| Hotline: 0983.970.780

Nắng nóng, tôm bệnh chết hàng loạt

Thứ Sáu 27/03/2015 , 06:14 (GMT+7)

Thời tiết nắng nóng phía Nam ngày càng gay gắt dẫn đến môi trường nước trong ao tôm thay đổi, đây là một trong những yếu tố làm tôm bệnh chết hàng loạt. 

Điều đáng nói, các chủ ao vì xót ruột mà đổ vào đây nhiều loại hóa chất để xử lý, tốn tiền mà không có kết quả.

Theo phản ảnh của các hộ nuôi, chúng tôi về xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, là địa phương đang có diện tích thả nuôi 108 ha nhưng có gần 40 ha tôm mới thả chưa đến 30 ngày là bị mất trắng hoàn toàn.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, cán bộ thú y xã cho hay, tôm chết phần lớn do bị đốm trắng. Ông nói: "Năm 2014 thời điểm này nuôi "êm" lắm, năm nay không hiểu lý do gì mà bỗng nhiên tôm bệnh nổi đầu tấp mé hàng loạt. Đối với những hộ thả nuôi có khai báo kiểm dịch với chính quyền thì được hỗ trợ thuốc Chlorine để xử lý ao, bình quân 1.000m2 là 20 kg".

Đối mặt bệnh đốm trắng

Đang lúi cúi sửa lại máy bơm, ông Ngô Thanh Liêm, ấp Mường Chài thở dài: “Tui thả 3 ao tổng cộng 3.500m2, vừa rồi thả 200 ngàn con giống tôm thẻ chân trắng mua ở Vũng Tàu giá 50 đồng/con tôm post 12, nuôi chưa tới 1 tháng, tôm lớn hơn đầu đũa thì chết hàng loạt nổi lên đỏ cả ao. Xem như tiền giống, thức ăn, dầu máy bơm mất đứt gần 50 triệu đồng. Bây giờ tui đang xử lý ao bằng Chlorine, chờ đến giữa tháng 4 mới dám thả tiếp”. 

Nằm cách ao ông Liêm khoảng 500 m là 2 ao tôm của ông Nguyễn Thanh Phú có tổng DT 5.000m2. Mặc dù ông Phú thả giống của Cty CP mua với giá 100 đ/con tôm post 12, tuy giá cao nhưng cũng mới 20 ngày thì tôm trong ao vẫn chết sạch. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Phú cho biết tôm ở khu vực này chết đều có dấu hiệu của bệnh đốm trắng và gan.

"Đây là bệnh cũ, người nuôi tôm đã biết phòng ngừa, đánh thuốc xử lý ao rất kỹ nhưng tôm vẫn rớt, chết hàng loạt. Có lẽ do thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước ở đây chưa được xử lý triệt để nên bệnh dễ lây lan từ ao này sang ao khác", ông Phú quả quyết.

Đến xã Phước Vĩnh Đông, nơi nhiều hộ nuôi tôm thẻ cũng đứng ngồi không yên khi gần một tháng qua, tôm nuôi cứ nổi lêu bêu. Nhiều ao sau khi tôm chết được bỏ hoang, có người cố gắng xử lý cải tạo chờ 1-2 tháng tới khi có cơn mưa đầu là thả vụ mới hi vọng gỡ lại ít vốn.

Ông Phan Văn Ngưng ở ấp Đông Bình buồn rầu cho biết: “Gia đình tui nuôi 2 ao tổng cộng 8.000m2, một ao tôm thẻ, ao còn lại tôm sú. Vào đầu tháng 3, tui thả tổng cộng 400 ngàn con (bình quân mật độ 50 ngàn con/1.000m2. Nhưng nuôi được 3 tuần, ngày 22/3 thấy tôm có dấu hiệu bệnh, bỏ ăn, lờ đờ, dạt vào 2 bên mép ao.

Khi kiểm tra tôi nghi ngờ bệnh đốm trắng, với tâm lý xót của, còn nước còn tát tôi đã xử lý nhiều loại hóa chất nhưng sau 2-3 ngày là tôm chết và không thể cứu được”.

Theo bà Lê Thị Diệu, Phó phòng Thú y Thủy sản (Chi cục Thú y tỉnh Long An), từ đầu năm 2015 đến thời điểm 25/3, diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn tỉnh là 1.650 ha/6.000 ha kế hoạch, trong đó DT tôm thẻ là 1.322 ha, chiếm 81%. Theo thống kê, diện tích thiệt hại là 180 ha, trong đó chủ yếu tôm thẻ.

Tôm chết tập trung chủ yếu ở xã Phước Lại, Phước Vĩnh Tây, Phước Vĩnh Đông, Tân Tập (Cần Giuộc); xã Tân Ân, Tân Chánh (Cần Đước), xã Nhựt Ninh (Tân Trụ); xã Thuận Mỹ, Thanh Vĩnh Đông (Châu Thành).

"Hiện nay dịch bệnh đốm trắng đang xảy ra tại huyện Cần Giuộc, hầu hết các ao đầm đang bỏ trống chờ cải tạo lại chuẩn bị thả nuôi tiếp vụ sau. Từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh tăng cao so cùng thời điểm năm 2014, nguyên nhân là do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng vào ban ngày và trở lạnh vào ban đêm, nhiệt độ chênh lệch cao giữa ngày và đêm đã gây bất lợi cho người nuôi" (bà Lê Thị Diệu).

Tôm chết ở giai đoạn 20-35 ngày tuổi. Hiện nay dịch bệnh đốm trắng đang xảy ra tại huyện Cần Giuộc, hầu hết các ao đầm đang bỏ trống chờ cải tạo lại chuẩn bị thả nuôi tiếp vụ sau.

Dân "đổ" đủ loại hóa chất

Thấy tôi đứng quan sát các chai thuốc thủy sản nằm lăn lóc trong chòi tôm của ông Liêm, anh Huỳnh Trọng Nhân, cán bộ kiểm dịch thủy sản huyện Cần Giuộc đi cùng nói: "Từng ấy có nhầm nhò gì, bây giờ cả trăm loại vi sinh, thuốc, dinh dưỡng dùng cho ao tôm không thể biết hết đâu".

Vẫn theo anh Nhân, hiện nay thuốc thú y thủy sản không chỉ bán ở các đại lý cấp 1, cấp 2 mà các công ty còn đưa cả nhân viên đến từng ao nuôi tiếp thị. Thậm chí có công ty còn mở cả phòng xét nghiệm (test) để kiểm tra pH, độ mặn, NH3... nước nuôi tôm như của Cty TNHH Nghiên cứu và SX Đất Việt (quận Bình Thạnh, TP.HCM) để tư vấn kỹ thuật với mục đích chính là bán thuốc.

"Nhưng cách đây mấy tháng, các cơ quan chức năng của huyện bất ngờ kiểm tra phòng test của Cty này phát hiện "lậu", không được cơ quan thẩm quyền cấp phép. Sau đó huyện đã ra quyết định đình chỉ hoạt động", anh Nhân nói.

Ngay tại ao nuôi của ông Liêm, chúng tôi đếm tổng cộng có 12 loại thuốc của 7 công ty khác nhau "đổ" vào ao. Nào là vi sinh xử lý đáy (ao); thức ăn bổ sung; thuốc bổ gan, máu; thuốc giải độc gan; thuốc diệt khuẩn... "Nhiều loại quá tui cũng không nhớ hết tên. Trong lúc tôm đổ bệnh, mấy nhân viên của một số công ty thuốc thay nhau đến tận ao tư vấn bán thuốc "phối hợp" nhưng cuối cùng tiền mất, tôm vẫn chết!".

15-44-20_h3
Ông Ngô Thanh Liêm, ấp Mường Chài, xã Phước Lại "khoe" một số thuốc, men, dinh dưỡng được dùng trong quá trình nuôi và khi tôm bị bệnh

Các loại thuốc mà ông Liêm còn nhớ đã sử dụng trong thời gian con tôm bị bệnh bao gồm MK-Dine diệt khuẩn; Bio Zym (men); Vitamin C; Khoáng MC-One; Men tiêu hóa Prozym; Bitalocan (thuốc bổ); Yucca (hấp thụ khí độc trong ao) và "bộ 3" sản phẩm trị bệnh gan tụy là EMS-F, EMS-4 và EM-G.

"Tâm lý nông dân là tiếc của, nên cứ nghe thuốc nào hay là đem dùng thử, biết tôm bị bệnh đốm trắng là bó tay, nhưng các công ty bán thuốc quảng cáo quá hay nên vẫn hy vọng...", ông Liêm bộc bạch.

Bà Mười Minh, chủ đại lý bán thức ăn thủy sản ở ấp 3, xã Phước Tây cho biết, trước đây doanh số mỗi ngày đại lý bán ra khoảng 100 triệu đồng, nay chưa đến 20 triệu vì tình hình tôm chết xảy ra hàng loạt. "Người nuôi tôm báo với chính quyền thì ít, còn người nuôi không báo thì nhiều bởi phần lớn người ta tự bắt giống không qua kiểm dịch về thả nuôi".

Vẫn theo bà Minh, nắm bắt tình hình tôm dịch bệnh, nhiều công ty kinh doanh thuốc thú y thủy sản nhanh nhảu tiếp thị một số mặt hàng thuốc có giá khoảng 200 ngàn đồng/chai 500 ml nhưng chỉ sử dụng 1 lần cho 1 ao 1.000m3 nước (1.000 m2 đất).

"Hiện nay tôi đang giữ đây chưa dám bán ra bởi mới đọc qua thông tin trên bao bì đã thấy họ nói quá đáng, không đúng sự thật. Cụ thể, chai VinaKong 1 lít giá 300 ngàn đồng của một Cty ở quận Gò Vấp,TP.HCM ghi là "Made in USA, thuốc diệt khuẩn cực mạnh, virus gây bệnh đốm trắng, đầu vàng", bà Minh chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm