ tham gia/5 ha, đạt hệ số vòng quay 2,4 lần. Tổng diện tích 12 ha, năng suất đạt 25,4 tấn/ha, sản lượng 305 tấn. Khổ qua có giá thành 2.000 đồng /kg, bán 5.000-6.000 đồng/kg, lợi nhuận thu 3.000-4.000 đồng/kg.

UBND TP Cần Thơ vừa phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp giai đoạn 2013-2015, định hướng đến 2020”. Đề án nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông hộ; xây dựng mô hình trang trại điểm. Qua đó, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Thực hiện tốt liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, phấn đấu đến năm 2020 phát triển 100 trang trại đạt tiêu chí trang trại.

Mô hình liên kết trồng dưa hấu của 16 nông dân, với 10,5 ha, hệ số vòng quay 3,8 lần. Tổng diện tích sản xuất 40 ha, năng suất đạt 30 tấn/ha, sản lượng đạt 1.197 tấn, giá thành sản xuất 2.000-2.500 đồng/kg, bán giá trung bình 4.000-5.500 đồng/kg, lợi nhuận thu được 2.000-3.000 đồng/kg.

Mô hình liên kết sản xuất bí hạt đậu của 6 hộ, canh tác trên 5 ha, đạt hệ số quay vòng 3 lần, năng suất đạt 25,6 tấn/ha, sản lượng đạt 185 tấn. Gia thành sản xuất 2.000 đồng/kg, bán ra bình quân 4.000-6.000 đồng/kg, lãi 2.000-4.000 đồng/kg.

Ở 2 quận Cái Răng và Thốt Nốt có 225 hộ sản xuất rau mùi theo hình thức tổ hợp tác liên kết, canh tác trên 69 ha, đạt hệ số quay vòng 5,18 lần, nâng tổng diện tích trồng trọt lên 358 ha, năng suất đạt hơn 12,9 tấn/ha, sản lượng 4.640 tấn. Rau mùi có giá thành sản xuất 4.000 đồng/kg, nhưng giá bán lên tới 14.000-17.000 đồng/kg tùy theo thời điểm, lãi khoảng 10.000-13.000 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Hồng Điểu, GĐ Trung tâm Khuyến nông Cần Thơ, cho rằng: Tác động biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến việc ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật. Thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức và hướng dẫn nông dân sản xuất an toàn để nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng NTM.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất